TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Mùa Chay -Năm C

“Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. (Ga 8, 1-11)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 5 MÙA CHAY

Thứ sáu - 04/04/2025 14:45 |   22
“Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” (Ga 8,12-20)

07/04/2025
Thứ hai tuần 5 Mùa Chay
Thánh Gioan Baotixita Lasan, linh mục

t2 t5 MC

Ga 8,12-20


liên kết với ánh sáng
“Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.”
(Ga 8,12-20)

Suy niệm: Ánh sáng và bóng tối không thể cùng tồn tại. Nơi đâu có ánh sáng, nơi ấy bóng tối bị đẩy lui. Phúc Âm Gio-an ngay từ những câu đầu tiên đã giới thiệu Đức Giê-su là Ngôi Lời của Thiên Chúa, là sự sống và là ánh sáng cho nhân loại (x. Ga 1,4). Đức Giê-su cũng tự nhận mình là ánh sáng chiếu soi thế gian tối tăm. Người chính là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,69), trước thánh nhan Người, ma quỷ khiếp sợ tháo lui (x. Lc 4,34). Theo Chúa là đi trong ánh sáng, và ánh sáng của Chúa là ánh sáng đem lại sự sống. Ai theo Chúa thì cũng nói không với tội lỗi. Người ấy sẽ nhận được sức mạnh để chiến thắng tội lỗi và được sống đời đời.

Mời Bạn: Nhờ bí tích Rửa tội, bạn trở thành con cái ánh sáng, là “ánh sáng cho trần gian”, bạn được mời gọi toả chiếu ánh sáng Chúa Ki-tô bằng đời sống chứng nhân của bạn, như “ngọn đèn đặt trên đế và soi chiếu cho mọi người trong nhà” Càng sống gắn bó mật thiết với Đức Giê-su là nguồn mạch của sự thánh thiện, bạn càng chu toàn sứ mạng chứng tá đó “để thiên hạ thấy những việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,14-16).

Sống Lời Chúa: Giữ mối tương quan với Đức Giê-su ngày càng thân thiết hơn bằng đời sống cầu nguyện và thường xuyên lãnh nhận bí tích Thánh Thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là nguồn Ánh Sáng thật. Xin cho chúng con biết tiếp nhận Chúa để từ đó chúng con toả chiếu ánh sáng của Chúa trên cuộc đời chúng con như mặt trăng phản chiếu ánh sáng mặt trời.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ hai tuần 5 Mùa Chay

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin thương xót tôi, vì người ta chà đạp tôi, suốt ngày người ta đấu tranh và áp bức tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, nhờ tình thương tuyệt vời của Chúa, chúng con được hưởng muôn phúc lộc chan hoà, xin giúp chúng con biết từ bỏ tội lỗi và trở nên người mới, để được vào quê trời hưởng phúc vinh quang. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ðn 13, 1-9. 15-17. 19-30. 33-62 (Bài dài)

“Ðây tôi phải chết, dù tôi không làm điều họ vu khống cho tôi”.

Trích sách Tiên tri Ða-ni-en.

Trong những ngày ấy, có một người đàn ông ở Ba-by-lon tên là Gio-a-kim cưới bà vợ tên là Su-san-na, con của Khen-ki-gia, bà rất xinh đẹp và có lòng kính sợ Chúa, vì cha mẹ bà là những người công chính, đã dạy con cho biết giữ luật Mô-sê. Lúc đó Gio-a-kim rất giàu có, ông có một khu vườn gần nhà ông, các người Do-thái năng lui tới nhà ông, vì ông là người đáng kính hơn mọi người khác.

Năm đó, người ta đã đặt lên hai vị thẩm phán trong dân. Chúa đã phán về những kẻ ấy rằng: “Sự gian ác phát sinh từ Ba-by-lon bởi những vị thẩm phán kỳ lão, là những người xem ra như cai quản dân chúng”. Các ông năng lui tới nhà ông Gio-a-kim, nên tất cả những ai kiện tụng, thì tìm gặp các ông ở đó. Ðến trưa, khi dân chúng trở về nhà, bà Su-san-na vào đi bách bộ trong vườn của chồng. Hai vị kỳ lão thấy bà mỗi ngày đi bách bộ trong vườn, thì phải lửa dục mê đắm; hai ông mất lương tâm, không còn muốn đưa mắt nhìn lên trời và không còn muốn nhớ đến sự xét xử công minh.

Hai ông chờ ngày thuận tiện, lúc bà Su-san-na vào vườn như hôm trước và hôm trước nữa, bà chỉ dẫn theo hai cô thiếu nữ, bà muốn tắm trong vườn, vì trời nóng bức. Lúc bấy giờ ở đó không có ai, ngoài hai vị kỳ lão đang ẩn núp và ngắm nhìn bà. Bà nói với hai cô thiếu nữ rằng: “Hãy mang dầu và thuốc thơm cho ta, rồi đóng cửa vườn lại để ta tắm”.

Khi hai cô thiếu nữ ra khỏi vườn, hai vị kỳ lão đứng lên, tiến lại gần bà Su-san-na và nói: “Kìa cửa vườn đã đóng hết; không ai trông thấy ta đâu, chúng tôi say mê bà, bà hãy chấp nhận lời yêu cầu của chúng tôi và hiến thân cho chúng tôi. Nếu bà không chấp nhận, chúng tôi sẽ làm chứng nói bà phạm tội với một thanh niên, và vì đó, bà đã bảo các cô thiếu nữ ra khỏi vườn”.

Bà Su-san-na thở dài và nói: “Tôi phải khốn cực tư bề; nếu tôi hành động như thế, tôi phải chết, và nếu tôi không hành động như thế, tôi cũng không thoát khỏi tay các ông. Nhưng thà tôi phải tay các ông mà không làm điều gì phạm tội trước mặt Chúa thì hơn!” Ðọan bà tri hô lên, nên hai vị kỳ lão cũng kêu lên tố cáo bà. Và một trong hai ông chạy ra mở cửa vườn. Khi người nhà nghe tiếng kêu la trong vườn, liền đổ xô ra cửa để xem coi việc gì đã xảy ra. Khi nghe hai vị kỳ lão kể lại, thì các đầy tớ rất lấy làm hổ thẹn, vì thiên hạ không khi nào nghe nói như thế về bà Su-san-na.

Ngày hôm sau, khi dân chúng tụ họp tại nhà ông Gio-a-kim, chồng bà Su-san-na, hai vị kỳ lão cũng đến, lòng đầy những ý nghĩ bất chính để tố cáo bà Su-san-na cho người ta giết bà. Hai ông nói với dân chúng: “Các người hãy đi tìm bà Su-san-na, con ông Khen-ki-gia, vợ của ông Gio-a-kim”. Người ta liền sai đi bắt bà, bà đến với cả cha mẹ, con cái và tất cả họ hàng. Nhưng tất cả họ hàng và mọi kẻ biết rõ bà đều khóc lóc.

Khi hai vị kỳ lão ra đứng giữa dân chúng, hai ông đặt tay lên đầu bà. Bà Su-san-na thì khóc lóc, ngước mắt lên trời, vì tâm hồn bà tin tưởng nơi Chúa. Hai vị kỳ lão nói: “Khi chúng tôi đi bách bộ một mình trong vườn, bà này đi vào với hai đứa tớ gái. Bà bảo hai đứa đóng cửa vườn lại, rồi đi ra. Bấy giờ một chàng thanh niên đã ẩn núp trong vườn tiến tới gần bà và phạm tội với bà. Lúc đó chúng tôi núp ở góc vườn, nhìn thấy tội ác, chúng tôi liền chạy đến bắt quả tang hai người đang phạm tội. Chúng tôi không bắt được chàng thanh niên, vì anh ta khoẻ mạnh hơn chúng tôi, nên đã mở cửa tẩu thoát. Còn bà này chúng tôi bắt được, chúng tôi gạn hỏi chàng thanh niên đó là ai, nhưng bà không muốn nói cho chúng tôi biết. Ðó là điều chúng tôi xin làm chứng”. Dân chúng tin lời hai ông nói, vì hai ông là bậc kỳ lão trong dân và là thẩm phán, nên họ lên án tử hình cho bà.

Bấy giờ bà Su-san-na kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Chúa hằng hữu, Ðấng thấu biết mọi bí ẩn và mọi sự trước khi xảy ra, Chúa biết họ làm chứng gian hại con; và đây con phải chết, dù con không làm điều gì mà họ ác ý vu khống cho con”.

Chúa nhậm lời bà. Khi họ dẫn bà đi xử tử, thì Chúa giục thần trí một đứa trẻ tên là Ða-ni-en. Trẻ này kêu lớn rằng: “Còn tôi, tôi không vấy máu bà này”. Mọi người hướng mắt nhìn về đứa trẻ và nói: “Lời mi nói có ý nghĩa gì?” Ðứa trẻ ra đứng giữa mọi người và nói: “Hỡi con cái Ít-ra-en, các ngươi ngu muội thế sao, khi chưa xét xử và chưa biết sự thật thế nào, mà lại lên án một thiếu nữ Ít-ra-en? Các người hãy xét xử lại, vì hai ông đã làm chứng dối hại bà”.

Bấy giờ dân chúng vội vã trở lại. Các kỳ lão nói với Ða-ni-en: “Này, em hãy ngồi giữa chúng tôi và bảo cho chúng tôi, vì Thiên Chúa đã cho em danh dự của bậc kỳ lão”. Ða-ni-en liền nói với họ: “Các người hãy tách biệt hai ông ra, và cho hai ông đứng xa nhau, rồi tôi xét xử hai vị kỳ lão cho”.

Khi hai ông đứng xa nhau, Ða-ni-en gọi ông thứ nhất đến và nói: “Hỡi lão già độc ác, các tội xưa kia ông đã phạm, giờ đây lại tái phạm, ông đã xét xử bất công, đã lên án kẻ vô tội và tha cho người có tội, mặc dầu có lời Chúa phán: “Ngươi chớ giết kẻ vô tội và người công chính”. Vậy nếu ông thấy bà Su-san-na phạm tội, thì hãy nói hai người phạm tội dưới cây gì?” Ông ta trả lời: “Dưới cây chò”. Ða-ni-en liền nói: “Ðúng là ông nói dối. Ðây sứ thần Chúa được lệnh phân thây ông”. Ða-ni-en cho ông ta lui ra, và bảo dẫn ông kia đến. Ða-ni-en nói với ông này rằng: “Hỡi dòng giống Ca-na-an, chớ không phải dòng giống Giu-đa, sắc đẹp đã mê hoặc ông, và tình dục đã làm cho tâm hồn ông ra đồi bại. Ông đã cư xử như thế đối với các thiếu nữ Ít-ra-en, các cô vì sợ mà phạm tội với ông. Nhưng một thiếu nữ Giuđa không chiều theo tội ác của ông. Vậy bây giờ, ông hãy nói cho tôi biết ông đã bắt được hai người phạm tội dưới cây gì?” Ông ta trả lời: “Dưới cây sồi”. Ða-ni-en liền nói: “Cả ông nữa, ông hoàn toàn nói dối, cho nên thiên thần Chúa, tay cầm gươm, chờ đợi phân thây tiêu diệt ông”.

Bấy giờ tất cả dân chúng hô lớn tiếng và chúc tụng Chúa đã cứu thoát những kẻ trông cậy vào Chúa. Ðoạn họ nghiêm trị hai vị kỳ lão mà Ða-ni-en đã minh chứng rằng hai ông đã vu khống, họ đã xử với hai ông như hai ông đã xử độc ác với kẻ khác. Chiếu theo luật Mô-sê, họ lên án xử tử hai ông, và ngày hôm đó máu người vô tội khỏi đổ oan.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài ngắn này: Ðn 13, 41c-62

Trích sách Tiên tri Ða-ni-en.

Trong những ngày ấy, dân chúng lên án tử hình bà Su-san-na. Bấy giờ bà Su-san-na kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Chúa hằng hữu, Ðấng thấu biết mọi bí ẩn và mọi sự trước khi xảy ra, Chúa biết họ làm chứng gian hại con; và đây con phải chết, dù con không làm điều gì mà họ ác ý vu khống cho con”.

Chúa nhậm lời bà. Khi họ dẫn bà đi xử tử, thì Chúa giục thần trí một đứa trẻ tên là Ða-ni-en. Trẻ này kêu lớn rằng: “Còn tôi, tôi không vấy máu bà này”. Mọi người hướng mắt nhìn về đứa trẻ và nói: “Lời mi nói có ý nghĩa gì?” Ðứa trẻ ra đứng giữa mọi người và nói: “Hỡi con cái Ít-ra-en, các ngươi ngu muội thế sao, khi chưa xét xử và chưa biết sự thật thế nào, mà lại lên án một thiếu nữ Ít-ra-en? Các người hãy xét xử lại, vì hai ông đã làm chứng dối hại bà”.

Bấy giờ dân chúng vội vã trở lại. Các kỳ lão nói với Ða-ni-en: “Này, em hãy ngồi giữa chúng tôi và bảo cho chúng tôi, vì Thiên Chúa đã cho em danh dự của bậc kỳ lão”. Ða-ni-en liền nói với họ: “Các người hãy tách biệt hai ông ra, và cho hai ông đứng xa nhau, rồi tôi xét xử hai vị kỳ lão cho”.

Khi hai ông đứng xa nhau, Ða-ni-en gọi ông thứ nhất đến và nói: “Hỡi lão già độc ác, các tội xưa kia ông đã phạm, giờ đây lại tái phạm. Ông đã xét xử bất công, đã lên án kẻ vô tội và tha cho người có tội, mặc dầu có lời Chúa phán: “Ngươi chớ giết kẻ vô tội và người công chính”. Vậy nếu ông thấy bà Su-san-na phạm tội, thì hãy nói hai người phạm tội dưới cây gì?” Ông ta trả lời: “Dưới cây chò”. Ða-ni-en liền nói: “Ðúng là ông nói dối. Ðây sứ thần Chúa được lệnh phân thây ông”. Ða-ni-en cho ông ta lui ra, và bảo dẫn ông kia đến. Ða-ni-en nói với ông này rằng: “Hỡi dòng giống Ca-na-an, chứ không phải dòng giống Giu-đa, sắc đẹp đã mê hoặc ông, và tình dục đã làm cho tâm hồn ông ra đồi bại. Ông đã cư xử như thế đối với các thiếu nữ Ít-ra-en, các cô vì sợ mà phạm tội với ông. Nhưng một thiếu nữ Giu-đa không chiều theo tội ác của ông. Vậy bây giờ, ông hãy nói cho tôi biết ông đã bắt được hai người phạm tội dưới cây gì?” Ông ta trả lời: “Dưới cây sồi”. Ða-ni-en liền nói: “Cả ông nữa, ông hoàn toàn nói dối, cho nên thiên thần Chúa, tay cầm gươm, chờ đợi phân thây tiêu diệt ông”.

Bấy giờ tất cả dân chúng hô lớn tiếng và chúc tụng Chúa đã cứu thoát những kẻ trông cậy vào Chúa. Ðoạn họ nghiêm trị hai vị kỳ lão mà Ða-ni-en đã minh chứng rằng hai ông đã vu khống; họ đã xử với hai ông như hai ông đã xử độc ác với kẻ khác. Chiếu theo luật Mô-sê, họ lên án xử tử hai ông, và ngày hôm đó máu người vô tội khỏi đổ oan.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Ðáp: Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con 

Xướng: Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.

Xướng: Ngài dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa), dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. – Ðáp.

Xướng: Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương. Ðầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.

Xướng: Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: 2 Cr 6, 2b

Ðây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ.

Phúc Âm: Ga 8, 1-11

“Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Khi ấy, Chúa Giê-su lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Mô-sê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giê-su cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giê-su với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giê-su đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giê-su bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Ðó là lời Chúa.

(Trong năm C, khi bài Tin Mừng trên đã được đọc ở Chúa Nhật, thì hôm nay đọc bài Tin Mừng dưới đây:)

Phúc Âm: Ga 8, 12-20

“Ta là sự sáng thế gian”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Khi ấy, Chúa Giê-su nói với những người biệt phái rằng: “Ta là sự sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống”.

Những người biệt phái nói: “Ông tự làm chứng cho mình, nên chứng của ông không xác thực”.

Chúa Giê-su trả lời: “Cho dầu Ta tự làm chứng về Ta, thì chứng của Ta cũng xác thực, vì Ta biết rõ Ta từ đâu tới và đi về đâu. Còn các ông, các ông không biết Ta từ đâu tới, cũng chẳng biết Ta đi đâu. Các ông đoán xét theo xác thịt; còn Ta, Ta không đoán xét ai. Hoặc nếu Ta có đoán xét, thì sự đoán xét của Ta cũng xác thực, bởi vì không phải chỉ có mình Ta, nhưng còn có Cha Ta là Ðấng đã sai Ta. Vả lại trong luật của các ông có ghi: Chứng của hai người thì xác thực. Ta tự làm chứng về Ta, và Ðấng đã sai Ta, là Chúa Cha, cũng làm chứng cho Ta nữa”.

Họ nói: “Cha của ông đâu?” Chúa Giê-su trả lời: “Các ông không biết Ta, cũng chẳng biết Cha Ta. Nếu các ông biết Ta thì cũng sẽ biết Cha Ta”.

Chúa Giê-su nói những lời trên gần nơi để Kho Tiền, khi Người giảng dạy trong đền thờ. Thế mà không ai bắt Người, vì chưa đến giờ Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con sắp cử hành mầu nhiệm lễ tế; xin cho chúng con được hân hoan dâng lên Chúa một tâm hồn thanh sạch, là kết quả của việc chúng con hy sinh hãm mình. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng thương khó I

Ca hiệp lễ

Hỡi thiếu phụ, không ai kết án chị ư? Thưa thày không có ai. Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Từ nay chị đừng phạm tội nữa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng chúng con; ước chi bí tích này giúp chúng con chừa mọi tính hư nết xấu và ngày ngày theo chân Ðức Ki-tô mà hăm hở tiến về nhà Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CHÚA NHÂN TỪ KHÔNG KẾT ÁN
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Đoạn Tin Mừng (Ga, 8, 1-11) với câu kết thật là đẹp “Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Thiên Chúa quả là Đấng nhân từ, Ngài không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống. Không kết án, hay tha thứ là bản chất của Thiên Chúa. Chúa Giê-su là hiện thân của Thiên Chúa hay tha thứ ghét tội và yêu thương kẻ có tội, không dung túng tội lỗi, nhưng khoan nhân với tội nhân.

Sự tha thứ của Thiên Chúa không đồng nghĩa với sự dung túng thường tình. Ngài không tha thứ sự dữ, nhưng tha thứ cho người tội lỗi biết ăn năn.

Ta không kết tội”. Khi nghe những lời trên, làm sao chúng ta không cảm nghiệm được một niềm tín thác trào dâng trong tâm hồn chúng ta? Sao không nhìn thấy nơi đó một “Tin Vui” cho cả và nhân loại ở thời đại chúng ta, những con người đang mong chờ khám phá lại ý nghĩa đích thật của lòng nhân từ và sự tha thứ.

Thời đại chúng ta đang cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa, một sự tha thứ làm phát sinh niềm hy vọng và phó thác, mà không làm yếu đi cuộc chiến chống lại sự dữ.

Người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay đại diện cho tất cả chúng ta, những tội nhân. Cách nào đó, chúng ta cũng là những người ngoại tình trước mặt Thiên Chúa, là những kẻ phản bội lòng trung tín của Ngài. Thiên Chúa không kết án chúng ta nhưng cứu độ chúng ta nhờ Ðức Giê-su. Ngài đã lấy ngón tay viết trên đất, trên cái bụi mà từ đó con người được tạo dựng nên (x. St 2,7). Phán quyết của Thiên Chúa là: ‘Ta không muốn con phải chết, nhưng muốn con được sống”. Chúa không cứ tội ta mà trách phạt, cũng chẳng đồng nhất ta với những lỗi lầm trót phạm. Chúa muốn giải thoát chúng ta.

Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin giúp chúng con biết cậy dựa vào lòng từ bi của Chúa, nhờ đó chúng ta sẽ được thứ tha. Amen.

 

TÌNH THƯƠNG THA THỨ (Ga 8,1-11)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Người Do-thái có nhiều lễ trong một năm. Lễ Lều Trại có lẽ là cơ hội để người ta lạm dụng, ăn ở phóng túng. Trong suốt tám ngày sống ở lều, ngoài rừng, thuận tiện cho những cuộc gặp gỡ lả lướt. Những cuộc giao du nơi này qua nơi khác vẫn hay có những hội ngộ tình cờ, không hợp với luân thường đạo lý là bao. Chính sau cuộc lễ này mà xảy ra câu chuyện trong bài Tin Mừng.

Sau bài giảng trong Đền thờ nhân dịp lễ Lều Trại của người Do-thái, Đức Giê-su đi ra nghỉ tại núi Cây Dầu. Bao giờ có dịp về thủ đô, Ngài cũng qua nghỉ đêm tại đó. Tảng sáng hôm sau, Ngài lại vào Đền thờ và toàn dân đến cùng Ngài, nên Ngài ngồi xuống đất mà giảng.

Tình cờ người ta đem đến cùng Ngài một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Những người luật sĩ và biệt phái lợi dụng cơ hội này để thử thách Đức Giê-su.

2. Hôm nay, các luật sĩ và biệt phái sử dụng “nguyên lý triệt tam” để tung ra một đòn quyết định, đặt Đức Giê-su và một tình thế tiến thoái lưỡng nan, mà nếu Ngài ngả theo phía nào thì họ cũng có cái cớ để tố cáo Ngài.

Họ đưa đến trước mặt Đức Giê-su một người phụ nữ phạm tội ngoại tình, rồi hỏi Ngài sẽ xử lý thế nào khi luật Mai-sen dạy phải ném đá chết. Cái bẫy của họ gài vào là nếu Đức Giê-su nói không thì họ kết án Chúa lỗi luật Mai-sen, còn nếu Ngài nói có thì họ sẽ có cớ phản bác trái với luật yêu thương mà Ngài giảng dạy.

Đức Giê-su không trả lời trực tiếp với họ, nhưng với một lời nói của Ngài đã đặt các luật sĩ và biệt phái vào một sự chất vấn của lương tâm và phơi bầy lòng dạ khi đối diện với Đấng thấu suốt mọi sự: “Ai trong các ngươi sạch tội thì hãy lấy đá mà ném trước đi”. Cuối cùng họ lặng lẽ rút êm, bắt đầu từ người lớn tuổi nhất.

3. Rõ ràng có một sự khác biệt rất lớn giữa cách hành xử của những người luật sĩ, biệt phái với Đức Giê-su. Nhóm biệt phái thì muốn kết tội, còn Đức Giê-su thì muốn tha thứ. Nếu đọc kỹ câu chuyện chúng ta thấy, nhóm biệt phái chỉ muốn ném đá người đàn bà này cho chết, và họ còn cảm thấy rất thích thú khi được làm điều này.  Họ cảm thấy vui sướng khi quyền lực được sử dụng để kết án. Còn Đức Giê-su, thì Ngài không muốn làm như vậy. Ngài không cảm thấy vui khi quyền lực được dùng để kết tội. Ngài  muốn dùng quyền hành để tha thứ.

4. Qua sự kiện này, chúng ta thấy có một nghịch lý đáng buồn và cũng đáng trách: một đàng Thiên Chúa là Đấng thánh thiện vô cùng lại đầy lòng thương xót và khoan dung đối với người tội lỗi… Còn con người thì ai cũng mắc tội không nhiều thì ít, không nặng thì nhẹ lại hay xét đoán, phê bình chỉ trích và lên án người khác nhất là những kẻ tội lỗi. Do đó, nhiều khi đã vô tình xô đẩy thêm kẻ có tội  vào vũng lầy không lối thoát.

5. Qua câu trả lời của Đức Giê-su: “Ai trong các ông sạch tội thì hãy ném đá người phụ nữ này đi”, chúng ta tìm ra được nguyên tắc của Đức Giê-su là chỉ người vô tội mới được đoán xét những lỗi lầm của người khác.

Hôm nay, Chúa dạy chúng ta một bài học là phải dành quyền xét đoán cho Thiên Chúa vì chỉ ai không có tội mới có quyền xét đoán và lên án, còn chúng ta là những người tội lỗi phải có lòng thương cảm đối với tội nhân.

Còn về phía mình, Chúa nhắc nhở ta phải biết hồi tâm, phải nhận ra mình là kẻ có tội, phải đi xưng tội để làm hòa với Chúa. Khi đã có một tâm tình như vậy, tự nhiên chúng ta không dám xét đoán và lên án ai.

6. Truyện: Cần lòng thương xót.

Ngày kia, có một phụ nữ đến van xin hoàng đế Napoléon tha thiết cho con trai của bà. Anh thanh niên đó đã phạm một tội nặng. Lề luật đã rõ. Công lý đòi buộc anh ta phải chết. Hoàng đế quả quyết rằng đảm bảo phải thi hành công lý. Nhưng bà mẹ năn nỉ:

– Thưa bệ hạ, tôi đến van xin lòng thương xót của ngài, không phải vì công lý.

Hoàng đế Napoléon trả lời:

– Nhưng hắn ta không đáng được xót thương.

Bà mẹ nói:

– Tâu bệ hạ, nếu nó xứng đáng thì không cần gọi là lòng thương xót nữa.

Hoàng đế Napoléon đáp:

– Thôi được. Ta rủ lòng thương xót nó.


Ngày 7/4: Thánh Gioan Baotixita Lasan – linh mục (1651-1719)

Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Thánh Jean Baptiste de La Salle được phong thánh năm 1900, trước đây mừng lễ vào ngày 15 tháng 5 – nay được mừng vào ngày 7 tháng 4, kỷ niệm ngày qua đời. Ngài được Đức Piô XII tôn phong làm “thánh Bảo trợ các nhà giáo dục Kitô giáo” (1950).

Thánh Jean Baptiste de La Salle sinh tại Reims năm 1651, là anh cả trong gia đình gồm mười một người con. Lúc mười sáu tuổi, ngài đã là Kinh sĩ, theo học nhiều năm tại thành phố quê nhà, sau đó tại đại học Sorbonne. Sau khi được thụ phong linh mục năm 1678, ngài dấn thân ngay vào việc giáo dục và giáo huấn các trẻ em nghèo theo gương chân phước Nicolas Roland (1642 – 1678) là người quan tâm đặc biệt đến các tầng lớp bần cùng nhất trong xã hội. Vì mục đích này và trong khi thành lập các trường cho trẻ em nghèo, thánh nhân cùng lúc qui tụ các tình nguyện viên hiệp nhất trong một “gia đình” Dòng tu và được đào tạo để giảng dạy. Vì thế, một tu hội mới được khai sinh: Dòng sư huynh La Salle (1684). Để đào tạo các giáo viên, Đấng Thánh sáng lập đã mở các trường cao đẳng sư phạm nhằm gầy dựng các giáo viên đầy uy tín. Phương pháp giảng dạy được đổi mới hoàn toàn: không còn sử dụng tiếng La Tinh nữa, mà chỉ sử dụng tiếng địa phương. Trẻ em được chia thành nhiều lớp và các trường học được phân thành nhiều loại giáo dục khác nhau: nào trường tình thương, trường dạy nghề, trường cải huấn…

Dòng sư huynh La Salle cũng như số lượng trường học đều phát triển nhanh chóng tại Pháp cho đến Rôma. Các thử thách nặng nề đang chờ đợi cha De La Salle, đau đớn nhất lại do các tu sĩ của người – như lăng nhục, bác bỏ, v.v... Nhưng các thử thách này đều được vượt qua bởi lòng bác ái và khiêm tốn của thánh nhân. Ngài từ bỏ các chức vụ năm 1717 và hai năm sau qua đời ngày 7 tháng 4 năm 1719. Lúc ấy, người nói: “Tôi tôn kính thánh ý Thiên Chúa đối với tôi trong mọi sự việc”. Đó là ngày thứ sáu Tuần thánh.

Ngoài vài quyển sách giáo khoa dành cho học sinh và đôi ba sách khảo luận sư phạm (cách điều hành các học đường), Jean Baptiste de La Salle đã xuất bản cuốn Nghĩa vụ người Kitô hữu – đúng là cuốn sách ăn khách nhất trong các thế kỷ XVIII và XIX, cùng với tập khảo luận về phép xử thế: cuốn Phép lịch sự của người Kitô hữu (1695).

Số lượng sư huynh La Salle vào ngày qua đời của Đấng sáng lập lên tới ba trăm và ngày nay chừng tám ngàn sư huynh phân bổ trên khắp năm châu.

2. Thông điệp và tính thời sự

a. “Chúa đã chọn thánh Jean Baptiste de La Salle để người rèn luyện đức tin cho giới trẻ” (lời nguyện riêng). Như thế, Phụng Vụ gợi lại mọi sinh hoạt giảng dạy của vị tiền phong cao cả trong ngành giáo dục này. Hội thánh hằng lo lắng cho các trẻ nhỏ (xem bài tin mừng Thánh lễ, Mt 18,1-10: Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy). Hội thánh cũng nhìn nhận thánh nhân có được trực giác của một ngôn sứ khi ngài thành lập một gia đình đông đảo các nhà giáo mới gồm: những giáo dân sống đời tận hiến, những nhà giáo giỏi giang, luôn sẵn sàng phục vụ và “tận tâm lo cho giói trẻ nên người và nên con cái Chúa” (lời nguyện).

b. Sau khi Jean Baptiste de La Salle, các môn đệ của ngài đã thu thập và xuất bản tuyển tập các suy niệm và kinh nguyện của ngài. Các Bài đọc – Kinh sách đưa ra cho chúng ta vài lời khuyên của ngài:

– “Anh em không được nghi ngờ gì về ân huệ cao cả Thiên Chúa đã ban cho anh em, đó là giáo dục các thiếu niên, rao giảng Tin Mừng và huấn luyện các em trong tinh thần đạo đức. Chính Thiên Chúa đã mời gọi anh em và giao cho anh em tác vụ thánh này”.

– “Với lòng nhiệt thành, anh em hãy cố gắng đưa ra những dấu chứng cụ thể cho thấy anh em yêu mến những kẻ Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, như Đức Giêsu Kitô đã yêu mến Hội thánh Người...”

– Các nhà giáo dục Kitô giáo khi hành động như những “sứ giả của Đức Giêsu Kitô” bên cạnh giới trẻ, cũng trở nên “thừa tác viên của Giao Ước mới”. Họ khắc ghi Tin Mừng “không phải trên những tấm bia bằng đá, nhưng là trên những tấm bia bằng thịt tức là tâm hồn của các thiếu niên” (Bài đọc – Kinh sách).

Enzo Lodi

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây