TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN – C

Thứ sáu - 28/10/2022 03:56 |   1754
“Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này… Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” (Lc 19,9-10)

30/10/2022
CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN -Năm C

cn31tn C

Lc 19,1-10


HÔM NAY LÀ NGÀY CỨU ĐỘ
“Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này… Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”
(Lc 19,9-10)

Suy niệm: “Hôm nay có thể chỉ là một ngày khác hay rốt cuộc có thể là ngày bạn vượt lên, ra ngoài cái thông thường của mình” (S. Parker). Với ông Da-kêu, lẽ ra hôm nay cũng là một ngày như mọi ngày, tiền tiếp tục chảy vào gia sản kếch xù của mình. Thế nhưng, lạ lùng thay, lại là ngày Da-kêu mở kho tiền làm việc nghĩa! Sự hiện diện bất ngờ của Thầy Giê-su trong ngôi nhà bị coi là ô uế, đồng bàn với những người bị gán cho cái mác tội lỗi, niềm nở với người được gọi cách trìu mến là “con cháu tổ phụ Áp-ra-ham,” đã đem lại ơn đổi đời cho ông và gia đình. Quảng đại “rút ruột” phân chia nửa gia tài cho người nghèo, đền gấp bốn cho người bị thiệt hại – trong khi luật chỉ buộc đền gấp hai - là nghĩa cử cao đẹp ông có thể làm để đáp trả vị Thầy đáng mến ấy.

Mời Bạn: “Có hai ngày trong năm ta không thể làm gì cả. Một là ngày hôm qua, hai là ngày mai. Hôm nay chính là ngày bạn hãy yêu, tin, làm và chủ yếu là sống” (Đức Dalai Lama). Hôm nay vị Thầy Giê-su cũng thân hành đến thăm căn nhà, tâm hồn bạn. Tựa như Da-kêu ngày xưa, bạn hãy đón tiếp Ngài với cả lòng tin yêu, đáp trả tấm lòng của Ngài bằng quyết tâm thực hiện một thay đổi quan trọng nào đó trong lối nghĩ, lối sống của mình để thực thi điều răn lớn nhất mến Chúa yêu người bạn nhé!

Sống Lời Chúa: Tôi thực hiện quyết tâm trên đây.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, không ai lọt khỏi tầm nhìn của Chúa: với Gia-kêu, Chúa nhìn lên; với người khác, Chúa lại nhìn xuống… Xin cho con luôn xác tín mình đang sống trong cái nhìn yêu thương của Ngài. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXXI Thường Niên -Năm C

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, là Thiên Chúa tôi, xin đừng bỏ rơi tôi, và xin đừng lìa xa tôi. Lạy Chúa là quyền lực phần rỗi tôi, xin phù  giúp tôi.

Dẫn nhập Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Một phép lạ chữa lành hay một cuộc trở lại đặc biệt đối với Đức Kitô, không chỉ có nghĩa là những hành vi đơn giản về lòng thương xót, nhưng còn mang tính cách tiên tri, từ vị Tiên Tri số một là Đức Giêsu Kitô. Thật vậy, cuộc trở lại của Giakêu đọc lên cho chúng ta nghe một giáo huấn đẹp về lòng thương xót của Thiên Chúa, về chỗ đứng của người tội lỗi trong chương trình cứu độ, về chiều kích mầu nhiệm mà cửa tâm hồn nào mở ra đón nhận Đức Kitô đều có thể đạt tới.

Chúng ta có thể cho rằng: Giakêu con người tội lỗi nhưng chúng ta cũng thật bất xứng muôn nghìn lần, nhưng Chúa đã mở đường đến với chúng ta, cho chúng ta tham dự vào phần phúc muôn đời, miễn là chúng ta biết mau lẹ đáp lại tiếng Chúa.

Vì thế, giờ đây chúng ta hãy can đảm đi ngược dòng đời như Giakêu bằng lòng thống hối ăn năn, để đón nhận Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chỉ nhờ Chúa ban ơn, các tín hữu Chúa mới có thể thờ Chúa cho phải đạo, xin giúp đỡ chúng con thẳng tiến về cõi trời Chúa hứa và không bị vấp ngã trên đường. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Kn 11, 23 – 12, 2

“Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa yêu thương mọi tạo vật”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Lạy Chúa, trước mặt Chúa, cả vũ trụ ví như hạt gạo trên đĩa cân, và như hạt sương sa trên mặt đất trước lúc rạng đông. Nhưng Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa có thể tác tạo mọi sự, và nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối. Chúa yêu thương mọi tạo vật, và không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa đã tác thành: vì nếu Chúa ghét bỏ một vật gì, thì Người đâu có tác tạo nó.

Nếu Chúa không ưng, thì làm sao một vật có thể tồn tại được? Hoặc vật gì Chúa không kêu gọi, thì làm sao nó duy trì được? Nhưng Chúa dung thứ hết mọi loài: vì chúng thuộc về Chúa. Lạy Chúa, Chúa yêu thương các linh hồn.

Ôi lạy Chúa, thần trí của Chúa tốt lành và hiền hậu đối với mọi loài là dường nào! Vì thế, lạy Chúa, Chúa từ từ sửa phạt những kẻ lầm lạc, khuyên răn và dạy bảo những kẻ phạm lỗi, để họ từ bỏ tội ác mà tin theo Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 1-2. 8-9. 10-11. 13cd-14

Ðáp: Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời (x. c. 1).

Xướng: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ ca khen Chúa, và con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. 

Xướng: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. 

Xướng: Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài.

Xướng: Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết thảy những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên. 

Bài Ðọc II: 2 Tx 1, 11 – 2, 2

“Danh Chúa được vinh hiển trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, chúng tôi hằng cầu nguyện cho anh em: Thiên Chúa chúng ta đoái thương làm cho anh em nên xứng đáng ơn Chúa kêu gọi anh em, và xin Người dùng quyền phép mà kiện toàn những ý định ngay lành do lòng tốt của anh em và công việc của lòng tin anh em, để danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, được vinh hiển trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người, do ân sủng của Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô.

Anh em thân mến, nhân về ngày trở lại của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và về sự chúng ta tập họp bên cạnh Người, chúng tôi nài xin anh em chớ vội để mình bị giao động tinh thần, và đừng hoảng sợ bởi có ai nói tiên tri, hoặc bởi lời rao giảng hay bởi thư từ nào được coi như do chúng tôi gởi đến, mà nói như thể ngày Chúa gần đến.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 19, 1-10

“Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó.

Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi”. Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: “Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi”.

Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”. Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Sự lưu tâm và lòng yêu thương chân thành sẽ là khí cụ sắc bén nhất để cải hóa người khác. Chúng ta hãy thực hiện để đưa nhiều người về cho Chúa. Muốn được thế chúng ta dâng lời cầu xin :

1. “Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa yêu thương mọi tạo vật” – Xin cho các Mục tử sống gắn bó với Chúa, để công tác mục vụ, lời giáo huấn và cuộc gặp gỡ của các ngài với mọi người, sẽ là lời mời gọi và là sức mạnh thần linh lôi cuốn con người đến với Chúa.

2. “Thiên Chúa chúng ta đoái thương làm cho anh em nên xứng đáng ơn Chúa kêu gọi anh em” – Xin cho các tín hữu, biết sống trọn vẹn vai trò chứng nhân Chúa Kitô giữa lòng thế giới, để đời sống của họ không cản trở, nhưng làm cho nhiều người vào trong Hội Thánh Chúa.

3. “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ” – Xin cho lời Chúa phán thể hiện nơi mọi tâm hồn trong giáo xứ chúng ta, để máu Chúa Kitô đổ ra không nên vô ích nhưng đem lại ơn cứu độ.

4. “Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”– Xin cho các tội nhân biết mau mắn chỗi dậy trước mọi trở ngại, do chính bản thân hay ngọai cảnh, để mau mắn trở về với Chúa trong một quyết định can trường và quảng đại.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin hãy đến nhà linh hồn chúng con, để sự hiện diện của Chúa là năng lực biến đổi chúng con nên thánh đức, cho mọi người nhận ra đời sống mới nơi chúng con, mà ca ngợi Thiên Chúa và tin vào ơn cứu độ, Chúa hằng sống hiển và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho bánh rượu chúng con dâng trở nên của lễ tinh tuyền trước nhan Chúa và đem lại cho chúng con nguồn ơn phúc dồi dào. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, xin chỉ cho tôi biết đường lối trường sinh, và xin cho tôi no đầy hoan hỉ trước thiên nhan.

Hoặc đọc:

Chúa phán: cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta chính người ấy cũng sống nhờ Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa được Mình và Máu Ðức Kitô bồi dưỡng, xin Chúa tăng cường hoạt động nơi chúng con, để chúng con được sẵn sàng lãnh nhận những ơn lành Chúa hứa cho những ai tham dự bí tích này. Chúng con cầu xin….

Suy niệm
 

HÔM NAY NHÀ NÀY ĐƯỢC ƠN CỨU ĐỘ

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN – NĂM C

(Kn 11,22–12,2; 2 Tx 1,11–2,2; Lc 19,1-10)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Thiên Chúa luôn yêu thương, tha thứ và ban cho con người được ơn cứu độ. Đây chính là bản chất của Thiên Chúa. Bởi vì: “ Thiên Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa có thể tác tạo mọi sự, và nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối. Chúa yêu thương mọi tạo vật, và không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa đã tác thành: vì nếu Chúa ghét bỏ một vật gì, thì Người đâu có tác tạo nó” (Kn 11, 23-24).

Bài Tin Mừng hôm nay làm toát lên đặc tính đó khi Đức Giêsu chủ động gọi Giakêu và vào nhà ông cũng như dùng bữa mặc cho người ta xầm xì bàn tán: “Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi” (Lc 19,7). Như vậy, chúng ta thấy Thiên Chúa không quan tâm đến quá khứ của con người, nhưng Ngài để ý đến giây phút hiện tại, sự thiện chí và ngay lành của họ để ban ơn cứu độ.

1. Ý nghĩa Lời Chúa

Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu đi ngang qua thành Giêricô, đây là chặng cuối cùng trên đường lên Giêrusalem để thực thi sứ vụ cứu chuộc của Ngài bằng cái chết trên thập giá. Trên lộ trình ấy, có dân chúng theo sau Ngài khá đông. Tuy nhiên, trong đám người đó có Giakêu, ông là: “Thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có” (Lc 19, 2).  Như vậy, ông là một vị quan chức cấp cao. Nhưng chớ trêu thay, ông lại lùn, mà đám người thì lại quá đông, nên ông ta phải trèo lên cây sung để mong được nhìn thấy Đức Giêsu đi ngang qua.

Nói đến Gia Kêu là người thu thuế, người Do Thái thường có những dị nghị về hạng người như ông và họ xếp ông chung với hạng đĩ điếm, trộm cắp, là những người làm tay sai cho đế quốc La Mã. Vì thế, họ là những người phản quốc, hại dân. Khi gặp họ, người Do Thái tránh xa như tránh dịch. Không ai được phép giao du với những con người như thế. Bởi vì đây là người tội lỗi tầy trời, đồ thối tha dơ bẩn. Khi đi ngang qua người ấy, người ta sẵn sàng nhổ nước miếng tỏ lòng khinh bỉ…

Tuy bị người ta khinh thị như thế, nhưng ông nhất quyết không chịu khuất phục trước đám đông, vượt lên trên dư luận, và nhất là vượt lên trên mặc cảm tự ty của mình để trèo lên cây sung với hy vọng được tận mắt nhìn thấy Đấng Kitô, Ngài là Cứu Chúa của mình và toàn dân. Đam mê ấy của ông chính là Giêsu, con người mà ông đang mong đợi. Sự kiên quyết của ông không chỉ đơn thuần là sự tò mò, mà đây còn là khởi điểm của hành trình đức tin nơi ông.

Đức Giêsu đã không để cho ông thất vọng khi gọi chính tên ông: “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi” (Lc 19, 5).  Theo lối hiểu của Kinh Thánh, gọi tên ai là biểu hiện của việc biết rõ về người ấy và có một mối tương quan thân tình với người được gọi. Hôm nay, Chúa gọi ông, vậy Chúa biết rất rõ lòng ông và muốn ông trở về với con người lương thiện, công chính của mình, bởi vì tên Giakêu tiếng Do thái là “Zakkay” có nghĩa là “người thanh khiết – người công chính”, hơn nữa, Đức Giêsu còn muốn trở thành người nhà của ông khi nói: “Hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi” (Lc 19, 5). Như vậy, nếu hiểu qua, Giakêu hôm nay đi tìm Chúa, nhưng thực ra Chúa đã đi tìm ông trước.

Hôm nay, Đức Giêsu nhìn Giakêu, nhưng cái nhìn của Đức Giêsu là một cái nhìn mang tính chinh phục, cảm hóa tâm hồn, cái nhìn nhân từ, thương xót, cái nhìn cứu độ. Chính cái nhìn này đã đi lọt vào trong tâm hồn của Giakêu và như một lời cật vấn lương tâm của ông. Cũng chính cái nhìn nhiệm mầu này đã khiến ông nhìn lại chính mình và quyết tâm đổi mới.

Nếu ánh mắt của Đức Giêsu là ánh mắt nhân từ, yêu thương, thì ánh mắt của Giakêu là ánh mắt sám hối, tin tưởng. Tội của ông rất lớn, vì ông không phải là một người thu thuế thường, mà lại là một thủ lãnh những người thu thuế. Nhưng: “Sai lầm là bản tính của con người và tha thứ là bản chất của Thiên Chúa” (A.Pope).

“Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi” (Lc 19, 5).  Câu nói này của Đức Giêsu đã làm cho ông vui mừng khôn xiết, đồng thời đã thay đổi toàn bộ cuộc đời và thái độ của ông.

Không vui và thay đổi sao được khi cả một xã hội khinh miệt và coi thường ông, thì một Đức Giêsu, một Cứu Chúa lại sẵn sàng vào nhà mình. Giờ đây, với ông, cuộc gặp gỡ này là một cuộc gặp gỡ của tình yêu. Tình yêu đi bước trước là Đức Giêsu, và ông thực sự  cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho ông, nên tình yêu đáp trả tình yêu. Tình yêu đã biến đổi ông, tình yêu đã gợi lại cho ông lòng bác ái và lẽ công bằng. Chính tình yêu đã hướng dẫn và thôi thúc ông đến hành động là đức ái. Tại sao ông lại can đảm để cho lương tâm lên tiếng? Tại sao ông lại có được lòng quảng đại như vậy? Thưa chỉ một lẽ rất đơn giản là vì ông đã được tha thứ và được yêu nhiều. Lời tuyên bố của Đức Giêsu đã là một lời minh chứng về lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho ông: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất” (Lc 19, 9).

Hôm nay, Giakêu đã có cơ hội chuộc tội của mình bằng việc bác ái, và ông đáng được hưởng ơn cứu độ: “Bố thí thì cứu cho khỏi tội và khỏi chết” (Tb 4,11). Trong sách Tiên tri Đaniel có viết: “Hãy chuộc tội con bằng bố thí, và bằng sự thương yêu kẻ khó nghèo” (Dn 4,24). Và sách công vụ Tông đồ cũng có câu: “Của bố thí bay lên như hương thơm trước mặt Chúa” (Cv 11,4). Gia kêu đáng cứu độ, vì lòng đơn sơ của ông xuất phát từ sự khiêm nhường, và khiêm nhường lại là linh hồn của đức đơn sơ.

2. Sống Sứ Điệp Lời Chúa

Đã là con người, ai cũng có những thiếu xót, bất toàn. Điều quan trọng là chúng ta có dám tụt xuống khỏi cây sung để gặp được Chúa như Giakêu hay không?

Ông Giakêu hôm nay ông đã gặp được Chúa, nên cuộc đổi đời của ông thành công, còn nếu ông mà gặp người Biệt Phái thì có lẽ ông đã xấu lại càng xấu hơn.

Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta đều là tội nhân trước mặt Chúa, chẳng có ai là người trong sạch hoàn toàn. Vấn đề đặt ra, đó là: thái độ của chúng ta có quyết tâm quay lại với Chúa hay không mà thôi.

Lời Chúa hôm nay còn mời gọi chúng ta không được xét đoán, bởi vì không chừng, chính chúng ta đang có nguy cơ xa dần và đánh mất ơn cứu độ ngay trong khi nhân danh sự tốt lành, thánh thiện kiểu “mồ mả”.

Ngược lại, chúng ta cần có sự cảm thông, xóa bỏ mặc cảm để đến với người tội lỗi với lòng bao dung, tha thứ như Thiên Chúa. Đây cũng chính là liều thuốc bình an mà Đức Giêsu đã dùng cho những người mà Ngài gặp gỡ…

Mong thay, trong xã hội ngày nay, có nhiều người nhận ra và dám sống theo lương tâm; cần ý thức rằng: có một lúc nào đó, tiền bạc không đem lại cho ta niềm hạnh phúc thật. Chức quyền không đảm bảo được cuộc sống mai sau. Chỉ có Chúa mới là nguồn bình an, niềm vui và hạnh phúc thật, bởi vì, Ngài là đường, là sự thật và là sự sống.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ơn biến đổi như Giakêu khi xưa. Xin cũng ban cho chúng con biết yêu thương mọi người và sẵn sàng thực thi bác ái trong tinh thần Kitô giáo. Như thế, chúng con tin tưởng và hy vọng sẽ được ơn cứu độ của Chúa. Amen.


CHÚA NHẬT 31C THƯỜNG NIÊN – 2001
(Lc. 19:1-10) Lm. Lã Mộng Thường

Bài Phúc Âm dùng câu truyện ông Giakêô trèo lên cây sung để nhìn xem hình dáng Đức Giêsu như thế nào được sắp xếp theo diễn tiến chúng ta nên để ý. Nơi thành phố Đức Giêsu đi ngang qua để tới Giêricô có vị thủ lãnh những người thu thuế tên là Giakêô. Ông muốn nhìn thấy Đức Giêsu nhưng vì thân xác thấp bé nên phải trèo lên cây sung, và Đức Giêsu ghé qua nghỉ tại nhà ông.

Trước hết, chính ý định, ước muốn biết về Đức Giêsu thế nào đã thúc đẩy ông leo lên cây sung mọc bên đường. Và khi gặp gỡ Đức Giêsu ông đã có quyết định thực hiện điều không thể ngờ đó là bố thí nửa phần của cải cho người nghèo và đồng thời nếu làm thiệt hại cho ai bất cứ điều gì ông sẽ đền bù gấp bốn lần. Tự nghiệm chứng nơi cuộc đời mỗi người, ai cũng nhận ra chúng ta được sinh ra với lòng khát vọng muốn nhận biết Thiên Chúa. Sự thể này được minh chứng bằng ước muốn hiểu biết chính mình, muốn biết về thân phận làm người của mình, mình như thế nào trước khi được sinh ra, phỏng mình có sự hiện hữu linh thiêng nào đó trước khi nhập thể nơi thân xác không, cuộc đời của mình có ý nghĩa gì, tại sao mình được sinh ra, mục đích cuộc đời của mình là gì, và sau khi chết mình sẽ ra sao…

Những vấn nạn tương tự và liên quan đến cuộc sống tâm linh được gom tóm lại bằng một câu hỏi, mình là ai? Qua những kinh nghiệm nghiệm chứng của những bậc hiền triết, chân nhân được ghi lại nơi sách vở, điều không ngờ đó là bất cứ ai đã nhận biết mình thực sự như thế nào, mình là ai thì đồng thời cũng nhận ra Thiên Chúa, quyền lực hiện hữu tối thượng đang hoạt động và ngự trị nơi mình. Điều đáng buồn lại là chúng ta không thích đọc sách; chúng ta không cần biết mình là ai mà chỉ tưởng rằng mình thế nọ thế kia.

Khi còn ở nhà trường trong mấy phút nghỉ sau lớp Kitô học, tôi đặt vấn đề với linh mục giáo sư rằng chúng ta cố gắng vật lộn với những suy tư của mình nên phải đối diện với những phiền hà. Sau khi đắn đo, ngài trả lời, có câu nói, khi con vật ăn no, chúng ngủ, nhưng khi con người đã có đầy đủ cơm ăn áo mặc, họ suy nghĩ. Nhìn lại chính mình, chúng ta có nỗi khát vọng nhận biết về chính mình, về những thực thể linh thiêng liên hệ với mình nhưng đã ít ai để tâm tìm hiểu mà ngược lại chỉ thích ghi nhớ những kiến thức và tưởng rằng như thế đã quá đủ cho phần rỗi. Sự ghi nhớ những kiến thức, quan niệm chỉ biến chúng ta thành cuốn sách vô tri vô giác không hơn không kém. Nơi cuốn sách Cái Cười của Thánh Nhân, cụ Nguyễn Duy Cần có ghi lại câu nói của Lichtenberg, “Quyển sách là một cái gương soi, nếu một con khỉ mà nhìn vào, dĩ nhiên không thể có cái ảnh của một bậc thánh hiện lên” (tr. 303). Những ai đã không để tâm nhận thức và giải đáp cho những khát vọng tâm linh thầm kín nơi họ tất nhiên họ không tự phát thực hiện bất cứ điều gì ngoại trừ vì nỗi e sợ nào đó nên có thái độ giống như năm nàng phù dâu khờ dại, nghe sao biết vậy.

Bài Phúc Âm dùng nhân vật được đặt tên Giakêô để khuyến khích chúng ta nên có hành động tích cực tìm hiểu về hành trình đức tin, hành trình tâm linh của mình. Thêm vào đó, ngay khi Đức Giêsu nói sẽ nghỉ lại nơi nhà ông, Giakêô đã phát khởi sự tự nguyện chẳng ngờ… Chúng ta đón nhận Đức Giêsu nơi bí tích thánh thể mà hình như chẳng có gì hơn kém. Có lẽ lòng chúng ta đã ra chai đá sâu đậm đến nỗi chính Đức Giêsu ngự đến cũng không thể nào chuyển đổi được. Tôi muốn nêu lên một thí dụ điển hình. Bất cứ ai đều nhận thấy ít nhất mỗi năm chúng ta một khác. Chẳng hạn so sánh thân xác của mỗi người bây giờ với 10 năm, 20, hoặc 30, 40, 50 năm về trước, chúng ta nhận thấy sự khác biệt rất rõ ràng. Tuy nhiên, tâm thức và những nhận thức cũng như sự hiểu biết về Thiên Chúa của chúng ta không biến chuyển chút nào. Những gì chúng ta được dạy dỗ nơi phần bổn đồng ấu đã bao nhiêu năm qua nay vẫn như thế. Dẫu thân xác của chúng ta tăng trưởng và một ngày một già nua, sự khôn ngoan thế tục càng ngày càng già dặn nhưng đức tin chẳng thấy gì được gọi là trưởng thành. Tâm thức của chúng ta, sự nhận thức của chúng ta về Thiên Chúa vẫn chẳng khác gì ngày chúng ta còn măng sữa. Chúng ta đã không biết cách nào phát triển nhận thức; chúng ta đã không và đang không cần biết gì về những lời dạy của Đức Giêsu; chúng ta không cần suy nghĩ gì về tin mừng nước trời; chúng ta cũng không cần biết gì về đức tin mà chỉ tưởng rằng mình có đức tin mà thôi. Quả là đau lòng! Chúng ta biết đủ mọi sự khôn ngoan trên thế gian, biết cách ăn diện sao cho hợp thời, hợp cảnh, biết thực hiện bất cứ gì theo ước muốn nhưng không biết nơi nào bán cuốn Phúc Âm. Và nếu đã sẵn có cuốn Kinh Thánh tại nhà, chúng ta không đọc; chúng ta không có giờ đọc Phúc Âm, và nếu đọc không hiểu chúng ta không cần suy nghĩ tại sao Phúc Âm được viết như thế. Chúng ta không cần sự khôn ngoan của Chúa vì đã có sẵn những sự khôn ngoan thế tục và cho rằng chỉ cần cầu xin sơ sơ được lên nước thiên đàng hầu có nỗi an tâm là được cứu rỗi. Xin thưa, Đức Giêsu dạy các môn đồ và cả chúng ta nguyện xin cho danh Cha cả sáng chứ không dạy chúng ta cầu xin cho được lên thiên đàng. Đức Giêsu đến để tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất mà chúng ta chưa nhận ra mình hư mất sao Ngài có thể tìm kiếm và sao có thể cứu chữa. Ngài muốn cứu chữa cũng không thể được vì lòng dạ chúng ta không còn khoảng trống chứa đựng lời giảng dạy của Ngài. Tâm trí chúng ta quá bận rộn với những suy tư thế tục, không có giờ để nghiệm chứng Phúc Âm.

Bài đọc trích từ sách khôn ngoan mà chúng ta vừa nghe đã bị in thiếu một câu. Nơi cuốn Kinh Thánh do Lm. Nguyễn thế Thuấn dịch và nơi mấy cuốn New American Bible, Holy Bible, Jerusalem Bible, cũng như nơi sách bài đọc tiếng Mỹ được viết, “Vì có Thần Khí bất hoại của Người trong mọi sự” trong khi nơi sách bài đọc tiếng Việt đã bỏ sót. Thần Khí của Chúa chính là Chúa. Thần Khí bất hoại của Chúa trong mọi sự có nghĩa Thiên Chúa ngự trị nơi mọi loài mọi vật. Đây cũng chính là Tin Mừng Đức Giêsu rao giảng, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Tóm lại, Lời Chúa hôm nay khuyến khích chúng ta nên có hành động thực tiễn về sự nhận biết Tin Mừng Nước Trời Đức Giêsu đã rao giảng. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây