BBT- KTS Nguyễn Văn Sáng là giáo dân Giáo xứ Xã Đoài, Hạt Quảng Đức, cựu chủng sinh Lê Bảo Tịnh BMT, ông đã tham gia rất nhiều công trình nhà thờ, nhà xứ, nhà giáo lý,… Tuy hiện nay ông đang làm việc tại Sàigòn nhưng tấm lòng luôn hướng về quê nhà, Giáo phận Banmêthuột thân yêu. Đối với vấn đề thiết kế xây dựng nhà thờ, ông có vài suy nghĩ như sau:
Vài suy nghĩ về việc thiết kế nhà thờ
Thiết kế nhà thờ cũng như công việc thiết kế các công trình khác, một công trình kiến trúc khi thiết kế vừa phải có yếu tố thích dụng, vừa phải có yếu tố mỹ thuật. Tùy theo tính chất của từng công trình mà yếu tố thích dụng và mỹ thuật sẽ phân chia với nhau. Nếu như ta lấy công trình nhà ở làm trung tâm với hai nhu cầu thích dụng và mỹ thuật là ngang nhau thì tượng đài là công trình nghiêng hết về yếu tố mỹ thuật, ngược lại nhà kho là công trình nghiêng hết về yếu tố thích dụng. Trong thang bậc đó công trình tôn giáo nói chung và công trình nhà thờ nói riêng nghiêng về yếu tố mỹ thuật nhiều hơn. Ngoài mục đích là nơi thờ phượng đây còn là biểu tượng cho tinh thần, cho văn hóa nghệ thuật của một địa phương, một xứ đạo, một tôn giáo.
Nhà thờ xét về công năng sử dụng không phải là công trình có yêu cầu phức tạp, việc bố trí các không gian sử dụng cho nhà thờ về cơ bản như cách bố trí một hội trường, với thiết kế không gian lớn cho giáo dân, vị trí bàn thờ tương đương với sân khấu trong hội trường, bên cạnh đó là các phòng phục vụ… Vì vậy khi thiết kế nhà thờ điều quan trọng nhất của người thiết kế là phải xác định được hình khối của công trình, nói theo dân gian là mặt tiền của nhà thờ, khi đã xác định được hình khối, mặt tiền nhà thờ để cho đối tác chấp nhận được là đã hoàn thành đến 70-80% công việc rồi.
Hiện nay, quả thật chúng ta đang loay hoay trong việc thiết kế mặt tiền nhà thờ, ngoài việc thiết kế theo xu hướng nào, cổ điển truyền thống hay hiện đại... Việc thiết kế nhà thờ do chúng ta không mạnh dạn thay đổi hình thức mặt bằng, lúc nào cũng mặt bằng hình chữ nhật hoặc hình Thánh giá. Với mặt bằng này khi dựng mặt đứng lên rất dễ bị trùng lặp về kiểu dáng, rất khó để tìm ra một phương án vừa đẹp vừa có tính khác biệt với cùng một mặt bằng, cùng một kích cỡ như vậy. Từ đó, để khác với mặt đứng nhà thờ khác, chúng ta thường thêm thắt các chi tiết vụn vặt, ốp các loại vật liệu, sơn phết với nhiều màu sắc lòe loẹt, điều tối kỵ trong thiết kế công trình tôn giáo.
Với công trình kiến trúc, cái đẹp của không gian bên ngoài chính là hình khối của công trình, giống như cái đẹp của một tác phẩm điêu khắc để ngoài trời vậy. Khi chúng ta thay đổi mặt bằng, thay đổi hình khối ngôi nhà thì tự nhiên mặt đứng công trình sẽ khác đi. Mặt bằng đẹp, hình khối đẹp thì tự nhiên mặt đứng công trình sẽ đẹp, cái đẹp do hình khối quyết định chứ không phải cái đẹp do trang trí những chi tiết vụn vặt làm nên. Việc thay đổi hình thức mặt bằng nhà thờ với chúng ta hình như rất hạn chế, chúng ta lâu nay suy nghĩ cứ phải thiết kế với mặt bằng hình chữ nhật, hình Thánh giá thì mới ra nhà thờ còn nếu không sẽ ra nhà hát, nhà văn hóa… Tất nhiên không phải cứ thiết kế mặt bằng hình vuông, hình elip, hình tròn, hình rẽ quạt là đương nhiên sẽ có công trình đẹp, vấn đề tùy thuộc rất nhiều ở người thiết kế, cũng với mặt bằng hình bán nguyệt nhưng kiến trúc sư này thiết kế khác và kiến trúc sư khác thiết kế sẽ khác, nên chúng ta nhiều lúc không nên đưa ví dụ nhà thờ này nhà thờ kia ra để chứng minh cho lập luận của mình.
Trước đây do điều kiện kỹ thuật xây dựng còn hạn chế nên các công trình nhà thờ khi xây dựng thường lệ thuộc rất nhiều vào yếu tố kỹ thuật, ngày nay, khi trình độ kỹ thuật xây dựng đã phát triển chúng ta có thể giải quyết các dạng kết cấu phức tạp hơn, linh hoạt hơn theo yêu cầu của người thiết kế. Khi chúng ta thay đổi hình thức mặt bằng nhà thờ ngoài việc tạo cho nhà thờ một dáng dấp bên ngoài phong phú hơn, đồng thời còn làm thay đổi cả không gian thờ phượng bên trong nữa. Các dạng mặt bằng hình vuông, tròn, bán nguyệt, elip… sẽ tạo nên khoảng cách gần gũi hơn giữa giáo dân và bàn thờ.
Cũng như mặt đứng bên ngoài, sự trùng lặp về mặt bằng dẫn tới không gian bên trong nhà thờ rất dễ đơn điệu, giống nhau. Vì vậy để cho khác biệt chúng ta lại thêm thắt rất nhiều chi tiết trong nhà thờ nhất là trên Cung Thánh, tạo cho Cung Thánh nhiều lúc trở nên như một sân khấu, trong khi nguyên tắc trong thiết kế cung thánh là phải đơn giản, trang trọng. Đáng lẽ chúng ta tập trung vào điểm nhấn chính là Thánh giá, là bàn thờ thì nhiều lúc chúng ta lại thiết kế rất nhiều tượng đài phù điêu lòe loẹt hai bên.
Tuy nhiên khi nói đến việc thay đổi mặt bằng sẽ gặp khó khăn cho những nhà thờ có vị trí hạn chế về khuôn viên xây dựng nhất là ở những thành phố lớn, hơn nữa thường thì việc lựa chọn mặt bằng hình tròn, bán nguyệt, elip… chỉ nên áp dụng cho những công trình có qui mô tương đối lớn. Vì vậy với những nhà thờ nhỏ việc thiết kế mặt đứng chỉ nên thiết kế với hình khối, phong cách đơn giản, không vì mong muốn có sự khác biệt để rồi đưa vào mặt tiền nhà thờ những chi tiết rối rắm phá vỡ tính trang nghiêm của một nơi thờ phượng, đồng thời rất mau lỗi thời chỉ cách sau lúc xây dựng vài ba năm.
KTS Nguyễn Văn Sáng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn