TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -C

“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đừng là những kẻ đạo đức giả

Thứ sáu - 30/08/2024 03:57 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   357
Đức Giê-su nói: “Các ông gạt bỏ điều răn của Chúa, mà duy trì truyền thống người phàm”.

Chúa Nhật XXII – TN – B
Đừng là những kẻ đạo đức giả

tbd 300824a

 

Sau bốn mươi ngày chay tịnh trong hoang địa và chịu cám dỗ, “Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời.” (Mt 4, 23).

Cùng với việc rao giảng Tin Mừng, Ngài còn “chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân” Do vậy, “danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xy-ri.” Thánh sử Mát-thêu cho biết chi tiết, rằng: “Từ miền Ga-li-lê, vùng Thập Tỉnh, thành Giê-ru-sa-lem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-dan, dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Người.” (Mt 4, 25).

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng chỉ có dân chúng đi theo, còn đó là những người Pha-ri-sêu và các kinh sư nữa.

Lý do gì những ông “kẹ” này đi theo! Thưa, đi theo là “để soi xét, để bới lông tìm vết” ngõ hầu tìm ra những sai phạm của Đức Giêsu, cũng như các môn đệ của Ngài, liên quan đến luật sa-bát cũng như luật truyền thống của tiền nhân.

Đúng là vậy, “Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. Và kìa trước mặt Đức Giê-su, có một người mắc bệnh phù thũng. Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pha-ri-sêu: ‘Có được phép chữa bệnh ngày sa-bát hay không?’ Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về.”

Vâng, hôm ấy họ đã làm thinh. Và họ không thể đáp lại những lời Đức Giê-su đã phản biện với họ. (x.Lc 14, 1-6).

Thế nhưng, không phải lúc nào họ cũng làm thinh. Đã có lần họ tranh luận rất quyết liệt với Đức Giê-su. Đó là hôm họ thấy… “thấy vài môn đệ của Đức Giêsu dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa”. Thế là một cuộc tranh luận nảy lửa giữa họ và Đức Giê-su nổ ra. Cuộc tranh luận này được ghi lại chi tiết trong Tin Mừng thánh Mác-cô.

**
Theo Tin Mừng thánh Mác-cô, chúng ta được biết: Hôm ấy, “Có những người Pharisêu và kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến.”

Từ Giê-ru-sa-lem đến… đến để làm gì? Thưa, thánh sử Mác-cô không cho biết. Chỉ biết rằng: Vì, họ tụ-họp-quanh-Đức-Giêsu, nên đã “thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa.” (Mc 7, 2).

Tay-chưa-rửa thì sao! Thưa, đối với người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do Thái, họ đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân. Truyền thống của tiền nhân là: “không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn”. Chưa hết, “họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng.”

Đấy! Truyền thống và tập tục của tiền nhân là thế đấy! Thế nên, vì đã thấy các môn đệ “phạm luật” nên họ lập tức chất vấn Đức Giê-su: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa” (Mc 7, 5).

Rất… rất bình thản, Đức Giê-su trả lời mấy ông Pha-ri-sêu và kinh sư rằng: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.” (x.Mc 7, 6-7).

Những người Pha-ri-siêu và kinh sư lầm to. Đức Giê-su đã được bậc thầy của họ là ông Ni-cô-đê-mô biết đến như là “một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến”, thì cớ gì lại không biết “truyền thống của tiền nhân”?

Nói tới việc theo-truyền-thống-của-tiền-nhân, thì đây, “Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua… như-người-ta-thường-làm trong ngày lễ”, không là một điển hình sao?

Còn rửa tay cẩn thận trước khi ăn ư! Thưa, đó chỉ là “tập tục”, tập tục này chỉ dành cho các thầy Tư Tế với mục đích là tẩy rửa các ô uế về lãnh vực tôn giáo, để các Tư Tế xứng đáng thờ phượng Chúa. “Luật Môsê chỉ đòi các tư tế phải tẩy rửa tay chân khi vào Lều Hội Ngộ và trước khi đến bàn thờ để hành lễ, nếu không sẽ phải chết.” (Xh 30, 20-21; 40, 30-31).

Trở lại với quý ông Pha-ri-sêu và các kinh sư. Hôm ấy, thấy rõ quý ông Pha-ri-sêu và kinh sư cứ chăm chăm vào luật tiền nhân, Đức Giê-su nói: “Các ông gạt bỏ điều răn của Chúa, mà duy trì truyền thống người phàm”. Rồi, Ngài còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông”.

Vâng, sự thật về quý ông Pha-ri-sêu và kinh sư, đúng là vậy. Theo truyền thống, Hội Đường Do Thái có tổng cộng 613 điều luật được chia làm hai: 365 điều cấm làm và 246 điều phải làm. Và, đối với người Pharisêu và các kinh sư, họ cho rằng “sự thánh thiện” nằm ở chỗ chu toàn hết mọi điều luật này.

Quý ông Pharisiêu và các kinh sư, có lẽ quên lời “tiền nhân” của họ là ông Môsê. Ông Mô-sê đã có lời truyền dạy, rằng: “anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, mà tôi truyền cho anh em” (Đnl 4, 2).

Đừng thêm và đừng bớt. Nhưng, hãy nhìn vào cõi lòng người ta! Rất rõ ràng khi Đức Giê-su nói: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.”

Chấm hết cho cuộc tranh luận, Ngài nói: “Ai có tai thì nghe!”

Vâng, chắc chắn là người Pha-ri-sêu và các kinh sư đã nghe. Riêng các môn đệ còn được Đức Giê-su thêm lời giải thích, vì các ông đã “hỏi Người về dụ ngôn đó”. Hôm ấy, Ngài giải thích rằng: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (x.Mc 7, 21-23).

*** 
Xưa, Đức Giê-su đã nói với người Pha-ri-sêu và các kinh sư, cùng đám đông dân chúng, cũng như các môn đệ: “Ai có tai thì nghe!” Nay, Ngài cũng sẽ nói với chúng ta như thế.

Chúng ta có nghe! Vâng, có phần chắc, chúng ta đã nghe, và còn sẽ được nghe nhiều lần, nghe suốt cuộc đời Ki-tô hữu của mình.

Nghe xong, có thấy sợ không? Nếu sợ, hãy để tâm hồn mình chìm vào trong thinh lặng và hãy tự hỏi rằng: Tôi đã thờ phượng Chúa như thế nào? Tâm hồn tôi có đầy dẫy những ý định xấu xa (nêu trên) không?

Vâng, câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, chúng ta cũng cần biết rằng, Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Hô-sê, có lời truyền dạy rằng: “Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu” (x.Hs 6, 6).

Thế nên, đối với chúng ta hôm nay, là một tín hữu Công Giáo, sống đức tin, không chỉ là: tham dự thánh lễ, tham dự bàn tiệc Thánh Thể, đọc kinh cầu nguyện, lãnh nhận Bí Tích hòa giải v.v… nhưng còn phải làm thế nào để làm cho: “Đời ta là thánh lễ nối dài”. Làm thế nào để: “Đem tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi”, và cuối cùng là “ta sống sao để thành chứng nhân”.

Cũng là nói về thánh lễ, Lm. Charles E.Miller, trong tác phẩm “Sunday Preaching”, có lời chia sẻ rằng: “Theo giáo huấn của Đức Thánh Cha Pi-ô XII, cái chủ yếu của việc phụng tự là tấm lòng; có nghĩa những gì ta làm ngoài mặt là nhằm cũng cố các tâm tình thành khẩn bên trong như đức tin, đức cậy và đức mến. Đôi lúc thước đo chính xác nhất cho lòng đạo đức của chúng ta không phải là những gì trong thánh lễ, mà là cách xử sự ngoài đời.” 

Rất ngại ngùng, nhưng chúng ta cũng nên nghe thêm lời dặn dò của Lm. Charles, rằng: “Hình thức bên ngoài quan trọng, song tự nó chẳng làm cho ta nên thánh thiện hơn, cũng như một khẩu hiệu đề cao lòng yêu nước dán trên kính xe không làm cho người lái trở thành một công dân gương mẫu.”

Như vậy, việc làm cho: “Đời ta là thánh lễ nối dài. Đem tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi”, và cuối cùng là “ta sống sao để thành chứng nhân” là điều phải trở thành hiện thực trong cuộc sống Ki-tô hữu của chúng ta.

Muốn, muốn trở thành hiện thực, khó lắm chăng! Đúng là rất khó. Rất khó nhưng chúng ta cũng phải thực hiện. Để thực hiện, thánh Gia-cô-bê tông đồ lời dạy bảo rằng: “Hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. Hãy đem ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.” (Gc 1, 21b-22).

Chưa hết, thánh Gia-cô-bê còn có lời khuyên rằng: “Anh em nên biết rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa” (x.Gc 1, 19-20).

Khi chúng ta đón nhận lời Chúa và đem ra thực hành, thực hành và thực hành không ngơi nghỉ, hãy tin, tâm hồn chúng ta sẽ không còn “vấn vương những ý định xấu xa”. Và kết quả, thánh Gia-cô-bê khẳng định: chúng ta “sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm.”

Vâng, đừng chần chờ gì nữa, hãy thực hành ngay hôm nay. Và điều chúng ta cần thực hành, đó là: đừng “trông mặt mà bắt hình dong”. Nhưng, trước nhất và quan trọng nhất, đó là: Chúng ta hãy thờ phượng Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực.” của chúng ta. Đừng tôn kính Chúa bằng môi bằng miệng. Bởi vì tôn kính như thế, Chúa Giê-su nói rồi, chúng ta chỉ là những kẻ đạo đức giả.

Vâng... Đừng là những kẻ đạo đức giả.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây