TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy đi… loan báo Tin Mừng

Thứ ba - 11/05/2021 00:55 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   907
Hãy đi… loan báo Tin Mừng

Hãy đi… loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo

Tín hữu Công Giáo tin rằng Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng và toàn năng. Người đã dựng nên vũ trụ, muôn loài muôn vật và tuyệt đỉnh nhất đó là con người. Tín hữu Công Giáo còn đặt trọn niềm tin vào Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa từ thuở đời đời.

Tín hữu Công Giáo còn tin rằng, Đức Giêsu “…Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết…”
……
“Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha”. Vâng, đây là niềm tin tông truyền, các tông đồ chính là chứng nhân.

Đúng vậy! Sau sự kiện phục sinh của Đức Giêsu gây chấn động cả Giêrusalem, có thể nói rằng, các môn đệ đã dần dần phục hồi lại niềm tin vào Thầy của mình. Những chán chường, những thất vọng của các ông như bị đầy lùi và thay vào đó là một niềm tin tưởng. Các ông tin rằng rồi đây Thầy Giêsu sẽ “khôi phục vương quốc Israel” trong nay mai.

Thế nhưng, đó không phải là sứ vụ của Ngài. Bốn mươi ngày qua, kể từ khi sống lại từ cõi chết, Đức Giêsu không ngừng hiện ra với các môn đệ. Và mỗi khi hiện ra với các ông, ngoài những việc làm như ăn và uống để chứng minh rằng Ngài không phài là ma, nhưng đã thật sự sống lại, Đức Giêsu còn chú trọng đến những lời dạy dỗ các môn đệ. Một trong những điều dạy dỗ quan trọng, đó là Đức Giêsu đã “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”.

Hôm nay, một lần nữa. Đức Giêsu ở cùng mười một người môn đệ và tất cả mười một người đều được Đức Giêsu hứa ban “sức mạnh của Thánh Thần”. Hôm nay, cũng là mười một người môn đệ và không có ai bị lên án là kẻ phản bội, nhưng tất cả đều được tin tưởng và được Đức Giêsu sai đi… sai đi trong vai trò “chứng nhân của Thầy”.

Bốn mươi ngày, sau sự kiện sống lại của Đức Giêsu, đã được kết thúc bằng một hiện tượng vô tiền khoáng hậu, Đức Giêsu – Người “được cất lên ngay trước mặt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (Cv 1, 9). 

Một chút tâm tình

Đức Giêsu – Người “được cất lên ngay trước mặt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (Cv 1, 9).

Vâng, mỗi thánh lễ Chúa Nhật, chúng ta đều tái xác tín điều này qua phần đọc kinh tin kính.

Nhưng đối với những người không tin có Thiên Chúa, họ cho rằng niềm tin vào Đức Giêsu lên trời chỉ là một niềm tin mơ hồ, vớ vẩn của những kẻ ấu trĩ, ngu dốt, mê muội…

Có một câu chuyện, người viết xin phép kể hầu quý vị. Vâng, năm 12 tuổi, người viết lần đầu tiên được đi máy bay. Đó là chiếc phi cơ C47 của không lực VNCH. Loại phi cơ này có hai hàng ghế song song đối diện nhau và sau lưng hai hàng ghế có cửa sổ bằng kiếng rất dày, từ đó hành khách có thể nhìn ngắm khung cảnh bên ngoài không trung.

Khi phi cơ lên một độ cao chỉ còn thấy mây, tôi… (vâng, xin phép được dùng chữ tôi)… tôi chồm dậy và nhìn ra ngoài không trung. Nhìn không trung không phải để ngắm vẻ đẹp của từng gợn mây, không phải để mơ màng phổ vài câu thơ tả cảnh mây trời, nhưng là để tìm xem “có Chúa trên trời không”! Tôi căng đôi mắt tìm… không thấy Chúa đâu cả. Hay là Chúa đi ngủ mất rồi. Vâng, với trí óc non nớt của một cậu bé 12, nghĩ như vậy có gì là sai quấy?!!!

Thế rồi tôi chợt nghĩ, hay là tìm xem có thánh Phêrô không? Chiếc C47 tăng độ cao, tôi cảm thấy lạnh… lạnh gáy… Có một bàn tay đặt nhẹ vào gáy tôi…

Ơ! Có phải thánh Phêrô bước vào chiếc C47 như xưa kia Chúa Giêsu bước vào căn nhà đóng kín nơi các môn đệ đang tụ họp!?

Tôi rùng mình quay đầu lại. Ồ! thì ra bàn tay của người co-pilot. Vâng, chú phi công phụ yêu cầu tôi ngồi xuống ghế và vòng sợi dây an toàn cột lại quanh bụng tôi.  

Là một Kitô hữu trưởng thành, nếu cùng suy nghĩ như cậu bé 12 nêu trên thì quả đúng là ấu trĩ, là ngu dốt, là mê muội, phải không thưa quý vị!

Năm 1968 đúng vào ngày lễ Giáng Sinh 24.12, chiếc phi thuyền Apolo 8 đã được phóng lên quỹ đạo mặt trăng mang theo trưởng phi hành đoàn Frank Borman, hai phi công phụ là Jim Lowell và William Andress.
Họ đã được “lên trời”. Họ không cần tìm kiếm xem “Có Chúa ở trên trời không?”. Nhưng trước kỳ công của tạo hóa, từ trên quỹ đạo mặt trăng, họ đã gửi về trái đất những lời Kinh Thánh đầy xúc động: “Ban đầu, Đức Chúa Trời sáng tạo trời đất”.

Vâng, phải chăng ba vị phi hành gia đó đã được “Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho Thần Khí khôn ngoan để mạc khải cho (họ) nhận biết Người” (Ep 1, 17)?

Tông đồ Phaolô nhận định việc Đức Giêsu “được rước lên trời” chính là “sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực mà Thiên Chúa đã biểu dương nơi Đức Kitô, khi làm cho Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời” (Ep 1, 20).

Trong Kinh Thánh, từ ngữ “trên trời” có nghĩa là chỉ nơi Thiên Chúa hiện diện. “Lên trời” là đi vào sự hiệp thông tuyệt hảo và vĩnh cửu với Chúa Cha và được chia sẻ với Chúa Cha quyền năng và vinh quang.
Vâng, đây là mầu nhiệm đức tin và không gì tốt hơn là chúng ta hãy nguyện xin Chúa “soi lòng mở trí” để chúng ta có thể vượt qua mọi thách thức và cám dỗ của thói đời mà cất tiếng tuyên xưng rằng “Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha”.

Một phút suy tư
  
“Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha”. Vâng, nếu được phép, chúng ta có thể ví sự kiện Đức Giêsu về trời như là chiếc bản lề mở ra một trang sử mới cho lịch sử cứu độ.

Trang sử mới này được bắt đầu bằng hai chữ “Hãy đi…”.
Theo lời tường thuật của Thánh sử Maccô, Đức Giêsu trước khi “được đưa lên trời và ngự bên hữu Đức Chúa Cha” Ngài đã có lệnh truyền đến với các môn đệ rằng “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16, 15).

Hơn hai mươi thế kỷ đã trôi qua, phải chăng lệnh truyền này không còn hiệu lực? Là một Kitô hữu, nếu nghĩ như thế chẳng khác nào là một quân nhân đào ngũ ở trận tiền.

“Hãy đi…” đây là một lệnh truyền không dành riêng cho ai. Không nhất thiết phải là một “Linh Mục được phong chức” mới có thể rao giảng phúc âm.

Tông huấn Giáo hội tại Châu Á ở số 45, Đức Gioan Phaolo II đã viết:

“Như Công đồng Va-ti-can II đã chỉ rõ, ơn gọi của người giáo dân đặt họ ngay vào trong thế giới để thi hành những phận vụ đa dạng nhất, chính tại đây họ được mời gọi truyền bá Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô (x. Hiến chế “Ánh sáng muôn dân”, 31).

Do ơn sủng và do tiếng gọi của Bí Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, mọi giáo dân đều là nhà truyền giáo; và địa bàn truyền giáo của họ là cả một thế giới rộng lớn và phức tạp như: chính trị, kinh tế, công nghiệp, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và thể thao.
…..
Tôi xin gửi lời cám ơn của toàn thể Giáo hội đến họ, và tôi khuyên tất cả các giáo dân hãy nhận lấy vai trò riêng của mình trong đời sống và sứ mạng của Dân Chúa, là làm chứng cho Đức Ki-tô ở bất cứ nơi nào mình có mặt”. (nguồn: Tông Đồ Giáo Dân Thực Hành).

“…Làm chứng cho Đức Ki-tô ở bất cứ nơi nào mình có mặt”. Vâng, trước nhất và quan trọng nhất, đó chính là trong gia đình chúng ta. 

Ai trong chúng ta lại không biết rằng, gia đình là rường cột xã hội, là nền tảng cộng đồng, là chiếc nôi sự sống và là nhà giáo dục đầu tiên…

Vâng, xin mượn lời Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để khép lại phần suy tư hôm nay: “Hỡi các gia đình, hãy trở nên chính mình, hãy trở nên chứng tá về tình yêu của Thiên Chúa”.

Một khi chúng ta làm tốt vai trò chứng tá về tình yêu của Thiên Chúa, vâng, đó chính là lúc chúng ta “đem Tin Mừng đến cho mọi loài thụ tạo”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây