TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sự Thương Khó Đức Giêsu (Mt 26, 14-27, 66)

Thứ tư - 29/03/2023 07:43 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   583
Với Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta bước vào Tuần Thánh, là tuần quan trọng nhất trong năm Phụng vụ.

SỰ THƯƠNG KHÓ ĐỨC GIÊSU

Chúa Nhật Lễ Lá năm A: Mt 26, 14-27, 66
 


Suy niệm

Với Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta bước vào Tuần Thánh, là tuần quan trọng nhất trong năm Phụng vụ. Trong tuần thánh, chúng ta chứng kiến những giây phút cuối đời trần thế của Chúa Giêsu, và cử hành cuộc thương khó của Ngài là nguồn ơn cứu độ cho nhân loại chúng ta. Cũng như dân Do Thái xưa, chúng ta cầm cành lá trên tay để đón mừng Chúa như vị Vua hòa bình của thế giới. Nhưng qua bài Thương Khó, chúng ta lại thấy bao nhiêu tội lỗi nhân loại của chúng ta trút lên mình Chúa. Ngài tự gánh hết những tội tình của thế nhân, và muốn rửa sạch hết những tội ác của con người trong cái chết và sự phục sinh của Ngài.

Vì thế, khi nghe kể lại cuộc thương khó và khổ nạn của Chúa Giêsu, ta không thể nghe như nghe những câu chuyện lịch sử khác, nhưng nghe như một thiên tình sử muôn đời của Thiên Chúa gắn liền với cuộc đời của chúng ta. Chúng ta hãy làm sống lại thiên tình sử đó trong chính cuộc đời mình, cảm nhận từ chính tâm hồn mình, nói một cách khác là nội tâm hóa biến cố đau thương và tử nạn của Chúa Giêsu.

Qua bài Thương Khó, ta cần khám phá ra con người mình qua cách hành xử của Philatô, Hêrôđê, Phêrô, Giuđa, các thượng tế, khách qua đường… nghĩa là thấy mình cũng không tránh khỏi những tội phạm tương tự như họ: gian dối, phản bội, ích kỷ, cao ngạo, làm chứng gian, hiềm thù, ghen ghét, độc ác…Vì những tội lỗi đó mà dung nhan của Chúa Giêsu nơi chúng ta bị bầm dập, tồi tàn, đến nỗi người ta không còn nhận ra hình dạng của Chúa trong đời sống của mình.

Phải thấy được tất cả những điều đó qua mọi hành vi và thái độ sống của chúng ta đối với Chúa và tha nhân. Nhờ đó, gợi lên trong ta tâm tình sám hối sâu xa để làm một bước chuyển hóa, bằng cách dám chết đi cho tội lỗi để khơi sáng lại dung nhan Chúa Giêsu trong trái tim và trên khuôn mặt của mình. Không có sự thao thức và niềm khao khát này, tâm hồn ta vẫn trơ trọi, chai lì, dù có qua bao nhiêu tuần thánh nữa cũng vậy thôi, và điều đáng sợ là có thể mất đi cơ hội ngàn đời.  

Mở đầu cuộc thương khó là việc nhà cầm quyền Do Thái tìm cách bắt Đức Giêsu. May mắn cho họ là có sự tiếp tay của Giuđa. Không biết động cơ nào đã thúc đẩy anh làm một việc tầy trời, là tìm cách nộp Thầy cho các thượng tế. Anh ta là một trong nhóm Mười Hai, được Thầy Giêsu tuyển chọn giữa bao nhiêu người, và anh cũng đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Thầy. Thời gian ba năm tuy không dài, nhưng đậm đà tình nghĩa Thầy trò với những sướng khổ, vui buồn trên đường loan báo Tin Mừng, đủ để cho anh nhận ra vai trò và sứ mạng từ trời của Thầy, với những bài giảng cuốn hút, nhất là anh đã chứng kiến những phép lạ lớn lao. Tại sao bỗng chốc lại trở nên tan tác?

Phải chăng vì ham tiền mà Giuđa tìm cách bán Thầy mình? Dù sao thì biến cố xức dầu tại Bêtania, Gioan đã nhận định về Giuđa rằng: y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung”. Nhưng bán Thầy chỉ có ba mươi đồng thì có nghĩa gì đâu. Phải chăng Giuđa có một âm mưu gì lớn lao chứ không thể ti tiện như thế? Người ta nghi anh thuộc phái Zêlốt, nhóm ái quốc cực đoan, luôn tìm cách nổi dậy để đánh đuổi quân Rôma, giành lại độc lập cho Palestin. Chính vì biết Thầy có một quyền lực siêu phàm, nên anh muốn đặt Thầy trong trường hợp đã rồi, để Thầy không còn đường nào khác hơn, là phải ra tay hành động để làm cuộc cách mạng như anh đã dự trù. Nhưng rồi anh đã sửng sốt khi thấy mọi sự ngoài dự định của mình. Thầy đưa tay chịu nộp chứ không ra tay hành động.

Đức Giêsu đã đoán trước được sự việc. Trong bữa tiệc ly, Ngài nhắc khéo anh đến ba lần, để anh kịp thời tỉnh ngộ. Nhưng anh đã mê man trong thế trận mà mình đã bày ra, không ngờ kẻ sa lưới lại là anh. Dù đã đan tâm phản bội Thầy, đưa Thầy vào chỗ chết, nhưng anh ta vẫn sốt sắng tham dự trọn vẹn Bí Tích Thánh Thể mà Thầy vừa thiết lập, là chính thực tại của mầu nhiệm cứu chuộc mà Đức Giêsu sẽ thực hiện trọn vẹn bằng sự hiến tế trên thập giá. Ðã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho người nào nộp Con Người”.

Có ai ngờ người đồng bàn thân thiết với Thầy lại là kẻ phản bội. Đúng như lời Thánh vịnh: “Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con!” (41, 10). Dù đã là môn đệ Chúa, đang trên bước đường theo Chúa, vẫn ở bên Chúa, vẫn chia sẻ một bàn tiệc với Chúa trong Thánh Lễ, nhưng coi chừng tâm ý ta đã khác, đức tin đã phai, tình mến đã nhạt. Đó cũng là điều gây thương tổn nặng nề cho trái tim Đức Giêsu, Đấng cứu độ ta.  

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Đối diện với Thập giá Chúa,
con thấy mọi loang lổ của tâm hồn,
đều được phơi bày trên thân xác Chúa
,

Con kiêu căng nên Chúa phải bị treo.

Con ích kỷ nên Chúa chẳng còn gì.          
Con lãnh đạm nên Chúa bị bỏ rơi.           
Con no thỏa nên Chúa đành đói khát.
Con ham muốn nên Chúa phải trần truồng.

Con hà tiện nên Chúa chịu oan khiên.
Con lười biếng nên Chúa phải ưu phiền.
Con ghen ghét nên Chúa bị đâm thâu.
Con gian dối nên Chúa đội mão gai.

Con buông thả nên Chúa bị nhục mạ.
Con xa hoa nên Chúa chịu đóng đinh.
Con tham lam nên Chúa chịu hành hình.
Con hận thù nên Chúa chết điêu linh...


Tội con không thể nào mà nói hết,
con có chết bao lần cũng không xong,
nhưng rồi Chúa đã chết cho con sống,
cho thế nhân niềm tin yêu hy vọng,
cho những ai lòng sám hối cậy trông,
được vượt qua khỏi cảnh đời tang tóc..
.

Xin xóa tội con theo lượng cả đức từ bi.
Xin cứu vớt con khỏi sa vòng lâm lụy.
Ôi Thập giá
Chúa mãi mãi đáng yêu vì!
tay chắp gối quỳ lòng con mãi niệm suy. Amen.

Lm. Thái Nguyên


 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây