14/02/2025
Thứ sáu tuần 5 thường niên
Thánh Cyrillô, đan sĩ và Mêthôđiô, giám mục
Mc 7,31-37
đến với đức giê-su
Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su và xin Người đặt tay trên anh. (Mc 7,31-37)
Suy niệm: Người điếc thì không thể nghe, người câm thì không nói được. Người vừa điếc vừa ngọng này bị trói buộc, bị cách ly không thể tương giao với người khác. Để giúp anh nối lại mối tương quan bị đoạn tuyệt đó, anh may mắn được nhiều người trợ giúp đưa đến với Đức Giê-su; và Ngài đã thực hiện một loạt dấu chỉ để chữa lành anh: Ngài đưa anh ra khỏi đám đông để anh ở một mình với Ngài và đụng chạm đến tai, đến lưỡi anh. Cuối cùng nhờ lời Ngài nói: “Ép-pha-ta, [nghĩa là: hãy mở ra]”, tai anh mở ra, lưỡi anh hết bị buộc lại, anh nói được rõ ràng (x. Mc 7,32-35).
Bạn có biết, bệnh câm thường là hậu quả của bệnh điếc: một đứa trẻ vì tai điếc nên nó không biết nói hoặc nói một cách khó khăn, ngọng nghịu. Chỉ khi ta mở tai để nghe được Lời Chúa, lúc đó miệng lưỡi ta mới có thể mở ra để ca tụng tôn vinh Chúa, và làm chứng về Ngài. Trong Năm Thánh này, Hội Thánh mời gọi chúng ta không bao giờ thất vọng vì sự bất hạnh hay tội lỗi của chúng ta, nhưng đến gặp gỡ Đức Giê-su cách cá vị và cùng bước đi với Ngài trên con đường hy vọng “để tôn Ngài là Chúa ngự trị trong lòng bạn và sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của bạn” (x. 1Pr 3,15).
Sống Lời Chúa: Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày và kiên trì làm chứng về Ngài mọi ngày trong cuộc sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con đã lãng phí thời gian cho những thông tin vô bổ hay những câu chuyện tầm phào, và giả điếc làm ngơ trước lời yêu thương của Chúa. Xin cho con luôn khao khát đến với Chúa và tìm thấy nơi Lời Chúa nguồn ánh sáng soi đường cho con.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ sáu tuần 5 thường niên
Ca nhập lễ
Hãy tiến lên, chúng ta hãy thờ lạy Thiên Chúa, và hãy tiến bước trước nhan thánh Chúa, Đấng tạo thành chúng ta, vì chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, chúng con là con cái trong nhà, chỉ đứng vững khi dựa vào ơn Chúa, xin Chúa hằng che chở chúng con. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) St 3, 1-8
“Các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh”.
Bài trích sách Sáng Thế.
Con rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi dã thú mà Thiên Chúa tạo thành. Nó nói với người nữ rằng: “Có phải Thiên Chúa đã bảo: “Các ngươi không được ăn mọi thứ cây trong vườn?” Người nữ trả lời con rắn: “Chúng tôi được ăn trái cây trong vườn; nhưng trái cây ở giữa vườn, thì Thiên Chúa bảo: “Các ngươi đừng ăn, đừng động tới nó, nếu không, sẽ phải chết”. Rắn bảo người nữ: “Không, các ngươi không chết đâu. Nhưng Thiên Chúa biết rằng ngày nào các ngươi ăn trái ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh”. Người nữ thấy cây đẹp mắt, ngon lành và thèm ăn để nên thông minh. Bà hái trái cây ăn, rồi lại đưa cho chồng, người chồng cũng ăn. Mắt họ liền mở ra và họ nhận biết mình trần truồng, nên kết lá vả che thân. Bấy giờ hai người nghe tiếng Thiên Chúa đi trong vườn địa đàng lúc chiều mát. Ađam và vợ ông liền núp trong lùm cây trong vườn địa đàng cho khuất mặt Thiên Chúa.
Ðó là Lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 31, 1-2.5.6.7
Xướng: Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian.
Đáp: Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm.
Xướng: Tôi xưng ra cùng Chúa tội tôi đã phạm, và lỗi lầm của tôi, tôi đã không che giấu. Tôi nói: “Tôi thú thực cùng Chúa điều gian ác của tôi, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho tôi”.
Xướng: Bởi thế nên mọi người tín hữu sẽ nguyện cùng Chúa, trong thời buổi khốn khó gian truân. Khi sóng cả ba đào ập tới, chúng sẽ không làm hại nổi những người này.
Xướng: Chúa là chỗ dung thân, Chúa giữ tôi khỏi điều nguy khổ, Chúa đùm bọc tôi trong niềm vui ơn cứu độ.
Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 11, 29-32; 12, 19
“Israel lìa bỏ nhà Ðavít”.
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Khi ấy, Giêroboam từ Giêrusalem đi ra, thì tiên tri Ahia, người Silô mặc áo choàng mới, gặp ông dọc đường. Lúc đó chỉ có hai người ở ngoài đồng. Ahia cầm lấy áo choàng mới ông đang mặc, xé ra làm mười hai phần và nói với Giêroboam rằng: “Ông hãy cầm lấy mười phần cho ông, vì Chúa là Thiên Chúa Israel phán thế này: ‘Ðây, Ta sẽ phân chia vương quốc từ tay Salomon, và Ta sẽ cho ngươi mười chi tộc. Vì Ðavít tôi tớ Ta, và vì thành Giêrusalem mà Ta đã lựa chọn trong mọi chi tộc Israel, Ta sẽ dành cho Salomon một chi tộc’ “. Như thế, Israel lìa bỏ nhà Ðavít cho đến ngày nay.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 80, 10-11ab. 12-13. 14-15
Ðáp: Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, ngươi hãy nghe Ta răn bảo (c. 11a & 9a).
Xướng: Ở nơi ngươi đừng có một chúa tể nào khác cả, ngươi cũng đừng thờ tự một chúa tể ngoại lai: vì Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Ta đã đưa ngươi ra ngoài Ai-cập.
Xướng: Nhưng dân tộc của Ta chẳng có nghe lời Ta, Israel đã không vâng lời Ta răn bảo. Bởi thế nên Ta để mặc cho chúng cứng lòng để chúng sinh hoạt tuỳ theo sở thích.
Xướng: Phải chi dân tộc của Ta biết nghe lời Ta, Israel biết theo đường lối của Ta mà ăn ở: thì lập tức Ta sẽ triệt hạ kẻ thù của chúng, và để đập tan quân địch của chúng, Ta sẽ trở tay!
Alleluia
Alleluia – Alleluia – Lạy Chúa, xin dạy bảo tôi về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn tôi trong chân lý của Ngài – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 7, 31-37
“Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem đến cho Người một kẻ điếc và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh. Ðoạn ngước mắt lên trời, Người thở dài và bảo: Ephata, nghĩa là “hãy mở ra”, tức thì tai anh được sõi sàng. Chúa Giêsu liền cấm họ: đừng nói điều đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục, mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”. Đó là lời Chúa
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong muôn vật Chúa đã dựng nên, Chúa đã lấy bánh và rượu để nuôi dưỡng loài người; xin cho bánh rượu này cũng trở nên bí tích đem lại cho chúng con sự sống muôn đời. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Thiên hạ hãy cảm ơn Chúa vì Chúa nhân hậu, và những điều kỳ diệu của Ngài đối với loài người, bởi Người đã cho người đói khát được no nê, người cơ hàn được tràn trề thiện hảo.
Hoặc đọc:
Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, thì họ sẽ được no thoả.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh, cùng được uống chung một chén rượu; xin cho cộng đoàn chúng con đây biết thành tâm hiệp nhất trong tình yêu của Ðức Kitô, để nhờ đó mà cả thế giới này được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…
Suy Niệm
MỞ RA
Lm. Antôn Trần Văn Phú
Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi chúng ta dừng lại ở động từ “mở ra”. Tác giả sách Sáng Thế trình bày cho chúng ta việc con rắn cám dỗ Adam và Eva ăn trái cấm. Mắt ông bà sẽ “mở ra” và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác (St 3,5). Khi Adam và Eva ăn trái cấm thì mắt ông bà “mở ra” và họ thấy mình trần truồng (St 3,7). Như thế cái “mở ra” đầu tiên này đối với con người là để “biết”: biết Thiên Chúa và biết chính mình. Con người biết Thiên Chúa là vị Thần duy nhất, là Thiên Chúa duy nhất, là Đấng sáng tạo mọi sự tốt đẹp, và là Đấng yêu thương con người. Con người biết chính mình là tội nhân. Con người ý thức được mình tội lỗi, yếu đuối, kêu ngạo và tự phụ. Khi con người ý thức được thân phận mình yếu đuối và tội lỗi như thế, thì con người khao khát trở về để làm hòa với Thiên Chúa, với Đấng yêu thương và tạo dựng mình. Con người ý thức mình cần đến Chúa, cần đến sự trở giúp của Ngài để có thể trở về. Trước tình trạng con người như thế, Thiên Chúa, với tình yêu sáng tạo và cứu độ, đã “mở ra” cho con người một con đường để trở về. Đó là con đường khiêm nhường. Chỉ trên con đường khiêm nhường này con người mới có thể trở về với Thiên Chúa. Đường khiêm nhường ở đây chính là Đức Giêsu. Thánh Phaolô đã khẳng định điều này: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Phl 2,6-7). Đức Giêsu là “con đường” của chúng ta (Ga 14,6). Người đến trong thân phận con người để “mở ra” con đường cho nhân loại tội lỗi trở về với Thiên Chúa. Người đến để tái tạo những gì con người đã đánh mất. Người đến để mở mắt cho kẻ mù thấy, mở tai cho kẻ điếc nghe, và mở miệng cho kẻ câm nói. Quả thực, qua “con đường mở ra” – Đức Giêsu Kitô – muôn vật được tạo thành và được tái tạo. Ađam và tất cả nhân loại cần đến “con đường mở ra” này. Chúng ta cần đến cái “mở ra” của Thiên Chúa.
CHÚA CHỮA NGƯỜI CÂM VÀ ĐIẾC (Mc 7,31-37)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
1. Trên thế giới ngày nay còn nhiều người bị câm điếc. Những người câm thường hay bị điếc. Người bị câm điếc thường phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, họ bị coi như sống bên lề xã hội nên họ cảm thấy lẻ loi cô đơn. Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mác-cô thuật lại việc Đức Giê-su chữa lành cho người bị câm điếc để đem lại đức tin và niềm vui cho anh ta. Sự chữa lành đó thuộc thể lý, nhưng qua đó, Chúa Giê-su muốn nói đến bệnh câm điếc thiêng liêng mà mọi người kẻ ít người nhiều đều mắc phải.
2. Tâm lý người bị câm điếc.
Người câm điếc gặp khó khăn khi muốn trình bày hay diễn đạt một lời nói cho người khác hiểu ý mình, nhưng họ lại cảm thấy ngại ngùng giống như có một sợi dây vô hình trói buộc, làm cho họ không thể nói ra. Tình trạng bất hạnh ấy dễ làm người ta mặc cảm, không nói được mà cũng chẳng nghe được, tự thân đã khiến người bị tật khó hiểu thế giới bên ngoài, và thế giới bên ngoài càng khó hiểu người bị tật ấy.
Do đó, người bị tật tự nhiên cảm thấy mình lẻ loi như đứng bên lề xã hội, họ có khuynh hướng muốn rút lui và sống trong cô đơn. Vì thế, những người bị tật ấy cần những người lành mạnh có thái độ thông cảm, tôn trọng và yêu thương thành thật.
3. Chúa Giê-su chữa người câm điếc.
Hôm nay chúng ta thấy Đức Giê-su không chữa bệnh đơn giản như mọi khi, nghĩa là chỉ đặt tay hay dùng một lời nói để chữa bệnh: Ta muốn ngươi được khỏi bệnh! Đức Giê-su lại đưa anh chàng ra khỏi đám đông, xỏ ngón tay vào tai người câm điếc, bôi bọt vào lưỡi anh ta và ngước mắt lên trời rên lên: “Epphata”: Hãy mở ra.
Về cử chỉ xỏ tay vào tai, bôi nước bọt vào lưỡi là cốt để khêu gợi đức tin là điều rất cần để Chúa ban ơn, mà bệnh nhân còn thiếu. Anh này điếc nên không nghe được, chỉ còn làm thế nào cho anh ta hiểu. Xỏ tay vào tai và đụng vào lưỡi để cho anh ta hiểu rằng: đó là những kết quả anh ta mong đợi.
4. Bệnh câm điếc thiêng liêng.
Cử chỉ Chúa Giê-su trong phép lạ chữa lành người câm điếc, đã có một thời được Giáo hội lặp lại khi cử hành Bí tích Rửa tội. Thật thế, Bí tích Rửa tội cũng là một phép lạ trong đó chúng ta được chữa lành và tái sinh trong đời sống mới. Trong phép lạ này, Chúa Giê-su cũng nói với mỗi người chúng ta: Epphata, Hãy mở ra. Hãy mở lớn đôi tai để nghe được tiếng Ngài trong từng biến cố, từng giây phút của cuộc sống. Hãy mở rộng con tim và đôi tay để cảm thông và chia sẻ với người khác. Hãy mở miệng để cảm tạ, chúc tụng và loan báo tình thương Chúa, để nói những lời của yêu thương và hòa bình, của cảm thông và tha thứ.
5. Tránh sự dửng dưng trong đời sống.
Trong truyện ngắn Máu Cá (tức máu lạnh), nhà văn Nguyễn Minh Châu kể chuyện một bà mẹ trẻ mất con ở ga Hàng Cỏ, kêu la thảm thiết, nhưng chẳng ai đoái hoài. Nhà văn xin một công an trực rao trên loa, người này cũng chẳng nói chẳng rằng. Cả ngàn người trên ga Hàng Cỏ như điếc, như câm trước nỗi khổ của người mẹ quẫn trí vì mất con! Bài Tin Mừng cho thấy Chúa Giê-su không dửng dưng trước đau khổ của con người, Ngài đã chữa lành cho người câm điếc. Lời tán dương của đám đông gợi nhớ lại lời kết luận của sách Sáng thế về công trình sáng tạo (St 1,31). Chúa Giê-su đến để phục hồi sự tốt đẹp của công trình sáng tạo: một thế giới trong đó mọi người tin nhận và sống tư thế con thảo của Cha trên trời, nhìn vào mặt người khác và nhận ra họ là anh em, chị em mình (5 phút Lời Chúa).
6. Hãy biết lắng nghe và chia sẻ.
Chúng ta phải phá bỏ bức tường câm điếc đã làm cho chúng ta xa cách tha nhân, không còn hiểu nhau, không còn thông cảm và thương yêu nhau, coi nhau như kẻ thù. Trái lại, phải xây lại nhịp cầu thông cảm và yêu thương mà chính Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta khi chịu phép Rửa tội. Trong ngày đó, chúng ta được cởi mở khỏi xiềng xích tội lỗi và được đàm đạo với Chúa như với người bạn chí thiết.
7.Truyện: Bức tường Bá Linh.
Ngày 13/08/1961, người ta xây một bức tường chưa từng thấy trong lịch sử loài người: cao 8 mét, dài 700 cây số ngăn đôi một gia đình, một thành phố, một dân tộc, một nước Đức, không ai được qua lại với nhau, coi nhau như kẻ thù ghê gớm. Ai vượt qua bức tường đó hoặc bị bắt hoặc bị bắn chết. Mãi đến 28 năm sau, ngày 13/11/1989 bức tường đó bị phá đổ, chấm dứt hận thù chia rẽ. Gia đình, dân tộc được đoàn tụ với nhau, nước Đức được thống nhất, thế giới chấm dứt chiến tranh lạnh, trở thành đồng minh đồng chí với nhau.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Cyrillô, đan sĩ và Mêthôđiô, giám mục
Ca nhập lễ
Chúa phán: những lời mà Ta đặt vào miệng ngươi, đừng để chúng biến khỏi miệng ngươi, thì lễ vật ngươi đặt trên bàn thờ Ta mới được chấp nhận.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã dùng hai anh em thánh Sy-ri-lô và thánh Mê-tô-đi-ô, để đưa các dân tộc Xi-la-vô-ni-a tới ánh sáng Tin Mừng. Xin mở lòng chúng con đón nhận lời Chúa dạy và biến đổi chúng con thành dân riêng của Chúa luôn đồng tâm nhất trí với nhau, để sống đức tin chân thật và thẳng thắn tuyên xưng. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I:
Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, xin chấp nhận của lễ chúng con dâng để mừng kính hai anh em thánh Sy-ri-lô và thánh Mê-tô-đi-ô. Ước gì hiến lễ chúng con dâng để tạ ơn Chúa vừa tuyên xưng Chúa uy nghi vinh hiển, vừa đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Con Người đến để phó mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã cho chúng con tìn lại sức mạnh nơi bàn tiệc thánh. Xin giúp chúng con biết noi gương hai thánh Sy-ri-lô và thánh Mê-tô-đi-ô để lại là luôn luôn trung thành phụng sự Chúa và yêu thương phục vụ mọi người mà không hề quản ngại khó khăn. Chúng con cầu xin…
Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Ngày lễ kính thánh Cyrillô và Mêthôđô, được kính như các Tông Đồ dân Slave và được Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II công bố năm 1980, như thánh quan thầy Âu Châu, cùng tước hiệu với thánh Bênêđictô, trùng với ngày qua đời của thánh Cyrillô, khi đến Rôma vào ngày 14.02.869.
Hai anh em Cyrillô và Mêthôđô gốc ở Salonique (Hy Lạp ngày nay). Trước khi đi truyền giáo vùng Moravie, Méthôđô là Tổng trấn một tỉnh người Slave và Cyrillô, nhỏ tuổi hơn, nhưng lại sáng chói hơn, đã chu toàn những sứ vụ tôn giáo và ngoại giao quan trọng. Cả hai nói lưu loát tiếng Slave.
Sứ vụ làm cho hai vị nổi tiếng là sứ vụ do Thượng phụ Photios sai đi từ năm 862-963 với mục đích dạy dỗ và Phúc Âm hóa dân Slave ở Moravie trong ngôn ngữ của họ. Vì thế Cyrillô và Mêthôđô bắt đầu dạy ngữ vựng đầu tiên, được gọi là “Cyrillique” và họ cũng đã dịch các văn bản tôn giáo ra tiếng Slave: Thánh Vịnh, các Phúc Âm, các Thư Tông Đồ, kinh nguyện…
Sau vài năm ở Moravie, Cyrillô và Mêthôđô tiếp tục công tác ở Pannonie (Hungarie và một phần đất Yougoslavie ngày nay), trước khi đến Rôma, nơi họ được Đức Giáo Hoàng Adrien II đón nhận và công nhận các việc họ làm về Phụng Vụ Slave. Tại Rôma, Cyrillô ngã bệnh và qua đời vào ngày 14.02.869, lúc ấy ngài khoảng độ 40 tuổi.
Sau cái chết của người em, Méthôđô được gọi làm giám mục ở Pannonie và sứ thần toà thánh cho dân Slave; ngài gặp nhiều khó khăn do sự chống đối của hàng giáo sĩ Đức; nhưng điều này không ngăn cản được công trình Phúc Âm hoá và hội nhập văn hóa mà ngài đã theo đuổi cho đến chết (885).
Các môn đệ ngài đã rao giảng Tin Mừng miền Bohême, ông hoàng Bozyvojd được rửa tội theo nghi thức Slavon, sau đó là dân Serbie và Lusace (vùng Croatia), tiếp đến là Ba Lan, Bulgarie, Roumanie và vùng Kiev.
Với công trình như thế, chúng ta mới thấy được công khó của hai thánh Cyrillô và Mêthôđô trong việc thiếp lập các cộng đoàn Kitô giáo trong nhiều vùng Đông Âu. Việc này đã tạo một bước tiến để thành lập Âu Châu, không những về mặt tôn giáo, nhưng cả về mặt chính trị và văn hóa.
Mỹ thuật trình bày thánh Cyrillô với bản ngữ vựng, và thánh Mêthôđô với một quyển Phúc Âm mở ra, được ghi bằng tiếng Slavon.
Thông điệp và tính thời sự
Thánh Cyrillô ngã bệnh và biết trước giây phút cuối cùng của mình, vẫn nhận ra ơn gọi cao cả: “Xưa tôi chưa hiện hữu, bây giờ tôi đã hiện hữu và tôi sẽ hiện hữu mãi mãi.” Ngài cầu nguyện cùng Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin gìn giữ đàn chiên trung thành này… Xin triển khai Giáo Hội với số lượng cao và qui tụ mọi thành phần vào trong sự hiệp nhất. Xin thu tóm tất cả thành một dân được tuyển chọn, kết hiệp mọi người trong đức tin và giáo lý chính thống…” (Phụng Vụ Giờ Kinh).
Được giao nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô, Cyrillô và Mêthôđô đã giảng dạy “đức tin chân thật và giáo lý chính thống”, nhưng hai ngài còn hoàn tất công tác Phúc Âm hóa khi hội nhập sứ điệp Kitô giáo vào trong văn hóa các dân Slave. Nhờ thế, khi công trình của hai vị được hoàn tất, đã cho phép ngôn ngữ Slave xứng đáng trở thành văn tự phổ biến. Nhờ việc đề cao ngôn ngữ và văn hóa, các dân tộc Slave đã có thể chống cự lại thứ chính trị thống trị và đồng hóa của người German và người Hy Lạp.
Công trình của Cyrillô và Mêthôđô vô cùng to lớn, đánh dấu bằng sự can đảm trí thức và sự khiêm tốn, vì trong thời gian mà người ta chỉ được cầu nguyện ca tụng Thiên Chúa bằng tiếng Hipri, Hy Lạp hay La Tinh, hai vị thánh Tông Đồ của dân Slave đã đáp trả bằng tiếng Slave, và qua đó cho thấy mọi người có thể với Thiên Chúa bằng ngôn ngữ của mình.
Bên cạnh các tác phẩm tôn giáo, cả hai đã dịch và suy diễn “Bộ Luật Justinien”, được xem như bộ luật cổ nhất của Slave (Zakon Sudnyj). Người ta cũng cho rằng thánh Mêthôđô đã dịch quyển Nomokanon, thu tập các luật Giáo Hội và luật dân sự Byzantin.
Phúc Âm được chọn cho Thánh lễ này là dụ ngôn người gieo giống (Mc 4,1-20). Các khó khăn mà vị Tông Đồ đã phải gánh chịu (Mêthôđô cũng đã phải vào tù) không ngăn cản được hạt giống rơi vào đất tốt và mang lại nhiều hoa trái.
Công trình Phúc Âm hóa vẫn chưa kết thúc. Chính vì thế Hội thánh, trong ngày lễ kính hai vị thánh Tông Đồ này, đã hát trong Thánh lễ Thánh Vịnh 95: Từ ngày này sang ngày khác, hãy công bố ơn cứu độ của Người / hãy thuật lại cho muôn dân vinh quang của Người / cho muôn dân kỳ công của Người. Chúng ta có thể nhắc lại những lời cuối cùng của Cyrillô nói với anh mình là Mêthôđô: “Anh ơi, chúng ta đã chia sẻ cùng một số phận, cùng dắt một cái cày trên cùng một luống. Em biết anh vẫn thích Núi thánh của anh (sự cô tịch), nhưng đừng bỏ trách nhiệm giảng dạy để trở về với núi đó. Thật vậy, anh tìm được nơi nào để hoàn tất ơn cứu độ của anh?”
Enzo Lodi
NGHE ĐƯỢC NÓI ĐƯỢC
(THỨ SÁU - THÁNH SYRILÔ & MÊTÔĐIÔ 14/02)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Syrilô và Thánh Mêtôđiô hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã dùng hai anh em thánh Syrilô và thánh Mêtôđiô, để đưa các dân tộc Xilavônia tới ánh sáng Tin Mừng. Xin Chúa mở lòng chúng ta đón nhận lời Chúa dạy, và xin Chúa biến đổi chúng ta thành dân riêng của Chúa, luôn đồng tâm nhất trí với nhau, để sống đức tin chân thật và thẳng thắn tuyên xưng. Hai anh em Côngtăngtinô và Mêtôđiô được Thượng Phụ Giáo Chủ Côngtăngtinôpôli phái sang Môravia để loan báo Tin Mừng. Năm 868, hai vị đi Rôma để trình bày với Đức Giáo Hoàng những việc các vị làm. Côngtăngtinô qua đời tại đó dưới tên trong đan viện là Syrilô (năm 869). Còn Mêtôđiô được phong làm Tổng Giám Mục Xiamium, đi loan báo Tin Mừng cho người Xilavônia (+ năm 885). Ngày 31 tháng 12 năm 1980, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố hai thánh Syrilô và Mêtôđiô là bổn mạng châu Âu cùng với thánh Biển Đức.
Đồng tâm nhất trí sống đức tin, vâng theo sự hướng dẫn của Thần Khí, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô cho thấy: Xác thịt và Thần Khí, trong phần thứ ba Gl 5,13-6,11, thánh Phaolô nêu lên những nét chính của nền luân lý thật sự là của Kitô giáo. Tự do đối với Lề Luật không có nghĩa là buông thả. Đúng ra, trọng tâm của đời sống tự do đối với Lề Luật là đức ái. Chính đức ái thu tóm Lề Luật một cách trọn vẹn nhất. Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa. Hoa quả của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an. Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước.
Đồng tâm nhất trí sống đức tin, vâng theo sự chăn dắt của các mục tử, mà quên rằng: chúng ta được cứu độ là nhờ ân sủng của Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Côngtăngtinô Syrilô đã cầu xin: Xin làm cho Hội Thánh Chúa được thêm đông và xin liên kết tất cả nên một… Chúa đã phán bảo những người hiếu trung rằng: Ta đã cất nhắc một người Ta đã chọn trong dân, Ta đã tìm ra nghĩa bộc Đavít. Ta đã xức dầu thánh tấn phong người, và sẽ không ngừng đưa tay nâng đỡ. Ta sẽ cho các ngươi một vị mục tử đẹp lòng Ta, người sẽ chăn dắt các ngươi thật khôn ngoan sáng suốt.
Đồng tâm nhất trí sống đức tin, sám hối quay về với Chúa mỗi khi lầm lỗi, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Sáng Thế cho thấy: Rắn nói với người đàn bà: Ông bà sẽ nên như Thiên Chúa, biết điều thiện điều ác. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 31, vịnh gia cho thấy: Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung. Hạnh phúc thay, người Chúa không hạch tội, và lòng trí chẳng chút gian tà.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời của Con Chúa. Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô tường thuật lại: Đức Giêsu làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được. Điếc không nghe được, dẫn đến, bị câm không nói được. Không lắng nghe Lời Chúa, dẫn đến, bị câm không nói Lời Chúa cho người khác được. Thánh Syrilô và thánh Mêtôđiô là những người đã lắng nghe Lời Chúa, thực thi và dạy người khác cũng thực hành như thế. Thánh Syrilô đã cầu xin rằng: Chúa luôn nhậm lời những ai thi hành ý Chúa, kính sợ Chúa và tuân giữ những điều răn của Chúa. Xin nhậm lời con cầu nguyện, mà gìn giữ đoàn chiên của Chúa. Xin cho họ trở thành một dân tuyển chọn, được đồng tâm nhất trí trong một đức tin chân thật và trong đạo lý chân chính. Ước gì chúng ta biết noi gương hai thánh Syrilô và thánh Mêtôđiô: mở lòng đón nhận lời Chúa dạy, và luôn đồng tâm nhất trí với nhau, để sống đức tin chân thật và thẳng thắn tuyên xưng. Ước gì được như thế!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn