TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 1 MÙA VỌNG

Thứ sáu - 01/12/2023 13:04 |   617
“Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.” (Mt 9,35-10,1.6-8)

09/12/2023
THỨ BẢY TUẦN 1 MÙA VỌNG
Thánh Gioan Điđacô

t7 t1 MVb

Mt 9,35-10,1.6-8


CHÚA MỜI CỘNG TÁC
“Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.” (Mt 9,35-10,1.6-8)

Suy niệm:Chúa Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.” Phúc Âm Mát-thêu vẽ lên hình ảnh Đức Giê-su đang quần quật ngược xuôi vất vả với công cuộc rao giảng Nước Trời! Nhưng có vẻ như một mình Người không làm xong hết mọi chuyện! Người cần được tiếp tay: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa sai thợ ra gặt lúa về.”

Mời Bạn cảm nghiệm vinh dự được cộng tác với Chúa Giê-su trong công cuộc loan báo Tin Mừng hôm nay. Được đức giám mục hay đức giáo hoàng mời cộng tác, đó là một vinh dự thật lớn; huống chi đây là cộng tác với chính Chúa Giê-su! Gặt lúa chỉ là khâu cuối cùng của nông vụ, và thường được làm một cách hưng phấn, quên mệt mỏi, vì thành quả của nhiều tháng nhọc nhằn trước đó đang hiển hiện trước mắt nhà nông. Để có được đồng lúa chín vàng hôm nay, nhà nông đã phải vất vả cày, bừa, xới, gieo mạ, cấy, làm cỏ… Từ nhận xét đó, bạn có thắc mắc: Tại sao Chúa mời gọi ta ‘gặt lúa’? Phải chăng Người thực sự không đủ sức làm nốt khâu cuối cùng này? Người ‘cần’ sự cộng tác của ta vì Người chủ yếu nhắm đến ta hay nhắm đến công việc?

Sống Lời Chúa: Hiện nay, Chúa đang đặt bạn phụ trách (những) cánh đồng nào? Hãy qui chiếu mọi nỗ lực và hoạt động các loại của bạn vào mục tiêu gặt lúa trên (những) cánh đồng cụ thể này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt…” Xin Chúa cứ sai con đi vào cánh đồng truyền giáo, để con được tham gia vào công cuộc loan báo Tin Mừng.

Thứ Bảy MV I: Lạy Chúa! Chúa sai các môn đệ đến với các chiên lạc nhà Ítraen trước. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng: Tin Mừng của Chúa cần được loan báo trước hết cho chính bản thân chúng con, ứng nghiệm nơi chính bản thân chúng con trước. Chúng con chính là những chiên lạc nhà Ítraen cần được hoán cải, và trở về, trước khi, có thể làm cho người khác được hoán cải, và trở về. Chúa đã giáng trần cứu loài người chúng con khỏi vòng tội lỗi, chúng con đang tha thiết đợi trông tình thương Chúa từ trời đổ xuống. Xin giải thoát, để chúng con thành những con người thật sự tự do. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 1 MÙA VỌNG

Ca nhập lễ                                                                         

Lạy Chúa là Đấng ngự trên các thần hộ giá, xin đến và tỏa ánh tôn nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã sai Con Một giáng trần cứu loài người khỏi vòng tội lỗi, này chúng con đang tha thiết đợi trông tình thương Chúa từ trời đổ xuống. Xin ban ơn giải thoát để chúng con thành những người thật sự tự do. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 30, 19-21. 23-26

“Người động lòng thương ngươi, lắng nghe lời ngươi kêu xin”.

Trích sách Tiên tri I-sai-a.

Ðây Chúa là Thiên Chúa, Ðấng Thánh của Ít-ra-en phán: Dân Si-on sẽ được ở Giê-ru-sa-lem. Ngươi sẽ chẳng còn than van khóc lóc; Chúa động lòng thương ngươi, và khi vừa nghe tiếng ngươi kêu, Người liền đáp lại lời ngươi. Chúa sẽ cho ngươi chút bánh đau thương, ít nước khốn cùng. Nhưng Ðấng dạy dỗ ngươi sẽ không lìa bỏ ngươi, mắt ngươi sẽ trông nhìn Ðấng giáo huấn ngươi, và tai ngươi sẽ nghe tiếng Ðấng từ sau lưng bảo rằng: “Ðây là đường, hãy bước đi theo đó, đừng rẽ bên mặt, đừng quẹo bên trái”. Sẽ ban mưa xuống cho hạt giống của ngươi, bất cứ trên đất nào ngươi đã gieo vãi. Bánh thổ sản sẽ rất dồi dào và thơm ngon. Ngày ấy, chiên được chăn thả trên lãnh địa rộng lớn của ngươi. Bò lừa cày ruộng ngươi được ăn rơm có muối, đã được rê sạch. Trong ngày tru diệt muôn người, khi thành quách đổ nhào, sẽ có dòng suối chảy trên đồi cao núi thẳm. Ngày Chúa băng bó thương tích của dân Người, và chữa lành da bầm thịt giập; mặt trăng sẽ sáng chói như mặt trời, mặt trời sẽ bảy lần chói sáng hơn, như ánh sáng bảy ngày.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 146, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Phúc cho tất cả những ai mong đợi Chúa(Is 30, 18

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hãy ngợi khen Chúa vì Người hảo tâm; hãy ca mừng Thiên Chúa chúng ta, vì Người êm ái, thực Người rất đáng ngợi khen. Chúa xây dựng lại Giê-ru-sa-lem, tập họp con cái Ít-ra-en phân tán.

Xướng: Chính Người chữa những kẻ giập nát tâm can, và băng bó vết thương của lòng họ. Người ấn định con số các ngôi sao, và gọi đích danh từng ngôi một.

Xướng:  Chúa chúng ta cao cả và mãnh liệt quyền năng, sự khôn ngoan của Người thực là vô lượng. Chúa nâng cao những kẻ khiêm cung, Người đè bẹp đứa ác nhân xuống tận đất.

Alleluia: Is 55, 6

Alleluia, alleluia! – Hãy tìm kiếm Chúa khi còn gặp được Người; hãy kêu xin Người lúc Người còn gần các ngươi. – Alleluia.

Phúc Âm: (Mt 9, 35 – 10, 1. 6-8)

“Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Chúa Giê-su đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”.

Và Người triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Người bảo: “Các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Ít-ra-en trước đã, và rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng biết dâng lên Chúa lễ tế tỏ lòng tôn kính mến yêu. Ước chi hy lễ này hoàn toàn thể hiện được ý muốn của Ðức Ki-tô khi lập bí tích Thánh Thể, là đem lại cho cả thế giới ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa vọng I

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Này Ta đến ngay, và đem theo lương bổng, để trả cho ai nấy tùy theo việc họ làm.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa rất từ bi nhân hậu, chúng con nài xin Chúa cho bí tích Thánh Thể này thanh tẩy chúng con sạch vết nhơ tội lỗi, và chuẩn bị tâm hồn chúng con mừng những ngày đại lễ sắp tới. Chúng con cầu xin…

Suy niệm         

SỨ MỆNH TRUYỀN GIÁO (Mt 9,35 – 10,1.6-8)
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

1. Đức Giê-su đi khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, rao giảng dạy dỗ, hướng dẫn và đem bình an cho thân xác và tâm hồn con người. Ngài đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho dân chúng để đem lại ơn cứu độ cho họ. Mối ưu tư hàng đầu của Ngài là làm cho mọi người được nghe biết Tin Mừng. Mối ưu tư ấy đã được diễn tả trong lúc thổ lộ tâm tình với các môn đệ: ”Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít. Vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt lúa về”.

2. Trong năm thứ nhất đời công khai, Đức Giê-su đã đi rao giảng nhiều nơi. Đi đến đâu Người cũng thấy dân chúng ở vào trường hợp đáng thương, vì họ bị những người lãnh đạo bắt giữ những luật khắt khe, và không dẫn họ đến hạnh phúc đích thực. Vì thế Đức Giê-su động lòng thương họ và gọi thêm các cộng sự viên để cùng với Người chăm sóc dân chúng trong công việc truyền giáo.

3. Đức Giê-su thi hành sứ vụ cứu thế bằng cách đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền. Người thi hành sứ vụ cứu thế như vậy là để trung thành với thánh ý của Chúa Cha và đồng thời trở nên gương mẫu cho các Tông đồ, và cho những người làm việc tông đồ sau này trong công tác truyền giáo. Đức Giê-su đi rao giảng nhiều nơi: có ý dạy những ai làm tông đồ truyền giáo phải biết di chuyển hết nơi này đến nơi khác chứ không được cắm chốt một nơi nào như một độc quyền.

4. Theo Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã phác họa ra một mẫu người truyền giáo đích thực: Ra đi và tìm đến với người khác. Ra đi dĩ nhiên không chỉ có nghĩa là rời bỏ nơi này đến nơi khác, mà thiết yếu là thái độ ra khỏi chính mình, ra khỏi vỏ ốc của mình để đến với tha nhân (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).

Đức Giê-su nhắc cho các môn đệ, trong khi đi đến với những người khác, phải luôn có tinh thần xả kỷ quên mình  vì Chúa đã nói: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”. Vì thế, Giáo hội luôn ý thức sứ vụ mục tử “chạnh lòng thương” và việc loan báo Tin Mừng (x. Ad Gentes).

5. Ra đi loan báo Tin Mừng còn có nghĩa là ra đi khỏi con người của mình. Ra khỏi con người thiển cận, ích kỷ của mình để mặc lấy cái nhìn nhậy cảm hơn trước sự hiện diện của tha nhân đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.

Đây là bức thư của một bạn trẻ bị bệnh sida: “Trước đây tôi không phải là một Ki-tô hữu. Tôi sống trong tuyệt vọng vì số phận đã bị kết án bởi sida. Thế rồi, nhờ một người bạn, tôi đã gặp Chúa. Bắt đầu từ ánh mắt nhìn tôi, và tôi đã tin vào Chúa. Tôi đã tìm ra ý nghĩa của cuộc sống, và nhận thức được giá trị đời mình ngay trong quãng đời vắn vỏi còn lại”.

Hãy xin Chúa cho chúng ta một con tim rộng mở, luôn biết cảm thông và trân trọng anh em đồng loại, để thế giới tràn đầy niềm hy vọng (Epphata).

6. Giáo hội không ngừng nhắc nhở con cài mình tập trung góp phần vào việc truyền giáo, đồng thời phải nỗ lực thích ứng để có thể đem Tin Mừng cho nhân loại trong thời đại mới. Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II mời gọi mọi thành phần trong Hội thánh hãy “ra khơi truyền giáo” (x. Novo Millennio Ieunte).

Người Ki-tô hữu ra khơi truyền giáo bằng đời sống bác ái, dấn thân cho người nghèo, người cô thế cô thân, bằng gương sáng việc thiện giữa thế giới hôm nay. Đây là bằng chứng:

Một nhóm bạn trẻ từ nhiều quốc gia đang bàn thảo về cách làm cho Tin Mừng của Chúa được lan rộng. Họ nói về sự truyên truyền, về tài liệu và tất cả những cách phổ biến Tin Mừng trong thế kỷ 20 này.

Một cô gái Phi châu nói:Khi muốn truyền đạo cho một làng chúng tôi, chúng tôi không cho họ sách. Chúng tôi gửi một gia đình Ki-tô giáo đến sống trong làng. Và họ sẽ làm cho mọi người thành Ki-tô hữu”.

7. Truyện: Đức tin sống động.

Felix Frankfurter là một quan tòa nổi tiếng của tòa án tối cao của Hoa Kỳ. Một lần kia ông được đưa vào bệnh viện, ở đó ông quen biết một y tá có tên là Lucy. Họ có những lúc ngồi nói chuyện thân mật và ông biết nhiều điều về Lucy.

Trước đó, chưa bao giờ ông gặp được người nào có lòng quảng đại và nhân hậu như chị. Và ông đã bắt đầu tự hỏi và suy nghĩ, cố gắng khám phá suối nguồn của thái độ của chị. Điều ông khám phá như sau: Suối nguồn ấy không có gì là bí ẩn. Nó đơn giản, chỉ là sự áp dụng thực hành đức tin của chị.

Lucy không bao giờ biết đức tin sống động của chị có ảnh hưởng như thế nào, nhưng chị đã làm cho Đức Giê-su hiện diện cụ thể trong bệnh viện này. Chị đem đến đôi bàn tay mà Đức Giê-su cần đến. Đức Giê-su cần những nhân chứng cho người ta như chị Lucy đến nỗi Người có thể thành Đấng an ủi như Người muốn làm.

Một quan hệ thật sự với Đức Giê-su sẽ có một ảnh hưởng cả khi người có mối quan hệ ấy không đề cập đến Đức Giê-su. Dĩ nhiên, những người tin vào Đức Giê-su và yêu mến Người, cũng sẽ, khi thuận lợi, nói về Đức Giê-su một cách rõ ràng cởi mở (Flor McCarthy).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây