TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh

“Mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ” (Lc 2, 22-40)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN

Thứ sáu - 31/01/2025 21:43 |   22
“Khi ấy, Đức Giê-su gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một.” (Mc 6,7-13)

06/02/2025
Thứ năm đầu tháng tuần 4 thường niên
Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo

t5 t4 TN

Mc 6,7-13


được gọi để được sai đi
“Khi ấy, Đức Giê-su gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một.” (Mc 6,7-13)

Suy niệm: Không phải ngẫu nhiên mà  Đức Giê-su “kêu các môn đệ lại và chọn lấy mười hai ông và gọi làm tông đồ” (Lc 6,13). Chắc chắn Đức Giê-su hữu ý chọn ‘Mười Hai’ như đại diện Mười Hai chi tộc Ít-ra-en để thể hiện mối liên hệ với sứ mệnh đặc biệt của họ trong việc thiết lập Hội Thánh là Dân riêng mới của Tân Ước. Họ được chọn gọi làm ‘môn đệ’ Đức Giê-su để ở lại và học đòi theo gương Thầy Chí Thánh. Nhưng họ còn được đặt làm ‘tông đồ’ để được sai đi với sứ mệnh loan báo Tin Mừng để những ai tin vào Ngài thì được cứu độ.

Mời Bạn: Sứ mệnh loan báo Tin Mừng được Đức Giê-su ký thác cho Nhóm Mười Hai, nay được chuyển thông cho chúng ta qua Bí tích Rửa Tội. Lời tuyên xưng đức tin khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội không chỉ là lời tuyên xưng ‘Tôi tin’ cách cá nhân mà còn là một lời đồng tuyên xưng trong một Hội Thánh ‘công giáo và tông truyền’ để cùng tham dự vào sứ mệnh của toàn Giáo Hội. Sứ mệnh đó là vinh dự và trách nhiệm cao cả mà mỗi người Ki-tô hữu phải hy sinh dấn thân với sự xác tín và trung thành.

Sống Lời Chúa: Mỗi lời nói, mỗi việc làm cũng như mọi giao tiếp trong mối tương quan gia đình, xã hội của bạn đều có thể chuyển biến thành một hành động loan báo Tin Mừng khi bạn thực hiện chúng với tinh thần của Tám Mối Phúc Thật, hay nói chung, theo giáo huấn của Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã gọi con tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng. Xin Chúa ban cho con sức mạnh và lòng can đảm để sống đức tin, làm chứng cho tình yêu Chúa mọi ngày trong suốt đời con. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ năm tuần 4 thường niên

Ca nhập lễ

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, xin cứu độ chúng tôi, từ khắp muôn dân, xin thu họp chúng tôi về, để chúng tôi được ca tụng thánh danh Chúa, và được vinh dự ngợi khen Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin cho tất cả chúng con biết hết lòng thờ phượng Chúa, và thành tâm yêu mến mọi người. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I (Năm I): Dt 12, 18-19. 21-24

“Anh em tiến đến núi Si-on và thành trì của Thiên Chúa hằng sống”.

Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Không phải anh em tiến tới một ngọn núi có thể sờ được, hay là lửa cháy, gió lốc, mây mù, bão táp, hoặc tiếng kèn và tiếng gầm thét, khiến cho người nghe xin tha đừng nói với họ lời nào nữa. Cảnh tượng thật hãi hùng, đến nỗi Mô-sê thốt lên: “Tôi đã kinh khiếp và run sợ”. Trái lại, anh em tiến đến núi Si-on và thành trì của Thiên Chúa hằng sống, là Giê-ru-sa-lem trên trời, tiến đến muôn ngàn thiên thần, và cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên trời, và đến cùng Thiên Chúa, Ðấng phán xét mọi người, đến cùng các linh hồn những người công chính hoàn hảo, đến cùng Ðấng trung gian của giao ước mới là Ðức Giê-su, và đến cùng máu đã rảy khi giao ước lên tiếng còn mạnh thế hơn máu A-ben.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 47, 2-3a. 3b-4. 9. 10-11.

Ðáp: Ôi Thiên Chúa, chúng con tưởng nhớ lại lòng thương xót của Chúa, ngay trong nơi đền thánh của Ngài (c. 10).

Xướng: Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen trong thành trì của Thiên Chúa chúng ta. Núi thánh của Ngài là ngọn đồi duyên dáng, niềm hoan lạc của khắp cả địa cầu.

Xướng: Núi Si-on là cùng kiệt phương bắc, là thành trì của Ðức Ðại Ðế. Thiên Chúa ngự trong thành quách của Ngài, tự chứng tỏ Ngài là an toàn chiến luỹ.

Xướng: Chúng tôi đã nhìn thấy, như đã nghe kể lại, trong thành trì của Chúa thiên binh, trong thành trì của Thiên Chúa chúng tôi: Thiên Chúa kiên thủ thành đó tới muôn đời.

Xướng: Ôi Thiên Chúa, chúng con tưởng nhớ lại lòng thương xót của Chúa, ngay trong nơi đền thánh của Ngài. Ôi Thiên Chúa, cũng như thánh danh Ngài, lời khen ngợi Ngài sẽ vang cùng cõi đất. Tay hữu Ngài đầy đức công minh.

Bài Ðọc I: 1 V 2, 1-4. 10-12

“Cha sắp bước vào con đường chung của thiên hạ; Sa-lô-môn, con hãy can đảm và ăn ở xứng danh nam nhi”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Gần ngày băng hà, Ða-vít truyền cho Sa-lô-môn, con trai của ông rằng: “Cha sắp bước vào con đường chung của thiên hạ. Con hãy can đảm, và ăn ở xứng danh nam nhi. Con hãy tuân giữ các huấn lệnh của Chúa là Thiên Chúa con, hãy đi trong đường lối của Người, hãy tuân giữ các lễ nghi, giới răn, thánh chỉ và giáo huấn của Người như đã ghi chép trong Luật Mô-sê, ngõ hầu con đi đâu, con cũng hiểu biết mọi việc con làm, để Chúa hoàn thành lời Người đã nói về cha rằng: “Nếu con cái ngươi tuân giữ đường lối của chúng và hết lòng hết trí đi trước mặt Ta trong chân lý, thì ngươi sẽ không bao giờ mất người kế vị trên ngôi báu Israel”.

Vậy vua Ða-vít yên giấc với các tổ phụ và được mai táng trong thành Ða-vít. Ða-vít làm vua Ít-ra-en được bốn mươi năm: tại Khép-rôn, ngài cai trị bảy năm; tại Giê-ru-sa-lem, ngài cai trị ba mươi ba năm. Còn Sa-lô-môn lên ngôi Ða-vít cha ngài, và triều đại ngài rất vững bền.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: 1 Sb 29, 10. 11ab. 11d-12a. 12bcd

Ðáp: Chúa thống trị trên tất cả mọi loài.

Hoặc đọc: Giàu sang là của Chúa, và vinh quang là của Chúa.

Xướng: Ðavít đã chúc tụng Chúa trước mặt toàn thể cộng đồng, người thưa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng, từ đời đời tới muôn muôn thuở”.

Xướng: Lạy Chúa, cao sang, quyền bính và vinh quang, chiến thắng, lời ca khen đều thuộc về Chúa, vì tất cả những gì trên trời dưới đất là của Chúa. – Ðáp.

Xướng: Chúa ngự trên tất cả những đế vương. Giàu sang là của Chúa, và vinh quang là của Chúa. – Ðáp.

Xướng: Chúa thống trị trên tất cả mọi loài, sức mạnh quyền bính đều ở trong tay Chúa; ở trong tay Chúa, mọi uy phong và vững bền.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống: Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6, 7-13

“Người bắt đầu sai các ông đi”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy, Chúa Giê-su gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: “Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ”. Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con xin kính cẩn dâng những lễ vật này lên bàn thờ Chúa để tỏ lòng thần phục suy tôn; cúi xin Chúa nhân từ chấp nhận và làm cho trở thành bí tích đem lại ơn cứu chuộc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu độ tôi theo lượng từ bi của Chúa. Lạy Chúa, xin đừng để tôi phải hổ ngươi vì đã kêu cầu Chúa.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy lương thực cứu độ để nuôi dưỡng chúng con; xin Chúa dùng sức mạnh dồi dào của bí tích này làm cho đức tin chân chính được tiến triển luôn mãi. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CHÚA SAI CÁC TÔNG ĐỒ ĐI TRUYỀN GIÁO (Mc 6,7-13)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Sau một thời gian huấn luyện, hôm nay Chúa Giê-su sai các Tông đồ đi thực tập truyền giáo. Chúa sai các ông đi từng hai người một, ban cho các ông có quyền chữa bệnh và khử trừ ma quỉ. Người không cho các ông mang theo gì, trừ ra cây gậy và đôi dép, để các ông hoàn toàn phó thác vào Người. Người dặn bảo các ông: đến nơi nào thì cứ kiên trì ở đó giảng và làm phúc cho họ. Nếu nơi nào người ta không chịu nghe lời thì hãy đi nơi khác, nhưng hãy cảnh cáo cho họ biết lỗi của họ.

2. Hôm nay các Tông đồ bắt đầu thực tập công việc truyền giáo. Trong thời gian qua, các ông đã được trong thấy việc Chúa làm, Chúa giảng dạy… thì giờ đây đến lượt các ông phải nói và làm. Tuy thời kỳ huấn luyện  các ông còn chưa xong – chỉ đến ngày lễ Hiện Xuống việc này mới kết thúc – nhưng các ông có thể thử nghiệm cho biết cuộc đời truyền giáo là thế nào.

3. Chúa muốn các ông sống khó nghẻo và đơn sơ phó thác.

Chúa Giê-su căn dặn các tông đồ không được mang theo gì cả, các ông phải ra đi không cồng kềnh vướng vít, không mang theo ngay cả đồ ăn thức uống nữa.

Xem ra đây là một điều kiện để người truyền giáo có được thảnh thơi. Ra đi không hành lý, chính là từ chối kéo theo mình những gì là riêng tư, và phô ra trước mặt người khác, tiền bạc, của cải, uy thế của mình… Ra đi không hành lý là muốn nói lên rằng chỉ có bản thân, tư cách con người truyền giáo mới là chiếc xe tốt cần thiết cho việc đi rao giảng Tin Mừng. Làm chứng là nói bằng chính con người và đời sống của mình, chứ không phải bằng những lời nói xuông mà thôi, nghĩa là sống sao thì dạy vậy, và dạy sao thì sống vậy.

4. Một khía cạnh khác của nếp sống nghèo cần có đối với người truyền giáo là chấp nhận lòng hiếu khách của người ta, sẵn lòng khi được người ta mời. Người ta dễ nhận mình hơn khi ta không choán hết chỗ của họ. Ta đến không mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh, người ta sẵn lòng đón tiếp ta; hai việc này thường đi đôi với nhau. Ai cũng biết rõ rằng nếu ta tới nhà họ với đôi bàn tay trống – ngoại trừ chứng từ của đời sống ta – thì sự tiếp đón của họ mới thật trong sáng: người ta sẽ tỏ ra quan tâm đến chứng từ, chứ không phải vì món đồ nào đó được cất giấu trong những chiếc Va-li của ta.

5. Chúa muốn các nhà truyền giáo làm chứng cho Người.

Mỗi người chúng ta có trách nhiệm phải thi hành sứ mạng tiên tri nghĩa là phải làm chứng cho Chúa Giê-su như lời Người dạy: Các con là chứng nhân của Thầy”. Rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa không phải chỉ dùng lời nói suông nhưng phải dùng cả đời sống, cả con người của mình để làm chứng, vì con người chúng ta là phương tiện hữu hiệu để chỉ cho người ta biết Thiên Chúa. Vì vậy, mỗi người phải có đời sống gương mẫu để xứng đáng là “chứng nhân” của Chúa, ngược lại chỉ là những “phản chứng” thôi. Cho nên chúng ta có thể nói: cách giảng hữu hiệu nhất là làm chứng, và cách làm chứng hữu hiệu nhất là cuộc sống nghèo, không cần gì khác ngoài ơn Chúa. Về phương diện này có người kể lại rằng: Đã có lần Lénine nói về thánh Phan-xi-cô Át-si-si: “Để có thể thay đổi bộ mặt thế giới, có lẽ chỉ cần 10 con người như vậy” (Trích Mỗi ngày một Tin vui).

6. Chúa cũng muốn chúng ta phải làm chứng nhân cho Chúa.

Mỗi công việc đều có phương tiện để đạt tới mục đích. Trên thế giới này có biết bao nhiêu ngàng nghề, biết bao lãnh vực cho nên có vô vàn vô số những phương tiện thích hợp. Trong lãnh vực truyền giáo, Chúa cũng dùng đủ mọi phương tiện để nhờ đó người ta có thể nhận biết Chúa, nhưng phương tiện sống động và hữu hiệu nhất là chính con người chúng ta, chính con người chúng ta là dấu ấn của Thiên Chúa để người ta trông thấy chúng ta thì đồng thời cũng nhìn ra Chúa. Trong việc phong thánh cho linh mục Gio-an Vi-a-ney, cha sở xứ Ars, một nhà điều tra phong thánh có hỏi một người trong giáo xứ về đời sống của Ngài, thì người giáo dân ấy chỉ trả lời vỏn vẹn bằng mấy chữ: Tôi đã trông thấy Thiên Chúa trong một con người”.

7. Truyện: Thánh Phan-xi-cô Át-si-si giảng đạo.

Ngày kia, thánh Phan-xi-cô Át-si-si nói với thầy dòng: “Nào chúng ta cùng đi phố và giảng đạo”. Hai người ra đi, hết con đường trước mặt, quẹo sang đường khác rồi về nhà. Thầy dòng thắc mắc hỏi: “Con nghe ngài nói là mình đi phố và giảng đạo cơ mà”! Thánh Phan-xi-cô đáp: “Chúng ta đã giảng đạo rồi đó! Khi chúng ta đi đường. Mọi người nhìn ta, thấy phong cách của ta, nghĩ về đời sống của ta và rồi họ sẽ thắc mắc về nguồn sống linh hồn của họ. Như thế chẳng phải là ta đã giảng đạo cho họ rồi sao”?

Câu nói của thánh nhân quả là khôn ngoan. Người Ki-tô hữu không có cách truyền giáo nào hay hơn là chính đời sống chứng tá của họ (Góp nhặt).

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo

Ca nhập lễ

Linh hồn các Thánh, những Đấng đã theo chân Chúa Ki-tô, được vui mừng trên trời; và vì yêu mến Người, các ngài đã đổ máu mình ra, bởi thế các ngài luôn luôn hân hoan với Chúa Ki-tô.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, là nguồn sức mạnh của các thánh, Chúa đã gọi thánh Phao-lô Mi-ki và các bạn bước lên thập giá để vào cõi trường sinh. Xin Chúa thương nhận lời các Ngài cầu thay nguyện giúp cho chúng con hằng can đảm tuyên xưng đức tin và trung thành giữ vững đến hơi thở cuối cùng. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I

Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, là Cha chí thánh, chúng con dâng những lễ vật này để tưởng niệm các thánh đã làm chứng cho Chúa. xin Chúa thương chấp nhận và làm cho chúng con cũng trở thành những chứng nhân bất khuất khi phải tuyên xưng danh Chúa trước mặt người đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Các con đã kiên trì với Thầy trong cơn gian nan của Thầy, và Thầy sắp đặt Nước trời cho các con, để các con sẽ được ăn uống đồng bàn trong nước Thầy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã làm cho mầu nhiệm thập giá sáng chói cách lạ lùng trong cuộc đời các thánh tử đạo. Xin ban cho chúng con, vừa được hy lễ này bồi dưỡng, biết trọn niềm gắn bó cùng Chúa Ki-tô, và không ngừng hoạt động trong Hội Thánh cho anh em được hưởng ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Phaolô Miki là một trong 3 Giêsu-hữu thuộc nhóm 26 thánh tử đạo đổ máu ngày 05.02.1597 trên đồi Tateyama, gần Nagasaki (Nhật Bản), trong đó có: 6 nhà truyền giáo Tây Ban Nha thuộc Dòng Phanxicô; 3 giáo lý viên thuộc Dòng Tên Nhật Bản, trong số đó có Phaolô Miki, còn có 17 giáo dân người Nhật cùng tử đạo.

Phaolô Miki được nêu danh đặc biệt vì thái độ anh hùng khi ngài bị đóng đinh cùng với các bạn. Các vị này là những người tử đạo đầu tiên của miền Viễn Đông được ghi vào sách các thánh tử đạo (Martyrologium). Trong số này, cũng có các em dưới 14 tuổi: Louis, André, Antoine. Chứng nhân cuộc tử đạo này đã nói về Antoine: “Đôi mắt hướng về trời, sau khi gọi danh thánh Giêsu và Maria, em bắt đầu cất tiếng hát Thánh Vịnh: “Các em hãy ca ngợi Thiên Chúa” mà em đã học tại Nagasaki, trong trường giáo lý.”

Thông điệp và tính thời sự

a. Lời nguyện nhập lễ nói: Thiên Chúa là nguồn sức mạnh của các thánh ; lời kinh này đã gọi Miki và các bạn “đã vượt qua Thánh giá để đi vào sự sống”.

Em Antoine, khi bị một vị quan dụ bỏ đạo, đã nói: “Thập giá không làm tôi sợ; tôi lại khao khát nó vì tình thương Chúa Kitô.”

Từ trên Thánh giá, Phaolô Miki đã nói với đám đông tụ họp: “Tôi muốn nói với anh em điều này: không có con đường cứu độ nào ngoài con đường người Kitô hữu đi. Tôn giáo này dạy tôi tha thứ, tôi xin tha thứ cho nhà vua cách thật lòng và tất cả những người tạo ra cái chết của tôi, và tôi cầu nguyện để họ có thể lãnh nhận phép rửa của người Kitô hữu.”

Bài đọc một (Gl 2,19-20) nhắc lại những lời của Phaolô Miki: Tôi chịu đóng đinh vào cây Thánh giá cùng với Đức Kitô: tôi sống, nhưng không phải là tôi, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi. Từ trên cao của 26 cây Thánh giá, các thánh tử đạo ở Nagasaki đã trở thành hình ảnh sống động của Đức Kitô, Đấng kêu gọi các môn đệ đi theo Người: Nếu ai muốn theo tôi, phải bỏ mình, vác thập giá của mình và theo tôi (Mt 16,25).

b. Phaolô Miki và các bạn đã gìn giữ và tuyên xưng đức tin cho đến lúc chết. Trình thuật về cuộc tử đạo của họ, do một chứng nhân ghi lại, cho thấy hiến tế của họ như một Phụng Vụ: người ta hát Thánh Vịnh “Các em, hãy ca ngợi Chúa”; người ta kêu đến thánh danh Giêsu và Maria; người ta đọc kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng và người nào đó đã lập lại lời van xin của người trộm lành: Lạy Chúa, xin nhớ đến con. Cuối cùng, 4 lý hình đã chấm dứt chứng cứ anh hùng của đức tin bằng việc lấy giáo đâm vào tim, trong khi các Kitô hữu vẫn kêu lên: “Giêsu, Maria!” Như thế đối với họ, cũng như đối với Chúa Giêsu trên đồi Calvariô: “Tất cả đã hoàn tất” (Ga 19,30).

Enzo Lodi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây