TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XIV Thường Niên -Năm B

“Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương”. (Mc 6, 1-6)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN – B

Thứ bảy - 22/06/2024 14:19 |   95
Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin. (Mc 6,5-6)

07/7/2024
CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN – B

cn t134 TNb

Mc 6, 1-6

 
KHÔNG TIN, KHÔNG CÓ PHÉP LẠ
Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin. (Mc 6,5-6)

Suy niệm: Xuyên suốt Tin Mừng, phép lạ chỉ xảy ra đối với những kẻ có lòng tin. Có lần Chúa Giê-su lên tiếng khen ngợi chính lòng tin đã cứu chữa người bệnh. Có người bị Chúa trách “kém tin”, nhưng với chút lòng tin còn yếu kém đó, họ cũng được Chúa ban phép lạ và lòng tin của họ được củng cố mạnh mẽ hơn. Nhờ niềm tin vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa, mà họ đã được chữa lành trở nên con người mới. Hơn nữa, Chúa Giê-su còn thúc giục họ gia tăng lòng tin vào Con Thiên Chúa để cũng làm được những phép lạ như Ngài (x. Mt 17,20). Nhưng tiếc thay hôm nay, nơi quê quán Ngài, Chúa không thể làm phép lạ, vì họ không có lòng tin.

Mời Bạn: Với nhiều người, nhất là người trẻ thời nay, niềm tin tôn giáo là không đáng tin vì thiếu những bằng chứng thực nghiệm. Thế nhưng bên cạnh những phát biểu đầy tự phụ ấy, trong thời đại dịch này, người ta cũng dễ dàng nhận ra rằng, con người thật là yếu ớt, và khả năng của con người cũng đụng phải những giới hạn. Chúa nói với dân thành Na-da-rét, Ngài không làm phép lạ vì họ không tin. Chúa không hứa sẽ làm cho bệnh dịch biến đi trong một cái nháy mắt, nhưng nếu chúng ta có lòng tin, chúng ta sẽ thấy những điều kỳ diệu hơn thế nữa (x. Ga 1,50).

Sống Lời Chúa: Thánh Phao-lô dạy đức tin có là nhờ nghe lời rao giảng, mà lời rao giảng của các tông đồ được ghi lại trong Kinh Thánh (Rm 10,17). Vậy mời bạn siêng năng suy niệm Lời Chúa để tăng thêm niềm tin.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm niềm tin còn yếu đuối của chúng con.

Ngày 7: Lạy Chúa! Chúa đã tỏ lòng tha thứ cho những người giết Chúa ngay tại thời điểm dường như bị Cha bỏ rơi: “Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con!”. Lòng bao dung với giây phút cô đơn tột cùng, khiến Chúa hoàn toàn thuận theo ý Cha và để cho ý Cha nên trọn. Ước gì chúng con cũng nói được như Chúa: Lương thực nuôi sống chúng con chính là thánh ý Chúa, để trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng con cũng dâng lên Chúa, lời tri ân cảm tạ, bởi lẽ, Chúa luôn biết điều gì tốt nhất cho chúng con trong chính giây phút này, ngay tại thời điểm đó. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XIV Thường Niên -Năm B

Dẫn vào thánh lễ

Anh chị em thân mến! Các bài đọc hôm nay giới thiệu cho chúng ta ba vị tiên tri cùng chung mọt số phận. Đó là Ezekiel, thánh Phao-lô và Chúa Giê-su. Ba vị đều bị xua đuổi, khước từ tại chính quê hương của mình, lý do đơn giản chỉ vì sứ điệp mà các vị rao giảng. Cả ba đều gặp sự chống đối quyết liệt của các thính giả ương ngạnh, kiêu căng trong chính dân tộc mình.

Thời ngôn sứ Ezekiel thì dân Israel tỏ ra là một dân phản nghịch, chống lại Thiên Chúa, mặc dù Thiên Chúa một mực yêu thương tha thứ cho họ. Thời Chúa Giê-su thì dân làng Narazeth đồng hương của Chúa Giê-su không tin Người, mặc dù họ thấy Người khôn ngoan lạ thường ở các làng chung quanh. Phải chăng vì lòng người cao ngạo hẹp hòi, mù quáng và thành kiến? Họ muốn Thiên Chúa phải lệ thuộc vào họ, phải làm những điều họ muốn và theo cách họ nghĩ.

Dân Chúa ngày hôm nay và bản thân mỗi người chúng ta phải làm thế nào để trở thành những người con hiếu thảo của Thiên Chúa? Trước hết chúng ta hãy thống hối ăn năn

Ca nhập lễ

Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa với tiếng reo vui.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dủ lòng thương nhận chúng con làm nghĩa tử để chúng con trở thành con cái ánh sáng; xin đừng để chúng con sa vào cảnh tối tăm lầm lạc nhưng gìn giữ chúng con luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ed 2, 2-5

“Ðây là nhà phản loạn, và họ sẽ biết rằng giữa họ vẫn có một tiên tri”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Trong những ngày ấy, sau khi nói với tôi, Thần Linh nhập vào tôi, và đỡ tôi đứng dậy. Tôi nghe Người nói với tôi rằng: “Hỡi con người, Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân nổi loạn phản nghịch Ta, chúng và cha ông chúng vi phạm giao ước của Ta cho đến ngày nay. Ta sai ngươi đến để nói với những con cái dầy mặt cứng lòng rằng: ‘Chúa là Thiên Chúa phán như vậy’. Hoặc chúng nghe, hoặc chúng không nghe, vì đây là bọn phản loạn, và chúng sẽ biết rằng giữa chúng có một tiên tri”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 122, 1-2a. 2bcd. 3-4

Ðáp: Mắt chúng con nhìn vào Chúa, cho tới khi Người thương xót chúng con (c. 2cd).

Xướng: Con ngước mắt nhìn lên Chúa, Ngài ngự trị ở cõi cao xanh. Kìa, như mắt những người nam tôi tớ, nhìn vào tay các vị chủ ông. 

Xướng: Như mắt của những người tỳ nữ, nhìn vào tay các vị chủ bà, mắt chúng tôi cũng nhìn vào Chúa, là Thiên Chúa của chúng tôi như thế, cho tới khi Người thương xót chúng tôi. 

Xướng: Nguyện xót thương, lạy Chúa, nguyện xót thương, vì chúng con đã bị khinh dể ê chề quá đỗi! Linh hồn chúng con thật là no ngấy lời chê cười của tụi giàu sang, nỗi miệt thị của lũ kiêu căng. 

Bài Ðọc II: 2 Cr 12, 7-10

“Tôi rất vui sướng khoe mình về những sự yếu hèn của tôi, để sức mạnh của Ðức Kitô ngự trong tôi”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, để những mạc khải cao siêu không làm cho tôi tự cao tự đại, thì một cái dằm đâm vào thịt tôi, một thần sứ của Satan vả mặt tôi. Vì thế đã ba lần tôi van nài Chúa, để nó rời khỏi tôi. Nhưng Người phán với tôi rằng: “Ơn Ta đủ cho ngươi, vì sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối”. Vậy tôi rất vui sướng khoe mình về những sự yếu hèn của tôi, để sức mạnh của Ðức Kitô ngự trong tôi. Vì thế, tôi vui thoả trong sự yếu hèn của tôi, trong sự lăng nhục, quẫn bách, bắt bớ và khốn khó vì Ðức Kitô: vì khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh mẽ.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1 Pr 1, 25

Alleluia, alleluia! – Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh em. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6, 1-6

“Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Ðến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người.

Chúa Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Sự cao ngạo sẽ không bao giờ có lối dẫn người ta đến gặp Thiên Chúa, trái lại còn làm cho con người xa Chúa và có thể giết chết sự sống. Vậy giờ đây chúng ta hãy khiêm tốn nguyện xin:

1. “Ta sai ngươi đến với…dân nổi loạn phản nghịch Ta…” – Xin Chúa trở nên nguồn vui và nguồn an ủi cho các vị chủ chăn, để giữa những chống đối, các ngài vẫn can đảm loan truyền lời chân lý đến cho mọi người.

2. Tôi vui thỏa trong sự …lăng nhục, bắt bớ, khốn khó vì Đức Ki-tô” – Xin trợ giúp các tín hữu, để khi họ bị hiểu lầm, thua thiệt, chống đối vì mang danh Ki-tô hữu, họ vẫn không nản chí thất vọng, nhưng luôn trung thành sống đức tin đã lãnh nhận.

3. “Ông này chẳng phải là bác thợ mộc sao? Họ vấp phạm vì Người” – Xin cho các tội nhân đừng vì hàng rào thành kiến, nghi kỵ đối với các vị có trách nhiệm rao giảng Lời Chúa, mà ngụy biện cho cuộc sống tội lỗi của mình, nhưng biết thành tâm, đón nhận những lời kêu gọi sám hối trở về cùng Chúa.

4. “Ở đó Người không làm phép lạ nào được” – Xin cho mọi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta được tâm hồn rộng mở trước ánh sáng thần linh, để Chúa có thể thực hiện được những điều kỳ diệu nơi chúng ta.

Chủ tế: Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, xin cho chúng con biết đặt hết niềm tin vào Chúa qua sự trung thành giữ các giới răn, để chúng con trở thành những người con hiếu thảo của Chúa Cha. Xin cho tình thân nghĩa Chúa dành cho không thành lời khiển trách như những người làng Narazeth, nhưng là niềm vinh dự và hạnh phúc cho chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa dùng các bí tích để ban phát ơn cứu độ; xin cho cộng đoàn chúng con biết cử hành lễ tế thờ phượng này với tinh thần phục vụ của Ðức Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ca hiệp lễ

Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi hãy chúc tụng thánh danh Người.

Hoặc đọc:

Chúa nguyện rằng: Lạy Cha, Con cầu xin cho chúng, để chúng nên một như Ta, hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chúng con vừa dâng lễ tạ ơn và đã được rước Mình và Máu Con Chúa là nguồn mạch sức sống dồi dào; xin cho chúng con hằng gắn bó cùng Chúa để sinh hoa quả tồn tại đến muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Tiên tri ở quê hương mình

Qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay chúng ta thấy Chúa Giêsu không phải chỉ là một tiên tri như những tiên tri khác, mà Ngài chính là Con Thiên Chúa. Thế nhưng Ngài đã phải đụng đầu với sự cứng lòng tin của chính những kẻ đồng hương với Ngài. Theo tập tục thì mọi người Do Thái ở tuổi trưởng thành đều có thể lên tiếng khi tham gia phụng vụ tại hội đường. Chúa Giêsu đã sử dụng quyền này của Ngài và lên tiếng rao giảng Phúc Âm. Nội dung rao giảng hẳn phải có một cái gì khác lạ với những điều từng được rao giảng tại đây. Khác đến độ mọi người đều có thể nhận ra và sửng sốt trước sự khôn ngoan của Ngài. Thực tế trước mắt đã khởi sự lay động họ, kéo họ ra khỏi giấc ngủ yên tĩnh giữa những cái biết rồi, đẩy họ vào con đường của những khám phá mới. Thế nhưng những câu hỏi chỉ loé lên trong thoáng chốc không đủ để chiếu sang cho họ tới được với Đấng đã đến giải phóng họ. Họ đã bỏ thực tế để trở về với lối lý luận thông thường của họ. Họ tưởng rằng họ đã biết quá rõ về Ngài khi nói ra được Ngài là con ai, đã làm gì và ai là những người thân thích với Ngài. Họ đã trở về với những cái họ đã nắm được để rồi quay lưng trước lời kêu gọi của thực tế trước mắt. Điều họ mắt thấy tai nghe đã đánh động để họ phải đặt lại vấn đề, thế nhưng họ đã đóng chặt cửa lòng trước những cái mới mẻ đã từng làm cho họ sửng sốt và ngạc nhiên. Họ tự tách mình ra khỏi Nước Trời đang đến với họ. Phúc Âm còn ghi lại: thấy họ cứng lòng tin, Chúa Giêsu đã không làm một phép lạ nào, nghĩa là Ngài đã không tỏ quyền năng của Nước Trời cho họ và Ngài đi rao giảng ở những làng xung quanh.

Thái độ của dân làng Nadarét cũng có thể là cơn cám dỗ của người Kitô hữu hôm nay. Chúng ta có thể tự hào và tự mãn với những bài giáo lý, những hiểu biết về đạo, để rồi quay lung trước lời mời gọi của Chúa trong những sự kiện, những biến cố đang xảy ra chung quanh chúng ta. Nói cách khác, việc sống đạo của chúng ta hôm nay không thể đóng khung trong một số kiến thức có sẵn về Thiên Chúa, về ơn cứu độ, cũng như trong một số nghi lễ đã được quy định sẵn, trái lại phải được thể hiện qua việc lắng nghe, tìm kiếm ý định của Chúa trong lịch sử, trong chính lòng cuộc đời cá nhân và trong sinh hoạt của cộng đồng xã hội. Vấn đề là chúng ta có thực sự thoát ra được những thành kiến, những quan niệm, những lối nhìn sẵn có để thực sự lắng nghe tiêng nói mới mẻ của Chúa qua các biến cố, qua các sự kiện của thực tế hôm nay.

Thân phận người sứ giả

Sứ giả là người được chọn lựa và được sai đi để loan truyền Tin Mừng cho muôn dân, là người nói nhân danh Thiên Chúa.

Đức Kitô là vị Thiên Sai đến mạc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa và những ý định của Ngài, nhờ đó chúng ta được cứu độ. Trong đời sống công khai, Ngài đã bị chống đối và khinh miệt, như lời thánh Gioan đã viết: Ngài đã đến nhà Ngài, nhưng gia nhân đã không tiếp nhận Ngài.

Phải chăng đó cũng chính là sái số phận của người sứ giả, của người tông đồ, vì Chúa Giêsu cũng đã bảo: Môn đệ không trọng hơn Thầy, người ta đã bắt bớ Thầy thì người ta cũng sẽ bắt bớ các con. Thực vậy, ngày hôm nay, Chúa Giêsu trở về Nadarét để rao giảng Tin Mừng, nhưng Ngài đã bị chính những người đồng hương chống đối, rồi trên khắp nẻo đường xứ Palestina, Ngài đã loan truyền Phúc Âm, đã chữa lành những tật bệnh đem lại mọi lợi ích cho con người, thế nhưng họ đã dám cho Ngài lấy quyền phép ma quỷ mà làm những việc đó. Ngài mạc khải Thiên Chúa là Cha và mình là Con, thì họ cho Ngài là kẻ phạm thượng, bị quỷ ám và điên khùng. Ngài đến đem bình an, chân lý và thiết lập nước Thiên Chúa thì bị mang tiếng là xách động là phản loạn. Họ bắt bớ và kết án Ngài tử hình trên thập giá. Sau cùng Ngài đã bị đóng đinh giữa hai tên trộm cướp.

Thân phận của người sứ giả là như thế và Chúa Giêsu cũng đã xác định cho các tông đồ: Các con sẽ phải đau khổ, khóc lóc, sẽ bị bắt bớ và điệu ra toà. Và như chúng ta thấy: Cuộc đời người sứ giả của Thiên Chúa phải gắn liền với thập giá và khổ đau, vì nơi thập giá, ơn cứu độ được biểu hiện qua sự chết và phục sinh của Đức Kitô. Bởi vì đau khổ là đường lên ánh sáng, gian khổ là đường về vinh quang và thập giá tới phục sinh và là điểm tựa cho người sứ giả để can đảm loan truyền lời Chúa.

Họ không sợ hãi vì có sức mạnh thần linh yểm trợ. Nơi thập giá, sức mạnh của Thiên Chúa thể hiện và sự yếu đuối của con người gặp được sự khôn ngoan tuyệt vời của Thiên Chúa. Thập giá giải hoà con người với Thiên Chúa và đem lại ơn cứu độ. Số phận của người môn đệ phải đồng hoá với số phận của Thầy chí thánh, bởi vì chính Chúa cũng đã ra điều kiện: Ai muốn theo Ta phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta.

Người môn đệ không phải chỉ chết cho mình mà còn chết cho người khác. Đúng thế, thập giá họ vác chính là dấu chỉ họ chết cho thế gian. Họ sung sướng và hãnh diện vì được chịu khổ đau như thánh Phaolô đã viết: Phần tôi chẳng bao giờ tôi dám vênh vang, ngại trừ nơi thập giá Đức Kitô, Đấng đã đóng đinh thế gian cho tôi và tôi cho thế gian. Trong những giờ phút đen tối, họ nhìn vào thập giá Đức Kitô và tìm thấy ở đó một lý tưởng, một sức mạnh, một kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình.

Trước những hy sinh gian khổ chúng ta đã có thái độ nào: sẵn sàng chấp nhận chịu đóng đinh với Đức Kitô nghĩa là dám hy sinh, từ bỏ ý riêng để phục vụ ý Chúa hay không? Đức Kitô có phải là nguyên lý cứu độ hay đã trở nên cớ cho chúng ta vấp phạm.

Không làm được phép lạ

Suy Niệm

Đức Giêsu giảng dạy ở hội đường tại quê nhà. Phản ứng của dân làng là hết sức ngạc nhiên trước sự khôn ngoan trong lời Ngài giảng.

Nếu họ chân thành tìm kiếm họ có thể nhận ra khuôn mặt thật của người họ quá quen.

Tiếc thay người làng Nagiaréth đã không đủ vô tư. Họ bị ám ảnh bởi quá khứ của Ngài, và họ không sao ra khỏi những định kiến sẵn có.

“Ông ta không phải là bác thợ sao?”

Một bác thợ sống bằng đôi tay như bao người. Một bác thợ trong làng, âm thầm và khiêm tốn, sống bao năm ở đây không một chút hào quang.

Họ cũng bị ám ảnh bởi cái hiện tại trước mắt: Bà Maria và các anh em, chị em của ông, tất cả vẫn đang sống rất đỗi bình thường, như những người láng giềng gần gũi.

Một quá khứ và hiện tại như thế đã khiến họ vấp phạm.

Họ không tin Ngài là một Ngôn Sứ, lại càng không thể tin Ngài là Mêsia, và chắc chắn họ chẳng bao giờ dám nghĩ rằng mình là người đồng hương với Ngôi Hai Con Thiên Chúa.

Không chắc chúng ta đã khá hơn người làng Nagiaréth.

Hôm nay chúng ta vẫn có thể bị đóng khung trong một cái nhìn nào đó về Đức Kitô, khiến chúng ta chỉ thấy một phần khuôn mặt của Ngài.

Có những người chúng ta rất quen, sống sát bên ta, nhưng chúng ta chẳng hiểu mấy về họ.

Những gì tôi biết về họ là đúng, nhưng không đủ.

Mỗi người là một mầu nhiệm cần khám phá suốt đời.

Cần phải ra khỏi mình, ra khỏi cái nhìn khô cứng để gặp được mầu nhiệm tha nhân, để thấy người khác bằng cái nhìn luôn luôn mới.

Chúng ta thường nói đến một Thiên Chúa toàn năng, nghĩa là Đấng làm được mọi sự. Nhưng Đức Giêsu tại Nagiaréth lại cho ta thấy hình ảnh một Thiên Chúa yếu đuối và bất lực.

Ngài bó tay trước sự cứng lòng của con người.

Đức Giêsu đã không thể làm được phép lạ nào ở đó.

Thế mới hay con người có khả năng cản trở Thiên Chúa, có thể dùng chính tự do Ngài ban để khước từ Ngài.

Phép lạ là quà tặng cần được đón nhận với lòng tin.

Phép lạ không phải là phù phép áp đặt trên người nhận.

Có bao điều lạ lùng Thiên Chúa định làm cho đời ta, mà Ngài không làm được, vì không được làm.

Nên thánh là để cho Ngài yêu thương ta, để cho Ngài tự do hoạt động trong đời ta. Lúc đó đời ta sẽ trở nên một kỳ công của Thiên Chúa, và nhờ Ngài, ta có thể làm được những kỳ công.

Gợi Ý Chia Sẻ

Quá khứ của một người có thể làm chúng ta không thấy sự thật về người đó. Bạn có khi nào giống như người Nagiaréth không?

Có khi nào bạn thấy Thiên Chúa bị bó tay, chỉ vì bạn khăng khăng từ khước không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

Dân làng Nagiaréth đã không tin Chúa vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.

Các môn đệ đã không tin Chúa khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.

Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa chỉ vì Chúa sống như một con người.

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa hiện diện dưới hình bánh mong manh, nơi một linh mục yếu đuối trong một Hội Thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình nơi những gì thế gian chê bỏ, để chúng con tập nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con để khiêm tốn thấy Ngài tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.

HƯỞNG PHÚC TRƯỜNG SINH
(CHÚA NHẬT TUẦN 14 TN NĂM B)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 14 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: nhờ Con Chúa hạ mình xuống, Chúa đã nâng loài người sa ngã lên. Xin Chúa rộng ban cho các tín hữu Chúa niềm vui thánh thiện này: Chúa đã thương cứu họ ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, thì xin Chúa cũng cho họ được hưởng phúc trường sinh.

Muốn hưởng phúc trường sinh, thì phải nghe lời các ngôn sứ: sám hối quay về với Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Samuen quyển II cho thấy: Nghe dụ ngôn của ngôn sứ Nathan rồi, vua Đavít chưa nhận lỗi ngay đâu. Nhưng ông vốn có tâm hồn ngay thẳng, không đóng kín khi gặp ánh sáng. Khi được soi sáng rồi, ông khiêm tốn nhận lỗi, và dẫn đầu những ai thành tâm sám hối trong lịch sử thánh: Tội lỗi con nhiều hơn cát biển, và cứ mãi gia tăng; con không đáng nhìn trời, bởi tội lỗi con nhiều vô số. Con đã chọc giận Chúa, dám làm điều dữ trước mắt Ngài. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa.

Muốn hưởng phúc trường sinh, thì phải ăn năn đau đớn vì tội đã phạm, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói: Khi đã trót phạm tội, chúng ta hãy đau đớn buồn phiền, vì tội lỗi làm phiền lòng Thiên Chúa. Điều gì làm mất lòng Thiên Chúa, thì cũng phải làm đau lòng chúng ta, bởi lẽ, điều gì ở nơi bạn khiến bạn buồn phiền, thì Đấng tác tạo nên bạn cũng gớm ghét điều ấy… Lạy Chúa, tội lỗi con làm con nhức nhối như mũi tên cắm phập vào mình. Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy.

Muốn hưởng phúc trường sinh, thì đừng cứng đầu cứng cổ trước lời mời gọi sám hối của các ngôn sứ, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách ngôn sứ Êdêkien tường thuật lại: Ta sai ngươi đến với con cái Ítraen, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta. Chúng vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 122, vịnh gia cũng kêu gọi: Mắt chúng ta hướng nhìn lên Chúa, tới khi Người xót thương chút phận. Như mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ, mắt chúng ta cũng hướng nhìn lên Chúa là Thiên Chúa chúng ta, tới khi Người xót thương chút phận. Muốn hưởng phúc trường sinh, thì phải chấp nhận bị bách hại, để trở nên dấu chứng ngôn sứ cho thế giới hôm nay, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình. Chúng ta là loài phản loạn, vì thế, chúng ta phải luôn ý thức có một ngôn sứ đang ở giữa chúng ta, để chúng ta luôn biết sám hối quay về với Chúa, như mắt gia nhân hướng nhìn tay ông chủ, như mắt nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ. Mỗi người chúng ta cũng được Chúa giao cho sứ mạng làm ngôn sứ trong thế giới này. Số phận của các ngôn sứ là phải chịu bị bách hại, bị loại trừ, bị khinh rẻ vì Danh Đức Kitô. Ước gì chúng ta luôn biết can đảm làm chứng cho Chúa, bằng một đời sống chứng tá mang đậm tính ngôn sứ, giữa một thế giới đang cố nhắm mắt, bịt tai trước lời mời gọi: đến hưởng ơn cứu độ của Chúa. Chúa đã hạ mình xuống, để nâng loài người sa ngã lên. Chúa đã thương cứu chúng ta ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, thì ước gì chúng ta đừng đánh mất phúc trường sinh mà Chúa đã dành sẵn cho chúng ta. Ước gì được như thế!

 

Tin Mừng Chúa Nhật XIV Thường Niên -Năm B

CN14TNb 2

Mc 6, 1-6
“Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
          
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Ðến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người.
          
Chúa Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.
          
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIV Thường Niên -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm


 

 

MỘT CHIỀU KÍCH CỦA LÒNG TIN
Chúa Nhật XIV TN B (Mc 6,1-6) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Không ai phủ nhận tầm quan trọng của lòng tin trong tương quan giữa con người. Thiếu lòng tin thì hình như khó mà có những sự tốt đẹp đựơc dệt xây. Không có hợp đồng, không có cam kết, không có ký thác hay thậm chí chẳng có sự qua lại với nhau. “Chúa Giêsu đã không thể làm được phép lạ nào tại quê hương của Người; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ cứng lòng tin.” (6,6).
          
Đức tin là một trong ba nhân đức đối thần đem lại cho ta sự sống đời đời. Mặc dù là ân ban cách nhưng không của Thiên Chúa, nhưng đức tin không phải là thứ gì đó trên trời rơi xuống. Đức tin còn được dệt thành bằng những nỗ lực đáp trả rất tự nhiên của con người chúng ta. Một trong những nỗ lực đáp trả của chúng ta đó là lòng tin vào nhau. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, hình ảnh không bao giờ là cái mà nó phản ảnh và hình ảnh cũng không thể phản ảnh chính xác, đầy đủ cái nó phản ảnh. Tuy nhiên, Khi ta coi thường cái hình, khi ta loại bỏ cái ảnh thì ta rất khó đạt đến thực tại. Cũng thế, khi không tin vào con người, thì chúng thật khó mà có được lòng tin vào Thiên Chúa.
          
Bài trích sách Tiên tri Êzêkiel tường thuật lời của Thiên Chúa: “Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay. Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá, chính Ta sai ngươi đến với chúng” (Ed 2,3-4). Chúng ta đừng quên rằng để bày tỏ ý định và chương trình của mình thì Thiên Chúa thường bày tỏ qua trung gian những con người, như các sứ ngôn. Thỉnh thoảng Chúa sai các Thiên sứ đến trần gian, nhưng cũng dưới hình dạng con người. Như thế, khi ta đón nhận những con người Chúa sai đến là ta tin vào Người.
            
Khi Chúa Giêsu trở về Nagiarét, người đồng hương của Người thoạt đầu kinh ngạc về những sự lạ lùng nơi Người. Không chỉ nghe tiếng đồn từ Caphanaum mà giờ đây chính tai, mắt họ trực tiếp nghe và chứng kiến sự khôn ngoan và uy quyền của Người. “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như thế nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” (6,3). Thế nhưng, thay vì nhìn nhận hiện thực, nhìn nhận một Giêsu như hiện nay, thì họ đã vội quay về với quá khứ. “Ông ta không phải là bác thợ mộc ư?” Và chuỗi quá khứ của ông thợ mộc Giêsu cùng gia cảnh của ông ta hiện ra trong tâm trí người Nagiarét. Một quá khứ của một con người bình thường, chưa muốn nói là tầm thường theo cách đánh giá của con người thời bấy giờ. Và họ đã cứng lòng tin.
          
Người ta khó mà tin vào nhau một khi mãi khư khư có định kiến về nhau. Phận người chúng ta ai lại không có một quá khứ. Nhắc đến quá khứ của mình, thì ta thường kể lể các chiến công, những thành đạt. Nhóm thanh niên vốn rất sợ cái cảnh các cụ cao niên huyên thuyên về quá khứ oanh liệt của các cụ. Dù cho bọn trẻ có đứa há hốc mồm, tròn xoe mắt, hay có đứa gật gà buồn ngủ thì các cụ vẫn không thấy mệt khi kể về sự oanh liệt của một thời đã qua, cho dù không biết lần kể này là lần thứ mấy. Nếu nói đến quá khứ của tha nhân, thì hình như chúng ta ít nhớ những điều tốt đẹp mà lại khó quên những chuyện không hay, những hạn chế, khuyết điểm của họ, đặc biệt khi họ là đối tượng ta không thân thích hay ta có một chút ganh tỵ nào đó.
          
Là người, ai ai cũng có mặt nào đó hạn chế, chủ quan hay khách quan. Dù được những ơn mặc khải phi thường thì Thánh Phaolô cũng đã nhìn nhận: Thân xác Ngài đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến để vả mặt Ngài (x.2Cor 12,7). Nếu ta cứ dán mắt vào những khiếm khuyết và giới hạn của nhau thì làm sao ta xây dựng được niềm tin vào nhau? Người dân cùng quê với Chúa Giêsu đã không vượt qua được tâm lý này. Họ cứ mãi bị in trí bởi gia cảnh đơn hèn của Người và thế là họ đã không thể đón nhận Người như hiện nay, một vị Thầy đầy quyền uy trong lời nói cũng như trong hành động.
          
Tin là đón nhận nhau ngay trong giây phút hiện tại. Nhận nhau như nhau là, hiện nay, giờ này, thì cần phải khép lại quá khứ của nhau. Làm sao có thể tin nhau khi mà ta còn xét lý lịch của nhau đến cả ba bốn đời? Làm sao có thể tin nhau khi mà ta cứ mãi mang lấy thành kiến về nhau. Heraclitus đã nói: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Con người là hữu thể đang chuyển thành. Đóng khung nhau trong thành kiến của mình là ta vô tình biến tha nhân thành một đồ vật bất biến. Đã là đồ vật thì để ta sử dụng hay chiếm hữu chứ không phải là đối tượng để ta tương quan, để ta tín nhiệm. Cái nghịch lý vốn thường có ở nơi luận lý của ta. Trong khi ta khẳng định rằng mọi vật đang chuyển động, mọi sự đều có thể đổi thay thì ta lại khư khư cho rằng người ấy không thể thay đổi. Chính vì thế, mỗi khi chứng kiến những sự thành đạt của một ai đó thì ta dễ vội quay về quá khứ: Cha ấy hả, ngày xưa là như thế này nè… Đức Cha đó hả? Mình mình biết tỏng hồi còn làm thầy giúp xứ… Không phải bất cứ cái quay về quá khứ nào cũng là không hay, không tốt. Có nhiều cái nhìn lui để rồi thêm lòng tri ân và thêm xác tín vào tình thương và quyền năng của Chúa. Tuy nhiên thần dữ thường cám dỗ ta nhìn quá khứ của nhau bằng định kiến để ta không đón nhận cái hiện thực. Dĩ nhiên, khi đã không đón nhận nhau như hiện nay thì làm sao ta có thể tin vào nhau. Một khi ta không được kẻ khác tín nhiệm thì ta thật khó có thể làm được nhiều điều tốt đẹp và hữu ích.
          
Các nhà lãnh đạo đất nước chúng ta sau năm 1975 đã từng một thời gian khá dài nhìn người đồng bào của mình bằng cái nhìn định kiến, bằng cái nhìn lý lịch đến cả ba đời và vì thế không thể có niềm tin vào nhau. Hậu quả của cái nhìn ấy đã để lại cho dân tộc ta không chỉ biết bao nỗi đau mà còn nhiều thiệt hại không thể kể xiết. Cám ơn Chúa, cái khẩu hiệu “khép cánh cửa quá khứ” đã được cất lên. Tuy nhiên từ khẩu hiệu đến hiện thực vẫn còn là một khoảng cách không dễ thu hẹp, chưa muốn nói là xóa bỏ.
          
Là con cái Chúa, là những người cùng tin vào Chúa Kitô, chúng ta có dễ dàng đón nhận nhau như trong hiện tại hay không? Chúng ta đã khép cánh cửa quá khứ của nhau được chút nào? Nếu Chúa tôi nhớ hoài sự lỗi thì nào ai chịu ni được ư? Vì Chúa sẵn sàng bỏ quên quá khứ của ta nên Chúa tin ở ta và Chúa đã tha thứ cho ta. Còn chúng ta, khi chúng ta chưa tha thứ cho nhau, khi chúng ta chưa thể hiệp nhất nên một với nhau, khi chúng ta chưa thể chung tay cộng tác với nhau… thì một trong những nguyên nhân chính đó là vì ta chưa tin ở nhau. Ta chưa tin vào nhau và ta không chân thành đón nhận nhau ngay trong giây phút hiện tại này. Tất thảy là vì ta còn in trí, còn mang thành kiến với nhau. Vô tình hay hữu ý, chúng ta đang đóng đinh nhau vào thập tự. Lạy Chúa xin hãy loại khỏi tâm tư của con các định kiến về tha nhân. Ước gì con biết bớt dần đi và rồi sẽ có ngày bỏ được cái thói quen xấu là nhắc lại quá khứ lỗi lầm của tha nhân.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây