TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Mùa Chay -Năm C

“Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. (Ga 8, 1-11)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 5 MÙA CHAY

Thứ bảy - 05/04/2025 14:20 |   45
“Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” (Ga 8,31-42)

09/04/2025
Thứ tư tuần 5 Mùa Chay

t4 t5 MC

Ga 8,31-42


sự thật sẽ giải phóng
Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.
(Ga 8,31-42)

Suy niệm: Làm sao khỏi bệnh nếu trước hết không nhận rằng mình có bệnh? Làm sao nhận ra sự thật nếu mình đang ở trong sai lầm mà khư khư tin rằng sự sai lầm của mình chính là sự thật? Đó là tình cảnh trớ trêu của những người Do-thái thính giả của Đức Giê-su. Họ ỷ lại về tư cách dòng dõi Áp-ra-ham của mình, họ tự hào mình chưa bao giờ làm nô lệ cho ai. Mấy tiếng “nô lệ”, “tự do” chỉ gợi cho họ nghĩ đến những mặt nào đó khác chứ không gợi được mặt tâm linh, mà chính khía cạnh tâm linh này mới là tiêu điểm Đức Giê-su muốn đề cập!

Mời Bạn: Nội tâm hóa sứ điệp thật rõ ràng của bài Tin Mừng hôm nay: Lời Chúa là sự thật và sự thật sẽ giải phóng chúng ta! Tự do về chính trị, xã hội, kinh tế, v.v… quả rất cần, nhưng sẽ trở thành vô nghĩa nếu ta tiếp tục ở trong tình trạng nô lệ cho tội lỗi. Không phải chỉ cặp “nô lệ/tự do”, mà mọi tính từ khác trong từ điển được chúng ta dùng mô tả tình trạng của mình chỉ có ý nghĩa đích thực khi chúng được đặt nền trên Lời Chúa là sự thật. Giàu/nghèo, mạnh/yếu, khôn/dại, tốt/xấu, thành công/thất bại... chiếu theo Lời Chúa, có thể rất khác xa hay thậm chí ngược hẳn với ý niệm thường tình của chúng ta!

Sống Lời Chúa: Trong cái nhìn của Chúa, bạn còn đang nô lệ nặng nề nhất về điều gì? Hôm nay bạn quyết tâm ở thực hành Lời Chúa, để được giải phóng.

Cầu nguyện: Hát “Lắng nghe Lời Chúa” hoặc đọc: “Lạy Chúa, lời Ngài là sức sống của con. Lời Ngài là ánh sáng đời con. Lời Ngài là chứa chan hy vọng, là đường để con hằng dõi bước.” Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ tư tuần 5 Mùa Chay

Ca nhập lễ

Chúa là Đấng giải thoát tôi khỏi cơn giận của quân thù. Lạy Chúa, Chúa nâng tôi lên cao vượt bọn người chống đối, và cứu tôi khỏi con người gian ác.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa rất từ bi nhân hậu, chính Chúa đã làm cho chúng con biết ăn năn hối cải, quyết tâm phụng sự Chúa; xin hằng thương soi sáng tâm hồn chúng con và nhận lời chúng con khẩn nguyện. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ðn 3, 14-20. 91-92. 95

“Người đã sai thiên thần của Người đến giải thoát các tôi tớ Người”.

Trích sách Tiên tri Ðaniel.

Trong những ngày ấy, vua Nabucôđônôsor nói rằng: “Hỡi Sidrach, Misach và Abđênagô, có phải các ngươi không chịu thờ các thần của ta và lạy tượng vàng ta đã dựng không? Vậy nếu các ngươi đã sẵn sàng, thì lúc nghe tiếng kèn, tiếng huyền cầm, tiếng còi, quyển sáo và các thứ nhạc khí, các ngươi phải sấp mình thờ lạy tượng ta đúc. Nhưng nếu các ngươi không chịu sấp mình thờ lạy, lập tức các ngươi sẽ bị ném vào lò lửa cháy bừng. Và coi Chúa nào sẽ cứu thoát các ngươi khỏi tay ta”. Sidrach, Misach và Abđênagô trả lời với vua Nabucôđônôsor rằng: “Tâu lạy vua, chúng tôi không cần trả lời cùng vua về việc này, vì đây Thiên Chúa chúng tôi thờ có thể cứu thoát chúng tôi khỏi lò lửa cháy bừng, và khỏi tay đức vua; nhược bằng Thiên Chúa chúng tôi không muốn thì, tâu lạy vua, vua nên biết rằng chúng tôi không thờ các thần của vua và không lạy tượng vàng của vua dựng lên”.

Bấy giờ vua Nabucôđônôsor thịnh nộ, mặt biến sắc, nhìn thẳng vào Sidrach, Misach và Abđênagô, ông ra lệnh đốt lò nóng hơn thường gấp bảy lần, và truyền lệnh các tráng sĩ trong cơ binh trói chân Sidrach, Misach và Abđênagô, và ném vào lò lửa cháy bừng.

Bấy giờ vua Nabucôđônôsor bỡ ngỡ, vội vã đứng lên và nói với các triều thần rằng: “Chớ thì ta không ném ba người bị trói vào lò lửa sao?” Các ông trả lời với vua rằng: “Tâu lạy vua, thật có”. Vua nói: “Ðây ta thấy có bốn người không bị trói đi lại giữa lò lửa mà không hề hấn gì; dáng điệu người thứ tư giống như Con Thiên Chúa”. Vua Nabucôđônôsor nói tiếp: “Chúc tụng Chúa của Sidrach, Misach và Abđênagô, Ðấng đã sai thiên thần của Người đến giải thoát các tôi tớ tin cậy Người, không chịu vâng phục mệnh lệnh của nhà vua và thà hy sinh thân xác, chớ không phục luỵ thờ lạy Chúa nào khác ngoài Thiên Chúa của họ”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Ðn 3, 52. 53. 54. 55. 56

Ðáp: Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời

Xướng:Lạy Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời. Chúc tụng thánh danh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời.

Xướng: Chúa đáng chúc tụng trong đền thánh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.

Xướng: Chúc tụng Chúa ngự lên ngai vương quyền Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.

Xướng: Chúc tụng Chúa, Ðấng nhìn thấu vực thẳm và ngự trên các Thần Vệ Binh, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.

Xướng: Chúc tụng Chúa ngự trên bầu trời, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Chúa phán: “Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời”.

PHÚC ÂM: Ga 8, 31-42

“Nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi thực sự được tự do”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người Do-thái đã tin nơi Ngài rằng: “Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi”. Họ thưa lại Người: “Chúng tôi là con cháu Abraham, và chưa bao giờ làm nô lệ ai cả. Tại sao ông lại nói “Các ngươi sẽ được tự do”?”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Hễ ai phạm tội, thì làm nô lệ cho tội. Mà tên nô lệ không ở mãi trong nhà; người con mới ở vĩnh viễn trong nhà. Vậy nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi sẽ được tự do thực sự. Ta biết các ngươi là con cháu Abraham, thế mà các ngươi lại tìm giết Ta: vì lời Ta không thấm nhập vào lòng các ngươi. Ta nói những điều Ta đã thấy nơi Cha Ta. Còn các ngươi, các ngươi làm điều các ngươi đã thấy nơi cha các ngươi”. Họ đáp lại: “Cha chúng tôi chính là Abraham!” Chúa Giêsu nói: “Nếu thực các ngươi là con cháu Abraham, thì các ngươi làm công việc của Abraham! Nhưng các ngươi đang tìm giết Ta, là người đã nói cho các ngươi biết sự thật mà Ta nghe tự Thiên Chúa. Ðiều đó Abraham đã không làm! Các ngươi đang làm việc của cha các ngươi!” Họ lại nói: “Chúng tôi không phải là những đứa con hoang! Chúng tôi chỉ có một Cha là Thiên Chúa!” Chúa Giêsu nói: “Nếu Thiên Chúa là Cha các ngươi, thì các ngươi yêu mến Ta, vì Ta tự Thiên Chúa mà đến; vì Ta không tự mình mà đến, nhưng chính Ngài đã sai Ta đến”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con bánh và rượu này, để chúng con dùng làm của lễ tôn vinh Danh Thánh; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và biến đổi thành linh dược chữa lành chúng con. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng thương khó I

Ca hiệp lễ

Thiên Chúa đã đem chúng ta về nước Con yêu dấu của Chúa, trong Người chúng ta được ơn cứu rỗi nhờ Máu Người, và được ơn tha tội.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Thánh Ðức Ki-tô; xin cho của ăn này nên thần dược chữa chúng con khỏi mọi nết xấu, và gìn giữ chúng con luôn vững mạnh. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

NÔ LỆ VÀ TỰ DO (Ga 8,31-42)
Lm. Giuse Tạ Minh Quý

Nô lệ và tự do là hai tình trạng đối nghịch nhau trong đời sống con người. Nếu nô lệ là tình trạng mà con người tìm mọi cách để thoát ra, thì tự do là tình trạng mà con người mãi khát khao kiếm tìm. Ngay từ ban đầu, tự do đã được ban tặng như là phẩm giá của con người, nhưng tại sao con người lại đánh mất và làm sao để có tự do đích thực?

Chúa Giê-su cho biết con người đánh mất tự do vì phạm tội: “Hễ ai phạm tội, thì làm nô lệ cho tội.” (Ga 8,34) Trọng tâm của hành vi phạm tội là ý muốn chối bỏ Thiên Chúa và thánh ý của Ngài. Đó là tự tách biệt chính mình ra khỏi Thiên Chúa. Cụ thể, những người Do-thái trong câu chuyện Tin Mừng này đã chối từ Chúa Giê-su, tìm cách giết Ngài, bởi vì họ không lắng nghe, không để Lời của Ngài không thấm nhập vào lòng họ. Hậu quả của việc chối từ Chúa Giê-su, cũng là chối từ Chúa Cha, là trở nên nô lệ cho tội lỗi. Nô lệ tự loại trừ chính mình ra khỏi nhà mình: “tên nô lệ không ở mãi trong nhà.”

Đổi ngược lại, Chúa Giê-su cho biết tình trạng tự do đích thực là ở lại trong Lời của Ngài: “Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật sẽ giải thoát các ngươi.” (Ga 8, 31-32) Ngài còn nói rõ hơn: “Nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi sẽ được tự do thực sự.” (Ga 8, 36) Chúa Giê-su cho thấy có một sự liên kết chặt chẽ giữa tự do và người môn đệ. Người môn đệ đích thực là người lắng nghe Lời Chúa, để cho Lời Chúa thấm nhập vào trong con tim và đem ra thực hành. Ở trong Lời Chúa cũng là ở trong sự thật – vì Chúa Giê-su chính “là đường, là sự thật và là sự sống.” (Ga 14,6)  Những ai ở trong Chúa Giê-su thì cũng được ở trong nhà của Ngài. “Người con mới ở vĩnh viễn trong nhà.”

Ước gì mùa Chay thánh này giúp chúng ta hoán cải, mở lòng mình đón nhận Lời Chúa Giê-su, ở lại trong Ngài, bước theo Ngài, để được giải thoát, được tự do thực sự, và được ở trong “nhà” với Ngài luôn mãi.

 

NÔ LÊ VÀ TỰ DO (Ga 8,31-42)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Đức Giê-su đã nói: Ai ở lại trong Ta thì biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng cho kẻ đó được tự do. Sự tự do mà Đức Giê-su muốn nói ở đây là sự sống trong ân sủng của Thiên Chúa. Khi chúng ta phạm tội mất ơn thánh, nghĩa là chúng ta phải sống xa Chúa là sự tự do tuyệt đối. Khi phạm tội, chúng ta bị trói buộc vào con đường của ma quỉ, của những đam mê dục vọng. Chúng ta chỉ có thể sống hạnh phúc và tự do khi sống đúng địa vị làm con Thiên Chúa. Sự tự do ấy chỉ có được trong Đức Giê-su, khi chúng ta liên kết cuộc đời chúng ta với Ngài.

2. Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su nói cho người Do thái biết điều gì đã trói buộc họ khiến họ phả làm nô lệ, và điều gì sẽ giải thoát họ để họ được tự do. Điều giải thoát họ khỏi nô lệ và được tự do: “Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi”.

Giải phóng cho chúng ta tự do… Sự  tự do mà Đức Giê-su muốn nói ở đây là sự sống trong ân sủng Thiên Chúa. Khi chúng ta phạm tội mất ơn thánh, nghĩa là chúng ta phải sống xa Chúa là sự tự do tuyệt đối. Sự tự do ấy chỉ có lại được trong Đức Giê-su, khi ta gắn bó lại, liên kết lại cuộc đời chúng ta  với Ngài. Chúng ta chỉ có thể hạnh phúc khi sống địa vị làm con Thiên Chúa – con cái tự do.

3. Khi nguyên tổ Adong-Evà phạm tội lỗi nghịch cùng Chúa, ma quỉ đã đem tội lỗi vào trần gian. Và khi tội lỗi xâm nhập trần gian, con người đắm chìm trong tội, nô lệ cho mọi khuynh hướng xấu, bị giam hãm trong tội nguyên tổ, sự xuống cấp của một luân lý suy đồi “tội trần gian” và làm tôi cho ma quỉ. Tự sức mình con người không thể tự giải thoát mình, nên cần đến ơn Cứu độ.  Đức Giê-su đã phải trả giá đắt để chuộc con người và đem con người trở nên con cái tự do. Đức Giê-su cũng khẳng định: “Kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi” (Ga 8,35).

4. Muốn được sống tự do, muốn giải thoát con người của mình khỏi những trói buộc của lỗi lầm và khuyết điểm, thì điều cần thiết trước tiên là phải biết sự thật về mình. Có điều như nhà văn Shakespeare nói: “Người dại thường nghĩ rằng mình khôn, còn người khôn lại tự biết mình dại”. Như vậy, chúng ta cần phải khôn ngoan. Có nhiều người bỏ xưng tội rước lễ cả mấy chục năm nhưng khi đề nghị với họ nên xét mình xưng tội, thì họ trả lời: “Con chẳng có tội gì”!

Hồi học ở Đại chủng viện, cha giáo Phụng vụ có kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện có thật. Một thanh niên bỏ xưng tội rước lễ nhiều năm, vào dịp Mùa Chay ngài khuyên anh ta nên dọn mình xưng tội. Anh nói:

– Con chẳng có tội gì.

Ngài hỏi anh ta có chơi gái hay không? Anh ta trả lời cách tỉnh bơ:

– Thưa cha, chuyện đó là chuyện bình thường.

Ngài nói:

– Anh có biết là tội lỗi điều răn thứ sáu không?

Anh ta cãi lại:

– Sao lại là tội được. Con trả tiền đàng hoàng mà!

5. Chúng ta là những người mang danh hiệu Ki-tô hữu, là những người tự nhận mình là con cái Thiên Chúa. Tuy nhiên, danh xưng ấy không làm nên thực chất, cái áo không làm nên ông thầy tu, chỉ có danh hiệu bên ngoài và thậm chí ngay cả những việc đạo đức bên ngoài mà thôi, thì vẫn chưa làm nên một đời sống đức tin đích thực. Đức tin chân chính được thể hiện qua những việc làm công chính. Người ta thường nói “xem quả biết cây”, chúng ta đã suy nghĩ, nói năng, hành động như thế nào trong cuộc sống hằng ngày, nhất là trong Mùa Chay thánh này?

6. Truyện: Muốn có đời sống đẹp.

Một sinh viên Nhật Bản đến văn phòng của một linh mục ở Boston, và nói: “Thưa cha, con đang đi tìm một đời sống đẹp, cha có thể chỉ cho con biết phải tìm ở đâu?”

Linh mục đáp: “Chắc anh muốn trao đổi về tôn giáo”?

Anh trả lời: “Thưa không, con không muốn trao đổi về lý thuyết. Việc đó con thấy nhan nhản rồi. Con cần thứ khác. Cha biết không, khi con ở ký túc xá Đại học Cambridge con ở chung phòng với một anh thợ mộc, người mà con cho là anh có đời sống rất đẹp. Anh không bao giờ nghĩ về mình, mà luôn nghĩ về người khác. Sinh viên tụi con nhiều khi sống cẩu thả, chén đĩa lung tung, đồ ăn vứt bừa bãi. Thấy thế, anh không nói gì. Nhưng khi mọi người ra khỏi phòng ăn, một mình anh đi thu dọn, sắp xếp lại cho ngăn nắp.

Nghe thế, cha đưa cho anh cuốn Thánh Kinh và nói: “Hãy cầm lấy. Nếu anh muốn tìm một đời sống đẹp, anh hãy tìm trong đó”.

…Hai năm sau, người sinh viên Nhật ấy đến gặp cha cười cười nói: “Cha có nhận ra con không”? Cha nói: “Hình như tôi đã gặp anh ở đâu, nhưng không nhớ rõ”.

Anh đưa cuốn Thánh Kinh ra và nói: “Con đã tìm thấy đời sống đẹp. Con đã tìm thấy đời sống đó nơi Đức Ki-tô”.

SỰ THẬT GIẢI PHÓNG
(THỨ TƯ TUẦN 5 MÙA CHAY)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Tư Tuần 5 Mùa Chay này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chính Chúa đã làm cho chúng ta biết ăn năn hối cải, quyết tâm phụng sự Chúa, xin Chúa hằng thương soi sáng tâm hồn chúng ta và nhậm lời chúng ta khẩn nguyện.

Biết ăn năn hối cải, quyết tâm phụng sự Chúa, tin tưởng vào lời Chúa hứa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thư Hípri cho thấy: Thiên Chúa trung thành là niềm hy vọng của chúng ta. Thiên Chúa đã thề hứa sẽ giữ lời Người: chúng ta có lý do chắc chắn để hy vọng. Bên trong bức màn cung thánh, Đức Giêsu đã vào như người tiền phong mở đường cho chúng ta, sau khi trở thành Vị Thượng Tế đời đời theo phẩm trật Menkixêđê. Người hằng sống để chuyển cầu cho ta. Vì phẩm vị tư tế của Đức Giêsu tồn tại mãi mãi, nên Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn, cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa.

Biết ăn năn hối cải, quyết tâm phụng sự Chúa, tin tưởng vào lời chuyển cầu của Đức Giêsu, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói: Đức Giêsu cầu nguyện cho chúng ta, cầu nguyện trong chúng ta, và là Đấng chúng ta kêu cầu… Cho đến bây giờ, anh em đã chẳng xin điều gì nhân danh Thầy. Anh em cứ xin thì sẽ được, để niềm vui của anh em được trọn vẹn. Thật, Thầy bảo thật anh em: Nếu anh em xin Chúa Cha điều gì nhân danh Thầy, thì Người sẽ ban cho anh em.

Biết ăn năn hối cải, quyết tâm phụng sự Chúa, chúc tụng, ngợi khen về những gì Chúa đã làm cho ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách ngôn sứ Đanien: Thiên Chúa đã sai thiên sứ đến giải thoát các tôi tớ của Người. Trong bài Đáp Ca, ngôn sứ Đanien chúc tụng Chúa: Xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời. Lạy Chúa, chúc tụng Ngài là Thiên Chúa tổ tiên chúng con, chúc tụng danh thánh Ngài vinh hiển. Chúc tụng Chúa trong thánh điện vinh quang, chúc tụng Chúa trên ngôi báu cửu trùng.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Hạnh phúc thay người thành tâm thiện chí, hằng ấp ủ lời Chúa trong lòng, nhờ kiên nhẫn mà sinh hoa kết quả. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do. Lời Chúa là sự thật sẽ giải phóng chúng ta, thành tâm thiện chí đón nhận và ấp ủ Lời Chúa trong lòng, kiên trì thực thi Lời Chúa, chúng ta sẽ thu hoạch được nhiều hoa trái tốt đẹp. Nhờ Đức Kitô, chúng ta không còn là những người nô lệ, những người đầy tớ nữa, nhưng, là những bạn hữu của Đức Giêsu, những người con của Thiên Chúa. Bạn hữu sẽ được tỏ cho biết những gì nơi Cha, và con cái sẽ được thưa chuyện với Thiên Chúa, như con thơ thưa chuyện với Cha hiền, vì thế, khi Thân Thể mầu nhiệm của Đức Kitô là Hội Thánh cầu nguyện với Chúa Cha, thì Hội Thánh không tách biệt Đấng là Đầu với Hội Thánh là thân. Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Chúa chúng ta, Đấng Cứu Chuộc duy nhất của thân thể mầu nhiệm, là Đấng vừa cầu nguyện cho chúng ta, vừa cầu nguyện trong chúng ta, lại là Đấng chúng ta kêu cầu. Người cầu nguyện cho chúng ta với tư cách là tư tế; Người cầu nguyện trong chúng ta với tư cách là Đầu; và là Đấng chúng ta kêu cầu, vì Người là Thiên Chúa chúng ta. Nếu chúng ta ở lại trong lời cầu nguyện của Đức Giêsu, thì, chúng ta thật là môn đệ của Người, chúng ta sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng chúng ta. Thiên Chúa là Cha chúng ta, vì thế, chúng ta phải yêu mến Đức Giêsu, vì Người phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, Người không tự mình mà đến, nhưng, Người đến để làm theo ý Đấng đã sai Người. Chính Người sẽ làm cho chúng ta biết ăn năn hối cải, và quyết tâm phụng sự Chúa Cha, ước gì Người hằng soi sáng tâm hồn chúng ta và nhậm lời chúng ta khẩn nguyện. Ước gì được như thế!


PowerPoint-t4-t5-MC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây