TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Mùa Chay -Năm C

“Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. (Ga 8, 1-11)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 5 MÙA CHAY

Thứ bảy - 05/04/2025 14:38 |   31
“Nếu tôi làm các việc (của Cha tôi), thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc tôi làm.” (Ga 10,31-42)

11/04/2025
Thứ sáu tuần 5 Mùa Chay
Thánh Stanislaô, giám mục, tử đạo

t6 t5 MC

Ga 10,31-42


tin hay không tin?
“Nếu tôi làm các việc (của Cha tôi), thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc tôi làm.”
(Ga 10,31-42)

Suy niệm: Cuộc đấu khẩu giữa Chúa Giê-su và biệt phái, kinh sư mà Tin Mừng thuật lại cho chúng ta mấy ngày nay đã lên đến cao độ. Chúa Giê-su sắp bị khai tử chung quy cũng chỉ vì Ngài xưng mình là Con Thiên Chúa. Không vì thế mà chùn bước, Chúa Giê-su trưng dẫn những dấu lạ Ngài làm như bằng chứng để thuyết phục họ. Nhưng kết cục thật đáng buồn, họ vẫn không tin. Nghịch lý thay! Kẻ thông thái am tường Kinh Thánh thì không tin, còn kẻ bình dân ít học lại tin vì “những lời Gio-an nói về Ngài đều đúng” (c. 41). Đức tin là ơn Chúa ban không, Ngài có ban thì con người mới được. Về phía con người, Chúa chỉ đòi họ tấm lòng thành, điều mà các kinh sư và biệt phái không có.

Mời Bạn: Ý thức đức tin mà bạn đang có hôm nay là do Chúa thương ban, và hết sức gìn giữ đức tin đến cùng, noi gương thánh Phao-lô: “Tôi đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2 Tm 4,7).

Chia sẻ: Cùng những người trong gia đình hay cộng đoàn của bạn rà soát lại niềm tin của mình. Điểm mặt những cạm bẫy đang hòng lôi kéo bạn ra khỏi niềm tin, để đề phòng kẻo vấp ngã.

Sống Lời Chúa: Thư gửi tín hữu Do thái đoạn 11 nói đến những mẫu gương đức tin: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng những điều ta không thấy...” Mời bạn đọc tiếp để xin Chúa ban cho đức tin của bạn thêm xác tín và vững mạnh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban cho con ơn đức tin. Xin cho con thành tâm tin tưởng, quyết bảo vệ đức tin đến cùng, biết thể hiện đức tin bằng hành động cụ thể, và luôn kiên vững trong niềm tin vào Chúa. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ sáu tuần 5 Mùa Chay

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin thương xót tôi, vì tôi đang gặp nạn, xin cứu gỡ tôi khỏi tay quân thù và những người bách hại tôi. Lạy Chúa, xin đừng để tôi hổ ngươi vì đã kêu cầu Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa rất từ bi, này chúng con hết lòng trông cậy vào Chúa; xin nhận lời chúng con khẩn nguyện và luôn che chở giữ gìn chúng con, để từ đây thoát vòng tội lỗi, chúng con bền tâm sống cuộc đời thánh thiện và đáng hưởng gia nghiệp Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Gr 20, 10-13

“Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng”.

Trích sách Tiên tri Giê-rê-mi-a.

Tôi đã nghe nhiều người thóa mạ và chế nhạo rằng: “Người này gieo khủng bố khắp nơi. Chúng ta hãy tố cáo nó, chúng ta hãy tố cáo nó”. Tất cả bạn hữu tôi rình tôi vấp ngã mà nói rằng: “Ước gì nó bị lừa dối để chúng ta thắng nó và sẽ trả thù nó”. Nhưng Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng; vì thế, những kẻ bắt bớ tôi sẽ ngã quỵ và kiệt sức. Chúng sẽ thất bại bẽ bàng, chuốc lấy sự hổ nhục muôn đời, không bao giờ quên được.

Còn Chúa, lạy Chúa các đạo binh, Ðấng xét xử người công chính, thấu suốt tâm can, lạy Chúa, ước gì con sẽ được thấy Chúa trả thù chúng cho con, vì con đã tỏ bày công việc con cho Chúa.

Hãy hát mừng Chúa, hãy ca tụng Chúa, vì Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 17, 2-3a. 3bc-4. 5-6. 7

Ðáp: Trong cơn đại hoạ, tôi đã cầu khẩn Chúa, tôi đã kêu xin Thiên Chúa của tôi

Xướng: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa, lạy Chúa là Tảng Ðá, chiến luỹ, cứu tinh.

Xướng: Lạy Chúa là Thiên Chúa, là sơn động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù con. Con xướng ca khen ngợi cầu cứu Chúa, và con sẽ được cứu thoát khỏi tay quân thù.

Xướng: Sóng tử thần đã bao bọc thân con, và thác nước ôn dịch làm con kinh hãi. Thừng chão địa ngục đã quấn lấy con, lưới tử thần đã chụp bắt con rồi.

Xướng: Trong cơn đại hoạ, tôi đã cầu khẩn Chúa, tôi đã kêu xin Thiên Chúa của tôi; từ nơi thánh đài, Ngài nghe rõ tiếng, và tiếng tôi kêu thấu đến tai Ngài.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Chúa phán: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống”.

Phúc Âm: Ga 10, 31-42

“Họ tìm bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Khi ấy, người Do-thái lượm đá để ném Chúa Giê-su. Người lên tiếng hỏi rằng: “Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta?”

Người Do-thái trả lời: “Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”.

Chúa Giêsu đáp lại: “Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu này: “Ta đã nói: các ngươi là thần”? Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể huỷ diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Ðấng đã được Chúa Cha thánh hóa và sai đến trong trần gian rằng “Ông nói lộng ngôn”, vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa? Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha”.

Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ. Người lại qua bên kia sông Gio-đan, nơi trước kia Gio-an đã làm phép rửa. Và Người ở lại đó. Có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: “Gio-an đã không làm một phép lạ nào. Nhưng mọi điều Gio-an nói về người này đều đúng cả”. Và có nhiều kẻ tin Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin phù trợ chúng con, để chúng con đáng phụng sự Chúa tại bàn thờ này, và được hưởng ơn cứu độ nhờ năng tham dự thánh lễ. Chúng con cầu xin…

Lời kinh tiền tụng thương khó I

Ca hiệp lễ

Chúa Giêsu đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người trên cây khổ giá, để một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống cho sự công chính, và nhờ vết thương của Người, chúng ta được chữa lành.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, ước chi Mình và Máu Thánh Ðức Ki-tô chúng con vừa rước lấy, luôn bảo vệ chúng con mỗi ngày, và gìn giữ chúng con khỏi muôn điều ác hại. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ĐỨC GIÊ-SU LÀ CON THIÊN CHÚA (Ga 10,31-42)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Vào dịp mừng lễ Cung hiến Đền thờ ở Giê-ru-sa-lem, người Do thái vây quanh Đức Giê-su, cật vấn Ngài có phải là Đấng Cứu Thế không? Đây là câu hỏi để gài bẫy: Nếu Ngài tự xưng mình là Đấng Cứu Thế, họ nghĩ chính quyền Rô-ma sẽ bắt tội Ngài. Nếu Ngài chối, họ sẽ buộc Ngài vào tội lừa dối dân.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su không trả lời thẳng vào câu hỏi đó. Thừa dịp này, Ngài tuyên bố một chân lý quan trọng: Ngài là Con Thiên Chúa và đồng bản tính với Thiên Chúa: “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha”.

2. Chúng ta thấy người Do-thái không tin Ngài là phải, vì bài Tin Mừng hôm nay cho thấy lý do tại sao người Do thái không tin nhận Đức Giê-su là Thiên Chúa. Họ không tin nhận vì họ đứng ở vị thế chính trị: họ mong đợi một Đấng Cứu Thế giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của ngoại bang; trong khi đó, Đức Giê-su lại ở vị thế  hoàn toàn tôn giáo. Ngài đến giải phóng con người khỏi ách thống trị của tội lỗi. Hai người đứng trên hai quan điểm khác nhau mà nói truyện thì không bao giờ đi đến kết luận chung.

3. Câu hỏi “Đức Giê-su là ai”, Ngài có phải là Con Thiên Chúa không? Câu trả lời vẫn còn lơ lửng, chưa ngã ngũ! Trong ba năm giảng dạy, với nội dung giảng dạy, và cách thức giảng dạy của Đức Giê-su đã khiến mọi người ngạc nhiên thán phục. Thêm vào đó, những phép lạ Chúa làm lại củng cố thêm cho sự thán phục này. Dầu vậy, thính giả của Ngài vẫn thắc mắc hỏi nhau: Giê-su là ai? Nhiều người cho Ngài là một tiên tri nào đó như I-sai-a, Ê-li-a, Giê-rê-mi-a hay một tiên tri nào khác đã sống lại.

Chính các Tông đồ cũng vẫn thắc mắc: Ngài là ai? Câu hỏi này đã được chính Chúa Cha trả lời: Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, là con rất yêu quí của Chúa Cha. Bằng chứng: hai lần Chúa Cha đã tuyên bố công khai như vậy, một lần ở sông Gio-đan lúc Ngài chịu phép rửa và một lần nữa ở trên núi Ta-bo khi Ngài biến hình.

Chính Đức Giê-su cũng đã nhiều lần tuyên bố như vậy. Chẳng hạn dụ ngôn “những người làm vườn nho hung ác” đã giết đứa con duy nhất của ông chủ. Chúa đã dùng hình ảnh đó để ám chỉ chính Ngài đã được Chúa Cha sai đến trần gian và bị người Do-thái giết chết nơi đồi Can-vê…

4. Người Do-thái vì cứng lòng, không chịu nhận Đức Giê-su và lởi giảng dạy của Ngài. Họ kết tội Ngài phạm thượng vì đã tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Dân Do-thái chỉ nhớ một điều họ không bằng lòng, mà quên đi nhiều điều tốt lành Đức Giê-su đã làm cho họ: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng. Ông là người phàm, mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10,33).Với họ, Đức Giê-su chỉ là con người bình thường, một thanh niên con bác thợ mộc Giu-se và bà Ma-ri-a ở làng quê Na-da-rét nghèo nàn.

Dù họ chấp nhận hay không, thì Đức Giê-su vẫn là Con Thiên Chúa, như lời Đức Giê-su đã mạc khải sự thật về Ngài, về mối tương quan quan giữa Ngài với Chúa Cha: “Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha”. Ngài đến để làm chứng cho sự thật. Nhưng chính bởi sự thật đó, có nhiều người đã chống đối và cũng có nhiều người tin vào Ngài.

5. Vậy chúng ta bảo Đức Giê-su là ai? Chúng ta phải tin và xác quyết rằng Ngài vừa là Thiên Chúa, vừa là người thật.

– Đức Giê-su là Thiên Chúa thật. Trong ba năm sống công khai, Ngài đã không ngừng xác quyết điều đó. Ngài tự xưng mình cao trọng hơn Áp-ra-ham, lớn hơn Mai-sen… Tất cả những lời tuyên bố trên đã được Đức Giê-su chứng thực và xác nhận bằng các phép lạ, trong đó sự sống lại của Ngài là bằng chứng cao cả nhất về Thần tính của Ngài.

– Đức Giê-su cũng là con người thật. Con người đó cũng có một thân xác như chúng ta. Về phương diện tình cảm, Ngài biết rung động trước vẻ đẹp của cảnh vật thiên nhiên, Ngài nghiêng mình và xoa dịu những vết thương đau của nhân loại, nhất là những kẻ yếu đau và người tội lỗi.

6. Truyện: Tin theo Chúa Giê-su.

Qua những người dân trong vùng đến làm phu, dựng nhà cho lính tráng và các cung nữ, tin đồn có tây dương đạo trưởng đến thuyết pháp được lan truyền ra. Dân chúng đến nghe giảng mỗi ngày một đông, và số người trở lại mỗi ngày một nhiều. Trong hai tháng trời chờ đợi ở An Vực, hai cha đã rửa tội được 200 người.

Người thứ nhất được ơn trở lại là một sư cụ danh tiếng trong vùng. Cụ rất chăm học đạo, hằng ngày luôn ở bên cạnh các cha để nghe giảng giải các mầu nhiệm trong đạo. Không dám phiền cụ, cha Đắc Lộ nhờ một thanh niên biết chữ chép ra chữ Nôm, những kinh cha đọc cho, để những người tân tòng theo đó mà học.

Thấy thế, cụ liền xin cho cụ được hân hạnh làm công việc đó “vì trước kia, cụ đã làm thầy dạy người ta những sự lầm lạc, thì lúc này, cũng xin nhận việc đó để dạy lại người ta những điều chân thật”.

Chưa đủ, nhận thấy gian nhà của hai cha ở chật chội, dân chúng đến nghe giảng phải chen chúc nhau, cụ liền dâng cho hai cha một khu đất bên cạnh, để hai cha làm một nhà thờ rộng rãi và xứng đáng hơn.

HƯỞNG TỰ DO ĐÍCH THỰC
(THỨ SÁU TUẦN 5 MÙA CHAY)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Sáu Tuần 5 Mùa Chay này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúng ta là những kẻ yếu hèn, đã sa vòng tội lỗi, cúi xin Chúa rộng lượng thứ tha, và ban ơn giải thoát, để chúng ta được hưởng sự tự do đích thực.

Yếu hèn và tội lỗi, được thứ tha và giải thoát, nhờ Vị Thượng Tế dâng hy lễ hoàn hảo, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thư Hípri cho thấy: Đức Kitô là Thượng Tế đời đời. Vẻ huyền bí của vua Menkixêđê có thể giúp ta hiểu Đức Kitô quả là Vị Thượng Tế độc nhất vô song. Chỉ mình Người mới có thể dâng hy lễ hoàn hảo. Không phải Đức Kitô đã tự tôn mình làm thượng tế, nhưng là Đấng đã nói với Người: Muôn thuở Con sẽ là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê. Các tư tế Lêvi đã trở nên tư tế mà không có lời thề, còn Đức Giêsu đã trở nên tư tế thì lại có lời thề của Đấng nói với Người.

Yếu hèn và tội lỗi, được thứ tha và giải thoát, nhờ máu của Đức Kitô đã đổ ra để hòa giải ta với Cha, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Phungienxiô Rútpê nói: Đức Kitô đã tự hiến mình vì chúng ta… Anh em vốn là những người xa lạ,thù địch của Thiên Chúa vì những tư tưởng và hành động xấu xa của anh em, nhưng, nhờ Đức Kitô là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hòa giải với Người, để anh em trở nên tinh tuyền, thánh thiện, chẳng có chi đáng trách trước mặt Người. Thiên Chúa đã định cho Đức Kitô phải đổ máu mình ra làm hy lễ đem lại ơn tha tội cho những ai tin.

Yếu hèn và tội lỗi, được thứ tha và giải thoát, nhờ lòng trông cậy vững vàng đặt ở nơi Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách ngôn sứ Giêrêmia: Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 17, vịnh gia cho thấy: Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Chúa: Người đã nghe tiếng tôi. Lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ. Tôi kêu cầu Chúa là Đấng xứng muôn lời ngợi khen, và tôi được cứu thoát khỏi quân thù.


PowerPoint-t6-t5-MC

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Chúa, Lời Chúa là Thần Khí và là Sự Sống; Chúa có những lời đem lại sự sống đời đời. Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan tường thuật: Họ tìm cách bắt Đức Giêsu, nhưng, Người đã thoát khỏi tay họ. Đức Giêsu đã thoát khỏi tay họ, Người hoàn toàn tự do trước sự truy bắt của họ. Nếu Người không tự nguyện nộp mình cho họ, thì họ sẽ chẳng thể làm gì được Người. Đức Giêsu hoàn toàn tự do, bởi vì, Người hằng vâng phục thánh ý Chúa Cha, hoàn toàn tin tưởng phó thác nơi Cha. Chúng ta cũng sẽ được tự do như thế, nếu, chúng ta biết nuốt lấy thanh kiếm Thần Khí, và nuốt lấy lưỡi gươm Sự Sống là Lời Chúa, để lưỡi ta trở nên dao sắc bén chặt đứt mọi lời quyến dụ: khiến ta đánh mất sự tự do của con cái Thiên Chúa. Chúng ta được giải thoát nhờ Ngôi Lời của Thiên Chúa, chúng ta hãy vâng nghe lời Người: hãy nắm vững, đừng hoài nghi chút nào rằng: Đức Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa, đã làm Người và hiến mình làm tế phẩm, và của lễ thơm tho ngào ngạt, dâng lên Thiên Chúa thay cho chúng ta. Các lễ tế xưa kia là hình bóng ám chỉ hồng ân sẽ được ban cho chúng ta, còn lễ tế mới này, lại nêu rõ hồng ân đã được ban cho chúng ta. Các lễ tế xưa tiên báo Con Thiên Chúa sẽ bị giết vì hạng người vô đạo, còn lễ tế mới này loan báo Người đã bị giết vì hạng người vô đạo. Khi chúng ta không có sức làm việc gì, vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta, và ngay khi, chúng ta còn là thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết, mà cho, chúng ta được hòa giải với Người. Chúng ta là những kẻ yếu hèn, đã sa vòng tội lỗi, ước gì chúng ta biết mở lòng đón nhận ơn thứ tha, giải thoát của Chúa, để chúng ta được hưởng sự tự do đích thực. Ước gì được như thế!

PowerPoint-t6-t5-MC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây