Chúa Nhật II – TN – A
Hãy đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa
Chúng ta vừa mới trải qua một mùa Giáng Sinh nhiều cảm xúc. Gọi nhiều cảm xúc là bởi, có người vui và cũng có người buồn. Vâng, có người vui, vui vì mùa Noel năm nay “trúng mánh”, hàng online tấp nập người older, nhìn shipper chạy giao hàng cứ như thể bươm bướm bay lượn.
Và, có người buồn. Nhớ... “Noel năm nào chúng mình có nhau… Áo trắng em bay như cánh thiên thần. (Nụ cười duyên) dưới tháp chuông ngân”. Ấy thế mà… thế mà Noel năm nay, có buồn không kia chứ! Chẳng hiểu vì sao, lời nguyện “mình suốt đời có nhau” nay đã trở thành “Lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu” để rồi… “em qua cầu xác pháo bay sau…” (Bài thánh ca buồn).
Vâng, buồn vui là chuyện thường tình trong cuộc sống. Tuy nhiên, là một Ki-tô hữu, nếu vui thì hãy vui trong Chúa. Còn nếu buồn ư! Đừng để nỗi buồn vấn vương trong lòng ta, hãy dâng nỗi buồn đó cho Chúa. Hãy buồn trong Chúa.
Noel là gì nếu không phải là “Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta”! Hài Nhi Giê-su xuống thế làm người là vì ai, nếu không là “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta.”!
Thế nên, với những ai đang buồn! Đừng buồn nữa. Còn những ai đang vui, hãy tiếp tục vui lên, vì Hài Nhi Giê-su còn được biết đến chính là “Đấng xóa tội trần gian” và chính là người “Thiên Chúa tuyển chọn.”
Ông Gio-an Tẩy Giả là người diễm phúc được nghe chính Thiên Chúa xác thực điều này. Sự kiện Thiên Chúa nói với ông đã được ghi lại chi tiết trong tin mừng thánh Gio-an. (x.Ga 1, 29-34).
**
Vâng, chuyện được ghi lại, rằng: Từ khi rời hoang địa và đến sông Gio-dan, ông Gio-an Tẩy Giả đã nói rất nhiều điều liên quan đến Đức Giê-su. Một hôm, khi thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, ông liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”
“Tôi…” ông Gio-an Tẩy Giả nói: “…đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân It-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước.”
Và, như một chứng nhân, ông nói tiếp: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước, đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1, 32-33).
Cuối cùng, ông Gio-an tuyên bố, rằng: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”
***
Đừng ngạc nhiên khi ông Gio-an Tẩy Giả đã gọi Đức Giê-su là “Chiên”. Tại sao? Thưa, bởi đó là từ ngữ không xa lạ đối với người Do Thái. Mà, chẳng phải là ông đang nói với người Do Thái, đó sao!
Khi nói tới chiên, người Do Thái không thể quên đó là con vật từng giải thoát cha ông họ ra khỏi Ai Cập, khi xưa.
Về sự kiện này, trong bài viết “chiên sát tế”, tác giả Anphong, ofm, có lời giải thích rằng: “Hằng năm vào lễ Vượt Qua của người Do Thái, mỗi gia đình có tục lệ ăn thịt một con chiên. Phải lựa con chiên non dưới một năm tuổi, tốt đẹp, không tì vết. Người Do Thái ăn thịt chiên Vượt Qua, không phải để mừng mùa đông đã qua và mùa xuân vừa mới khởi đầu, nhưng là để kỷ niệm ngày Chúa giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Vào đêm hôm giải thoát dân Do Thái. Chúa truyền cho họ giết một con chiên non, lấy máu bôi lên cửa nhà. Đêm ấy sứ thần Chúa đến, nhờ dấu máu chiên bôi ở cửa nhà mà người Do Thái được sứ thần “vượt qua,” (bỏ qua), không vào nhà tàn sát con đầu lòng.” (nguồn: internet).
“Chiên”, từ đó, được dùng làm con vật trong tế tự. Con chiên đã được được dùng để tế lễ Thiên Chúa, làm của lễ toàn thiêu, làm của lễ hiến tế, và cũng để làm của lễ đền tội.
Sách Lêvi dạy: “Nếu một người vô ý phạm tội, làm một trong những điều mà ĐỨC CHÚA cấm làm... thì vì tội đã phạm, nó sẽ đưa đến một con dê (hoặc chiên) làm lễ tiến. Nó sẽ đặt tay trên đầu lễ vật tạ tội và sát tế lễ vật tạ tội ở nơi sát tế lễ vật toàn thiêu. Tư tế sẽ dùng ngón tay lấy máu con vật và bôi lên các góc cong của bàn thờ dâng lễ toàn thiêu, rồi đổ tất cả máu còn lại xuống chân bàn thờ... Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội như thế cho người ấy, và người ấy sẽ được tha. (Lv 4, 27-32).
Sách Xuất Hành truyền dạy: “Đây là những gì ngươi sẽ dâng trên bàn thờ: hai con chiên một tuổi, ngày nào cũng vậy, phải giữ như thế mãi mãi. Ngươi sẽ dâng một con lúc sáng, còn con thứ hai thì dâng vào lúc chập tối. Cùng với con chiên thứ nhất, ngươi sẽ dâng bốn lít rưỡi tinh bột lúa miến nhào với hai lít dầu ô-liu giã trong cối, và lấy hai lít rượu nho làm rượu tế. Còn con chiên thứ hai, ngươi sẽ dâng vào lúc chập tối, và dâng cùng với lễ phẩm và lễ tưới rượu như ban sáng. Đó là hương thơm làm đẹp lòng ĐỨC CHÚA, là lễ hoả tế dâng ĐỨC CHÚA.” (Xh 29, 38-41).
Giới thiệu Đức Giêsu là Chiên-Thiên-Chúa, ông Gioan Tẩy Giả muốn nói rằng: Ngài chính là Chiên-Con-Mới, một lễ vật mới cho việc “tế lễ” tạ tội cho tội lỗi của nhân loại.
Tác giả thư Do Thái cũng có lời, rằng: “Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con”. (Dt 10, 4-7).
Thánh Phaolô đã nhắc nhở cộng đoàn Corinto điều này, ngài nói: “Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (x.1Cr 5, 7).
****
Đức Giê-su còn được gọi là Đấng-xóa-tội-trần-gian. Đúng ra, phải gọi là Đấng-gánh-tội-trần-gian. Cũng trong bài viết chiên-sát-tế, tác giả Anphong, ofm, cho rằng, “chữ ‘xóa’ là một cách nói văn hoa nhẹ nhàng nhưng không lột hết ý nghĩa của nguyên ngữ. Tiếng Hy Lạp dùng từ “Airein,” tiếng Latin dùng từ “Tollit” có nghĩa là nhận lấy vào mình, gánh lấy, vác lấy. ‘Xoá’ có thể có nghĩa là đứng ngoài. Ở ngoài ta bắn một quả canon, xoá sạch hang ổ của kẻ địch. Từ trời, Đức Chúa cho mưa diêm sinh xuống xoá sạch tội lỗi dân Sôđoma và Gômora. Vì thế có lẽ nên dịch là Đấng ‘gánh’ tội trần gian thì đúng hơn.”
Đúng vậy. Đức Giêsu không đứng ngoài cuộc. Ngài đã nhập cuộc. Đã gánh lấy thân phận con người và nhất là gánh lấy tội lỗi thế nhân.
Đó là sự thật. Sự thật là Đức Giê-su đã hạ mình đứng cùng những kẻ tội lỗi để xin ông Gio-an Tẩy Giả “làm phép rửa cho mình” (Mt 3, …13). Sự thật là Đức Giê-su đã đồng bàn với những kẻ tội lỗi. Sự thật là Đức Giê-su đã chịu chết giữa hai tội nhân, những kẻ bị gọi là phường-trộm-cướp.
Có một câu chuyện được kể, rằng: “Có một cô gái đang có người yêu bị một kẻ lạ mặt hãm hiếp và đã có thai. Cô khổ tâm vô cùng vì bị người yêu khước từ và gia đình ngờ vực. Cô đã đến gặp Đức Cha Fulton Sheen than thở với ngài và hỏi ngài: “Tại sao con phải ra nông nỗi này?” Sau khi lắng nghe với tất cả sự cảm thông, Đức Cha ôn tồn trả lời cô gái: ‘Vì con đang gánh tội của một người’.
Rồi Đức cha Sheen kết luận: Nếu chỉ vì phải gánh tội của một người mà cô gái kia phải đau khổ buồn sầu như thế, thì khi phải gánh chịu tội của cả nhân loại Chúa Giêsu đã phải chịu đau khổ buồn sầu biết chừng nào!” (nguồn: internet).
“Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng gánh tội trần gian.” Vâng, là một tín hữu Công Giáo, chẳng phải là chúng ta đã nghe câu này trong mỗi thánh lễ, đó sao!
Chúng ta đã nghe, nghe nhiều lần. Nghe nhiều lần, thế nhưng chúng ta có thực hiện những gì Chiên-Thiên-Chúa, đã thực hiện! Chúng ta có sống như những gì Chiên-Thiên-Chúa, đã sống!
Nói rõ hơn, chúng ta có hiền hậu và khiêm nhường, như Chiên-Thiên-Chúa đã mời gọi: “hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.”!
Chúng ta có chạnh-lòng-thương-xót trước những kẻ nghèo đói, bệnh hoạn, tật nguyền, như Chiên-Thiên-Chúa “(khi) thấy đám đông thì chạnh lòng thương xót, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”?
Chúng ta có tha thứ cho người anh em mình như Chiên-Thiên-Chúa đã tha thứ cho chúng ta? Có phần chắc đó là những ước mong mà Chiên-Thiên-Chúa muốn chúng ta thực hiện.
Nếu… nếu chúng ta thực hiện, hãy tin, vào ngày sau hết chúng ta sẽ được “mời đến dự tiệc cưới Con Chiên” trên Nước Trời, nơi chúng ta sẽ được “nên một với Chiên Thiên Chúa.” (x.Kh 19, 9).
Vâng, chúng ta sẽ được nên-một-với-Chiên-Thiên-Chúa, không phải ngày sau, mà là ngay hôm nay, ngay bây giờ. Đó là, nơi Bàn Tiệc Thánh Thể, qua việc lãnh nhận “Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô”, chúng ta sẽ được nên-một-với-Chiên-Thiên-Chúa.
Nơi bàn tiệc cưới Con Chiên trên Nước Trời, thiên thần bảo: “Hạnh phúc thay kẻ được mời” (Kh 19, 9). Còn nơi bàn Tiệc Thánh Thể thì sao, nhỉ! Thưa, vị linh mục chủ tế nói: “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.
Ai được mời? Thưa, chúng ta được mời. Thế thì, hãy đến. Hãy đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn