Nơi thanh vắng chính là chỗ nghỉ ngơi tuyệt diệu
Thế giới mà chúng ta đang sống, có thể nói, càng ngày càng nhiều người mắc phải “stress”. Nguyên nhân chính là do cuộc sống căng thẳng với nhịp sống nhanh, với áp lực công việc, với những va chạm bởi các mối quan hệ ngoài xã hội.
Theo một nghiên cứu của Hiệp Hội Tâm Thần Mỹ, cứ 5 người Mỹ thì có 1 người tuyên bố rằng họ cảm thấy bị stress. Và người ta đã khuyến cáo rằng, stress chính là tên sát thủ thầm lặng, nó có thể cướp đi sinh mạng của bất cứ ai, bất cứ lúc nào.
Mới đây, ngày 21.07.2012, VnExpress.net đưa một bản tin, nguyên văn như sau: “Tuần qua, dân mạng Trung Quốc xôn xao trước cái chết của một cô gái trẻ mới 24 tuổi, chủ một gian hàng trên Taobao, đột tử vì quá bận rộn cho công việc kinh doanh. Cô cũng đang lo sửa sang nhà cửa để chuẩn bị đám cưới đồng thời nhịn ăn để giảm cân. Sau khi thức trọn một ngày làm việc, khi đi ngủ vào rạng sáng 17/7, cô gái đã không tỉnh dậy nữa”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự đột tử của cô ta. Và có phần chắc nguyên nhân chính là do cô ta thiếu thời gian nghỉ ngơi.
Y học đã khẳng định rằng, sự nghỉ ngơi chính là liều thuốc bổ tốt nhất, nó không chỉ phục hồi thể xác mà còn bồi dưỡng tinh thần một cách tuyệt hảo.
Quan trọng là thế. Thế nhưng, có bao giờ chúng ta thử hỏi, thế nào là một sự nghỉ ngơi tốt nhất? Phải chăng, đó chính là những giây phút thư giãn bên ly cà phê, trong một quán rượu, xem một bộ phim hoặc là một chuyến du lịch, picnic hay là một giấc ngủ sâu với nhiều mộng mị v.v…?
Thưa không. Ngay cả giấc ngủ, nó cũng chưa phải là sự nghỉ ngơi tuyệt diệu.
Có được sự nghỉ ngơi tuyệt diệu, điều cần phải có cho bản thân chính là một khoảng không gian trong tâm hồn, trong một nơi thanh vắng và không thể không có nguyện cầu.
*****
Đức Giêsu chính là người hội đủ tất cả những điều nêu trên. Trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, dù phải chống chọi với rất nhiều áp lực tứ phía, nhưng khi trở về, Đức Giêsu đã cho mọi người thấy cuộc sống nội tâm của Ngài là một biển cả bao la của sự bình an.
Bất cứ ai đến với Đức Giêsu họ đều có thể nhận được sự bình an từ nơi Ngài. Ngay cả khi phải đối diện trước những giây phút của sự phản bội, của bắt bớ, của chết chóc, Đức Giêsu vẫn có thể truyền cảm sự bình an cho các môn đệ.
Có được như vậy chính là nhờ Ngài đã có những phút giây tĩnh lặng của tâm hồn, trong một nơi thanh vắng và luôn nguyện cầu.
Có những lúc một mình Đức Giêsu đi vào những nơi “hoang vắng và cầu nguyện”. Và cũng có khi Ngài truyền cho các môn đệ cùng đi với Ngài.
Hôm đó, sau những ngày nhận “bài sai” ra đi khắp thôn làng rao giảng Tin Mừng, mười hai người môn đệ “tụ họp chung quanh Đức Giêsu”. Các ông thay nhau “kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm và mọi điều các ông đã dạy” (Mc 6, 30).
Mọi việc các ông đã làm và mọi điều các ông đã dạy… Vâng, có phần chắc đó là những công việc đã để lại nơi các ông những “gánh sầu thương mệt mỏi hai vai”.
Với sự cảm thông sâu sắc, Đức Giêsu khuyên các ông rằng, “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng và nghỉ ngơi đôi chút.” Và rồi “Thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng”
Phải chăng là các ông đã quá chán ngán trong sứ vụ ra đi “tìm chiên lạc”? Thưa không. Không ai có thể thấy một lời than phiền nào đến từ các ông.
Ngược lại, hình ảnh một rừng người “kẻ lui người tới quá đông” khiến cho các ông “chẳng có thì giờ ăn uống” đã chứng tỏ kết quả việc ra đi loan báo Tin Mừng của các ông thành công mỹ mãn.
Hãy nhìn xem, “khi thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến”.
Hãy nhìn xem, tuy chạy bộ nhưng họ đến nơi “trước cả các ngài” (Mc 6, 33). Chính hình ảnh này làm nổi bật lòng tin của họ vào Đức Giêsu.
Và kìa, còn gì xúc động hơn, khi “ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt”.
Kinh Thánh Cựu ước có viết rằng: “Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình.” (Hs 2, 16).
Vâng, trong nơi thanh vắng đó, Đức Giêsu đã thổ lộ tâm tình cùng họ bằng cách “Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6, …34)
Một phút tâm tình và suy tư
“Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”.
Vâng, điều này vẫn tiếp tục xảy ra đối với chúng ta hôm nay.
Trong thánh lễ, với phần Phụng Vụ Lời Chúa, lời dạy dỗ của Đức Giêsu vẫn vang vọng đến với mỗi chúng ta. Qua các giám mục và các linh mục, Đức Giêsu vẫn tiếp tục dạy dỗ chúng ta bằng những giáo huấn, bằng những thư chung, bằng những bài giảng trong thánh lễ.
Và nơi thanh vắng của hôm nay, để mỗi chúng ta đến đón nhận sự nghỉ ngơi tuyệt diệu, sau những căng thẳng trong cuộc đời, chính là nơi ngôi nhà tạm thân yêu mà Đức Giêsu Phục Sinh đang đứng đó cất lời mời gọi “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” (Mt 11, 28).
Vâng, trong một thời đại “cơm-áo-gạo-tiền” là một cuộc chạy marathon, sự bất công không thể phản kháng, bạo lực thì ngày một tràn lan… lan từ học đường lan ra khắp phố phường, lòng trung tín và sự thủy chung là một thứ xa xỉ… Con người đã đối xử với nhau mất hẳn tình người.
Ai… ai trong chúng ta dám nói rằng, mình không cảm thấy “mệt mỏi và gánh nặng”… không hơn một lần rơi vào trạng thái trầm cảm! không hơn một lần cảm thấy bất an!
Hãy để tâm hồn mình chìm trong thinh lặng và hãy tự hỏi lòng mình rằng: tôi có rơi vào tình trạng nêu trên?
Nếu có hãy đến cùng lương y Giêsu. Điều này, thánh Phaolô đã trải nghiệm và ngài đã khẳng định rằng “chính Người là bình an của chúng ta” (Ep 2, 14).
Vua David xưa cũng đã cảm nghiệm: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62, 2)
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn