TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật - Lễ Chúa Hiển Linh

“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN

Thứ bảy - 26/10/2024 08:02 |   272
“Con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.” (Lc 16,1-8)

08/11/2024
THỨ SÁU TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN

t6 t31 TN

Lc 16,1-8


sống như con cái sự sáng
“Con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.” (Lc 16,1-8)

Suy niệm: Chúng ta thường cảm thấy khó hiểu vì dường như Chúa Giê-su đưa người “quản lý bất lương” ra làm gương mẫu trong khi có bằng chứng rõ ràng ông ta đã thâm lạm của cải của chủ mình. Ngài đã từng gọi những người giống như “nhà phú hộ kia” “đồ ngốc” khi coi tiền của như cùng đích để chỉ hưởng thụ của cải chóng qua đời này mà không lo “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”; bởi vì không phải “mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (x. Lc 12,16-21). Thực ra Chúa đã có chủ ý khi gọi người quản lý đó là “bất lương”. Ngài có khen chăng là khen ông ta “khôn khéo” biết lo xa cho tương lai của mình. Qua đó Ngài dạy các môn đệ là “con cái sự sáng” phải biết khôn ngoan trong việc sử dụng tiền của đời này. Sự khôn ngoan của “con cái sự sáng” hệ tại ở chỗ biết phân định để sử dụng tiền của như phương tiện để đạt tới Thiên Chúa là cứu cánh cuộc đời, và từ bỏ chúng mỗi khi chúng làm phương hại mối liên hệ với Thiên Chúa và cản trở con đường đến với Ngài.

Mời Bạn: Con người ngày nay thường dựa vào tiền bạc để tạo chỗ đứng cho mình trong xã hội. Còn bạn, bạn đã làm gì để ‘tạo chỗ đứng’ cho mình trong Nước Trời? Bạn có biết cho đi, biết san sẻ những gì mình có cho người túng thiếu? Bạn đã làm gì để hướng tới giá trị của cuộc sống vĩnh hằng?

Sống Lời Chúa: Tiết giảm những chi tiêu không thiết yếu để sẵn sàng chia sẻ với người túng nghèo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con sự khôn ngoan của con cái sự sáng để con dám từ bỏ những gì là chóng qua và chỉ chọn Chúa là gia nghiệp đời con.

Ngày 8 tháng 11: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho những người đã qua đời, xin cho chúng con cũng biết xin cho chính mình được ơn chết lành, muốn “chết lành”, thì trước hết, chúng con phải lo “sống thánh” bằng cách thực hành các mối phúc mà Chúa đã truyền dạy: “Phúc cho ai hiền lành”. Hiền lành là cách diễn tả sự nghèo khó bên trong, của những ai đặt hết tin tưởng vào chỉ một mình Chúa mà thôi. Hiền lành luôn là điều tốt, vì những khát vọng sâu xa nhất của chúng con sẽ được lấp đầy: chúng con “sẽ được đất làm cơ nghiệp”. Trong cuộc sống hằng ngày, nếu có người nào đó làm phiền chúng con, thì xin cho chúng con biết sửa lỗi họ, với một tinh thần hiền lành, ngay cả khi: bảo vệ đức tin và những niềm xác tín của mình, xin cho chúng con cũng phải biết thể hiện, bằng một thái độ hiền lành và khiêm nhường. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng tôi, xin đừng bỏ rơi tôi, và xin đừng lìa xa tôi. Lạy Chúa là quền lực phần rỗi tôi, xin phù  giúp tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chỉ nhờ Chúa ban ơn, các tín hữu Chúa mới có thể thờ Chúa cho phải đạo, xin giúp đỡ chúng con thẳng tiến về cõi trời Chúa hứa và không bị vấp ngã trên đường. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 15, 14-21

“Tôi là người giúp việc của Ðức Giêsu Kitô nơi các người Dân ngoại để của lễ Dân ngoại được Chúa chấp nhận”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, phần tôi, tôi tin chắc rằng anh em có đầy thiện cảm, và đầy mọi sự hiểu biết, cho nên anh em có thể khuyên bảo lẫn nhau. Nhưng tôi đã viết thư này cho anh em có phần khá bạo dạn, có ý nhắc nhủ anh em nhớ lại: nhờ ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi trở nên người giúp việc của Ðức Giêsu Kitô nơi các Dân ngoại, gánh lấy thiên chức rao giảng Tin Mừng, ngõ hầu của lễ Dân ngoại được chấp nhận và được thánh hoá trong Thánh Thần.

Bởi vậy trong Ðức Giêsu Kitô, tôi có thể tự hào trước mặt Thiên Chúa. Vì chưng tôi không dám nói điều gì ngoài việc Ðức Kitô dùng tôi làm cho dân ngoại vâng phục, bằng ngôn ngữ cũng như bằng hành động, nhờ những phép lạ, những việc phi thường và quyền lực của Thánh Thần. Bởi thế, từ Giêrusalem và miền chung quanh cho đến Illyricô, tôi đã rao giảng đầy đủ Tin Mừng của Ðức Kitô.

Như thế, tôi đã rao giảng Tin Mừng này, không phải ở những nơi đã kêu cầu danh Ðức Kitô, để tránh khỏi xây dựng trên nền móng kẻ khác đã đặt, nhưng tôi hành động như lời đã chép: “Những ai chưa hề nghe loan báo về Người, thì sẽ xem thấy Người; và những ai chưa hề nghe nói về Người, thì sẽ hiểu biết Người”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân

Xướng: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel.

Xướng: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca.

Bài Ðọc I: (Năm II) Pl 3, 17 – 4, 1

“Chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, anh em hãy bắt chước tôi, và hãy để mắt nhìn coi những người ăn ở theo như mẫu mực anh em thấy nơi chúng tôi. Bởi chưng như tôi đã thường nói với anh em, và bây giờ đây tôi đau lòng ứa lệ mà nói lại, có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Ðức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này. Phần chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật suy phục Người.

Bởi thế, anh em thân mến và quý yêu, anh em là niềm hoan lạc và triều thiên của tôi. Anh em thân mến, hãy vững vàng trong Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5

Ðáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”(c. 1).

Xướng: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. 

Xướng: Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. 

Xướng: Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavit. 

Alleluia: Pl 2, 15-16

Alleluia, alleluia! – Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 16, 1-8

“Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một người phú hộ kia có một người quản lý; và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: “Tôi nghe nói anh sao đó. Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không thể làm quản lý nữa”. Người quản lý thầm nghĩ rằng: “Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào để khi mất chức quản lý thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ”.

“Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: “Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?” Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu”. Anh bảo người ấy rằng: “Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại năm mươi”. Rồi anh hỏi người khác rằng: “Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?” Người ấy đáp: “Một trăm giạ lúa miến”. Anh bảo người ấy rằng: “Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi”.

“Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho bánh rượu chúng con dâng trở nên của lễ tinh tuyền trước nhan Chúa và đem lại cho chúng con nguồn ơn phúc dồi dào. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, xin chỉ cho tôi biết đường lối trường sinh, và xin cho tôi no đầy hoan hỉ trước thiên nhan.

Hoặc đọc:

Chúa phán: cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta chính người ấy cũng sống nhờ Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa được Mình và Máu Ðức Kitô bồi dưỡng, xin Chúa tăng cường hoạt động nơi chúng con, để chúng con được sẵn sàng lãnh nhận những ơn lành Chúa hứa cho những ai tham dự bí tích này. Chúng con cầu xin….

Suy niệm

PHẢI LO TÌM HẠNH PHÚC ĐỜI SAU (Lc 16, 1-8)
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

1. Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại dụ ngôn người quản lý bất lương để trình bày bài học phải biết khôn ngoan sử dụng tiền của đời này để mưu ích cho phần rỗi đời đời. Thật thế, con người ngày nay rất khôn khéo khi tính toán để tìm hạnh phúc đời này. Nhưng sự khôn ngoan đích thực thì ít có ai tìm được, hay cố gắng đi tìm. Cũng như người quản lý trong Tin Mừng hôm nay, ông đã dùng sự khôn khéo gian manh để tìm hạnh phúc cho đời sống của ông. Qua đó, Đức Giê-su muốn dạy chúng ta phải biết dùng sự khôn ngoan của mình để sử dụng gia tài Chúa ban: sức khỏe, thời gian, tiền của… mà tìm lấy cho mình hạnh phúc vĩnh cửu.

2. Đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nên lưu ý: Đức Giê-su không khen việc lỗi đức công bằng này, vì việc làm này là gian lận của chủ, đây là cái lỗi. Tuy nhiên, Chúa khen anh vì biết tận dụng tất cả những khả năng và điều kiện, địa vị sẵn có, để có lợi cho về sau của mình. Anh khôn khéo vì biết tận dụng những ngày cuối cùng còn lại trong nhiệm vụ, để lấy lòng người khác, để tạo một ảnh hưởng và chỗ dựa sau này, biết tận dụng thời gian và những điều kiện có sẵn để lo cho số phận tương lai của mình. Dụ ngôn chỉ dừng lại với ý nghĩa là, tất cả những gì chúng ta có là do Chúa ban và là của Chúa, điều quan trọng là chúng ta biết dùng những ân huệ Chúa ban để giúp đỡ tha nhân, và chính điều này sinh lợi cho chúng ta khi chúng ta không còn được quản lý thân xác và những ân huệ đó nữa.

3. Mặc dầu người quản lý trong dụ ngôn này không tốt lắm, nhưng Đức Giê-su đã rất khéo lấy hình ảnh người quản lý đang nắm trong tay, chúng ta chỉ là người quản lý thôi, còn chính Chúa mới là chủ. Đã là quản lý thì phải sử dụng của cải của chủ theo đúng ý chủ chứ không phải theo ý riêng mình. Rất nhiều người tưởng lầm mình là chủ của những tiền bạc trong túi mình nên họ đã sử dụng chúng không theo ý của Chúa. Hãy biết noi gương người quản lý này về việc sử dụng tiền của một cách khôn khéo, bằng cách cho đi của cải hiện tại để đổi lấy sự bảo đảm cho tương lai.

4. Mọi sự trần thế không theo chúng ta về đời sau! Chính vì thế, Đức Giê-su dạy chúng ta một điều vô cùng khôn ngoan, là hãy “dùng tiền bạc và những giá trị trần thế để mua lấy bạn hữu để sau này họ sẽ đưa chúng ta về nơi an nghỉ đời đời”.

Kho Tàng Nước Trời của mỗi người chúng ta tùy thuộc việc chúng ta sử dụng kho tàng trần thế của mỗi người chúng ta như thế nào. Khi chúng ta tiêu xài cho riêng mình thì Kho Tàng Nước Trời của chúng ta trống rỗng! Trái lại, khi chúng ta cho đi, cho những người bất hạnh, tàn tật, khổ đau là Kho Tàng Nước Trời của chúng ta tăng gấp bội! Tất cả mọi người đều là những người thủ quỹ của Thiên Chúa! Mọi khả năng, sức khỏe, thời giờ, địa vị… tất cả đều của Chúa trao ban, chúng ta hãy trở thành người quản lý tốt, để đời sống chúng ta đem lại vinh quang.

5. Qua câu chuyện trên đây, Đức Giê-su muốn nói với chúng ta rằng nếu người đời có sự khôn ngoan và mánh khóe, thì các môn đệ cũng phải có sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan ấy trước hết phải được thể hiện qua chính mục đích họ theo đuổi trong cuộc sống. Đâu là mục đích và lẽ sống của người Ki-tô hữu? Nếu mục đích của cuộc sống chỉ là tiền của, quyền bính, danh vọng, lạc thú và những gì sẽ qua đi, thì điều đó có đáng cho con người đầu tư cả cuộc đời không?

Với người môn đệ Chúa Ki-tô, sự khôn ngoan ấy cũng được tỏ lộ qua thái độ của họ đối với của cải trần thế. Họ là những người khôn ngoan thực sự, khi họ luôn ý thức rằng của cải trần thế này không phải là cứu cánh, mà chỉ là phương tiện để đạt tới cùng đích. Sống như thế nào để của cải trần thế không trở thành một chủ nhân sai khiến và biến mình thành nô lệ. Sống như thế nào để xuyên qua mọi thực tại chóng qua của đời này biết tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu, sống như thế mới thực sự là sống khôn ngoan (Mỗi ngày một tin vui).

6. Truyện: Ông Mạnh Thường Quân.

Mạnh Thường Quân nhà giàu, cho vay mượn nhiều. Một hôm sai Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nợ. Khi đi, Phùng Nguyên hỏi:

– Ngài có định mua gì về không?

– Xem thứ gì nhà ta chưa có thì mua.

Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên cho gọi dân đến bảo rằng: “Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả”, rồi chẳng tính gì gốc lãi, đem đống văn tự ra đốt sạch.

Khi trở về, Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân rằng:

– Nhà ngài không thiếu thứ gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm phép mua ở đất Tiết cho ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý ngài.

Về sau, Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết. Dân ở đây nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Nguyên:

– Đó hẳn là cái ân nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước.

‘TA NGHE NÓI CON SAO ĐÓ!’
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi!”.

Nhà thơ Edward Hale hùng hồn xác định nghĩa vụ của một công dân Hoa Kỳ, “Tôi chỉ là một người, nhưng tôi là tôi. Tôi không thể làm mọi thứ, nhưng có thể làm một điều gì đó. Những gì tôi có thể làm, là những gì tôi phải làm! Những gì tôi phải làm, nhờ ơn Chúa, tôi sẽ làm! Và tôi ước không bao giờ phải nghe Ngài phàn nàn, ‘Ta nghe nói con sao đó!’”. 

Kính thưa Anh Chị em,

‘Ta nghe nói con sao đó!’. Đây là một nhận xét, một nghi vấn của ông Chủ trong dụ ngôn hôm nay. Thực tế, Thiên Chúa không cần “nghe” bất cứ điều gì về một ai, Ngài biết tỏng! Tuy nhiên, khi xem lại hồ sơ cuộc sống của bạn và tôi, rất có thể Ngài sẽ nói như thế!

Liệu điều này có khơi lên một nỗi lo lắng về một tà vạy nội tâm hay về một uẩn khuất nào đó trong bạn? Chúng ta phải tính sổ đầy đủ trước Ngài, từng phần một; và sẽ không có một thủ thuật lươn khươn nào ở đây. Liệu chúng ta có bị buộc tội là những kẻ phung phí khi sử dụng những gì Ngài ban? Sai mục đích, không khéo léo, lãng phí, hoặc xa hoa! Những ân sủng thiêng liêng như đức tin, Giáo Hội, các Bí tích, Lời Chúa, gương các thánh hay kho tàng phong phú của truyền thống? Những phương tiện đã được đặt trong tay chúng ta như thời gian, tiền bạc, tài năng… liệu bạn và tôi có phải là những kẻ ‘hoài của?’.

Như người quản gia, bạn và tôi được Chúa chất vấn; nhưng hoàn toàn khác với sự khôn lanh của anh, khi anh dám ‘đánh cược’ một lần cuối vào lòng tốt của chủ, phòng khi anh mất chức. Chúng ta cứ giải trình cho Chúa. Hãy khiêm tốn nhìn nhận và thống hối về những sai phạm của mình và hứa với Ngài sẽ “bắt đầu và lại bắt đầu” nếu đã sa sẩy. Hãy cầu xin ơn tha thứ và cầu xin lòng thương xót của Ngài để khởi sự lại, lánh xa tinh thần thế gian và các giá trị thế tục. Được như thế, bạn và tôi sẽ không việc gì mà sợ hãi.

Qua thư Rôma hôm nay, Phaolô sung sướng nhìn lại những gì đã làm, “Trong Đức Kitô Giêsu, tôi có quyền hãnh diện về công việc phục vụ Thiên Chúa”; nhờ đó, dân ngoại được ơn lãnh nhận đức tin đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca tiên báo, “Chúa đã mặc khải ơn Người cứu độ trước mặt chư dân!”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Ta nghe nói con sao đó!’. Hy vọng không ai trong chúng ta sẽ quá sợ hãi trước những lời này. Lời Chúa cảnh báo chúng ta về một tinh thần thế tục vốn có thể len vào đời sống mỗi người bất cứ lúc nào, đấng bậc nào. Tinh thần đó bộc lộ bởi thái độ phung phí, lừa dối, nô lệ vốn sẽ kiến tạo một nhân cách nghèo nàn nhất, một bản ngã ích kỷ nhất. Bởi lẽ con đường này sẽ dẫn chúng ta đến những con đường băng hoại khác cả khi đó là một con đường dễ đi nhất. Tin Mừng đòi hỏi chúng ta đi con đường hẹp, bằng cách sống một lối sống liêm khiết nhưng vui tươi, hồn nhiên nhưng đầy sức sống! Đây quả là một lối sống lắm thách thức, được đánh dấu bằng sự trung thực, công bằng và tôn trọng phẩm giá người khác; nhưng đây chính là sự sắc sảo của người Kitô hữu và là sự tinh khôn của người môn đệ!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con không thể làm mọi thứ, nhưng có thể làm một điều gì đó. Và nhờ ân sủng Chúa, con sẽ làm thật tốt những gì con phải làm, dù phải mang tiếng ‘cầu toàn!’”, Amen.

ĐỐI XỬ KHÔN KHÉO VỚI ĐỒNG LOẠI
(THỨ SÁU TUẦN 31 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Sáu Tuần 31 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chỉ nhờ Chúa ban ơn, các tín hữu Chúa mới có thể thờ Chúa cho phải đạo, xin Chúa giúp chúng ta thẳng tiến về cõi trời Chúa hứa, mà không bị vấp ngã trên đường.

Thẳng tiến về cõi trời, mà không bị vấp ngã trên đường, khi biết quan tâm đến phần rỗi của những người đã khuất, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Macabê quyển II nói về việc cầu nguyện cho người quá cố: Sau một trận đánh, người ta khám phá ra rằng: một số người Dothái tử trận đã vi phạm Lề Luật. Một hy lễ đã được tiến dâng để những người đó đừng vì lỗi phạm mà không được hưởng phần thưởng dành cho tín hữu trung thành. Chính niềm hy vọng phục sinh (vào thời bấy giờ là một cái gì rất mới) đã giúp các vị tử đạo được trung kiên và làm cho người chiến sĩ nên can trường. Đây là lần đầu tiên Sách Thánh đề cập đến việc cầu nguyện cho người đã chết. Cần thiết phải có một sự thanh luyện cuối cùng. Ai giữ được tinh thần đạo đức khi nhắm mắt lìa đời sẽ được một phần thưởng vô cùng quý giá. Cầu nguyện cho kẻ chết được thứ tha tội lỗi quả là việc thánh thiện và tốt lành.

Thẳng tiến về cõi trời, mà không bị vấp ngã trên đường, với niềm tin tưởng vào lòng Chúa xót thương, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Ghêgôriô Nadien nói: Cầu nguyện cho người quá cố là một ý tưởng lành thánh… Lạy Đức Kitô là Chúa và Thiên Chúa chúng con, xin đón nhận những anh chị em chúng con đã qua đời, vì Chúa đã đổ máu đào cứu chuộc họ. Chúa là Đấng từ bi nhân hậu và giàu lòng xót thương. Xin nhớ lại rằng chúng con chỉ là thân cát bụi, và phàm nhân chẳng khác chi cỏ nội hoa đồng.

Thẳng tiến về cõi trời, mà không bị vấp ngã trên đường, với niềm hy vọng tràn trề sẽ được nên giống Chúa, sẽ được ở trong nhà Chúa suốt đời, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Chúng ta mong đợi Đấng cứu độ chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 121, vịnh gia đã cho thấy: Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: “Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa!” Và giờ đây, Giêrusalem hỡi, cửa nội thành, ta đã dừng chân. Giêrusalem khác nào đô thị được xây nên một khối vẹn toàn. Từng chi tộc, chi tộc của Chúa, trẩy hội lên đền ở nơi đây.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Ai giữ lời Đức Kitô dạy, thì nơi kẻ ấy, tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại. Ai tin và giữ lời Đức Kitô, thì tình yêu sẽ nên hoàn hảo nơi người đó, bởi vì, họ tin vào sự sống đời sau, và họ sẽ tìm cách làm cho bản thân mình và người khác được hưởng hạnh phúc Chúa hứa ban. Vì sợ chết đói, người quản lý bất lương, đã có cách đối xử khôn khéo với đồng loại. Vì sợ chết đời đời, chúng ta cũng phải đối xử khôn khéo tương tự như vậy. Ông Giuđa đã quyên tiền để cầu nguyện cho những người tử trận. Thánh Ghêgôriô Nadien đã kêu gọi cầu nguyện cho những người đã qua đời. Hội Thánh Công Giáo cũng dành cả tháng 11 để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Khi thấy những người chỉ ham thích chuyện thế gian mà sống thù nghịch với thập giá của Đức Kitô, thánh Phaolô đã phải bật khóc, bởi vì, thấy họ sẽ bị hư vong. Ước ao cho mình và cho người khác được hưởng ơn cứu độ của Chúa là một ước muốn lành thánh, nhờ ơn Chúa, chúng ta phải tìm đủ mọi phương tiện khôn khéo để đạt tới Nước Trời. Chỉ nhờ Chúa ban ơn, chúng ta mới có thể thờ Chúa cho phải đạo, nhờ ơn Chúa giúp, ước gì chúng ta thẳng tiến về cõi trời Chúa hứa, mà không bị vấp ngã trên đường. Ước gì được như thế!

CƠ DUYÊN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Tôi nghe nói anh sao đó?”.

Một Kitô hữu đi qua ‘đường hầm tăm tối’ thường có xu hướng tập trung vào những thất bại của mình. Tuy nhiên, Chúa có thể sử dụng thời gian tăm tối này để mở rộng lòng biết ơn, sám hối, đối với ân sủng toàn vẹn của Ngài. Với Chúa, sa mạc sẽ nở hoa, linh hồn nguội lạnh có thể nên thánh. Thời khắc này có thể trở thành ‘cơ duyên!’.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tôi nghe nói anh sao đó?” cũng là điều Chúa muốn nói với bạn và tôi khi chúng ta đặt mình vào vị trí người quản lý của dụ ngôn Tin Mừng. Vậy nếu nghiêm túc coi những lời này là lời của Chúa đang nói với mình, thì đây có thể cũng là ‘cơ duyên’ cho chúng ta. Thật thú vị, ‘cơ duyên’, “grace” - tiếng Anh - còn có nghĩa là “ân sủng!”.

“Tôi nghe nói anh sao đó?”. Trên thực tế, Thiên Chúa không cần “nghe” bất cứ điều gì về bất cứ ai vì Ngài biết hết mọi sự, “Biết cả khi con đứng, con ngồi; tư tưởng con Chúa thấu suốt từ xa!”. Tuy nhiên, Ngài vẫn có thể hỏi chúng ta những lời đó khi Ngài xem lại ‘hồ sơ cuộc sống’ của mỗi người. Ngài nhắc cho chúng ta rằng, bạn và tôi phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi tự do của mình. Hãy nhìn vào Ngài - một người Cha - người đã hỏi, “Ta nghe nói con sao đó?”. Những lời này rồi cũng sẽ tiết lộ một vết thương nào đó trong tâm hồn chúng ta, một điều gì đó đã làm mất đi vẻ đẹp của hình ảnh mỗi người chúng ta với tư cách là con trai, con gái rất yêu dấu của Ngài!

Vâng, chúng ta sẽ cung cấp cho Ngài đầy đủ ‘hồ sơ cuộc sống’. Và nếu phải lập một danh sách tất cả những gì đã lãnh nhận, nó sẽ gồm những gì? Theo những cách nào, chúng ta biết mình đã tận dụng tối đa những gì Chúa ban? Bí tích Hoà Giải cho chúng ta cơ hội để đưa ra bản tường trình - từng phần một - như một chuẩn bị cho cuộc kiểm tra lần cuối. Thật là một dịp may, một ‘cơ duyên!’. Bạn có tận dụng nó? Chúa nhân lành có gọi bạn là kẻ phung phí? Dĩ nhiên, phung phí là sử dụng sai mục đích, sử dụng không khéo, lãng phí hoặc xa hoa.

Còn các ân sủng khác thì sao? Đức tin, Hội Thánh Công Giáo, các Bí tích, Lời Chúa, gương các thánh, kho tàng phong phú của truyền thống, những phương tiện đã được đặt trong tay; thời gian và những tài năng đã lãnh nhận? Chúng ta có là những kẻ phung phí? Làm thế nào tôi có thể đáp ứng tốt hơn với những ân huệ Chúa ban? Làm cách nào bạn và tôi có thể “đầu tư” tốt hơn cho Nước Trời? Hoặc nói như Phaolô, chúng ta có “sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô” không? - bài đọc một.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tôi nghe nói anh sao đó?”. Chớ gì Lời Chúa hôm nay là một ‘cơ duyên’ đánh thức bạn và tôi về những ân huệ của Chúa; nhờ đó, chúng ta biết sử dụng ơn Chúa cho vinh quang Ngài và cho lợi ích các linh hồn hơn! Ước gì, nhờ việc xét mình, điều chỉnh ‘hồ sơ cuộc sống’ - trong sự tha thứ của Đấng xót thương - bạn và tôi trở nên người quản lý tốt, hầu ngày kia, có thể đến với Chúa, tinh tuyền thánh khiết để tận hưởng ‘tiệc bất tận’, tiệc thiên đàng chính Ngài khoản đãi. Niềm vui phúc kiến đó được Thánh Vịnh đáp ca diễn tả một cách sâu sắc, “Tôi vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì thắc mắc của Chúa về ‘hồ sơ cuộc sống’ của con là một ‘cơ duyên’ giúp con biết hoán cải, hầu linh hồn nguội lạnh của con có thể nở hoa, nên thánh!”, Amen.

 

AUDIO
Suy niệm Lời Chúa thứ Sáu tuần 31 Thường niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây