CON CHẲNG ĐÁNG CHÚA NGỰ VÀO NHÀ CON
(Thứ Ba sau Chúa Nhật XXXIII TN – Lc 19,1-10)
Bài Tin Mừng hôm nay, thứ Ba sau Chúa Nhật XXXIII TN là một trong những bài Tin Mừng trích đọc trong Thánh lễ Cung hiến đền thờ đó là đoạn Tin Mừng kể về chuyện ông Giakêu, người đứng đầu những người thu thuế. Người Do Thái thời bấy giờ liệt quy người thu thuế vào nhóm những người tội lỗi, ngang hàng với phường bán thân nuôi miệng. Người thu thuế bị xem phạm hai tội lớn. Tội thứ nhất là làm tay sai cho đế quốc Rôma, đế quốc đang đô hộ nước Israel lúc ấy và tội thứ hai là bóc lột đồng bào vì họ thường thu thuế cao hơn mức ấn định để tư lợi. Giakêu lại là người đứng đầu nhóm thu thuế, hẳn ông biết định kiến của người Do Thái thời bấy giờ đối với ông.
Nghe biết Chúa Giêsu sắp đi ngang qua, Giakêu vội trèo lên một cây sung. Trèo lên cây sung để nhìn xem Ngài Giêsu mặt mũi ra sao mà người tiếng tăm đang lừng lẫy khắp nơi. Vóc dáng không cao bằng ai thì phải trèo lên cây, nhưng cũng có thể vì không muốn đám đông phát giác ra mình. Ẩn mình là một cung cách thường thấy của tội nhân đang còn chút lương tri.
Tưởng đâu kế hoạch, chương trình êm xuôi. Ai ngờ Ngài Giêsu chợt đứng lại bên gốc cây sung, ngước lên và gọi: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải lưu lại nhà ông”. Chưng hửng trước một lời ngỏ ý mà chẳng khác gì mệnh lệnh, ông Giakêu vội tụt xuống ngay. Ngài gọi đích danh là Ngài đã biết rõ mình. “Lạy Chúa, Chúa Ngài dò xét con và ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi…” (Tv 139). Ngài biết rõ mình mà Ngài còn ngỏ ý ngự vào nhà mình. Chuyện như không tưởng mà đang hiện thực. Chuyện thật khó tin mà đang xảy ra. Sự chưng hửng, sự bất ngờ không át được niềm vui.
Điều gì làm cho một nơi nào đó, một công trình kiến trúc nào đó thành đền thờ? Là nơi đã được làm phép hay cung hiến để các tín hữu quy tụ nhau tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích… Một câu trả lời thật chính xác, nhưng chưa thật bao quát và cũng chưa đúng trọng tâm, vì mới chỉ mô tả những dữ kiện bên ngoài. Với câu trả lời ở trên thì không thể giải thích vì sao gọi tâm hồn, thân xác chúng ta cũng có thể là đền thờ. Vẫn có đó những nơi đã được làm phép dành cho việc tế tự nhưng đã trở thành nơi buôn bán, thành hang trộm cướp (x.Ga 2,16; Lc 19,46).
Đền thờ là nơi có Chúa ngự. Một câu trả lời ngắn gọn mà khá đủ đầy ý nghĩa. Ở đâu có Chúa ngự thì đó chính là đền thờ. “Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay, tôi ở lại nhà ông”. Chúa Giêsu tự nguyện đến với nhà Giakêu. Hôm ấy, nhà Giakêu, đúng hơn là con người Giakêu đã thành đền thờ chăng? Theo lôgich thì chắc chắn như thế. Tuy nhiên ta vẫn cứ ngờ ngợ làm sao. Cũng như đám đông dân Do Thái lúc bấy giờ, chúng ta có thể tự hỏi: “Sao Chúa có thể ngự vào cái nơi không xứng đáng được?
Theo triết học, khi biết đặt vấn đề là lúc ta biết cách giải quyết vấn đề một cách nào đó. Nào ta lại đặt câu hỏi: Vì nơi ấy xứng đáng, vì ta xứng đáng nên Chúa mới ngự vào hay ngược lại nhờ Chúa đoái thương ngự đến nên ta hay nơi ấy trở nên xứng đáng? Quả thật thế gian này, chẳng có ai, chẳng có nơi nào xứng đáng làm nơi Chúa ngự, vì trời là ngai của Chúa và đất là bệ chân của Người. Dù là rực rỡ như đền thờ vua Salômon xây, hay nguy nga tráng lệ như các ngôi Thánh đường ở Rôma, thì tự chúng cũng chẳng đáng chút nào dành cho Đấng Tối Cao, Đấng ngàn trùng chí thánh. “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi…” (Mt 8,8 tt). Câu nói của viên bách quản như là một lời tuyên tín khiến Chúa Giêsu đã khen ngợi: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế.” (Mt 8,10). Hội Thánh đã lấy lại lời của viên bách quản để tuyên tín trước khi đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…” Chúng ta đừng quên, không chỉ đoàn tín hữu tham dự Thánh lễ mà cả vị chủ tế (các vị đồng tế, nếu có) đều phải đọc lời này trước khi rước Thánh Thể vào lòng.
Chính nhờ Chúa đến, Chúa thương ngự vào thì ta mới nên xứng đáng. Chúa đến và Giakêu đã nên xứng đáng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19,9). Chính nhờ Chúa đến, một Lêvi đã trở thành Tông đồ Matthêu. Chính nhờ Chúa đến mà trần gian đang chìm trong bóng tối đã trở nên sáng láng huy hoàng (x.Ga 1,5). Nhờ Chúa đến, con tim của Giakêu trước đây vốn đóng kín bằng sự hám lợi ích kỷ nay đã mở ra trong sự công bằng và tình yêu: “Thưa Ngài, này đây phân nửa gia tài của tôi, tôi chia cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8).
“Nhà Ta là Nhà cầu nguyện” (Lc 19,46). Với các đền thờ vật chất hữu hình thì không gì hơn hãy tích cực làm cho chúng trở thành là nhà cầu nguyện. Nghĩa là làm cho chúng trở thành nơi gặp gỡ giữa Chúa và ta, giữa chúng ta với nhau trong tình Chúa. “Này đây, Ta đứng trước và gõ. Ai nghe tiếng ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Thiên Chúa đi bước trước, nhưng Người vẫn luôn tôn trọng sự tự do đáp trả của chúng ta. Để cho chính tâm hồn và thân xác chúng ta trở nên đền thờ, thì cần có sự đáp trả chân thành. Một vài thái độ đáp trả cần có:
- Tin vào tình thương và quyền năng của Chúa.
- Khiêm nhu nhìn nhận sự yếu đuối, tội lỗi, bất xứng của chính mình.
- Quyết tâm đổi thay đời sống, biết mở tấm lòng để sống xứng với ân tình của Chúa.
Các đền thờ gỗ đá vẫn luôn là cần thiết. Tuy nhiên chính tâm hồn chúng, thân xác chúng ta là nơi Chúa thích ngự vào hơn cả. Tích cực góp phần xây dựng các đền thờ gỗ đá là một hành vi đáng quý, nhưng nỗ lực dệt xây các đền thờ sống động vẫn đáng quý hơn nhiều. Những tâm hồn đầy tràn đức ái trên nền tảng đức công bình, những con người biết sống yêu thương cách liêm chính đúng thực là những đền thờ, vì “đâu có tình yêu thương là ở đấy có Đức Chúa Trời hiện diện”.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn