TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chiên Thiên Chúa hay Con Thiên Chúa

Thứ năm - 12/01/2023 20:36 | Tác giả bài viết: Giuse hạt bụi tro |   1190
“Đây là Chiên Thiên Chúa! Đây Đấng xoá tội trần gian.”

Chiên Thiên Chúa hay Con Thiên Chúa
Chúa nhật II Thường Niên A

tbd 130123a

 

Vào lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, chúng ta đã được nghe Chúa Cha giới thiệu về Chúa Giêsu: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. Chúa nhật hôm nay, chúng ta lại nghe Gioan tẩy giả giới thiệu Chúa Giêsu: “Đây là Chiên Thiên Chúa! Đây Đấng xoá tội trần gian.”

Chúa Giêsu đúng thật là Con Thiên Chúa, nên Chúa Cha giới thiệu Ngài là Con yêu dấu của Ta thì dễ hiểu. Tại sao Gioan tẩy giả lại không giới thiệu Ngài là Con Thiên Chúa mà là Chiên Thiên Chúa? Danh hiệu này có ý nghĩa gì? Nói lên điều gì? Câu nói của Gioan hàm chứa cả một kho tàng mặc khải về sứ vụ của Con Thiên Chúa mà Người Do Thái nghe sẽ hiểu ngay, vì họ thường sát tế chiên để dâng hy lễ. Còn chúng ta thì không cảm nhận và hiểu nhiều về con chiên, nên phải giải thích mới có thể hiểu được.

Trong Cựu Ước, con chiên được nhắc đến nhiều lần, và mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Sáng thế 22,8 nói tới việc Isaác hỏi Abraham về con chiên để dâng làm lễ toàn thiêu cho Đức Chúa. Ápraham trả lời con chiên này Đức Chúa sẽ liệu. Sách Xuất hành 12,5 nói đến chiên vượt qua, con chiên không tỳ vết, bị giết để ăn thịt, còn máu thì bôi lên khung cửa, nhờ đó sứ thần của Đức Chúa không giết hại các con đầu lòng của Ítraen, mà chỉ giết các con đầu lòng của người Ai Cập. Isaia 53,7 so sánh người Tôi Trung của Đức Chúa phải chịu đau khổ như con chiên bị đem đi làm thịt, không hề mở miệng kêu la. Những hình ảnh con chiên trên đây ám chỉ những ý nghĩa sẽ thành hiện thực nơi Đức Giêsu. Ngài chính là Con Chiên vô tỳ tích mà Thiên Chúa đã chuẩn bị, để làm hy lễ vĩnh viễn cho ơn cứu độ của chúng ta.

Trong Tân Ước, Gioan Tẩy giả đã gọi Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian (x. Ga 1,29.36). Thánh Phaolô thì gọi Đức Giêsu là Chiên vượt qua đã chịu hiến tế vì tội lỗi chúng ta (x. 1Cr 5,7). Thánh Phêrô thì khẳng định người tân tòng được cứu chuộc nhờ máu của Đức Giêsu, là Con Chiên vẹn toàn vô tỳ tích (x. 1Pr 1,19). Sách Khải huyền 5,6-14 cũng nói đến một Con Chiên, là hình ảnh Đức Giêsu, đã đổ máu mình để cứu chuộc cả nhân loại. Như thế, trong Tân Ước, Đức Giêsu được coi là Con Chiên vượt qua, đã đổ máu mình ra để cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi.
Cả hai tước hiệu Con Thiên Chúa và Chiên Thiên Chúa đều nói lên một sự thật về ơn gọi và sứ mạng của Chúa Giêsu Kitô. Là Chiên Thiên Chúa, Ngài có khả năng xóa bỏ tội trần gian, bằng cách hy sinh mạng sống mình (x. Ga 1, 29.36). Là Con Thiên Chúa, Ngài ban ơn cứu độ và sự sống đời đời cho những ai tin vào Ngài (x. Ga 3, 16-17; 20,31).

Trở về với lời chứng của Gioan, chúng ta thấy lời chứng này đã được Giáo Hội đưa vào trong Thánh Lễ tới hai lần. Lần thứ nhất cộng đoàn thưa “Lạy chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, xin thương xót chúng con. Lạy chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, xin thương xót chúng con. Lạy chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, xin ban bình an cho chúng con”. Và lần thứ hai, trước khi rước Mình Máu Thánh Chúa, Linh mục cầm lấy bánh rượu và tuyên xưng với cộng đoàn: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng Đấng xoá tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.

Lời cầu nguyện và lời tuyên xưng này nhắc nhở chúng ta hãy luôn ý thức về thân phận tội lỗi của mình, và kêu cầu Chúa đoái thương tha thứ tỗi lỗi, để chúng ta được tham dự vào bàn tiệc Chiên Thiên Chúa, bàn tiệc của hy sinh và dâng hiến, của tình yêu và ơn cứu độ. Đồng thời, chúng ta cũng được kêu mời dâng hiến chính mình như một của lễ thật đẹp cho Thiên Chúa và tha nhân. Dâng Chúa cái gì đẹp, tốt và quý giá, chứ không phải những gì dư thừa, không đáng giá thì mới dâng cho Chúa.

Là người Kitô hữu, chúng ta vẫn hay được gọi là con chiên, còn các cha xứ thì được gọi là mục tử, người chăn chiên. Tên gọi ấy, cách nào đó, nói lên ơn gọi và sứ mạng của chúng ta. Chúng ta được mời gọi trở nên giống Chúa Giêsu, dâng hiến chính thân mình làm của lễ cho Chúa Cha qua đời sống tốt lành của mình. Nhờ đó, chúng ta trở thành con cái yêu dấu của Chúa Cha.

Điều này nghe có vẻ xa vời và thiếu thực tế trong đời sống đạo ngày nay. Thậm chí với cả những người sống đời dâng hiến. Càng ngày Giáo Hội càng thiếu những chứng nhân sáng ngời về đức tin, càng thiếu những vị thánh. Nguyên nhân là vì chúng ta học hỏi giáo lý quá ít, không nhiệt thành với công việc của Chúa và Giáo xứ. Và vì không hiểu được Chúa và Đạo Chúa nhiều, nên chúng ta không cảm nhận được Chúa đang sống trong cuộc sống của chúng ta, không để Chúa sống trong cuộc sống của chúng ta. Dường như đời sống đạo và đời là hai đời sống tách biệt nhau.

Gioan tẩy giả đã làm chứng và giới thiệu Chúa Giêsu cho chúng ta. Vì thế, chúng ta cũng hãy làm chứng cho Chúa, qua đời sống hằng ngày của mình. Tuy nhiên, trước khi có thể giới thiệu về Chúa thì chính chúng ta cần phải cảm nghiệm được Chúa đang sống trong cuộc sống của chính mình. Đó là một ơn mà hôm nay chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta.

Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con. Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin giúp chúng con biết dùng lời nói và việc làm để loan báo Tin Mừng của Chúa cho anh chị em chúng con. Amen.

Giuse hạt bụi tro

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây