TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bảo người ta ngồi xuống đi!

Thứ ba - 11/05/2021 05:18 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1308
Bảo người ta ngồi xuống đi!

Bảo người ta ngồi xuống đi!

Bạn là một tín hữu Công Giáo? Nếu phải, xin hỏi, bạn có thường xuyên tham dự thánh lễ, ít là mỗi tuần một lần vào ngày Chúa Nhật? Hẳn nhiên, nếu là Công Giáo, ai trong chúng ta cũng sẽ trả lời rằng “Ồ! Có chứ”.

Xin được đặt thêm một câu hỏi nữa rằng, thường xuyên tham dự thánh lễ, vậy, giây phút nào trong thánh lễ đã đem đến cho bạn nhiều cảm xúc?

Với câu hỏi này, chắc hẳn sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau, tùy theo cảm xúc của mỗi người.

Riêng tôi, và có thể cũng là của nhiều người khác, giây phút cảm xúc nhất chính là những giây phút chuẩn bị tham dự bữa “tiệc Thánh Thể”.

Làm sao không cảm xúc cho được khi nhìn hình ảnh từng đoàn người lũ lượt tiến lên cung thánh chờ đợi đón nhận chính thân thể Chúa Kitô.

Làm sao không cảm xúc cho được khi chiêm ngưỡng hình ảnh hàng chục vị linh mục, (trong những ngày đại lễ), từ trên cung thánh tỏa ra khắp nhà thờ để trao ban cho người tín hữu một tấm bánh, một tấm bánh bình thường, nhưng qua việc truyền phép, đã trở thành “Mình Thánh Chúa Kitô”.

Những hình ảnh đó, khi chiêm ngưỡng, nó còn gợi cho chúng ta nhớ lại những hình ảnh đã xảy ra hơn hai ngàn năm xa trước đó tại Palestina.

Đó là hình ảnh Đức Giêsu cùng mười hai người môn đệ băn khoăn trước một đám đông dân chúng vây quanh, họ như chiên lạc không người chăn dắt. Đó là hình ảnh đông đảo từng nhóm người ngồi chờ đợi lòng trắc ẩn của Đức Giêsu. Đó là hình ảnh mười hai người môn đệ tỏa ra phân phát bánh cho cả một rừng người chen chúc bên Thầy Giêsu với một tấm lòng phó thác.

Những hình ảnh này đã được thánh sử Gioan ghi chép trong câu chuyện “Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều” (Ga 6, 1-15)

Vâng, chuyện đã được kể lại rằng: sau chuyến trở về Nazareth đầy thất vọng, và sau khi các môn đệ kết thúc sứ vụ được sai đi vào các làng mạc truyền giáo, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng “anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi hoang vắng”.

Cuộc ra đi vào nơi hoang vắng của Thầy trò Đức Giêsu diễn ra âm thầm, ấy thế mà vẫn không thoát khỏi đôi mắt của dân chúng. Họ bắt đầu rỉ tai nhau và tìm cách đi theo Ngài.

Thánh sử Máccô đã kể rằng “Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý”. Còn thánh sử Gioan đã vẽ ra một bức tranh đầy xúc động, “đông đảo dân chúng đi theo Người” (Ga 6, 2).

Kể từ khi bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng, bất cứ nơi đâu có sự hiện diện của Đức Giêsu, dù là ở vùng Thập Tỉnh hay ở Giêrusalem hoặc ở Giuđê, người ta vẫn luôn thấy được hình ảnh “dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Ngài”.

Theo Đức Giêsu là “bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm”. (Ga 6, 2). Theo Đức Giêsu là bởi họ cảm nhận được nhiều điều bổ ích do chính “Người dạy dỗ” họ.

Hôm ấy, khi nghe tin Đức Giêsu sang bên kia Biển Hồ Galilê, cả một rừng người trùng trùng điệp điệp đi theo. Họ đã nhìn thấy “Đức Giêsu lên núi…”.

Phần Đức Giêsu, từ trên đỉnh núi, Ngài đã “nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình” (Ga 6, 5). Ngọn núi như bị rung chuyển bởi làn sóng người tuôn đến. Mười hai người môn đệ không thể không bối rối. Lệnh truyền cho họ là, “lánh riêng ra đến một nơi hoang vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Thế mà giờ đây…!!!

Vâng, các môn đệ không thể nào không cất tiếng “than ôi!”.

Thật vậy, những lần trước, dù cũng đã có rất đông người đi theo, nhưng không thấy Đức Giêsu lo lắng về việc ẩm thực cho họ.

Than ôi! hôm nay Ngài lại nhắc khéo với các môn đệ rằng: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” (Ga 6, ...5)

Thống kê sơ khởi cho thấy “nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn người”. Ông Philipphê quả đúng khi nói “có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” (Ga 6, 7)

“Hai trăm quan tiền”, nếu theo cách tính của Việt Nam thời xưa, “một quan là sáu trăm đồng”, vâng, số tiền ông Philipphê nêu ra tương đương là một trăm hai mươi ngàn đồng chẳn. Than ôi! quả là một số tiền không nhỏ.

Không thấy thánh sử Gioan nói gì, nhưng có lẽ các môn đệ rất mong đợi một lệnh truyền mới của Thầy Giêsu. Có lẽ các ông mong rằng thầy Giêsu sẽ truyền cho họ “hãy xuống thuyền đi nơi khác”.

Thế nhưng, Đức Giêsu đã không nghĩ như thế.

Philomena Agudo, tác giả cuốn sách “Ta đã chọn con” có nói rằng: “Lòng trắc ẩn tương ứng với khả năng yêu thương”. Bản chất của Thiên Chúa là lòng trắc ẩn. Là “Agape”. Là tình yêu thương vô điều kiện.

Vâng, hôm đó, Thiên Chúa đã biểu lộ khả-năng-yêu-thương của Người qua Con Một của Người là Đức Giêsu, một cách vô điều kiện.

Hôm đó, với ánh mắt trìu mến, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng, “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi” (Ga 6, 10)

Một phút tâm tình và suy tư

“Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi”. Đối với các môn đệ, quả thật, đây là một lệnh… “lạc”. Lạc là bởi như ông An-rê đã cho biết rằng “ở đây… có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu” (Ga 6, 9).

Cả ba thánh sử Matthêu, Máccô và Luca đều cho biết các môn đệ đã gợi ý với Đức Giêsu rằng “xin Thầy cho dân chúng về…”

Ôi! Tệ thật. Chắc hẳn các môn đệ đã quên rằng, đối với Thiên Chúa, “trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối của Ta cao hơn của các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy”(Is 55, 9)

Đúng vậy, “nói như thế…” Đức Giêsu muốn “thử các ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi” (Ga 6, 6).

Và điều Đức Giêsu đã làm là “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó”. (Ga 6, 11)

*****
Trở lại câu chuyện “Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều”, có lẽ nhiều người trong chúng ta, sau khi đọc xong câu chuyện này, cũng sẽ lại như những người dân chúng xưa kia, tiếp tục xuýt xoa về những dấu lạ Đức Giêsu đã làm, về quyền năng mà Ngài đã thực hiện, để rồi tìm cách “bắt Ngài đem đi mà tôn làm vua” như xưa kia người ta cũng đã dự định như thế..

Nhưng, nếu chỉ có thế thì chẳng có gì để tiếp tục tâm tình và suy tư... Và đó cũng là điều đã làm cho Đức Giêsu phải “lánh mặt…” (Ga 6, ..15)

Vâng, qua biến cố này, Đức Giêsu không chỉ chứng tỏ quyền năng của Ngài trên đời sống của nhân loại, nhưng Ngài còn muốn gửi đến mọi người một thông điệp về lòng trắc ẩn, về tình liên đới, lòng quảng đại và tình bác ái.

Thật vậy, việc không tán thành ý kiến của các môn đệ về việc để dân chúng “vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn” chính là bài học về lòng trắc ẩn, tình liên đới, lòng quảng đại, tình bác ái mà Đức Giêsu muốn dạy dỗ các ông.

Có lẽ không ai trong chúng ta mà không nhìn nhận rằng: lòng trắc ẩn, tình liên đới, lòng quảng đại và tình bác ái chính là “niềm hy vọng của sự sống cho mọi người”.

Không có lòng trắc ẩn, có phần chắc, chúng ta không thể thể hiện lòng quảng đại, sự bao dung trước một người con hoang đàng.

“Trần tình của người hạ sát đứa con ngỗ nghịch”. Vâng, đó là tựa đề của một bài báo do VnExpress.net đăng trên yahoo.tin tức vào ngày 26.07.2012 vừa qua. Tới giờ phút này, có tất cả 952 lời bình luận… Than ôi! Đa số đều tán thành việc người cha hạ sát đứa con của ông ta.

Lòng trắc ẩn, tình liên đới, lòng quảng đại, sự bao dung… “chết” theo đứa con của ông ta rồi thì phải? Và có vẻ như tất cả “niềm hy vọng của sự sống cho mọi người” ngày càng biến mất khỏi xã hội ngày hôm nay.

Không chỉ nơi xã hội mà trong giáo hội vẫn còn một số ít người chôn vùi “niềm hy vọng của sự sống cho mọi người”.

Thế giới của chúng ta đã bước vào thế kỷ hai mươi mốt, thế mà một cô gái lỡ làng lại phải quỳ gối trước mặt cộng đoàn trong nhà thờ để mà thú nhận tội “có thai ngoài giá thú” của mình…

Xin hỏi, phải chăng vị “thẩm quyền” của ngôi nhà thờ đó không có lòng trắc ẩn và sự bao dung? Phải chăng vị “thẩm quyền” đó chưa một lần đọc Phúc Âm thánh Gioan - đoạn thứ tám, từ câu thứ nhất đến câu thứ mười một?

Lòng trắc ẩn, tình liên đới, lòng quảng đại, tình bác ái, sự bao dung không dung dưỡng tội lỗi nhưng là nhịp cầu để “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”.

Cứ thử tưởng tượng, nếu chúng ta đem tất cả những điều nêu trên làm kim chỉ nam cho cuộc sống hôn nhân gia đình… Vâng, chắc chắn rằng, lời hứa “hứa yêu nhau trao câu thề chung sống muôn đời” là điều khả thi.

Là một người Kitô hữu, có thể Chúa gọi tôi làm giám mục hoặc linh mục hoặc tu sĩ, có thể Chúa gọi tôi làm cha, làm mẹ trong một gia đình v.v… Dù là ơn gọi nào, vâng, thánh Phaolô có lời khuyên rằng “anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi…” Ngài nói tiếp “…để chia sẻ cùng một niềm hy vọng” (Ep 4, 4).

Không phải chia sẻ niềm hy vọng nào khác, mà chính là chia sẻ “niềm hy vọng của sự sống cho mọi người”.

Bởi vì, chỉ khi ta chia sẻ “niềm hy vọng của sự sống cho mọi người” ta mới có thể nói với bất cứ ai đến với ta, hoặc bất cứ ai ta đến với họ, rằng: Bạn “ngồi xuống đi!”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây