TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN

Thứ bảy - 26/10/2024 07:49 |   276
“Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,25-33)

06/11/2024
THỨ TƯ TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN

t4 t31 TN

Lc 14,25-33

 

từ bỏ để được nhận lãnh
“Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”
(Lc 14,25-33)

Suy niệm: Chúa Giê-su đưa ra tiêu chuẩn để trở thành môn đệ của Ngài: đó là phải biết “từ bỏ”. Sự từ bỏ này không chỉ đơn thuần là buông bỏ những vật chất bên ngoài, mà còn bao gồm việc từ bỏ những ham muốn, thói quen xấu và mọi điều cản bước chúng ta tiến gần hơn đến Chúa. Tuy nhiên, lời mời gọi này không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi chúng ta phải hy sinh và quyết tâm mỗi ngày. Khi sẵn lòng từ bỏ tất cả những gì mình có, chúng ta mở lòng để đón nhận tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta tìm thấy sự tự do đích thực - tự do khỏi những ràng buộc của tội lỗi và những lo toan của cuộc sống.

Mời Bạn: Điều gì đang cản trở bạn trên hành trình trở thành người môn đệ đích thực của Chúa? Có thể là nỗi lo lắng về tương lai, sự bận rộn với công việc, lòng ham mê của cải vật chất hay những thói quen xấu đã ăn sâu vào cuộc sống hàng ngày. Hãy đặt mình trước mặt Chúa và tự hỏi: tôi phải từ bỏ điều gì để có thể theo Chúa một cách trọn vẹn hơn? Nhớ rằng, từ bỏ để trở thành môn đệ Chúa không phải là một sự mất mát, mà là một cơ hội để đón nhận những điều tốt đẹp gấp trăm từ Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Quyết tâm từ bỏ lòng tham lam hưởng thụ, thay vào đó, bạn sẵn sàng chia sẻ những gì bạn có để dành cho hoạt động bác ái.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, Chúa mời gọi con sẵn lòng từ bỏ mọi sự để thuộc trọn về Chúa. Xin ban cho con sự khôn ngoan sáng suốt để nhận ra những điều đang cản trở con đến gần Ngài, và xin ban cho con lòng can đảm mạnh mẽ để con sẵn sàng từ bỏ chúng. Amen.

Ngày 6 tháng 11: Lạy Chúa! Sự chết nhắc nhở chúng con về bản chất thật ngắn ngủi, mong manh của đời người trên dương thế. Đứng trước định mệnh khắc nghiệt này, chúng con dễ sầu đau, đôi khi thất vọng chán chường. Tuy nhiên, sự khôn ngoan đích thực thì vượt xa hơn thế: khi chúng con nhận biết thân phận mình nằm trong bàn tay Chúa. Điều đó giúp chúng con khám phá ý nghĩa sự sống đích thực qua sự chết. Khi nghĩ đến những người đã chết, chúng con cũng phải nghĩ tới cái chết của chính bản thân mình. Đó là chuyến đi cuối cùng, một chuyến đi quyết định và quan trọng hơn tất cả, chuyến đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng tôi, xin đừng bỏ rơi tôi, và xin đừng lìa xa tôi. Lạy Chúa là quền lực phần rỗi tôi, xin phù  giúp tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chỉ nhờ Chúa ban ơn, các tín hữu Chúa mới có thể thờ Chúa cho phải đạo, xin giúp đỡ chúng con thẳng tiến về cõi trời Chúa hứa và không bị vấp ngã trên đường. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 13, 8-10

“Yêu thương là chu toàn trọn cả luật”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn Lề luật. Ðó là: Chớ ngoại tình, chớ giết người, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ mê tham, và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình. Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 111, 1-2. 4-5. 9

Ðáp: Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong đất nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân.

Xướng: Trong u tối người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công chính. Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình.

Xướng: Người ban phát và bố thí cho những kẻ nghèo, lòng quảng đại của người muôn đời còn mãi, sừng người được ngẩng lên trong vinh quang.

Bài Ðọc I: (Năm II) Pl 2, 12-18

“Anh em hãy lo cho mình được ơn cứu độ; Thiên Chúa tạo nên trong anh em cả ý muốn lẫn việc làm”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, như anh em vẫn luôn luôn vâng lời, không phải trong lúc tôi có mặt mà thôi, nhưng hơn nữa, cả lúc này là lúc tôi vắng mặt, anh em cũng phải kinh hãi run sợ mà lo cho mình được ơn cứu độ. Vì chưng, Thiên Chúa là Ðấng tạo nên trong anh em cả ý muốn lẫn việc làm theo sở định của Người.

Anh em hãy thi hành mọi việc, đừng kêu ca và nghi ngại, để anh em biến thành những người không có gì đáng chê trách, và trở nên những người con vẹn toàn không ai bắt lỗi được của Thiên Chúa ở giữa một thế hệ hư hốt và gian tà. Giữa những kẻ ấy, anh em hãy chiếu sáng ra như những vì sao trong vũ trụ, hãy tích trữ lời hằng sống, để làm sáng danh tôi trong ngày của Ðức Kitô, vì tôi đã không bôn tẩu cách hư luống và đã không uổng công lao nhọc.

Và nếu tôi phải đổ máu làm lễ vật tiến dâng vì đức tin anh em, tôi sẽ vui mừng và hân hoan với tất cả anh em. Và cả anh em nữa, anh em cũng sẽ được vui mừng và hân hoan với tôi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 26, 1. 4. 13-14

Ðáp: Chúa là sự sáng và là Ðấng cứu độ tôi (c. 1a).

Xướng: Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? 

Xướng: Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Ngài. 

Xướng: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa! 

Alleluia: Cv 16, 14b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời của Con Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 14, 25-33

“Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta. Và có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không, kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế diễu người đó rằng: “Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi”.

“Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho bánh rượu chúng con dâng trở nên của lễ tinh tuyền trước nhan Chúa và đem lại cho chúng con nguồn ơn phúc dồi dào. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, xin chỉ cho tôi biết đường lối trường sinh, và xin cho tôi no đầy hoan hỉ trước thiên nhan.

Hoặc đọc:

Chúa phán: cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta chính người ấy cũng sống nhờ Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa được Mình và Máu Ðức Kitô bồi dưỡng, xin Chúa tăng cường hoạt động nơi chúng con, để chúng con được sẵn sàng lãnh nhận những ơn lành Chúa hứa cho những ai tham dự bí tích này. Chúng con cầu xin….

Suy niệm

ĐIỀU KIỆN ĐỂ THEO CHÚA (Lc 14,25-33)
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

1. Lúc này Đức Giê-su không còn ở nhà ông biệt phái nữa, nhưng trên đường đi Giê-ru-sa-lem, có dân chúng theo Người rất đông. Nhưng có lẽ họ cho rằng đây là một sự tiến lên để giành chiến thắng theo kiểu trần gian. Để xóa tan hiểu lầm này, Đức Giê-su nói với họ: Ai muốn làm môn đệ Ngài  thì phải yêu mến Ngài hơn tất cả những gì mình tha thiết nhất, chẳng hạn cha mẹ, vợ con, anh em và cả mạng sống mình nữa. Như vậy, để trở nên môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta cũng phải cùng đi con đường của Ngài và đường của Ngài là từ bỏ, là đón nhận Thập giá.

2. Trên đường đi Giê-ru-sa-lem, có rất đông người cùng đi, có người đi cho vui, có người có thiện cảm với Chúa muốn là môn đệ của Ngài, nên Đức Giê-su đã quay lại cho họ biết những điều kiện để làm môn đệ của Ngài: Ai theo Ta mà không dứt bỏ (ghét) cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ Ta. Và ai không vác thập giá mình mà đi theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta được” (Lc 14,26-27).  Như vậy, Đức Giê-su kêu gọi những ai muốn theo Ngài hãy suy nghĩ cẩn thận để quyết định: nếu yêu chính bản thân mình, hay yêu bất kỳ ai khác, hoặc tiền tài danh lợi hơn Chúa thì không xứng đáng làm môn đệ Ngài.

3. Thực ra, việc từ bỏ, vác thập giá, đau khổ và cả cái chết nữa không phải là những giá trị riêng rẽ từ nơi chúng, mà là những phương thế để đạt tới mục đích để giúp ta trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn. Đức Giê-su có quyền đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta và muốn mỗi người chúng ta đặt Ngài vào chỗ ưu tiên, đòi hỏi chúng ta yêu mến Ngài với hết mọi sự và với sức lực của mình trên cả tình thân gia đình. Và chỉ khi nào chúng ta dám từ bỏ mọi cản trở để yêu mến Ngài đến hết mọi sự để được đồng hóa với Ngài cách trọn vẹn, thì khi đó chúng ta mới biết đặt những sự vật và con người vào vị trí đúng, biết tôn trọng và yêu thương những sự vật và con người một cách đúng thật trong tình yêu thánh thiện của Chúa (R.Veritas).

4. Theo những điều kiện Đức Giê-su nói, chúng ta có thể hiểu theo nghĩa đen hoặc theo nghĩa bóng. Có nhiều người đã hiểu theo nghĩa đen nên đã bán hết gia tài bố thí cho người nghèo, có những vị đã bỏ hết danh vọng, chức quyền để theo Chúa. Có những vị khác đã bước qua con cái hay sẵn sàng chấp nhận cha mẹ từ bỏ mình để ra đi dâng mình cho Chúa; cũng có những vị tự cắt tóc, rạch mặt, để khỏi trở thành dịp tội cho kẻ khác. Đó là những cử chỉ anh hùng, nhưng không phải là luật chung cho mọi người. Nhưng những người đi tu, chúng ta thấy cũng hiểu được theo nghĩa đen lời Chúa trên đây: bỏ cha mẹ, gia đình, anh chị em để nhận cộng đoàn mình sống làm gia đình, và nhận những người cùng chí hướng làm anh chị em, hoàn toàn sống theo tinh thần từ bỏ bằng ba lời khấn: vâng lời, khó nghèo và trong sạch (Theo Phạm Văn Phượng).

5. Trong xu thế của thời đại hưởng thụ và tích lũy này, nói đến “từ bỏ hết những gì mình có” xem ra là một thứ “cung đàn lạc điệu”. Tuy nhiên, đối với những người con cái Chúa”, đó là hai điều kiện tất yếu và tiên quyết, vì không từ bỏ cũng đồng nghĩa là không thể trở nên môn đệ của Chúa Ki-tô được. Ơn gọi làm “con cái Chúa” là chấp nhận sự điên rồ của Thập giá, cớ vấp phạm cho người đời. Có “từ bỏ hết những gì mình có”, là biết “nói không” với thế gian, ma quỷ và xác thịt mới có thể là “sen” mọc “giữa bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, là đèn để “gần mực” mà chẳng “đen” nhưng chiếu sáng cho cả nhà. Vì thế, đòi hỏi trước tiên đối với người môn đệ của thời đại hôm nay là từ bỏ lối sống hưởng thụ tích lũy, điều mà người thời đại hôm nay đang theo đuổi (5 phút Lời Chúa).

6. Sống trọn những cam kết của bí tích Thánh Tẩy, sống trọn danh Ki-tô hữu, điều đó đôi khi đòi hỏi nhiều hy sinh. Thế nhưng chỉ thái độ dứt khoát chọn lựa và quyết tâm theo đuổi đến cùng mới thực sự làm chúng ta xứng danh Ki-tô. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại lối sống đạo xem chúng ta có đặt Chúa và giá trị Tin Mừng vào địa vị ưu tiên trong cuộc sống hay chưa.

7. Truyện: Giới Tử Thôi và công tử Trùng Nhĩ.

Trong “Đông châu liệt quốc” có ông Giới Tử Thôi, người nước Tấn, đời Xuân Thu, là một bầy tôi trung thành của công tử Trùng Nhĩ. Khi ấy, vua nước Tấn là Tấn Huệ Công sợ công tử Trùng Nhĩ cướp ngôi nên sai người đi ám sát. Được mật báo, Trùng Nhĩ cùng với một số bầy tôi đi lánh nạn. Trên đường chạy trốn từ nước Địch sang nước Tề phải đi qua nước Vệ, đoàn lánh nạn bị vua nước Vệ chận lại toan bắt nên chạy càng trối chết. Chẳng may lạc đường lại hết lương thực, công tử Trùng Nhĩ không ăn được rau cỏ dại nên sinh kiệt sức sắp chết. Thấy vậy, Giới Tử Thôi liền cắt thịt ở đùi mình nấu canh cho Trùng Nhĩ ăn mới lại sức đi đến nước Tề an toàn. Đến lúc Trùng Nhĩ khôi phục lại được nghiệp lớn là làm vua nước Tấn thì Giới Tử Thôi lặng lẽ về quê ở ẩn không màng lãnh công. Cả khi vua Tấn nhớ ơn người bầy tôi trung thành, muốn đền đáp công lao thì Giới Tử Thôi cõng mẹ vào rừng sống ẩn dật, nhất quyết không nhận (Võ Ngọc Thành, Nhân vật Đông châu, 1968, tr 324).


ĐẦU TƯ CHO SỰ THÁNH THIỆN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ai trong anh em không từ bỏ hét những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được!”.

Tháng 10/2021, công chúa Mako, Nhật Bản, từ bỏ hoàng gia và 1,3 triệu Mỹ kim hồi môn để xe duyên với Komuro, một luật sư, con của một người mẹ đơn thân. Theo luật hoàng gia, kết hôn với một thường dân, các thành viên nữ phải từ bỏ tước vị và không có một nghi lễ cưới hỏi truyền thống. Mako chia sẻ, “Chúng tôi nghĩ, mình đã tìm được người bạn đời quý giá. Tôi muốn một cuộc sống yên ả trong môi trường mới của tôi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu Mako đã hy sinh tất cả, đầu tư cho tiếng gọi của con tim, người môn đệ Kitô cũng phải bỏ vốn để ‘đầu tư cho sự thánh thiện’ của mình. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiết lộ, ‘vốn’ đó không chỉ là “hết những gì mình có”, mà cả “cha mẹ”; thậm chí “mạng sống!”.

Minh họa kế hoạch của một người xây tháp, Ngài nói đến các kế hoạch. Sẽ là gì? Hy sinh nhiều! Nhưng như cảm giác vui mừng khi cắt băng khánh thành toà tháp, mọi nỗ lực ‘đầu tư cho sự thánh thiện’ của bạn sẽ mang lại một sự hỷ hoan đến tận đời đời!

Chúa Giêsu còn đưa ra một ví dụ khác, một vị vua sắp đi giao chiến. Đâu là mục tiêu tiên kiến của một kế hoạch chiến đấu? Rất đơn giản: “Không gì thay được chiến thắng!”. Thế nhưng, chiến tranh luôn nghiệt ngã và nếu khả năng bị đánh bại là một điều có thể thấy trước; tốt hơn, nên tìm chiến thuật khác. Cũng thế, với sự thánh thiện, bạn sẽ dễ dàng thắng một số “trận”; đang khi có những “trận” phải tránh hoàn toàn. Vì thế, đừng ngu khờ đánh giá cao năng lực bản thân; điều này xảy ra, đặc biệt, khi chúng ta biết mình không thể không phạm tội, và nghĩ rằng, bản thân đủ mạnh để vượt qua. Ảo tưởng! Vì một đôi khi, chiến lược đối đầu tốt nhất không phải là chiến đấu, mà là chạy trốn!

Vậy đâu là nguồn vốn? Với Chúa Giêsu, ‘nguồn vốn’ Ngài đề nghị xem ra ‘khá cực đoan’ và cũng ‘khá cường điệu’ khi mỗi người phải từ bỏ “hết những gì mình có” “kể cả cha mẹ”, thậm chí “mạng sống!”. Những điều này dẫu quan trọng đến đâu cũng không thể chiếm vị trí hàng đầu trong trái tim người môn đệ, nơi ‘một Ai đó’ đã chiếm hữu! Chính Ngài đã để Chúa Cha chiếm trọn trái tim, con người, tâm trí khi triệt để chu toàn ý Cha, kể cả cái chết. Vì thế, Ngài đã trở nên khuôn mẫu cho chúng ta noi theo. Vậy mà tuyệt vời thay! Đi theo Chúa Giêsu trên con đường Ngài đi lại thực sự dẫn đến một tình yêu lớn hơn, phong nhiêu hơn và vĩnh cửu hơn khi Thiên Chúa sẽ trả lại cho chúng ta “gấp trăm ở đời này” và “sự sống miên viễn ở đời sau!”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Đầu tư cho sự thánh thiện’ quả không rẻ, cũng không dễ! Và không ai có thể làm điều này nếu không có sự trợ giúp của ân sủng. Chúng ta yếu đuối và luôn yếu đuối, nhưng tin rằng, ân sủng Chúa không bao giờ thiếu để mỗi người có thể đi vào những lối hẹp Tin Mừng. Hãy để Thiên Chúa chiếm trọn con người mình và cứ thực hành yêu thương, vâng phục. Trong thư Rôma hôm nay, Phaolô viết, “Yêu thương là chu toàn lề luật”; đồng thời, chúng ta rộng lượng với tha nhân như Thánh Vịnh đáp ca nhắc nhủ, “Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn!”. Được như thế, bạn đã đầu tư tốt!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con tháo cởi những ‘sợi tơ vàng’ còn vương víu; nhờ đó, con có thể chấp cánh bay cao trên ‘bầu trời nên thánh!’”, Amen.

LÀM MÔN ĐỆ PHẢI TỪ BỎ TẤT CẢ
(THỨ TƯ TUẦN 31 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Tư Tuần 31 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chỉ nhờ Chúa ban ơn, các tín hữu Chúa mới có thể thờ Chúa cho phải đạo, xin Chúa giúp chúng ta thẳng tiến về cõi trời Chúa hứa, mà không bị vấp ngã trên đường.

Thẳng tiến về cõi trời, mà không bị vấp ngã trên đường, nếu ta biết đặt niềm tin tưởng cậy trông vào Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Macabê quyển I cho thấy: Nhân danh Giao Ước, ông Giuđa Macabê cầm đầu cuộc chiến chống lại những người bỏ đạo cùng những ai hỗ trợ các người bỏ đạo này tức là binh sĩ Xyria. Dù phương tiện yếu kém, ông đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Kẻ thù tiến đánh chúng ta thật là tàn bạo, nhưng anh em đừng nản chí sờn lòng. Bởi vì người ta thắng, không phải nhờ số quân đông đảo, nhưng là nhờ Chúa Trời ban sức mạnh cho. Còn chúng ta, chúng ta giao chiến để bảo toàn sinh mạng và lề luật của chúng ta; chính Chúa Trời sẽ nghiền nát chúng trước mặt chúng ta.

Thẳng tiến về cõi trời, mà không bị vấp ngã trên đường, nếu ta tin vào Đức Giêsu Kitô, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Syrilô nói: Sức mạnh đức tin vượt thắng sức mạnh loài người. Chỉ trong khoảnh khắc, đức tin có thể thực hiện được những việc lớn lao cả thể. Nhờ đức tin soi sáng, linh hồn có được một hình ảnh về Thiên Chúa và chiêm ngắm Người theo khả năng của mình... Chúng ta biết rằng con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, và chúng ta tin vào Đức Kitô Giêsu, để được nên công chính, nhờ tin vào Đức Kitô. Thiên Chúa đã định cho Đức Kitô Giêsu phải đổ máu mình ra làm hy lễ đem lại ơn tha tội.

Thẳng tiến về cõi trời, mà không bị vấp ngã trên đường, nếu ta biết cộng tác với Chúa, bằng cách tin tưởng, và phó thác nơi Người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Anh em hãy gắng sức lo sao cho mình được cứu độ. Vì chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 26, vịnh gia đã kêu xin: Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? Chúa là thành luỹ bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa? Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống. Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào! Hãy cậy trông vào Chúa.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Nếu anh em bị sỉ nhục vì danh Đức Kitô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí của Thiên Chúa ngự trên anh em. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ai không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được. Phải từ bỏ hết những gì mình có, kể cả: danh dự, ý riêng của mình, để hoàn toàn tin tưởng, phó thác nơi Chúa, đón nhận tất cả mọi sự từ Chúa. Nếu chúng ta tin Đức Giêsu Kitô là Chúa, tin Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết trỗi dậy, thì chúng ta sẽ được cứu, và Đấng đã đưa kẻ gian phi vào thiên đàng, cũng sẽ đưa chúng ta vào hưởng hạnh  phúc muôn đời. Tin vào Đức Kitô, thì Thần Khí sẽ ngự trên chúng ta. Đức tin do Thần Khí ban cho chúng ta không chỉ liên quan đến các điều phải tin, mà còn, giúp chúng ta thực hiện được những gì vượt quá sức loài người chúng ta, cho dẫu, đức tin của chúng ta chỉ nhỏ bằng hạt cải như lời Đức Giêsu đã nói; Hạt cải bé nhỏ, nhưng rồi, nó sẽ trổ cành lá sum sê, và chim trời có thể tìm đến náu ẩn. Chỉ nhờ Chúa ban ơn, chúng ta mới có thể thờ Chúa cho phải đạo, ước gì chúng ta biết chấp nhận đánh đổi tất cả để có được Đức Kitô, là Đấng sẽ giúp chúng ta thẳng tiến về cõi trời, mà không bị vấp ngã trên đường. Ước gì được như thế!

NGƯỜI ĐI THEO
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi!”.

“Đối với các Kitô hữu, việc vác thập giá không phải là ‘một lựa chọn’ mà là ‘một sứ mệnh’ được ôm ấp vì tình yêu. Trong thế giới ngày nay, Chúa Kitô không ngừng đưa ra lời mời rõ ràng của Ngài, ‘Bất kỳ ai muốn trở thành môn đệ tôi - người đi theo tôi - phải từ bỏ sự ích kỷ của mình và vác thập giá với tôi!’” - Bênêđictô XVI.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trên đường lên Giêrusalem, “Thành phố hoà bình”; tại đó, Ngài sẽ hiến dâng mạng sống để cứu độ thế giới. “Có rất đông người cùng đi”; trong đó có các môn đệ, những ‘người đi theo’ Ngài.

Môn đệ có nghĩa là “người đi theo”. Là ‘người đi theo’, môn đệ trở nên giống Thầy, suy nghĩ giống Thầy, sống giống Thầy, đồng hiện hữu với Thầy và đồng hành với Thầy trên cùng một con đường. Trên con đường đó, Chúa Giêsu đã dạy họ bằng những sự kiện, những lời nói và chắc hẳn, họ đã thấy tâm tình và thái độ của Ngài trước Đấng Tuyệt Đối và trước những gì tương đối. Họ ngưỡng mộ mối quan hệ giữa Ngài với Chúa Cha, họ thấy sự trân trọng và sự tự tin của Ngài thể hiện khi cầu nguyện với Cha trên trời và họ đã ngưỡng mộ sự nghèo khó triệt để của Ngài.

Hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói với bạn và tôi những lời đó - những điều kiện - cách rõ ràng. Ngài phải được yêu mến hết lòng, vượt qua mọi loại ràng buộc, ngay cả những ràng buộc gần gũi nhất: “Cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa!”; vì “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi!”. Trong cuộc sống của ‘người đi theo’ Chúa Giêsu, Ngài phải luôn là ưu tiên số một. “Hãy trả lời cha mẹ mình rằng, ‘Con yêu cha mẹ trong Chúa Kitô, chứ không phải yêu cha mẹ thay vì yêu Chúa Kitô!’” - Augustinô. Theo Chúa Kitô, ngay cả tình yêu đối với mạng sống cũng phải đứng sau. Cuối cùng, theo Chúa Kitô đòi hỏi phải chấp nhận thập giá. Không có thập giá, không có môn đệ!

‘Người đi theo’ Chúa Kitô không như những người hâm mộ bóng đá theo dõi cầu thủ yêu thích của họ hoặc những ‘fan cuồng’ theo dõi một ngôi sao nhạc pop từ thành phố này sang thành phố khác. ‘Người đi theo’ Chúa Kitô luôn có một cái giá phải trả, giá đó là thập giá, một mức độ hy sinh và đau khổ - có thể là cả cuộc đời - mà mỗi người phải chuẩn bị để chịu đựng vì lợi ích Phúc Âm và lợi ích của việc xây dựng Vương Quốc.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi!”. ‘Người đi theo’ Chúa Kitô là người hoàn toàn tự do! Phanxicô Assisi đã rời bỏ gia đình, cởi bỏ áo xống sang trọng, đắt tiền; thay vào đó là những mảnh giẻ của người ăn xin. Từ ngày đó, Phanxicô tràn ngập một cảm giác vui sướng và giải thoát vô cùng. Tôi có muốn trở thành môn đệ Chúa Kitô không? Ở mức độ nào? Tôi có sẵn sàng trả giá mà Ngài yêu cầu? Có bao nhiêu người trong chúng ta đã sẵn sàng cho điều đó? Tôi đã sẵn sàng chưa? Tôi đang bám víu vào điều gì? Tôi không thể buông bỏ điều gì? Tại sao như vậy?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạy con luôn biết hỏi Mẹ Têrêxa và Phanxicô về một nghịch lý rằng, một khi con trả giá, con sẽ nhận lại được gấp trăm!”, Amen.

 

AUDIO
Suy niệm Lời Chúa thứ Tư tuần 31 Thường niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây