TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 27/10/2022 03:49 |   927
“Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.” (Lc 14,11)

29/10/2022
THỨ BẢY TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

t7 t30 TN

Lc 14,1.7-11


BÀI HỌC KHIÊM TỐN
“Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.” (Lc 14,11)

Suy niệm: Một cơn bão quét qua, những cây càng to mà rễ càng trồi lên không ăn sâu dưới đất, thì càng dễ bị tróc gốc; những ngôi nhà càng cao tầng thì móng phải đào cho sâu thì mới vững chãi, tránh được sự cố sụt lún mà có khi dẫn đến bị sụp đổ bình địa. Quy luật về trọng lực cho biết trọng tâm của một công trình càng ở vị trí thấp, công trình đó càng vững chắc và có khả năng vươn cao. Bằng một dụ ngôn, Chúa Giê-su dạy chúng ta người biết hạ mình thì phẩm giá của họ lại được tôn trọng. Hạ mình không có nghĩa là làm những việc đồi bại xúc phạm đến nhân phẩm của mình, nhưng là quên mình phục vụ tha nhân trong yêu thương. Hạ mình như Ngôi Hai: từ bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, mặc lấy xác phàm, khiêm tốn phục vụ, chịu chết trên thập giá để cứu chuộc muôn người.

Mời Bạn: Chúa đã nêu gương hạ mình cho chúng ta, còn chúng ta lại muốn ngoi lên “đè đầu cưỡi cổ” người khác. Đành rằng mọi cộng đoàn nhân loại đều cần có quyền bính nhưng là để phục vụ chứ không phải để thống trị nhau. Nếu bạn muốn phẩm giá mình được tôn trọng, nhất là được tôn trọng trước mặt Chúa, thì càng ở địa vị cao, bạn càng cần hạ “trọng tâm” của mình xuống.

Chia sẻ kinh nghiệm về một lần bạn nâng mình lên chẳng may bị hạ xuống.

Sống Lời Chúa: Làm một cách chu đáo một việc thật nhỏ phục vụ người khác mà lâu nay bạn không làm vì cho rằng nó quá tầm thường.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến, xin cho con biết học gương khiêm nhường của Chúa, để con biết khiêm tốn phục vụ anh chị em con.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Người, hãy luôn luôn tìm kiếm thiên nhan Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho chúng con được thêm lòng tin cậy mến và biết yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy, hầu đáng hưởng những gì Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 11, 1-2a. 11-12. 25-29

“Nếu sự bỏ rơi người Do-thái là sự giao hoà của thế giới, thì đâu là cái lợi, nếu không phải là sự sống lại từ cõi chết?”

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, chớ thì Thiên Chúa đã bỏ rơi dân Người rồi sao? Hẳn là không. Vì chính tôi cũng là người Israel, miêu duệ của Abraham, thuộc chi họ Bengiamin. Thiên Chúa không từ bỏ dân Người mà Người đã chiếu cố trước.

Vậy tôi xin hỏi: Chớ thì họ đã vấp chân đến nỗi ngã xuống rồi sao? Hẳn là không. Nhưng vì lỗi lầm của họ mà Dân ngoại được ơn cứu độ, để họ ganh đua với những kẻ ấy. Nếu lỗi lầm của họ làm cho thế giới nên giàu có, và sự thiếu thốn của họ làm cho Dân ngoại được phú túc, thì sự dư đầy của họ còn lợi nhiều hơn biết bao.

Anh em thân mến, tôi không muốn để anh em không hay biết mầu nhiệm này (để anh em không tự cho mình là những kẻ khôn ngoan): là một phần dân Israel cứng lòng mãi cho đến khi toàn thể Dân ngoại nhập giáo, và bấy giờ toàn thể Israel cũng sẽ được cứu độ, như có lời chép rằng: “Từ Sion có Ðấng Cứu độ sẽ đến mà cất sự vô đạo khỏi Giacóp. Và đó là giao ước Ta ký kết với họ, khi Ta xoá bỏ tội lỗi của họ”.

Xét theo Tin Mừng thì họ thật là kẻ thù nghịch vì anh em, nhưng xét theo kén chọn, thì họ là những người rất được yêu thương vì các tổ phụ. Bởi vì Thiên Chúa ban ân huệ và kêu gọi ai, Người không hề hối tiếc.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 93, 12-13a. 14-15. 17-18

Ðáp: Chúa sẽ không loại trừ dân tộc của Chúa (c. 14a).

Xướng: Lạy Chúa, phúc thay người được Ngài dạy bảo, và giáo hoá theo luật pháp của Ngài, hầu cho họ được thảnh thơi trong những ngày gian khổ. 

Xướng: Vì Chúa sẽ không loại trừ dân tộc, và không bỏ rơi gia nghiệp của Ngài. Nhưng sự xét xử sẽ trở lại đường công chính, và mọi người lòng ngay sẽ thuận tình theo.

Xướng: Nếu như Chúa chẳng phù trợ con, trong giây phút hồn con sẽ ở nơi yên lặng. Ðang lúc con nghĩ rằng “Chân con xiêu té”, thì, lạy Chúa, ân sủng Ngài nâng đỡ thân con. 

Bài Ðọc I: (Năm II) Pl 1, 18b-26

“Ðối với tôi, sống là Ðức Kitô, còn chết là một mối lợi”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, miễn là Ðức Kitô vẫn được rao giảng, đó là điều làm tôi vui mừng, và tôi sẽ còn vui mừng mãi. Vì chưng tôi biết rằng nhờ lời cầu nguyện của anh em, và nhờ ơn Thánh Thần của Ðức Giêsu Kitô giúp sức, điều đó sẽ đưa tôi đến ơn cứu độ, theo sự tôi chờ đợi và hy vọng, tôi sẽ không hổ thẹn chút nào, trái lại tôi vẫn hoàn toàn tin tưởng như mọi khi, và giờ đây, dù tôi sống hay tôi chết, Ðức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi.

Vì đối với tôi, sống là Ðức Kitô, còn chết là một mối lợi. Nhưng nếu sống trong xác thịt này đem lại cho tôi kết quả trong việc làm, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Tôi đang lúng túng trong hai điều này: là ước ao chết để được ở với Ðức Kitô thì tốt hơn bội phần, nhưng cứ ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em.

Một khi tin tưởng điều đó, tôi biết rằng tôi sẽ còn ở lại và sẽ lưu lại với tất cả anh em, để anh em được tấn tới và được hân hoan trong niềm tin, ngõ hầu anh em vì tôi mà được tràn đầy hiên ngang trong Ðức Kitô, bởi tôi trở lại với anh em một lần nữa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 41, 2. 3. 5bcd

Ðáp: Hồn tôi khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống (c. 3a).

Xướng: Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, ôi Chúa trời con! – Ðáp.

Xướng: Hồn tôi khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào tôi được tìm về ra mắt Chúa Trời? – Ðáp.

Xướng: Tôi nhớ lúc xưa đi giữa muôn người, tôi đứng đầu đưa dân tiến vào nhà Ðức Chúa Trời, giữa muôn tiếng reo mừng, ca ngợi.

Alleluia: Tv 147, 12a và 15a

Alleluia, alleluia! – Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa, Ðấng đã sai Lời Người xuống cõi trần ai. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 14, 1. 7-11

“Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:

“Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: “Xin ông nhường chỗ cho người này”, bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến nói với ngươi rằng: “Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên”, bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc.

“Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nhìn đến lễ vật chúng con dâng để tỏ lòng kính tôn thần phục và xin cho lễ tạ ơn này góp phần làm vinh danh Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Xin cho chúng tôi được hân hoan mừng Chúa chiến thắng, và nhân danh Thiên Chúa, chúng tôi nâng cao ngọn cờ.

Hoặc đọc:

Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và đã phó mình làm của lễ tế thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con được hưởng nhờ trọn vẹn ơn thiêng của bí tích chúng con vừa cử hành để nhờ thánh lễ tưởng niệm Ðức kitô chịu thương khó, chúng con được sống lại với Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời…

Suy niệm

THẾ NÀO LÀ NGƯỜI KHIÊM NHƯỜNG? (Lc 14, 1. 7-11)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Có một lần, trên xe buýt có hai linh mục, hai giáo dân. Vị linh mục lớn tuổi hỏi một bác đang cùng lộ hành với ngài rằng: theo ông, thế nào được gọi là người khiêm nhường?

Tưởng rằng với tuổi đời khá cao và đã từng trải, mình sẽ trả lời “ngọt như đường mía lau”. Bác ta trả lời rằng: “Thưa cha, người khiêm nhường là người không có bon chen với ai; luôn nghe lời của người khác và làm theo; và người khiêm nhường là luôn cho mình bất xứng!”. Vị linh mục kia trả lời: “Không đúng! Vì nếu người khiên nhường chỉ mong cho được bình yên thì họ thuộc về hạng người bị thụ động, mềm yếu; hay luôn làm theo ý người khác là người trốn tránh trách nhiệm, thiếu tự chủ, chứ thực chất không phải khiêm nhường; hoặc luôn coi mình là bất xứng thì không chừng, khiêm nhường kiểu này chẳng khác gì ‘một lần khiêm tốn bằng bốn lần kiêu ngạo’ vì họ có thể dùng chiêu thức này để người khác đề cao, khen ngợi và đánh giá mình đạo đức trước mặt mọi người”. Bác kia hỏi lại: “Vậy ai là người khiêm nhường thật?” Linh mục trả lời: “Người khiêm nhường là người sống đúng sự thật, biết nhận ra sự thật và tôn trọng sự thật”.

Thật vậy, theo tinh thần Tin Mừng, người khiêm nhường thật chính là người biết nhận ra sự thật hữu hạn của mình và nhận thấy Chúa quyền năng. Nhận ra mình yếu hèn, tội lỗi và Thiên Chúa yêu thương. Người khiêm nhường cũng là người biết mở rộng tâm hồn để đón nhận hồng ân của Thiên Chúa, sự góp ý của anh chị em.

Nói chung, người khiêm nhường là người biết ý thức rằng: mọi sự mình có là do Chúa yêu thương. Vì thế, sống khiên nhường là luôn biết hạ mình trước mặt Chúa và tha nhân. Luôn biết sám hối, canh tân để được Thiên Chúa nâng lên trong ân sủng của Ngài, bởi vì: “… hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con học được bài học khiêm nhường của Chúa để chúng con được thuộc về Chúa cách trọn vẹn. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây