ĐỜI ĐÁNG SỐNG VII
Năm Mới Cơ Hội Mới Niềm Vui Mới (phần II)
Kính thưa các bạn,
Với kết quả sau một đêm hãi hùng, đầy lo âu, sợ hãi, cuối cùng sáng hôm sau người thanh niên đó vẫn bình an vô sự. Tại sao? Xin thưa, nếu đêm đó người thanh niên kia lo lắng bao nhiêu, thì người cha càng lo lắng gấp bội phần. Thật ra người cha đã không ra về, nhưng ở lại quanh quẩn gần đó, chong mắt canh chừng để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống, mọi bất trắc dù lớn hay nhỏ có thể xảy ra bất cứ lúc nào với con mình trong đêm đó. Quan phòng là như vậy đó. Thiên Chúa luôn “quan phòng” cho chúng ta cũng như vậy đó, dù chúng ta hoàn toàn không hề hay biết! Kể cả những người không tin là có Thiên Chúa hiện hữu.
Năm mới đến, Xuân về, người người hy vọng, chúc tụng nhau một năm mới được nhiều may lành, được sống trong an bình, hạnh phúc. Khát vọng bình an tuy hết sức chính đáng, nhưng con người chỉ đóng góp được một phần hêt sức hạn chế -lời chúc tụng, cầu mong cho nhau như xác nhận: nhân loại không thể đem dến cho nhau bình an –dù chỉ cho chính mình-, mặc dù có bổn phận phải ra sức kiến tạo, chỉ duy nhất Thượng đế mới ban tặng bình an cho nhân loại.
Bình an, hay hòa bình, là không có chiến tranh, yên ổn, vắng bóng sự xung đột, sự trái ý –theo định nghĩa thông thường-, điều mỗi con người bình thường đều mong muốn. Tuy vậy, với người có đức tin, bình an còn mang nhiều ý nghĩa, nhiều cảm nghiệm khác nữa. Người thụ hưởng sự bình an không phải chỉ tiếp nhận một cách thụ động, nhưng đòi hỏi phải có hành động tích cực, cộng tác với quyền năng biến đối do cái chết và phục sinh của Đấng Cứu Thế mang lại. Vì bình an là hoa trái của tình yêu, nó vượt ra ngoài những gì công bình, công chính có thể đem đến.
Khái niệm về sự bình an được dùng và hiểu theo tôn giáo bằng nhiều cách. Trước hết bình an có nghĩa đơn giản là hạnh phúc, khi sở hữu được “những cái tốt lành”. Thánh kinh với khái niệm khác hẳn: “Vì nhờ đó con sẽ được sống lâu trăm tuổi, và đầy tràn phúc lộc bình an” (Sách Châm Ngôn 3:2), và cầu chúc người khác được bình an trong tri giác thật sự của lời chào hỏi, chúc mừng. Người Do Thái còn hiểu bình an trong quan hệ giữa họ và Thiên Chúa “Giao Ước Bình An”. Bình an trong Tân Uớc mang ý nghĩa sâu sắc hơn... đối với người Kitô hữu, cái cốt lõi bình an là chính Chúa Giê-su. Tin mừng nhất lãm kể lại rằng sau khi chiến thắng thần chết, mỗi lần hiện ra với các môn đệ Chúa đều phán “Bình an cho các con”, như xác tín một chân lý chỉ Ngài mới có bình an, mới đem lại bình an. Tưởng cũng nên mở ngoặc ở đây để nói về sự giải thích tối nghĩa, về ý nghĩa “Bình an” của lời Thiên Thần hát khi Chúa Giáng Sinh. “Bình an dưới thế cho người Chúa thương” là đúng nhất. Vì tuy Chúa thương hết nhân loại, nhưng Chúa chỉ ban bình an cho những ai tin thờ Ngài mà thôi. Nhân loại không có Chúa Kitô sẽ không bao giờ biết bình an thật sự, ai không có sự hiện điện của Chúa Kitô trong tâm hồn không thể hiểu bình an thật sự là gì. Điều này được bổ túc bởi Tiên tri Isaia: “Nhưng phường gian ác như biển động không thể lặng yên, sóng nước cuồn cuộn lên những bùn và cặn. Thiên Chúa của tôi phán: Phường độc ác gian tà không được hưởng bình an” (57:20-21)
Các bạn thân mến,
Thánh Giuse-Maria Escriva (Vị sáng lập dòng Opus Dei năm 1928) định nghĩa trong cuốn “The Way” rằng: “Tôi không bao giờ có hạnh phúc thật sự nếu tôi không có sự bình an. Vậy bình an là gì? Bình an hay hòa bình là điều liên kết mật thiết với chiến tranh. Do đó bình an là kết quả của sự chiến thắng. Bình an hay hòa bình đòi hỏi ở tôi một sự đấu tranh liên tục. Không có tranh đấu, tôi sẽ không bao giờ có thể có sự bình an”. Ngài giải thích rằng không có sự bình an trong thế giới này, đó chỉ là một vẻ ngoài nhất định của bình an - một sự cân bằng được tạo ra bởi sự sợ hãi và những thỏa hiệp bấp bênh.
Qua định nghĩa lý thú này chúng ta nhận ra một chiều kích mới mẻ của bình an. Thiên Chúa ban cho chúng ta sự bình an tức sự chiến thắng của Ngài. Ngài đã chiến thắng kẻ thù cuối cùng của nhân loại là thần chết, để tác tạo sự bình an cho chúng ta và nhân loại được hưởng nhờ, Ngài phải trả giá bằng chính mạng sống mình, bằng chính máu của Ngài đã đổ hết ra trên thập giá! Nói cách khác Ngài ban cho nhân loại sự bình an (chiến thắng) được đặt trên nền tảng thập giá. Ngài kêu gọi con cái Ngài phải đấu tranh liên tục để duy trì sự chiến thắng đó, cho dù chắc chắn sẽ không thiếu bóng dáng của thập giá, của hy sinh. Ngài chiến thắng vì Ngài từ bỏ tất cả, từ bỏ chính mình. Ngài trao ban cho nhân loại sự bình an phát xuất và mang ý nghĩa từ bỏ đó. Khi chiến thắng người ta được quyền sống trong vui sướng, trong lạc quan là chuyện đương nhiên. Thiên Chúa cũng muốn con cái mình sống trong tinh thần vui vẻ hăng hái này.
Tuy nhiên, mục đích cuộc sống là hướng đến tha nhân, mưu cầu hạnh phúc cho họ. Tôi liên tưởng đến cuộc đua chạy bộ tiếp sức, tôi tưởng tượng chúng ta đang tham dự vào cuộc chạy đua tiếp sức cùng Thiên Chúa. Chúng ta được Chúa ban cho sự bình an, kết quả của chiến thắng do cái chết của Ngài đem đến cho chúng ta. Đó là lá cờ chiến thắng. (Thông thường sự chiến thắng được biểu tượng bằng lá cờ). Bạn và tôi phải làm gì trong việc cộng tác vào ân sủng tuyệt vời và cao cả này, phải làm gì để duy trì sự chiến thắng đó, với lá cờ đó. Thiên Chúa là người đầu tiên cầm cờ chiến thắng trong cuộc chạy bộ tiếp sức này, chúng ta là những người kế tiếp, nhận được lá cờ chiến thắng này. Chúng ta có bổn phận cầm cờ chạy tiếp để giao cho những người kế tiếp mà chúng ta biết. Nếu chúng ta không thể đem đến bình an cho người khác -theo cả nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng-, thì ít ra chúng ta cũng cố gắng thông chuyển cho họ khái niệm về lá cờ chiến thắng này, về sự bình an và cái giá để đạt được sự bình an đó của Thiên Chúa trước kia và của chúng ta bây giờ.
Thưa các bạn,
Thánh Escriva viết rằng: “Nếu bạn không cảm nghiệm niềm vui ngay trong cuộc sống hiện tại. Bạn đừng hy vọng sẽ được niềm vui vĩnh cửu đời sau”. Càng cảm nghiệm niềm vui hiện nay, chúng ta càng cảm tạ, thấm thía tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Ngài đã hy sinh tất cả, đến tận cùng. Ngài đã đến và đã chết cho chúng ta được sống; Ngài hy sinh cả nụ cười cho chúng ta được hưởng trọn niềm vui, có được cuộc sống lạc quan. Đây là lý do trong Tin Mừng, Chúa không bao giờ cười cả (động từ cười được bắt gặp chỉ hai lần trong Tin Mừng: một lần người ta mỉm cười chế nhạo Ngài khi Ngài hứa sẽ cứu con gái của viên kỳ mục (Mt 9:24; Mc :5:40; Lc:8:53) và một lần trong tám mối phúc thật (Lc:6-21).
Tóm lại, sự bình an (là kết quả của chiến thắng), và tinh thần lạc quan trong cuộc sống là hai ân huệ Chúa ban cho nhân loại. Tuy vậy ai cũng phải phấn đấu liên tục mới có thể duy trì, nắm giữ được. Dĩ nhiên nói thì dễ nhưng làm cho được, theo đuổi đến cùng là điều vô cùng gian nan và khó khăn. Cũng giống như khi người ta nói với nhau “anh yêu em” hay “em yêu anh”, chỉ tốn một vài giây đồng hồ, nhưng phải hy sinh cả đời để thực hiện và chứng minh cho được điều này.
Các bạn thân mến,
Trong năm mới này, cầu mong mọi người nhận được sự bình an khi cầu xin, biết phấn đấu gìn giữ nó, biết ra sức cộng tác với Thiên Chúa Bình An. Biết chấp nhận và cảm tạ những gì Chúa gởi đến cho chúng ta trong năm mới này. Biết sống lạc quan với đời, với người. Xin ơn Chúa phù trợ để nhận ra và biến đổi cuộc sống của từng cá nhân, từng gia đình, từng ơn gọi đang phải đối phó từng ngày, với nhiều thách đố, nghi nan; cuộc sống chung nhiều phức tạp, tranh dành, kèn cựa. Thánh Augustinô cho rằng Thiên Chúa dựng nên nhân loại cho chính Ngài, như khẳng định với chúng ta biết ý nghĩa cuộc sống mình phải nhắm đến, làm cho vinh quang được tỏ rạng nơi Thiên Chúa Tình Yêu, cội nguồn Bình An, đồng thời chúng ta cũng hưởng nhờ vào Tình Yêu và Bình An đó.
Năm mới, niềm vui mới, hy vọng mới, hãy cảm tạ và tri ân Thiên Chúa tốt lành, cảm ơn những người mang đến niềm vui; cũng như cố gắng đem niềm vui đến cho tha nhân. Chúng ta tri ân rất nhiều người đang thực hành nhiều sứ vụ khác nhau, nhưng đặc biệt lúc này chúng ta chân thành tri ân những người can đảm, hào hùng làm thay cho chúng ta: những người tiến lên tuyến đầu để chống Covid, trợ giúp nạn nhân của Covid và những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này. Những người tốt lành này bao gồm cả người có niềm tin và người không có, hay chưa có niềm tin. Hy vọng trong tương lai những người này sẽ cảm nghiệm được hay nhận ra chính lúc này đây: họ đang đương đầu với nguy hiểm, họ đang chấp nhận rủi ro khi đối đầu với dịch bệnh. Rồi một ngày nào đó, khi họ nghiệm ra triết lý sống tuyệt vời của Ki-tô giáo: Tình yêu khiến chúng ta tự do, nhưng tình yêu cũng khiến chúng ta chấp nhận rủi ro. Và mọi kết quả rủi ro này hoàn toàn mang chiều kích thập giá, nên chúng có ý nghĩa cứu độ. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban xuống cho họ và gia đình những ơn lành cần thiết trong năm mới này. Hãy cảm nghiệm niềm vui ngay trong ngày hôm nay, các bạn nhé.
Các bạn thân mến,
Vì “chưa phạt đã tha”, Chúa đã để lại cho chúng ta phương thế, con đường để thụ hưởng điều huyền nhiệm này. Chỉ trong Gíáo Hội Công Giáo mới có đầy đủ các phương tiện cứu độ. Đặc biệt ở đây có hai huyền nhiệm: Bí Tích Hòa Giải và Bí Tích Thánh Thể. Muốn nhận lãnh điều sau phải thực hiện điều trước đã; muốn có điều trước phải can đảm trong khiêm tốn nhìn nhận mình là người tội lỗi, cũng như tin tưởng Ngài là người duy nhất trên thế gian này có thể tha thứ và chữa lành cho tất cả chúng ta mọi phương diện. Chúng ta thử tưởng tượng mình mang nặng ân tình của một người, người có quyền năng tuyệt đối trên chúng ta, rồi người đó còn yêu thương vô vàn, tốt lành, đối xử quảng đại quá sức tưởng tượng với chúng ta. Thử hỏi làm sao chúng ta không cảm kích, xúc động trước những động thái và tình cảm thánh thiêng này. Chính sự xúc động, lòng kính yêu, và tri ân thôi thúc, nên khiến chúng ta không muốn làm phiền lòng Ngài, không muốn làm cho Ngài phải ưu tư.
Riêng với những ai vẫn còn đang hững hờ, hay muốn tìm kiếm mục đích cho đời mình thì trong năm mới này, hy vọng mọi sự tốt đẹp sẽ đến với các bạn; niềm vui thật sự sẽ đến, chúc các bạn thành công.
Hãy đến với Giáo Hội Công Giáo bạn sẽ biết ý nghĩa cuộc sống này, và bạn sẽ biết toàn bộ Kinh Thánh chỉ tóm tắt để nói với, và dạy chúng ta hai điều:
1/ Hãy ký thác đường đời cho CHÚA, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay (Thánh vịnh 37).
2/ “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (Gioan 2:5) (Đây là lời của Đức Trinh Nữ Maria nói với gia nhân ở tiệc cưới Ca-na).
Thân ái tạm biệt các bạn. Chúc mừng Năm Mới.
Phaolô Ngô Suốt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn