TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tại sao không cầu nguyện luôn!

Thứ năm - 13/05/2021 06:27 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   779
Tại sao không cầu nguyện luôn!

Chúa Nhật XXIX -TN - C

Tại sao không cầu nguyện luôn!

Mỗi ngày bạn có cầu nguyện không? Tại sao không! Vâng, tại sao không, bởi ngay từ ngàn xưa, như lời Kinh Thánh cho biết, đến thời ông Sết “người ta bắt đầu kêu cầu danh Đức Chúa” (x.St 4, …26).

Trong bất cứ tôn giáo nào, người ta đều coi trọng sự cầu nguyện. Với Kitô giáo, cầu nguyện được ví như “hơi thở” của linh hồn. Được ví như thế, thế nên, tại sao ta không cầu nguyện mỗi ngày, nhỉ!

Đức Giêsu cũng rất coi trọng đến việc cầu nguyện. Kinh Thánh cho biết, Ngài vẫn thường xuyên “đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện”.

Khi cầu nguyện, Đức Giê-su có lời khuyên, rằng “đừng lải nhải như dân ngoại”. Và, quan trọng hơn, đó là phải biết “kiên trì”.

Để mọi người hiểu rõ thế nào là kiên trì, Đức Giê-su đã dùng một dụ ngôn. Dụ ngôn mang tên “quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy” (x.Lc 18, 1-8)

**

Dụ ngôn được kể rằng: “Trong thành kia có một ông quan tòa. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì”.

Vâng, mở đầu câu chuyện, với sự mô tả về một ông quan như thế, quả là bất hạnh cho những ai được ông ta ra tay xử kiện. Tại sao? Thưa, bởi theo kinh nghiệm của cuộc sống, chưa thấy một ông quan “vô thần” nào được coi là “dân chi công bộc” cả.

Nghiệt ngã là vậy, ấy thế mà cũng có một bà góa đến xin ông xử kiện. Xử gì? Vâng, đến trước quan, bà nói: “Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho”.

Xin ngài minh xét ư! Bà này có “xâm mình” không nhỉ? Tại sao lại nghĩ như thế? Thưa, bởi, xã hội thời đó, thời mà người ta trọng nam khinh nữ, thường người đàn bà phải chịu sự câm nín, không được có tiếng nói nơi cộng đồng, vậy mà, bà góa trong dụ ngôn vẫn cứ đến, hỏi sao không nghĩ rằng, bà ta uống thuốc liều!

Đó là, chưa nói đến việc quan tòa thời đó được mô tả là “Tất cả bọn chúng đều thích ăn hối lộ, và chạy theo quà cáp. Chúng không phân xử công minh cho cô nhi, cũng chẳng quan tâm đến quyền lợi quả phụ”? (Is 1, 23).

Chưa hết, họ còn “đặt ra những luật lệ bất công… viết nên các chỉ thị áp bức… để biến bà góa thành mồi ngon cho chúng, và bóc lột kẻ mồ côi”? (Is 10,2)

Tuy nhiên, bà góa vẫn thản nhiên. Bà không đến một lần. Chuyện kể rằng: bà ta “đã nhiều lần đến”.

Vâng, bà góa, có thể nói, đã vận dụng đúng lời Albert Eintein nói: “Không phải là tôi quá thông minh, chỉ là tôi chịu bỏ ra nhiều thời giờ hơn với rắc rối”. Và bà ta đã thành công.

Thật vậy, trước kế sách “lỳ đòn” này, ông quan tòa như ngồi trên đống lửa. Cuối cùng, ông ta nghĩ: “Dầu ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ góa này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc”.

Có thể kết luận, qua dụ ngôn này, thông điệp Đức Giê-su đưa ra, đó là: phải kiên trì “cầu nguyện luôn, không được nản chí”.

***

Để thành công trong công việc, Edison cho rằng, do 10% thiên tài, phần còn lại là do 90% sự nhẫn nại và lòng kiên trì. Câu chuyện dân tộc Do Thái xưa, giao chiến với người Amalech là một minh chứng điển hình.

Kinh Thánh kể rằng: hồi đó, khi dân Do Thái đang trên đường đến miền đất hứa. Bất ngờ họ bị người Amalech chận đánh tại Rophidim.

Xét về tương quan lực lượng, Amalech là một đạo quân tinh nhuệ. Trong khi đó, người Do Thái chẳng khác nào một đám quân ô hợp. Nói cách khác, giữa Do Thái và Amaléch đúng là “trứng chọi đá”.

Thế nhưng, như người đời thường nói: “thấy vậy mà không phải vậy”. Đúng, hôm đó, cứ tưởng rằng trứng sẽ bị nghiền nát bởi đá, ngược lại, (trứng) Do Thái đã “đánh bại (hòn đá) Amalech… xóa hẳn tên tuổi Amalech, khiến cho thiên hạ không còn nhớ đến nó nữa” (x.Xh 17,13…14).

Nhờ đâu, quân sử Do Thái có được chiến tích như thế? Thưa, đó là nhờ ông Môsê, ông ta đã nhẫn nại, kiên trì “đứng trên đỉnh đồi” kêu cứu Thiên Chúa “cho đến khi mặt trời lặn” (x. Xh 17, 12)

Trở lại dụ ngôn, hôm ấy, Đức Giê-su đã cho mọi người một lời dạy dỗ chân tình: “Anh em nghe quan tòa bất chính nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?”

Đúng vậy, hơn ba trăm năm sau, (332 – 387), có một người tên là Monica, người phụ nữ này đã kiên trì, suốt hơn hai mươi năm, ngày đêm liên lỉ cầu nguyện cho gia đình mình, một gia đình hoàn toàn vô đạo.

Và, Thiên Chúa đã “minh xét” cho bà, đó là “…Mẹ chồng và Patricius (chồng bà) đã xin Rửa Tội và tin theo Chúa. Còn Augustinô (con bà) đã chia tay bè rối Manichê (Nhị Nguyên) là một tà thuyết chống lại Giáo Hội và đức tin của Công Giáo mà ông đã dồn toàn tâm toàn trí trong suốt chín năm trường. Sau đó ngài được Rửa Tội. Hai người con còn lại là Navigio và Perpetua cũng xin chịu phép Thanh Tẩy và gia nhập Giáo Hội Chúa. Sau này cả hai đã đi tu dòng” (nguồn: internet).

Vâng, ông Mô-sê hay bà Monica, nói như thánh Phaolô đã nói: Họ đã cầu xin Thiên Chúa “với tất cả lòng nhẫn nại” (2Tm 4, …2).

****

“Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”.

Là một Ki-tô hữu, trước lời truyền dạy này, thưa bạn, bạn có “cầu nguyện luôn?”.

Vâng, có lẽ câu trả lời là có, phải không, thưa bạn! Tuy nhiên, chắc hẳn không ít người trong chúng ta có đôi lúc “nản chí”.

Tại sao lại nản chí? Phải chăng là vì lời cầu nguyện của chúng ta không có sự hồi âm? Vâng, phải nhìn nhận rằng, một trong những điều ảnh hưởng lớn nhất cho đời sống cầu nguyện của chúng ta, đó là sự “hồi âm”. Chính sự chậm trễ trong sự hồi âm khiến ta sinh ra sự nản lòng.

Thế nhưng, có bao giờ chúng ta tự hỏi, biết đâu lời cầu nguyện của mình không được hồi âm, “…là vì (ta) xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc” (Xin trúng số… số đề, chẳng hạn!)

Biết đâu, lời cầu nguyện của chúng ta không có sự hồi âm, là vì chúng ta chưa đủ sự nhẫn nại và lòng kiên trì! Chưa đủ sự nhẫn nại và lòng kiên trì, biết đâu là vì chúng ta chưa đủ lòng tin!

Với việc chậm trễ hồi âm, hãy xem đó như là một phước hạnh, phước hạnh để ta có cơ hội “cầu nguyện khẩn thiết” hơn, phước hạnh để ta đến gần hơn vào cuộc tương giao giữa Chúa với ta!

Một người có đức tin mạnh mẽ, vấn đề hồi âm trở thành thứ yếu, điều quan trọng, lúc đó, chính là mối tương giao mật thiết giữa ta và Chúa. Chính mối tương giao này khơi dậy trong ta một niềm tin, một niềm tin cầu nguyện liên lỉ không thôi.

Thì dây, với thánh Phao-lô, ngài cũng chỉ có một lời khuyên: ”Hãy cầu nguyện không ngừng”.

Còn rất nhiều tấm gương những con người chuyên tâm cầu nguyện, liên lỉ cầu nguyện, trong suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội, chúng ta không thể liệt kê ra đây.

Mà, liệt kê ra đây để làm gì? Để xem đó như là “những dẫn chứng thực tế” ư! Ấy chết, nếu thế thì, có khác gì mấy ông kẹ Pha-ri-sêu xưa, thay vì vâng nghe lời Đức Giê-su dạy, lại đi đòi Ngài cho xem “dấu lạ…!”

Vâng, có lẽ điều cần thiết hơn, đó là, hãy “suy đi nghĩ lại” về lời truyền dạy của Đức Giê-su, cũng như những lời khuyên của tông đồ Phao-lô, (nêu trên), và đem làm hành trang cho đời sống cầu nguyện của mình.

Đừng tự biện minh cho mình, rằng “thời buổi này không có giờ ăn trưa, làm gì có thời gian để đọc những mớ lý thuyết trừu tượng” đó.

Suy nghĩ như thế, đúng là lối suy nghĩ của kẻ vô thần. Chính mớ lý thuyết trừu tượng đó, sẽ giúp chúng ta “chắc chắn trong niềm tin”, điều mà thánh Augustin đã từng trải, qua lời lời chia sẻ sau: “Niềm tin làm phát sinh cầu nguyện, và cầu nguyện một khi đã phát sinh sẽ đem lại chắc chắn trong niềm tin”.

Nếu tất cả mỗi chúng ta đều chắc chắn trong niềm tin, nhờ vào việc cầu nguyện liên lỉ không ngừng, có phần chắc, trong ngày “Con Người ngự đến”, Đức Giê-su sẽ không phải phàn nàn, rằng “liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

Vậy, tại sao không! Tại sao không “cầu nguyện luôn (và) không được nản chí”!

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây