TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy đi...

Thứ ba - 11/05/2021 03:29 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   882
Hãy đi...

HÃY ĐI…

Chúa Nhật 26.02.2012 vừa qua, tiểu ban dự tòng của Ban Giáo Lý Tổng Giáo Phận Sàigòn đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa giám mục giáo phận và anh chị em dự tòng tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận.

Tham dự buổi gặp gỡ có Đức Hồng Y Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Đức Giám mục Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm và 782 người dự tòng thuộc 43 giáo xứ, trong đó có 264 người dự tòng sẽ được rửa tội vào Lễ vọng Phục Sinh.
Vui mừng thay trước sự kiện 782 người anh chị em này từ khắp bốn phương trời, nay gia nhập vào đại gia đình Công Giáo với khoảng gần 2 tỷ người trên toàn thế giới.

Có lẽ trong chúng ta, không ai mà không hiểu rằng, có được một đại gia đình Công Giáo như thế, chính là nhờ các tông đồ xưa, cũng như các nhà truyền giáo hôm nay, họ đã thực thi mệnh lệnh Đức Giêsu đã truyền dạy trước khi về trời, một cách hoàn hảo, rằng, “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho khắp loài thụ tạo”.

***

Thật ra, không đợi tới lúc về trời, mà ngay khi còn tại thế, Đức Giêsu đã coi sứ mạng ra đi loan báo Tin Mừng là một việc hệ trọng. Chính vì thế, ngay khi bắt đầu sứ vụ, Đức Giêsu đã cất tiếng mời gọi một số người để họ trở thành những người tiếp nối sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Đầu tiên là Anrê và Simon Phêrô, kế tiếp là Giacôbê và Gioan, sau đó là Philipphê, Nathanael, Matthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Tađêô, Simon thuộc nhóm quá khích và Giuda Itcariot. Họ chính là “nhóm Mười Hai”, họ đã đáp lời mời gọi và đã được Đức Giêsu quy tụ lại “để ở với Người và để Người sai đi rao giảng” (Mc 3, 14). Có thể nói rằng, họ đã sống như một nhóm truyền giáo lưu động rày đây mai đó cùng với Đức Giêsu.

Trong những lần ra đi rao giảng Tin Mừng, nhìn những người dân Israel luôn phải mệt mỏi và gánh nặng bởi sự lãnh đạo của những Pharisiêu và những kinh sư, những người mà Đức Giêsu gọi là “những kẻ giả hình”, là những kẻ “rủ cho được một người theo đạo, nhưng khi họ theo rồi thì lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi”… Vâng, Đức Giêsu đã phải chạnh lòng thương xót để rồi Ngài đã phải thốt lên rằng “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”.

Đối với Đức Giêsu, vai trò của người môn đệ không chỉ tin-và-theo-Ngài nhưng còn phải “được sai đi” cũng giống như “chủ gặt sai thợ ra gặt lúa về”.

Chính vì thế, sau chuyến hành trình về làng quê Nazareth với những “gánh sầu thương mệt mỏi hai vai”, Đức Giêsu đã “gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi” (Mc 6, 7).

Ngôn sứ Isaia có nói: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo Tin Mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52, 7)

Quả đúng là như thế, “từng hai người một”, các môn đệ đi đến khắp thôn làng rao giảng Tin Mừng và kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Họ đã để lại khắp thôn làng những hình ảnh đẹp của vị sứ giả.

Vâng, đẹp thay hình ảnh những vị sứ giả của Đức Giêsu, họ đã “trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa trị họ khỏi bệnh” (Mc 6, 13).

Một phút tâm tình và suy tư

Tất cả những sự kiện trên được ghi lại trong Phúc Âm thánh Máccô với tiêu đề “Đức Giêsu sai nhóm mười hai đi giảng”. Vâng, trong câu chuyện này, có hai chi tiết không thể không làm cho chúng ta suy nghĩ.

Chi tiết thứ nhất là việc “sai nhóm Mười Hai”, chi tiết thứ hai là những chỉ thị cho người được sai đi, đó là “không được mang gì đi đường, không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng v.v…”

“Sai nhóm Mười Hai” nghĩa là gì? Vâng, theo lời giải thích của một số nhà chú giải Kinh Thánh, con số “12” tượng trưng cho mười hai chi tộc Israel. Việc Đức Giêsu sai nhóm mười hai có thể hiểu rằng, trước hết, mười hai chi tộc Irael là “đích ngắm” mà các môn đệ phải đến rao giảng trước tiên. 

Thế nhưng, “sai nhóm Mười Hai” với thực tại hôm nay, nếu được hiểu đó là lời sai được gửi đến tất cả những ai đã là một Kitô hữu, có gì là sai trái?

Và nếu được hiểu như thế, thì chúng ta có mong “được sai đi” để mà đáp lời mời gọi?

Vâng, đừng sợ rằng, Chúa Giêsu của hôm nay, khi sai đi, Ngài cũng lại ra chỉ thị cho chúng ta rằng: “không được mang laptop, không được đi Honda, không được mang iPod v.v…” mà hãy sợ rằng, với lợi thế về công nghệ thông tin, về phương tiện cơ giới hiện đại, thuận tiện hơn so với các môn đệ xưa, chúng ta có giới thiệu được khuôn mặt đích thực của Chúa Giêsu cho muôn dân hay không?

Thực ra, không nhất thiết phải có đầy đủ những phương tiện nêu trên chúng ta mới có thể trở thành một nhà truyền giáo “Pro”.

Hãy nghe anh Tạ Ân Phúc nói về trường hợp sự trở về của một tân tòng qua một bài viết được đăng trên VietCatholic vào ngày 29.02.2012. Anh ta viết như sau:

“Đến với Công Giáo qua chứng tá của người có đạo, qua những sinh hoạt của người Công Giáo là trường hợp của em Nguyễn Thị Thanh Hồng, sinh viên năm thứ hai trường Cao Đẳng Công Thương.

Sinh ra trong một gia đình cách mạng, ba là đảng viên, trước đây em không hề biết đến Thiên Chúa. Khi lên Sàigòn đi thi, được các tình nguyện viên đưa về một nhà trọ, cô chủ nhà trọ đã yêu thương giúp đỡ trong năm ngày đi thi đó. Em đã có hai buổi giao lưu với gần 150 người và cô đã có dịp để giới thiệu về Thiên Chúa với một câu hỏi làm đánh động mọi người: “Con người sinh ra từ đâu và chết đi sẽ đi về đâu?”.

Khi trọ học, mỗi tối Chúa Nhật, em đã cầu nguyện cùng với các bạn, đó là nơi chia sẻ những vui buồn và những điều nhân bản. Từng bước, em đã đến với Thiên Chúa và giờ đây mỗi ngày em đều có Chúa trong tâm tư, hành động.” (ngưng trích).

“…Cô chủ nhà trọ đã yêu thương giúp đỡ trong năm ngày đi thi đó.”. Vâng, đó chính là hành trang mà mỗi nhà truyền giáo phải “mang theo”. Và đây cũng là câu trả lời vì sao Đức Giêsu căn dặn: “không được mang gì đi đường, không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng v.v…”

Chỉ tính ở Việt Nam, tám mươi triệu người đang thiếu “tình yêu của Thiên Chúa”. Ai sẽ mang đến cho họ! Phải chăng là chính chúng ta? Phải chăng là Thiên Chúa “Người đã chọn ta”? (Ep 1, 4)

Chúng ta không chịu trách nhiệm về chuyện này trước khi sinh ra, nhưng giờ đây, chúng ta đầy trọng trách trong cuộc đời hiện hữu, hiện hữu mình là một Kitô hữu.

Bạn có đồng ý như thế không? Nếu đồng ý, thì, dù tôi không phải là giám mục, cũng chẳng phải là linh mục… tôi chỉ là một bác sĩ, một nữ điều dưỡng, một giáo sư, một người công nhân, một phu cyclo, một chị quét rác bên đường v.v… hãy xác tín rằng “chính ĐỨC CHÚA đã bắt lấy tôi… và ĐỨC CHÚA đã truyền cho tôi: Hãy đi…” (Am 7, 15)

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây