TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Mùa Vọng -Năm C

“Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3, 10-18)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chiếc Bình Bạch Ngọc

Thứ hai - 27/03/2023 22:15 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   1035
Trở lại câu chuyện Chúa Giêsu được xức dầu thơm, chúng ta học được gì nơi người phụ nữ tội lỗi và nơi ông Simon Cùi?
Chiếc Bình Bạch Ngọc
Chiếc Bình Bạch Ngọc



Chiếc bình bạch ngọc chứa đựng dầu thơm cam tùng hảo hạng là tài sản quý giá của người phụ nữ. Chiếc bình được làm với cái cổ cao nói lên chiếc bình này rất quý, và mỗi lần sử dụng một tí. Câu chuyện chiếc bình bạch ngọc là chuyện rất quan trọng của các tín hữu thời các tông đồ nên đã được cả bốn thánh sử ghi lại. Ba thánh sử xác định người phụ nữ này cư ngụ tại Bêtania, một làng quê mà Chúa Giêsu hay lui tới nằm ở phía đông Núi Cây Dầu và cách thành Giêrusalem khoảng ba cây số, còn thánh Luca thì không ghi lại nơi chốn câu chuyện xảy ra, nhưng ngài ghi chú người phụ nữ này là người tội lỗi.

Câu chuyện thánh Luca kể như sau:

36 Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn.37 Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm.38 Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.

39 Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: "Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi! "40 Đức Giê-su lên tiếng bảo ông: "Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông! "Ông ấy thưa: "Dạ, xin Thầy cứ nói."41 Đức Giê-su nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục.42 Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?”43 Ông Si-môn đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.” Đức Giê-su bảo: “Ông xét đúng lắm.”

44 Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn: "Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau.45 Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi.46 Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi.47 Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.”48 Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.”49 Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?”50 Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”  (
Luca 7,36-50)


Thánh Mátthêu và thánh Máccô cho biết người mời Chúa Giêsu tên là Simôn, biệt danh là Simôn Cùi. Có lẽ ông bị cùi và được Chúa Giêsu chữa lành. Còn thánh Luca xác định ông là người Pharisêu, một người chăm chú thi hành luật Chúa một cách tỉ mỉ. Ông được Chúa Giêsu chữa lành lúc nào? Phải chăng ông được Chúa Giêsu chữa lành tại một thành nọ (Lc 5,12-14)  hay là một trong chín người được Chúa Giêsu chữa gần biên giới Samari và không trở lại cám ơn Chúa vì bận phải đi trình diện với các tư tế để chứng minh mình đã sạch bệnh như luật định (Lc 17,11-19) và được trở về với cộng đồng? Và hôm nay, ông mở tiệc để tạ ơn Chúa?

Khi mọi người ngửi hương thơm từ chiếc bình đổ ra, họ đã biết đây là dầu thơm hảo hạng, quý giá.

Trong các môn đệ của Chúa Giêsu hiện diện, Giuđa Ítcariốt, kẻ sẽ nộp Người, người duy nhất thuộc miền Giuđê, sống gần kinh thành Giêrusalem, người được Chúa Giêsu trao cho việc quản lý tiền bạc nhận xét xác đáng rằng: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” (Ga 12,5). Ba trăm quan tiền là một số tiền lớn mà sau này, chính Giuđa đã bán Thầy với giá chỉ có ba mươi đồng bạc (Mt 26,14-16). Chúng ta nhớ trong lần Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất, trước một đám đông chừng năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ em, tông đồ Philípphê nói với Chúa Giêsu : Nếu có mua hai trăm quan tiền thì cũng chẳng thấm vào đâu so với đám đông này? (Ga 6,1-14). Hay trong dụ ngôn Thợ làm vườn nho, làm việc từ tảng sáng cho đến chiều tà, cũng chỉ được một quan tiền mà thôi. (Mt 20,1-14).

Nhưng ở đây chúng ta nhìn xem ông Simon Cùi, người Pharisêu tiếp đón Chúa Giêsu như thế nào?

Ông mời Chúa Giêsu, một người có thể đã chữa ông khỏi bệnh cùi, đã đưa ông trở lại với đời sống tế tự và cộng đoàn, đã trả lại cho ông gia đình và mọi tương quan trong xã hội, đến dự tiệc để tạ ơn Ngài nhưng với thái độ trịch thượng, có vẻ một cách miễn cưỡng và cũng có thể không nhìn ra Ngài là Đấng Mêsia phải đến dù Ngài đã chữa mình khỏi bệnh một cách kỳ diệu.

Với nền văn hóa phương Đông, hiếu khách là một điều quan trọng trong tương quan xã hội, nhiều lúc đòi hỏi phải có nhiều hy sinh như tổ phụ Ápraham tiếp đón Đức Chúa (x.St 18,1-15), hay như ông Lot tiếp đón các thiên sứ của Thiên Chúa (x.St 19, 1-29), nhất là tiếp đón một Rápbi nổi tiếng. Để nói lên lòng yêu mến của mình với vị khách được mời, gia chủ phải rửa chân cho khách, phải xức dầu thơm và hôn khách.

Như chúng ta thấy, ông Simon Cùi, người Pharisêu đã bỏ qua tất cả. Điều này có thể làm Chúa Giêsu không vui, song Ngài chấp nhận khi con người đối xử với Ngài một cách bất công.

Ngược lại người phụ nữ được cho là tội lỗi thế nào?

Bất chấp cái nhìn khinh bỉ của người khác, chị đã đến bên Chúa, chị đã khóc để rửa sạch những bụi bặm nơi chân Thầy. Bất chất bình bạch ngọc chứa dầu thơm cam tùng hảo hạng quý giá, chị vội vàng đập vỡ cổ bình để đổ ra trên chân Thầy. Bất chấp người đời khi tiếp đón khách thì hôn nhau trên mặt, còn chị thì hôn lên đôi chân của Thầy chí ái. Một tấm lòng yêu mến khiêm nhường thẳm sâu.

Hương thơm đổ ra không chỉ một mình người phụ nữ ngửi thấy, nhưng làm cho cả nhà được sực mùi thơm.

Kinh nghiệm bữa tiệc này chắc hẳn để lại trong mọi thực khách một kỷ niệm không bao giờ phai nhạt. Người phụ nữ tội lỗi được Chúa Giêsu tha tội và chúc chị đi bình an. “Tội của chị đã được tha rồi. Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.” (Lc 7,48-50) Tình yêu mến và tin tưởng này sẽ cho chị can đảm theo Chúa đến tận chân thập giá.

Với ông Pharisêu Simon Cùi, bài học dành cho ông trước các thực khách, khi ông tiếp đón Chúa Giêsu với thái độ trịch thượng của kẻ hiểu biết Lề Luật nhưng không thực hành. Đây là điều Chúa Giêsu đã quở trách những người Pharisêu (Mt 23,1-7). Bài học này có lẽ ông Pharisêu Simon Cùi không bao giờ quên.

44 Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau.45 Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi.46 Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi.47 Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. (Lc 7,44-47)

Trước những chống đối Chúa Giêsu ngày càng gia tăng tại thánh đô Giêrusalem, dự cảm được cái chết của mình sắp tới, Chúa Giêsu nói với những người xầm xì về việc người phụ nữ đã xức dầu thơm cho Ngài như sau: “Cứ để cho cô làm. Sao lại muốn gây chuyện? Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghĩa. Điều gì làm được thì cô đã làm: cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng.9 Tôi bảo thật các ông: Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ, thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô.” (Mc 14,6.8-9) Có lẽ vì vậy mà cả bốn thánh sử đều ghi chép về câu chuyện này.

“Dầu thơm ướp xác” làm chúng ta nhớ đến ông Nicôđêmô, người môn đệ âm thầm tin theo Chúa, nhưng đã đến với Chúa một cách công khai khi Ngài chết trên thập giá. Ông mang theo một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương (Ga 19,39) để ướp xác Chúa Giêsu. Một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương là một số lượng dư đủ để ướp xác một vị vua. Chính Chúa Giêsu là Vua Ítraen, là Đấng Mêsia, Đấng Thiên sai mà các ngôn sứ đã loan báo!

Dẫu ướp xác Thầy với một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương nhưng có lẽ thiếu hương thơm tình yêu nên bà Maria Mácđala và các bà khác âm thầm chuẩn bị dầu thơm để đi ướp xác Thầy sau khi chứng kiến việc an táng Thầy một cách vội vả.



Bà Maria Mácđala xuất hiện từ khi nào trong các sách Tin mừng?

Thánh sử Luca kể câu chuyện người phụ nữ tội lỗi xức dầu thơm cho Chúa Giêsu ở chương 7, và sang chương 8, ngài giới thiệu những người phụ nữ đi theo Chúa có “bà Maria gọi là Maria Mácđala, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ” (Lc 8,2), và từ đó, trong bốn Tin mừng, bà Maria Mácđala xuất hiện ở dưới chân thập giá và trong trình thuật Chúa Giêsu sống lại.



Giáo hội phương Tây, một thời đã đồng hóa những phụ nữ có tên Maria trong Tin mừng qua khuôn mặt thánh nữ MariaMácđala và mừng lễ vào ngày 22 tháng 7 hằng năm, cho nên khá nhiều bức họa thánh nữ Maria Mácđala với bình bạch ngọc. Năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định mừng lễ thánh Maria Mađalêna với danh hiệu “tông đồ giữa các Tông đồ”, trả lại cho ngài khuôn mặt đích thực của mình. Giáo hội cũng mừng kính ba vị Mácta, Maria và Ladarô ở Bêtania vào ngày 29 tháng 7 với bậc lễ nhớ. Giáo hội Chính Thống giáo mừng vào 3 ngày lễ riêng biệt: Thánh nữ Maria Mácđala, thánh nữ Maria Bêtania, và người phụ nữ tội lỗi trở lại.

Trở lại câu chuyện Chúa Giêsu được xức dầu thơm, chúng ta học được gì nơi người phụ nữ tội lỗi và nơi ông Simon Cùi? Nhìn anh em với đôi mắt trịch thượng như ông Simon nhìn người phụ nữ tội lỗi? Hay như người phụ nữ tội lỗi vì yêu mà vượt qua mọi ánh mắt của người đời để đến với Chúa và hy sinh những gì quý giá để mọi người có thể hưởng hương thơm của lòng yêu mến?!?

Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. (Lc 10,14)
Nguyễn Thái Hùng
27.3.2023



 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây