TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 31 TNb

Chủ nhật - 27/10/2024 21:11 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   366
“Ðó là giới răn thứ nhất, còn giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất”. (Mc 12, 28b-34)

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXI Thường Niên -B

CN31TNb 2

Mc 12, 28b-34
“Ðó là giới răn thứ nhất, còn giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
          
Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp:
          
“Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.
          
Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”.
          
Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
          
Ðó là lời Chúa.

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXI Thường Niên -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm

 

HẾT CẢ TRÍ KHÔN
(Chúa Nhật XXXI TN B) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Mến Chúa và yêu người là một điệp khúc quá quen thuộc với Kitô hữu. Từ em bé đã qua tuổi “xưng tội rước lễ lần đầu” đến các cụ già mà chưa lẫn trí thì đều nằm lòng câu kết trong kinh Mười điều răn Đức Chúa Trời: “Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy – Amen”. Là người con cái Chúa trong Giáo Hội Công giáo, có thể khẳng định rằng, hiếm có ai tự nhận mình không yêu mến Thiên Chúa. Dù minh nhiên hay mặc nhiên, chúng ta đều xác nhận rằng mình phải yêu mến Thiên Chúa. Tuy nhiên mức độ của lòng yêu mến ấy đến đâu cũng như cái cách thức yêu mến ấy có đúng hay không thì cần phải xem xét.
          
Trước câu hỏi của vị luật sĩ về giới răn trọng nhất, Chúa Giêsu đã lấy lại đoạn sách Đệ Nhị Luật đồng thời có thêm một chút để trả lời: “Nghe đây, hỡi Israel! Thiên Chúa, Chúa chúng ta là Thiên Chúa duy nhất! Người phải yêu mến Đức Chúa, Chúa các ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi…” (x.Mc 12,28-34; x.Đnl 6,2-6). Xin mạn bàn về yếu tố Chúa Giêsu thêm đó là “hết trí khôn”, cụm từ không có trong sách Đệ Nhị Luật.
          
Trí khôn là một trong hai cơ năng của linh hồn mà Thiên Chúa tặng ban cho loài người, loài cao trọng nhất trong các loài thụ tạo hữu hình. Đã là người thì ai cũng chân nhận rằng nhờ trí khôn mà con người trỗi vượt các loài vật bậc thấp. Chuyện tích về bác nông phu mưu trí đánh thắng con hổ là một ví dụ. Cũng là làm việc nhưng nhờ trí khôn, con người ý thức mình làm việc gì với động cơ và mục đích gì. Chính vì thế cung cách làm việc của con người mỗi ngày mỗi mới, phát triển và hoàn thiện không ngừng. Trong khi đó loài vật vì thiếu khả năng này nên cách hoạt động của chúng hầu như không đổi thay mà nếu có thì cũng rất nhỏ và qua một thời gian rất dài chịu điều kiện hóa bởi các yếu tố của giới tự nhiên mà thôi.
          
Khi thêm vào yếu tố “trí khôn” chắc hẳn Chúa Giêsu không chỉ đề cập đến một nét cao quý của con người mà còn lưu ý đến cung cách “giữ đạo”, “sống đức tin” của dân Chúa xưa và chúng ta mọi thời, mọi nơi. Chúa Giêsu đã từng nhiều lần hữu ý vi phạm luật sạch nhơ và luật ngày hưu lễ của Do Thái giáo thời bấy giờ. Người cố tình làm như vậy, vì người ta đã giữ luật cách máy móc, vụ hình thức mà quên mất mục đích và ý nghĩa của luật. Chẳng hạn luật sạch nhơ có ra là để dân Chúa biết giữ gìn tâm hồn trong sáng và làm thanh sạch cõi lòng khỏi các vết nhơ của tội lỗi, khỏi những tham lam và đam mê bất chính. Do đó cách thế giữ luật phải chú trọng đến tâm hồn hơn là quá tỉ mỉ, chi li với những nghi thức bên ngoài như rửa chén bát, rửa chân tay… Muốn tâm hồn được thanh sạch là phải loại khỏi tâm trí những ý định bất chính, xấu xa và Người đan cử một số điều như: “Tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7,21). Bên cạnh đó để làm cho tâm hồn mình trinh trong thì Người dạy phải sống đức ái qua việc liên đới chia sẻ với tha nhân: “Hãy đem những cái bên trong ra mà phân phát thì mọi sự sẽ nên thanh sạch cho các ngươi (Lc 11,41).
          
Với trí khôn thì khi thực hiện các hành vi đạo đức của tôn giáo, chúng ta phải biết rõ hành vi ấy là gì (What?) Vì sao phải thực hiện điều ấy là làm việc ấy để nhằm mục đích gì (Why?). Và rồi chúng ta sẽ biết làm việc ấy như thế nào (How?), ở đâu và trong hoàn cảnh nào (Where? When?). Khi một số biệt phái trách cứ rằng các môn đệ mình không ăn chay thì Chúa Giêsu nhân đó đã dạy họ phải sống đạo với cả trí khôn. Trước hết hãy ý thức ăn chay nghĩa là gì và vì sao ăn chay để rồi biết cách ăn chay đúng đẹp thánh ý Thiên Chúa. Ăn chay là một hình thức sám hối, thú nhận tội lỗi, nhất là tội nghiêm trọng.
          
Xưa vua quan dân thành Ninivê đã dùng sự ăn chay để bày tỏ sự ăn năn sám hối về tội lỗi tày trời họ đã phạm khiến Chúa đe phạt hủy diệt cả thành. Trong khi đó nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời Chúa Giêsu không chỉ lầm mà còn giảng dạy sai lạc. Họ lầm tưởng rằng ăn chay là một trong những cách thế thu tích công đức trước mặt thiên hạ và cả trước mặt Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã từng kể câu chuyện có người biệt phái vào đền thờ ngửa mặt kể lcông trạng ăn chay với cả Thiên Chúa. Để khẳng định điều này thì Người nói rõ: “Không lẽ thực khách hay các phù rể có thể ăn chay khi tân lang đang còn ở với họ. Khi nào tân lang bị đem đi thì bấy giờ họ mới ăn chay” (x.Lc 5,33-39). Khi đang còn ở với Thầy Giêsu thì cách nào đó các tông đồ đang còn ở trong ân sủng. Khi phạm trọng tội là lúc chúng ta xua đuổi Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn mình và lúc đó mới thực sự cần phải ăn chay.
          
Không dám hồ đồ nhưng có vẻ đến hôm nay còn không ít Kitô hữu từ giáo dân đến tu sĩ, giáo sĩ vẫn sống đạo một cách máy móc, nếu không muốn nói là thiếu ý thức đúng và đủ những gì mình thực hành. Vừa qua, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ra lệnh Kitô Hữu Công giáo ăn chay một ngày (22/10) và mời gọi đoàn tín hữu sống mùa dịch bệnh trong tinh thần chay tịnh. Nếu không được hướng dẫn thì đoàn tín hữu dễ lầm tưởng rằng vì nhân loại tội lỗi nên bị dịch bệnh, khiến cho một số người hiểu lầm như nhiều người Do Thái thời Chúa Giêsu. Và cũng có thể có nhiều người nghĩ rằng ăn chay hãm mình hy sinh như lễ vật dâng lên Thiên Chúa hầu mong Người đoái thương khử trừ dịch bệnh. Thế mà đã gần hai năm nay biết bao lễ vật hy sinh trên khắp thế giới cùng với lời cầu nguyện dâng lên mà như chưa thấu đến Đấng Toàn Năng. Tình cảnh này có thể làm cớ cho nhiều người hoài nghi và than thở như cố nhạc sĩ họ Trịnh là “Chúa đã bỏ loài người. Phật đã bỏ loài người…”.
          
Chuyện chay tịnh, hãm mình, hy sinh thì ai ai cũng mến phục. Tuy nhiên việc sống khắc khổ, kiêng khem trong tình cảnh mà người dân, nhất là người nghèo, người đang thiếu thốn lương thực cần phải có đủ sức đề kháng để chống dịch thì xem ra cần được giải thích và hướng dẫn cho thấu tình đạt lý dưới ánh sáng đức tin. Truyền thống là tốt. Thế nhưng nhiều khi nó cũng có thể kìm giữ chúng ta trong lối mòn của thứ rượu cũ. Rượu mới phải đổ vào bầu da mới, nhưng người ta lại thích rượu cũ và giữ mãi cái bầu cũ hơn. Đức Phanxicô đã từng cảnh giác về kiểu biện bạch để khỏi canh tân, đổi mới đó là: “xưa đã là như vậy rồi”. Với cả trí khôn thì việc sống đức tin đòi hỏi chúng ta phải trưởng thành mỗi ngày. Chắc hẳn có đó nhiều cơ chế, luật lệ và hình thức sống đạo trong Giáo hội cần đổi thay khi đoàn con cái Chúa biết sử dụng trí năng để sống đức tin cách ý thức trong tình liên đới và tinh thần trách nhiệm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây