TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 14/09/2022 07:15 |   1555
Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh… (Lc 8, 1-2)

16/09/2022
thứ sáu tuần 24 THƯỜNG NIÊN

Thánh Cornêliô, giáo hoàng và Cyprianô, giám mục, tử đạo

 

Lc 8, 1-3


CHÚA GIÊ-SU ĐỐI VỚI PHỤ NỮ
Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh… (Lc 8, 1-2)

Suy niệm: Thật là lạ! Trong bối cảnh xã hội Do Thái lúc đó vẫn quan niệm “thập nữ viết vô” hay tệ hơn, một loại “cấm kỵ”, thánh Lu-ca lại kể rõ “lý lịch trích ngang” của các phụ nữ cùng đi theo Chúa Giê-su trên đường truyền giáo: “…bà Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-sa, quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa.” Mà công việc cũng chẳng có gì to tát! Các bà chỉ “lấy của cải mình” để lo đời sống hằng ngày cho Chúa Giê-su và các môn đệ. Công việc “năng khiếu” của các bà ấy mà! Và lạ hơn nữa! Trong khi Chúa Giê-su bị chỉ trích quá nhiều về ba cái vụ giao tiếp, ăn uống với những người tội lỗi, thì chẳng ai thấy sự hiện diện của mấy bà bên cạnh Chúa có gì bất tiện cả. Mà cũng không thấy có điều chi tai tiếng!

Mời Bạn: Quả thật Đức Giê-su đã giải phóng hoàn toàn người phụ nữ! Đối với Đức Giê-su, mọi người đều được mời gọi loan báo Tin Mừng trong cung cách cũng như trong giới tính của mình. Vâng, công việc của các bà rất đơn sơ và tầm thường! Nhưng trong thực tế, lại rất cần thiết để Đức Giê-su và các môn đệ có thể thanh thản mà lo việc rao giảng Tin Mừng.

Sống Lời Chúa: Truyền giáo bằng cách khám phá ra và làm những việc đơn sơ và tầm thường trong bổn phận hằng ngày với tâm tình mến Chúa.

Cầu nguyện: Chúa ơi, tạ ơn Chúa đã cho chúng con nhận ra phẩm giá đích thực của nữ giới trong chương trình của Chúa. Xin cho con luôn biết kính trọng nhau và cộng tác với nhau xây dựng Hội Thánh Chúa.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Cornêliô, giáo hoàng và Cyprianô, giám mục, tử đạo

Ca nhập lễ

Vị thánh này đã chiến đấu đến chết vì lề luật Chúa, và không sợ hãi lời đe doạ của những kẻ gian ác, vì người đã được xây dựng trên tảng đá vững chắc.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho dân Chúa hai vị mục tử nhiệt thành và cũng là những chứng nhân bất khuất là thánh Co-nê-li-ô và thánh Síp-ri-a-nô. Xin nhận lời hai thánh chuyển cầu, cho chúng con can trường giữ vững đức tin và không ngừng hoạt động cho Giáo Hội được hiệp nhất. Chúng con cầu xin…

Bài đọc

Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận của lễ chúng con dâng tiến, để kính nhớ ngày các chứng nhân của Chúa chịu tử hình. Chính của lễ này, xưa đã làm cho các thánh Co-nê-li-ô, và Síp-ri-a-nô nên can trường trong cơn bách hại, nay xin cũng làm cho chúng con vững lòng bền chí những khi gặp thử thách gian nan. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa vừa cho chúng con tham dự bí tích Thánh Thể. Xin cũng ban cho chúng con biết noi gương hai thánh Co-nê-li-ô và Síp-ri-a-nô mà nên mạnh mẽ nhờ sức mạnh của Thần Khí để làm chứng cho chân lý Tin Mừng. Chúng con cầu xin…

Thánh Cornêliô, giáo hoàng và Cyprianô, giám mục, tử đạo

1. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Lễ kính các thánh Corneille và thánh Cyprien được Giáo hội Roma cử hành từ thế kỷ IV, kỷ niệm việc tử đạo của thánh Cyprien bị xử trảm ở Carthage năm 258. Lễ được cử hành nơi hầm mộ thánh Corneille ở hang toại đạo Calixte. Nhưng khi lễ kính Thánh giá được đưa vào phương Tây ngày 14 tháng 9, lễ hai thánh Corneille và Cyprien chuyển xuống ngày 26 cùng tháng. Thánh Corneille chết trong khi bị lưu đày trước cuộc tử đạo thánh Cyprien mấy năm sau cũng được nhắc tới chung với thánh giám mục Carthage trong lễ qui Roma để ghi nhớ tình bạn giữa hai vị.

Thánh Corneille người Roma lên thay thế Đức giáo hoàng Fabien năm 251 sau một năm tòa giám mục Roma trống ngôi do cuộc bách hại của hoàng đế Decius, mà theo lời thánh Cyprien, là người “thà thấy một đối thủ nổi lên chống đối mình còn hơn thấy một giám mục của Chúa ở Roma”. Lên ngôi giáo hoàng, Đức Corneille đụng đầu với vấn đề quan trọng là hoà giải các Lapsi, tức là những Kitô hữu trong lúc cấm cách đã chẳng may chối đạo. Đức giáo hoàng muốn có thái độ khoan dung, thứ tha và tái nhập họ, nhưng một linh mục người Roma tên là Novatien tự xưng giám mục đối kháng, tố cáo Ngài là chiếu cố. Thái độ nghiêm khắc của Novatien bị Đức giáo hoàng kế án, trở thành nguồn gốc của giáo hội ly giáo Novatien có mặt tại Roma xứ Gaule, Tây Ban Nha, và mãi tới thế kỷ VII mới tan rã.

Trong cuộc chiến chống lại ly giáo Novatien, Đức giáo hoàng Corneille được sự hỗ trợ của Đức giám mục Cyprien ở Carthage, vì Đức giám mục Cyprien cũng vấp phải những khó khăn tương tự, do nhóm ly giáo nghiêm khắc Félicissime và Novatien. Thời Gallus bắt đầu bách hại đạo (251-253), Đức giáo hoàng Corneille bị đày đi Centumcoellae (phía Bắc Roma), ít lâu sau Ngài qua đời. Sau này thánh Cyprien nêu tên Ngài là tử đạo. Hài cốt Ngài vẫn được tôn kính nơi mộ Ngài trong hang toại đạo Calixte ở Roma.

Thascius Caecilius Cyprianus sinh đầu thế kỷ III ở Carthage, tại đây Ngài trở thành một nhà tu từ nổi tiếng. Do ảnh hưởng của linh mục Caecilius, Cyprien trở lại đạo vào khoảng hai mươi lăm tuổi, được rửa tội tháng 6 năm 245 hoặc 246. Ngài kể lại cuộc cải giáo của mình trong cuốn tiểu luận Gửi Donatus (246). Năm 249, Cyprien được chọn làm giám mục Carthage nhưng cuộc bách hại của Decius (cuối 249) buộc Ngài phải rời thành phố. Ngài viết nhiều thư nâng đỡ các Giáo hội bị bắt bớ. Trở về Carthage năm 251, Ngài cũng đụng đầu với vấn đề Lapsi như Đức giáo hoàng Corneille ở Roma bởi vì có nhiều giáo hữu đã chối đạo trong thời kỳ cấm cách. Hoàn toàn đồng ý với Đức giáo hoàng, Ngài chọn biện pháp nhân từ, vừa chống lại chủ trương quá rộng của một số người xưng đạo, vừa chống thái độ quá nghiêm khắc của một số người khác tập trung chung quanh Félicissime. Ông này bị kết án và bị vạ tuyệt thông do công đồng Carthage năm 251 mặc dầu các giám mục chống đối đã từng truyền chức linh mục, thậm chí cả chức giám mục cho Cyprien.

Nhiều thử thách khác nhanh chóng ập xuống Giáo hội châu Phi: Những cuộc tấn công đốt phá bắt giáo dân làm con tin, trận dịch hạch bị đổ tội cho các Kitô hữu là nguyên nhân. Thánh giám mục Carthage đã mở một cuộc lạc quyên để chuộc các tù binh và tổ chức những cuộc cứu trợ bất kể tôn giáo.

Từ năm 255, đối với thánh Cyprien và các giám mục châu Phi đã nãy sinh vấn đề thành sự của phép rửa do người lạc giáo cử hành. Đức giám mục Carthage và các giám mục châu Phi cho rằng thánh tẩy do người lạc giáo cử hành thì bất thành, ngược lại, Đức thánh giáo hoàng Etienne theo truyền thống Roma, công nhận việc đó. Tranh cãi giữa hai bên suýt đưa tới đổ bể, nhưng cái chết của Đức giáo hoàng Etienne vào năm 257 và cuộc tử đạo của thánh Cyprien năm 258 đã chấm dứt cuộc tranh luận suýt gây tác hại lớn.

2. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trong ngày mừng đồng thời thánh Corneille và thánh Cyprien vừa là những chủ chăn tuyệt vời, vừa là những tử đạo anh hùng. Lời nguyện nhắc chúng ta cầu xin ơn biết “ân cần làm việc cho sự đoàn kết trong Giáo hội”. Bức thư thánh Cyprien gửi đến Đức giáo hoàng Corneille, được Phụng vụ giờ kinh ghi lại, có những dòng sau đây: “Chúng ta chỉ là một Giáo hội, tinh thần chúng ta hợp nhất, sự hợp nhất của chúng ta không thể phân rẽ; giám mục nào lại không vui trước vinh dự một giám mục khác như thể đó là vinh dự của riêng mình”. Theo giáo lý thánh Cyprien về sự hợp nhất của Giáo hội, chính giám mục là trung tâm của sự hiệp nhất đó. Giám mục ở trong Giáo hội và Giáo hội ở trong Giám mục; kẻ nào không cùng với giám mục, không ở trong Giáo hội. Sự hợp nhất ấy được biểu đạt và thực hiện trong Thánh thể. Sự thông hiệp của tất cả các giám mục về đức tin và hoà thuận, trong tình hiệp thông với Ngai tòa Roma, làm nên tính hợp nhất của Giáo hội phổ quát (xem tiểu luận về sự hợp nhất Giáo hội công giáo). Roma, Giáo hội của Phêrô, là dấu hiệu sự hợp nhất của các giám mục với nhau. Tuy nhiên, cần nhận thức rằng giáo lý về Giáo hội của thánh Cyprien và về tính cách tối thượng của giám mục Roma không hoàn toàn mạch lạc và tỏ ra thiếu sót, nhưng đàng khác Ngài lại gọi Giáo hội Roma là Ecclesia principalis (Giáo hội chính) “từ đó phát xuất sự hợp nhất sacerdotale”; cần giữ hiệp thông với Giáo hội ấy, mặc nhiên công nhận Giáo hội ấy có quyền uy trên mọi Giáo hội và chạy đến với giáo hoàng khi cần thiết.

Lời nguyện trên lễ vật, lấy từ Sách lễ Paris năm 1738, cho ta xin ơn “vững bền trong nghịch cảnh” theo gương hai thánh Corneille và Cyprien đã can đảm trong khi bị bách hại. Thư số 57 của thánh Cyprien nhắc lại các phương tiện cần có trước khi “giao chiến”: “không ngừng chay tịnh, cảnh giác, cầu nguyện cùng với toàn dân. Bởi vì đó là những thứ khí giới trời ban để giúp ta đứng vững và can đảm trung kiên”.

Lời nguyện tạ lễ khuyên chúng ta trở nên mạnh mẽ nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần ngõ hầu làm chứng cho chân lý phúc âm.

Tháng 8 năm 257, khi Valérien tung ra một sắc chỉ bắt đạo mới, thánh Cyprien ban đầu bị đày đi Curubio, một thị trấn nhỏ ở Bắc Phi, nhưng chỉ một năm sau, được gọi về Carthage lại. Can đảm và sáng suốt, thánh nhân đã sẵn sàng cho cuộc tử đạo; Ngài viết: “Một giám mục thì nên xưng đạo tại nơi thành phố có Giáo hội mình, và để cho dân chúng của mình nhờ đến sự tuyên xưng ấy”. Biên bản phiên tòa xét xử và câu chuyện cuộc hành quyết Ngài được cuốn công vụ quan thái thú kể lại, còn lưu giữ đến thời chúng ta và Phụng vụ bài đọc có trích một đoạn: “Cuối cùng quan thái thú quyết định tuyên án: Ta truyền phạt Thascius Cyprianus phải bị chặt đầu? Cyprien liền nói : Deo gratias. Tạ ơn Chúa”.

Thánh Cyprien giám mục Carthage và thánh Corneille, giáo hoàng liên kết với nhau bằng một tình bạn chân thành cũng như cùng một tình yêu với Chúa và Giáo hội. Qua gương sáng, các Ngài kêu mời chúng ta làm việc để mọi người cùng có được Giáo hội làm mẹ, hầu cùng có Chúa làm cha: “Chúng ta hãy nhớ đến nhau, hãy chỉ có một tấm lòng, một tâm hồn; mỗi người hãy cầu nguyện cho người khác; vì tình yêu hãy làm nhẹ những khổ cực lo lắng của nhau” (Thư thánh Cyprien gửi Đức giáo hoàng Corneille trong Phụng vụ bài đọc).

Enzo Lodi


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ sáu tuần 24 THƯỜNG NIÊN


Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin ban bình an cho những ai trông cậy vào Chúa, xin cho các tiên tri của Chúa được trung trực; xin nhậm lời cầu nguyện của tôi tớ Chúa, và của Is-ra-el dân Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là Ðấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, xin nhìn đến chúng con và cho chúng con biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 6, 2c-12

“Phần con, hỡi con người của Thiên Chúa, hãy theo đuổi đức công chính”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, con hãy giảng dạy và khuyên nhủ những điều này. Nếu ai giảng dạy điều chi khác lạ và không thành tín nắm giữ những lời giáo huấn lành mạnh của Chúa chúng ta, là Ðức Giêsu, và giáo lý phù hợp với đạo đức, thì người đó là kẻ mù quáng vì kiêu ngạo, không hiểu biết gì, nhưng mải mê về những chuyện bàn cãi và tranh chấp danh từ. Do đó phát sinh ra sự ghen tương, tranh chấp, lăng nhục, nghi ngờ với ác tâm, và những cuộc cãi cọ dai dẳng của những người hư hỏng tinh thần và thiếu thốn chân lý. Họ coi đạo đức là một nguồn lợi. Thực ra đạo đức là nguồn lợi lớn cho những ai biết bằng lòng với số phận mình. Bởi vì chúng ta đã không mang gì vào thế gian này, và chắc chắn chúng ta cũng không thể lấy ra được gì. Khi có cơm ăn và áo mặc, chúng ta hãy lấy thế làm bằng lòng. Còn như những kẻ muốn làm giàu, họ sa vào cơn cám dỗ, vào cậm bẫy và nhiều dục vọng điên rồ tác hại. Những cái đó làm con người ta chìm đắm vào chỗ điêu tàn và hư hỏng. Bởi chưng gốc rễ mọi sự dữ là lòng tham tiền bạc. Một số người vì đeo đuổi lòng tham này đã lạc mất đức tin và tự chuốc vào thân nhiều nỗi khổ đau.

Phần con, hỡi người của Thiên Chúa, hãy trốn xa những chuyện đó. Hãy theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành. Con hãy chiến đấu trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của đức tin. Hãy cố đoạt lấy sự sống đời đời mà con đã được kêu gọi tới, và cũng vì đó, con đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin trước mặt nhiều nhân chứng.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 48, 6-7. 8-10. 17-18. 19-20

Ðáp: Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ

Xướng: Tại sao tôi phải kinh hãi trong ngày tai hoạ, khi ác tâm quân thù mưu hại bao bọc quanh tôi? Bọn người này tin cậy vào tài sản, chúng tự hào vì có bạc vạn tiền muôn.

Xướng: Nhưng thực ra không ai tự cứu được bản thân, cũng không ai dâng được lên Chúa giá tiền thục mạng. Giá thục mạng quá đắt, không bao giờ có đủ, hầu mong sống mãi đời đời, không phải nhìn coi sự chết.

Xướng: Ðừng e ngại khi thấy ai giàu có, khi thấy tài sản nhà họ gia tăng: bởi lúc lâm chung, họ chẳng mang theo gì hết, và tài sản cũng không cùng họ chui xuống nấm mồ.

Xướng: Dầu khi còn sống họ ca tụng mình rằng: “Thiên hạ sẽ khen ngươi, vì ngươi biết khôn ngoan tự liệu”, họ sẽ tìm đến nơi đoàn tụ của tổ tiên, những người muôn thuở không được nhìn xem sự sáng.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 15, 12-20

“Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô giá trị”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu chúng tôi rao giảng rằng Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, làm sao trong anh em lại có người dám nói: không có vấn đề kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại, thì Ðức Kitô cũng đã không sống lại. Mà nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lời giảng của chúng tôi sẽ nên trống rỗng, và Ðức Tin của anh em cũng ra trống rỗng. Vì chưng nếu kẻ chết không sống lại, thì chúng tôi bị coi là những chứng nhân giả dối về Thiên Chúa, vì lẽ chúng tôi đã làm chứng nghịch với Thiên Chúa rằng: Chúa đã phục sinh Ðức Kitô, khi mà Chúa đã không làm cho Người sống lại. Bởi chưng nếu những kẻ chết không sống lại, thì Ðức Kitô cũng đã không sống lại. Và nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô giá trị, vì anh em vẫn còn ở trong tội lỗi. Vậy ngay cả những người đã an giấc trong Ðức Kitô cũng hư vong. Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Ðức Kitô trong đời sống hiện tại mà thôi, thì chúng ta là những người đáng thương hại nhất.
Nhưng kỳ thực Ðức Kitô đã sống lại, Người là đầu mùa những người đã an giấc ngàn thu.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 16, 1. 6-7. 8b và 15

Ðáp: Lạy Chúa, khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa (c. 15b).

Xướng: Lạy Chúa, xin nghe điều chính nghĩa của con, xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe tiếng con thốt ra từ cặp môi chân thành!

Xướng: Con kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con, lạy Chúa, xin ghé tai về bên con, xin nghe rõ tiếng con. Xin tỏ ra đức từ bi lạ lùng của Chúa, là Ðấng giải thoát khỏi bọn đối phương, những ai tìm nương tựa tay hữu của Ngài.

Xướng: Xin che chở con trong bóng cánh tay Ngài. Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan, khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa.

Alleluia: Tv 118, 36a và 29b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin nghiêng lòng con theo lời Chúa răn bảo, và xin rộng tay ban luật pháp của Chúa cho con. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 8, 1-3

“Có mấy phụ nữ đi với Người và họ đã lấy của cải mình mà giúp Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: là bà Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám, bà Gioanna vợ của Chusa, viên quản lý của Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác; những bà này đã lấy của cải mình mà giúp Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con cầu nguyện và thương nhận những lễ vật này để hiến lễ mỗi người chúng con dâng mà tôn vinh Danh Thánh, giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ
Ôi Thiên Chúa, cao quý thay ân sủng của Ngài. Con người ta tìm nương tựa trong bóng cánh của Ngài.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin làm cho sức mạnh của bí tích này tràn ngập chúng con cả hồn lẫn xác, để chúng con không còn sống theo những cảm nghĩ tự nhiên, nhưng luôn theo ơn Thánh Thần hướng dẫn. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ÂN SỦNG CỦA CHÚA LUÔN Ở VỚI NGƯỜI MÔN ĐỆ (Lc 8, 1-3)
Giuse Vinh sơn Ngọc Biển, SSP

Những người được gọi và chọn để thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, thường hay có những lý giải như: mình còn trẻ, không biết ăn nói; hay tôi là người tội lỗi, thấp cổ bé họng…; hoặc tôi là dân quê mùa, ít học, nghèo nàn, dốt nát…

Tuy nhiên, nhìn lại hành trình rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu, chúng ta thấy rất rõ những người đi theo Ngài đâu có mấy người thế giá trong dân? Điển hình như các Tông đồ là những người nhà quê, ít học, vụng về hoặc tội lỗi khét tiếng…! Nói chung là lý lịch thuộc hạng bất hảo! Bên cạch đó, cũng có một số phụ nữ đi theo, các bà là những người cũng không mấy tốt lành nguyên thủy. Điển hình như Maria Madalena, bà là người đã từng bị quỷ ám. Còn bà Gioanna thì lại là vợ viên quản lý của vua Hêrôđê…

Tuy xuất phát điểm khác nhau, nhưng khi được Đức Giêsu mời gọi, cuộc đời của các Tông đồ và những phụ nữ này đã “buông theo ân sủng” để gặp nhau cùng một mẫu số chung, đó là: gặp được Đức Giêsu, cảm nghiệm được tình thương của Ngài, đặt niềm tin nơi Ngài, sẵn sàng sám hối, biến đổi, quảng đại để đi theo Ngài và phục vụ Ngài cách trung thành.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm ra đi làm chứng cho Chúa, mặc dù cuộc đời ta có bất hảo, kém cỏi về tri thức, vụng về trong cách ăn nói hay tội lỗi có ngập đầu và vẫn còn những tham sân si… Nhưng trong sự thống hối, tin tưởng và yêu mến Chúa, chúng ta có quyền tin tưởng Ngài sẽ làm được những chuyện lớn lao do tình thương và ân sủng của Ngài trong cuộc đời và sứ vụ của chúng ta.
Điều quan trọng là chúng ta có sẵn sàng ra đi, dấn thân, quảng đại cho sứ vụ Nước Trời hay không mà thôi!

Mặt khác, hình ảnh những phụ nữ đi theo và phục vụ Đức Giêsu trong sứ vụ Thiên Sai của Ngài cho thấy: Đức Giêsu không hề chê bỏ bất cứ ai, dù họ thuộc thành phần nào trong xã hội.
Do đó, không ai có mặc cảm vì mình vô dụng hoặc kém cỏi, nhưng chúng ta phải không ngừng cảm tạ tình yêu và lòng thương xót của Chúa đã dành cho chúng ta bằng cách mỗi ngày cố gắng sống xứng đáng hơn, yêu thương hơn để cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ.

Lạy Chúa Giêsu, xin thánh hóa chúng con, để chúng con trở thành Tông đồ của Chúa trong môi trường và xã hội hôm nay. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây