TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Mầu Nhiệm Tình Yêu

Thứ ba - 11/05/2021 02:45 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   901
Mầu Nhiệm Tình Yêu

Ba Ngôi Thiên Chúa chính là Mầu Nhiệm Tình Yêu

Trung tâm điểm của đức tin Công Giáo là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Giáo lý Công Giáo dạy rằng: Chỉ có một Thiên Chúa nhưng có Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần. 

“Ba Ngôi Thiên Chúa”. Vâng, một danh từ thần học, tuy không được chép trong Thánh Kinh nhưng lại là “danh từ” rõ nghĩa nhất để diễn tả về Thiên Chúa trong Kinh Thánh.

Nhiều nhà thần học đã cố gắng diễn tả cho mọi người nhận biết mầu nhiệm “Một Chúa Ba Ngôi” theo nhiều cách thế khác nhau. Có người đã so sánh Ba Ngôi Thiên Chúa giống như H2O, tuy ở ba dạng thể: thể lỏng (nước lỏng), thể rắn (nước đá), và thể khí (hơi nước) nhưng tất cả đều được gọi là H2O. Có người đã so sánh về một quả trứng. Nó có vỏ bọc, có lòng đỏ và có lòng trắng, nhưng cũng chỉ là quả trứng. Và họ cũng không quên hình ảnh về mặt trời nơi phát ra ánh sáng và sức nóng nhưng cũng chỉ được gọi là mặt trời.

Tuy nhiên, tất cả những so sánh đó cũng chỉ là những diễn tả môt cách khập khiễng về “Ba Ngôi Thiên Chúa”. Trong thế giới hạn hẹp con người đang sống, thật khó để mà diễn tả về một Thiên Chúa Ba Ngôi.

Thế nhưng, về Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, ngoài chương thứ nhất sách Sáng Thế Ký có hé lộ cho con người nhận biết về điều này khi Thiên Chúa tự xưng là “chúng ta” lúc sáng tạo con người, Người đã phán rằng: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.” (St 1, 26).

Thì, với Đức Giêsu, qua những dấu chỉ cùng những lời giảng dạy của Ngài, con người đã có thể chiêm ngưỡng dung nhan về một Thiên Chúa “một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau”, nhưng có Ba Ngôi vị với những nét riêng biệt: Chúa Cha là Đấng sáng tạo, Chúa Con là Đấng cứu chuộc và Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa.

Dấu chỉ rõ nét nhất về Ba Ngôi Thiên Chúa đã được mạc khải ngay hôm Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giodan. Câu chuyện đã được chép lại rằng: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3, 16-17).

Nếu dấu chỉ này, chỉ một mình Gioan Tẩy Giả thấy, như lời ông đã làm chứng rằng “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực” thì vẫn còn đó những lởi giảng dạy của Đức Giêsu về một Thiên Chúa Ba Ngôi. 

Trong một lần nói chuyện về Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô về một “Đấng” mà nếu không bởi Ngài thì sẽ không thể vào Nước Thiên Chúa và ông ta đã ngớ người ra khi nghe Đức Giêsu nói về Đấng đó rằng: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần”. Vâng. Đấng đó chính là “Chúa Thánh Thần”.

Trong bữa tiệc ly “Chúa Thánh Thần” chính là “Đấng” đã được Đức Giêsu hứa với các môn đệ rằng “Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em”. (Ga 16, …7).

Thế còn Đức Chúa Con ư? Vâng, Đức Chúa Con: “đã trở nên người phàm và cư ngụ” giữa con người, đó chính là Đức Giêsu Kitô. Ba năm rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu luôn khẳng định rằng: “Ta và Cha là một” và “Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9).

Trước lúc ra đi chịu chết, những lời từ biệt của Đức Giêsu lại như là những lời mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài đã nói với các môn đệ rằng: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi lại ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy, và Thầy đến cùng Chúa Cha” (Ga 16, …17).

Cuối cùng là, sau khi Phục Sinh, trên một ngọn núi ở Galilê, nơi Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ đến. Một lần nữa, lời tuyên phán của Đức Giêsu đến với các môn đệ, có khác gì như một lời mạc khải về Ba Ngôi Thiên Chúa.

Vâng, Đức Giêsu đã tuyên phán rằng “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. (Mt 28, 18-19).

Một chút tâm tình

Giảng dạy về Ba Ngôi Thiên Chúa, Đức Giêsu đã không dùng những ngôn ngữ “giới hạn” mà con người đã dùng. Vâng, Đức Giêsu đã dùng một thứ ngôn ngữ tuyệt diệu để diễn tả về Thiên Chúa Ba Ngôi, đó chính là ngôn-ngữ-tình-yêu… một thứ ngôn ngữ không giới hạn.

Thật vậy, trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Cha “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Và rằng: Chúa Con “đến thế gian, không phải để lên án thế gian…”, nhưng đến thế gian là để cứu thế gian bằng chính cái chết của Ngài như lời Ngài đã nói “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”.

Với Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu đã nói: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn”. (Ga 16, 13).

Và quả là đúng như thế. Tông Đồ Phao lô, sau cú ngã ngựa khi đang trên đường đến gần Damas, Ngài đã được ơn nhìn thấy “sự thật toàn vẹn” về Ba Ngôi Thiên Chúa. Thánh nhân đã không quên chia sẻ với cộng đoàn Roma trong một lá thư gửi cho cộng đoàn.

Thư được viết rằng: “Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa... Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử…”

“Nên nghĩa tử”!  Vâng, đúng là “ngôn ngữ tình yêu” một tình yêu thương “…được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người”. (Rm 8, 14-17) .

Với những gì Đức Giêsu đã giảng dạy và những gì tông đồ Phaolô đã cảm nghiệm… Vâng, nếu hôm nay, có ai hỏi về Ba Ngôi Thiên Chúa, nên chăng, chúng ta sẽ nói đó chính là Mầu Nhiệm Tình Yêu”, bởi nếu không gọi đó là Mầu Nhiệm Tình Yêu làm sao chúng ta dám gọi Ba Ngôi Thiên Chúa là “Áp-ba! Cha ơi!”.

Một phút suy tư

Hôm nay, toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ Thiên Chúa Ba Ngôi.

Nếu… nếu chúng ta được mời đến một cộng đoàn, một nhóm nhỏ hoặc chỉ một người, để nói về Ba Ngôi Thiên Chúa… Vâng, chúng ta sẽ nói gì?

Phải chăng chúng ta sẽ ‘bổn cũ soạn lại” mượn những vật thể như quả trứng, nước hoặc mặt trời v.v… để diễn tả về một Ba Ngôi Thiên Chúa và kết thúc bằng câu chuyện thánh Augustino đi lang thang trên bờ biển rồi than thở rằng, Thiên Chúa là Đấng vô hình… rằng thì là mà Thiên Chúa cao xa làm sao nói hết về Người?

Ôi! Thiên Chúa là Đấng vô hạn sao ta lại dùng những vật thể hữu hạn để mà so sánh về Người! Và Thiên Chúa nào có cao xa… Người đã mặc lấy xác phàm và đang cư ngụ giữa chúng ta kia mà!

Vâng, không gì tốt hơn là hãy học theo Thầy Giêsu dùng ngôn ngữ tình yêu để mà diển tả về một Thiên Chúa Ba Ngôi.

Thật vậy, khi chúng ta dùng thứ ngôn ngữ của tình yêu, nói lên lòng bao dung, chậm giận và hay tha thứ… Vâng, hãy nhìn xem, phải chăng hình ảnh về một Đức Chúa Cha đang phảng phất trước đôi mắt mọi người!

Và làm sao mọi người lại không thể không nhìn thấy hình ảnh Đức Chúa Con nếu chúng ta nói với họ về một con người có một tình yêu thương “dám liều mạng sống vì người mình yêu”!

Cuối cùng, khi chúng ta nói lên chân lý, sự thật và dám chết cho chân lý và sự thật đó… Kìa Đức Chúa Thánh Thần không chỉ ở trong ta mà Ngài đang tỏa chiếu trên khắp mọi người.

Vâng, nói và thực thi những điều nêu trên, không phải để chúng ta tự cao tự đại… Càng không phải để sáng danh chúng ta.

Thực thi những điều nêu trên, trước là để thi hành lệnh truyền của Đức Giêsu: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” và sau là để “Sáng Danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây