TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Mua và bán "Giá cha"

Thứ hai - 04/03/2024 04:55 | Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR |   432
Tạ ơn Chúa, trên nền kinh tế xám xịt và lòng người vun vén thì lại có những điểm sáng, điểm son giữa đời ấy như 44 Tú Xương như Nhà Thờ Mạc Ty Nho, Nhà Thờ Vườn Xoài và nhiều nơi khác nữa.
Mua và bán "Giá cha"
MUA VÀ BÁN “GIÁ CHA”
 
Ở đời! Có những cái lạ lắm! Chỉ ai ở trong hoàn cảnh mới hiểu. Cả trong đời tu cũng vậy, có những chuyện khi bày ra làm, khi đụng chuyện mới biết. Và rồi, đời, có những niềm vui từ cuộc đời tận hiến.

Cái địa chỉ 44 Tú Xương quận 3 từ lâu là điểm hẹn của nhiều anh chị em tín hữu. Điểm hẹn này xem chừng ra nhẹ nhàng, trầm lắng với ngôi Nguyện Đường bé bé thật dễ thương. Chả hiểu sao theo kiểu nói bình dân mà người ta hay nói là Ông Trời dun dủi còn nhà đạo thì nói là ý Chúa thế nào đó cái điểm hẹn 44 Tú Xương nay là điểm hẹn của nhiều người không phân biệt lương giáo.

Cứ đến hẹn lại lên, người nghèo lại quy tụ về 44 Tú Xương để chung chia chút gì đó tấm lòng của Tu Viện Đaminh Tú Xương. Lòng bảo lòng, những ân nhân ẩn mặt và những anh chị em tình nguyện viên về đây để gọi là gói ghém chút gì đó cho người nghèo.

Từ những ngày đầu tiên chương trình phát cơm cho người nghèo – cơm yêu thương, chương trình “gánh” 200 phần cho mỗi buổi phát. Rồi từ từ, nhu cầu cứ tăng như lan đột biến vậy. Đến nay thì mỗi lần phát như thế là 750 phần. 750 phần có thể nói là công suất tối đa của nồi nấu cũng như những khâu chuẩn bị khác.

Chuyện vui nhất của cái chuyện phát cơm yêu thương này đó là chuyện mua bán “giá cha”.

Khi một bạn ghé ngang hỏi thăm chuyện mua và bán để làm nên những phần cơm như thế này thì linh mục Đaminh Nguyễn Minh Nhật, OP (người hay đứng ra “dẹp” loạn) trong mỗi bữa phát chia sẻ: “Ờ thì chuối này là chuối xuất khẩu. Ở siêu thị người ta bán 10 ngàn 1 trái. Còn cha thì cha mua 10 ngàn 1 ký. Còn nước thì giá người ta bán là 62 ngàn 1 thùng, còn cha thì cha mua giá 30 ngàn 1 thùng. Vậy thôi! Tất cả đều biết việc các cha làm nên thường là bán dưới vốn (chứ không phải dưới dzốn như nhiều người hay đùa đâu nha).

(Mở ngoặc để giải trình chuyện “dẹp loạn” đó là vì có một số người thích đi lần 2. Chính vì thế có một bạn đã viết ra phần mềm gọi là điểm danh chứ không phải chấm công như các công ty. Phần mềm này chiếu vào mặt và máy sẽ tự động phát hiện ai nào đó đến lần thứ hai. Làm như vậy tránh lạm dụng nhận 2 lần).

Thật ra mà nói thì cũng chả phải có chỗ này như Cha Nhật làm là được mua với “giá cha” đâu. Nhiều và nhiều nơi khác cũng được những ân nhân thầm lặng có khi là giấu cả tên để bán “giá cha”. Có khi không bán 10 ngàn 1 ký chuối hay 30 ngàn 1 thùng nước mà có khi lại là 0 đồng.

Cuộc đời là vậy đó, có những người lo thu vén thì lại có những tấm lòng chia sẻ. Như ở cái điểm hẹn 44 Tú Xương đó, nhiều tấm lòng đã quy tụ về đây để làm chút gì đó để chia sẻ cho những người bất hạnh.

“Vừa rồi tụi em có gửi qua bên các Sơ (viện Mắt gần 44 Tú Xương) 60 phần cho các bệnh nhân nhưng khi nghe tin thì người nhà xuống xin nên bị “cháy hàng”.

Tâm tình của Cha Đaminh Nhật thật dễ thương. Nói như thế để hiểu rằng nhiều và nhiều người cần những bữa cơm đậm tình yêu thương như thế của Dòng Đaminh, của nhiều nơi khác nữa.

Đâu đó ở Nhà thờ Mạc Ty Nho có cái tô hủ tiếu 2.000. Tô hủ tiếu này được chia sẻ cho những anh chị em lao động nghèo ở góc đường Đinh Tiên Hoàng và Nguyễn Thị Minh Khai. Tôi tưởng nghĩ ở đây cha xứ cũng như những người phụ trách mua thực phẩm để nấu hủ tiếu 2.000 cũng mua với “giá cha”.

Đâu đó ở Nhà thờ Vườn Xoài cũng có bữa cơm ngon với giá 2.000. Ở đây chắc nguyên liệu trước khi thành phẩm chắc cũng mua với “giá cha”.

Nhìn bức tranh kinh tế đang nhuốm màu xám xịt, tôi lại cảm thấy chạnh lòng cho những mảnh đời bất hạnh.

Cuộc sống mà, có khi ta càm ràm, có khi ta chê khổ này nọ nhưng ta đâu biết rằng quanh ta còn có nhiều và nhiều nỗi đau lắm. Ta vẫn may mắn, bình an và hạnh phúc lắm để rồi ta đừng bao giờ kêu khổ hay trách than.

Ngày nào mang nỗi đau tôi mới hiểu nỗi đau là gì, ngày nào trong khát khô tôi mới hiểu phận người ăn xin... Tôi vẫn mường tượng và hình dung rằng tôi cũng là những người cùng xếp hàng trong cái hàng nhận cơm đó tôi mới cảm được phận người.

Tôi vẫn xác tín và vẫn tin rằng ai nào đó thật tình quan tâm hay chia sẻ với người nghèo sẽ mua và bán được với cái “giá cha” bởi lẽ xung quanh mình còn nhiều tấm lòng cao cả lắm. Tôi vẫn mua hay nhận được những lô hàng như quần áo và thực phẩm với “giá cha”. Cái giá đó lạ lắm! Có khi mua và bị trả với cái giá 0 đồng.

Cuộc đời mà, đẹp và đẹp khi mình chung chia gì đó với người khác.

Tạ ơn Chúa, trên nền kinh tế xám xịt và lòng người vun vén thì lại có những điểm sáng, điểm son giữa đời ấy như 44 Tú Xương như Nhà thờ Mạc Ty Nho, Nhà thờ Vườn Xoài và nhiều nơi khác nữa.

 
 
Lm. Anmai, CSsR
 
 Tags: bán, Mua, Gía cha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây