TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Người tín hữu Công giáo làm gì trong Mùa Chay?

Thứ tư - 08/03/2023 03:43 | Tác giả bài viết: Vũ Đình Bình |   2146
Hành trình Mùa Chay khởi đầu từ Thứ Tư Lễ Tro bao gồm ba yếu tố: cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái.

Người tín hữu Công giáo làm gì trong Mùa Chay?

ccct 080323a


Hành trình Mùa Chay khởi đầu từ Thứ Tư Lễ Tro bao gồm ba yếu tố: cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái.

Cầu Nguyện

Trong mùa Chay, Hội Thánh mời gọi con cái của mình gia tăng cầu nguyện, trong cõi lòng lặng lẽ thâm trầm của mình, thực hiện lại, và luôn mãi, cuộc tìm gặp Thiên Chúa ngày càng quyết tâm và thân tình hơn, khám phá lại Thiên Chúa là Đấng ban cho loài người sự sống (x Stk 2, 7). Thiên Chúa không chỉ ban sự sống tự nhiên, mà còn sự sống siêu nhiên nữa. Nghĩa là được làm con Thiên Chúa, được yêu mến Ngài và được dự phần vào sự sống của chính Ngài “Anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa, để được ơn thông hiểu” (Côlôsê 3, 10).

Thánh Têrêsa Avila, một trong những tác giả tâm linh vĩ đại nhất trong lịch sử Giáo hội, mô tả linh hồn như một lâu đài nơi Chúa ngự. Gặp gỡ Ngài, cầu nguyện với Ngài và giao tiếp với Ngài đòi hỏi chúng ta phải đi vào nơi sâu thẳm của tâm hồn chúng ta.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo viết: “Chúng ta học biết cầu nguyện vào một số thời gian nhất định, bằng cách lắng nghe Lời Chúa và tham dự mầu nhiệm Vượt Qua của Người; Người còn ban Thánh Thần để giúp chúng ta cầu nguyện trong mọi lúc, trong mọi biến cố của cuộc sống hằng ngày... Thời gian là của Chúa Cha; chúng ta gặp được Người trong hiện tại, không phải hôm qua hay ngày mai, nhưng chính hôm nay” (số 2659).

Cầu nguyện tự bản chất là một tâm tình, khi con tim con người hướng về trái tim Thiên Chúa. “Hãy nâng tâm hồn lên! Chúng con đang hướng về Chúa”. Cầu nguyện là việc ai cũng có thể làm, ngay hôm nay, ngay lúc này.

Cầu nguyện là một hành động kết hợp và hiệp thông, qua đó chúng ta trở nên một với Thiên Chúa và Thiên Chúa trở nên một với chúng ta.

Cầu nguyện chân chính không bao giờ nhàm chán. Khi khám phá ra lời cầu nguyện đích thực, chúng ta sẽ khám phá ra mầu nhiệm vô hạn của Thiên Chúa. Và khám phá này vinh quang hơn bất cứ điều gì bạn có thể tưởng tượng trong đời.

Đôi khi tưởng chừng như không còn là chúng ta đang sống, nhưng ân sủng đó sống và hoạt động trong chúng ta qua cầu nguyện... Chúng ta yếu đuối, nhưng chúng ta biết cách cầu nguyện: đây là phẩm giá cao nhất của chúng ta. Và khi một lời cầu nguyện theo điều Chúa Giêsu muốn, lời cầu nguyện đó đạt được những điều kỳ diệu.” (ĐTC Phanxicô).

Giữ Chay và Sám Hối

Mùa Chay là một thời gian giữ chay và sám hối đặc biệt. Đó không chỉ là vấn đề “chọn lựa thực phẩm”, nhưng còn là phong cách sống theo đó cần phải có “lòng khiêm tốn” và “sự nhất quán” nhận biết và sửa chữa tội lỗi của mình. (ĐTC Phanxicô).

Trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2009, Đức Biển Đức 16 nhắc lại giáo huấn của Thánh Kinh và Truyền thống Kitô giáo: cả hai đều dạy rằng ăn chay là một sự trợ giúp tuyệt vời để tránh tội lỗi và tất cả những gì dẫn đến tội lỗi.

Do đó, trong hành trình Mùa Chay, ăn chay không phải chỉ là một sự kiêng nhịn lương thực và thực phẩm vật chất. “Ăn chay là một biểu tượng, là một dấu hiệu, một lời kêu gọi nghiêm túc và thúc giục để chấp nhận hay thực thi những sự từ bỏ”. (Đức Gioan Phaolô II).

Mùa Chay là một thời gian từ bỏ và sám hối. Nhưng đó cũng là “một thời gian hiệp thông và liên đới”.

“Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm, chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo?”“Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi”. (Is 58, 6-8)

Làm việc bác ái

Mùa Chay là mùa chia sẻ, mùa làm việc bác ái. Chúa Giêsu không chỉ hiện diện nơi tấm bánh thánh, nơi tâm hồn ta, nơi Giáo hội, mà Ngài còn ở nơi những người đói, khát, khách lạ, trần truồng, đau yếu, ngồi tù. Khuôn mặt của Ngài xem ra chẳng có gì cao quý, uy nghi, sáng láng, nhưng đầy nét đau khổ, nhục nhằn, phiền muộn. Chúa Giêsu ở đây không phải là người ban phát đầy quyền năng, mà là người ăn xin yếu đuối ngửa tay cần ta giúp đỡ…     
      
Tin Mừng chỉ rõ, mỗi việc bác ái chúng ta làm, là làm cho chính Chúa: “Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với” (Mt 25, 34-36). Hơn nữa, “Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25, 40).

Thánh Phaolô cũng cho chúng ta thấy một tiêu chuẩn phán xét về việc làm. Vì chưng chúng ta sẽ phải xuất đầu lộ diện trước tòa Đức Kitô, để mỗi người lĩnh lấy thành quả đời mình trong thân xác xứng với các việc làm, việc lành hoặc dữ. Biết luật chưa đủ mà phải giữ luật, đức tin không việc làm là đức tin chết. Đức tin phải minh chứng bằng việc làm: “Ai gieo thứ gì thì gặt thứ ấy” (Gl 16, 6).

Trong hành trình Mùa Chay, người tín hữu Công giáo được mời gọi cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái để chuẩn bị tâm hồn cho việc cử hành mầu nhiệm Vượt Qua. Vì vậy, để sống Mùa Chay một cách cụ thể và hữu hiệu, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên nhủ:

- Hãy trở về với sự thật, trở về chính mình, trở về với Chúa và với anh chị em chúng ta.

- Hãy chống lại “sự kiêu ngạo thiêng liêng”, là điều khiến chúng ta đặt mình lên trước người khác và lên trước Thiên Chúa. Sự kiêu ngạo này ngăn cản chúng ta hướng tới người khác: “Nơi nào có quá nhiều “cái tôi”, thì ở đó có quá ít Thiên Chúa”.

- Chống lại sự cám dỗ của các phương tiện kỹ thuật số, “thứ làm nghèo đi các mối tương quan của con người”.

- Tránh sự phân cực và chia rẽ: “không phải một trong hai – hoặc” mà là “cả hai và kết hợp những khác biệt”.

- Tránh vô cảm đối với tha nhân và với Thiên Chúa. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để bày tỏ mối quan tâm này đối với người khác, qua những dấu chỉ –tuy bé nhỏ nhưng cụ thể– nói lên rằng chúng ta thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất.

- Tránh xa tiếng ồn không cần thiết: “Qua sự thinh lặng của mình, thánh Giuse mời gọi chúng ta hãy dành chỗ cho sự hiện diện của Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm, cho Chúa Giêsu”.

- Tránh xa thái độ tự yêu mình, coi mình là nạn nhân, và bi quan: ba kẻ thù chính ngăn cản chúng ta đón nhận hồng ân của Chúa Thánh Thần tràn ngập tâm hồn chúng ta: đó là thái độ “tự yêu mình (narcisismo), thái độ coi mình là nạn nhân (vittimismo) và thái độ bi quan (pessimismo)”.

Trong hành trình Mùa Chay, người tín hữu hãy khiêm tốn nài xin Chúa Thánh Thần, Đấng là ký ức của Thiên Chúa, khơi dậy trong chúng ta ký ức về hồng ân đã nhận lãnh. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự tê liệt vì ích kỷ và khơi dậy trong chúng ta ước muốn hy sinh phục vụ, làm điều thiện. Xin Chúa biến đổi tâm hồn, giúp chúng ta làm tươi mới Niềm tin, Hy vọng và Tình yêu.

Vũ Đình Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây