BIẾN DẠNG!
(Thứ Tư sau Chúa Nhật XXXIII TN – Lc 19,11-28)
Tin mừng thánh Matthêu và Luca đều tường thuật dụ ngôn “những nén bạc” (x.Mt 25,14-30; Lc 19,11-27). Có nhiều chi tiết khác nhau giữa bản tường thuật của hai thánh sử. Cả hai thánh sử đều tường thuật rằng có ba người được chủ trước khi đi xa trao lại cho những nén bạc. Theo thánh Matthêu thì người thứ nhất nhận được năm nén, người thứ hai nhận hai nén và người thứ ba nhận một nén. Đến khi chủ trở về hỏi thì người nhận năm nén đã trình báo làm lợi được thêm năm nén khác, người thứ hai làm lợi thêm hai nén. Theo thánh Luca thì cả mười người đều nhận được mỗi người một nén như nhau. Khi vua trở về thì người thứ nhất trình báo là sinh lợi được mười nén, người thứ hai sinh lợi được năm nén. Cả hai Thánh sử đều tường thuật rằng người thứ ba vì khiếp sợ, nghĩ rằng ông chủ là người hà khắc, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo nên đã chôn giấu hoặc bọc trong khăn giữ kỹ nén bạc của chủ mà không làm sinh lợi. Dù không làm thiệt hao vốn chủ giao, nhưng người thứ ba vẫn vị phạt nặng. Và chủ đã phán: “Hỡi đầy tớ tồi tệ! Tôi cứ lời từ miệng anh mà xử anh…”.
Tội của người thứ ba khởi đi từ cái nhìn của anh về chủ của mình. Chân dung của người chủ đã bị biến dạng theo cái nhìn của anh và vì thế anh không có lòng yêu mến chủ. Tâm trí của anh ắp đầy nỗi sợ hãi khiến anh quên mất một cách thế dễ dàng để làm sinh lợi vốn chủ giao là gửi ngân hàng.
Tâm lý sợ hãi khi diện kiến thần minh là tâm lý bình thường của con người, nhất là trước những diễn biến bất thường của giới tự nhiên. Dân Chúa trong thời Cựu Ước cũng ít nhiều mang tâm trạng này. Họ vừa kính sợ Thiên Chúa nhưng cũng vừa kinh hãi Đấng Toàn Năng khả úy. Chân dung Thiên Chúa chưa được mạc khải cách hoàn hảo. Đến thế gian này, sứ mạng chủ yếu của Đức Kitô là tỏ bày Đấng Toàn Năng chính là Cha nhân ái. Người vừa nêu gương vừa mời gọi chúng ta đến với Cha Toàn Năng trên trời trong tình con thơ, con thảo. Lời kinh Lạy Cha là một đan cử (x.Mt 6,7-15). Và như thế chúng ta sẽ vượt qua sự sợ hãi và cả sự kính sợ để đến với Người trong tâm tình kính mến. Đây chính là điều mà người thứ nhất và người thứ hai trong chuyện dụ ngôn có được, nhưng người thứ ba thì không. “Phàm ai đã có thì sẽ được cho thêm, còn ai không có có thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi” (Lc 19,26; Mt 25,29).
Nguyên nhân gì khiến cho chân dung Đấng Tạo Thành bị biến dạng? Với người xưa thì có thể là sự hạn chế của trí khôn, sự bất lực của con người trước thiên nhiên. Với người văn mình thì sao? Khoa học dần phát triển, con người ngày càng khám phá và nhận biết khá nhiều quy luật của giới tự nhiên. Dù vậy vẫn tồn tại sự sợ hãi nơi nhiều người có niềm tin tôn giáo. Ngay cả trong Kitô giáo, chân dung của Thiên Chúa Toàn Năng vẫn còn “méo mó” một cách nào đó trong tâm thức của nhiều tín hữu. Trong nhiều lý do thì chúng ta phải thừa nhận một vài lý do sau:
Khuôn mặt của Thiên Chúa được trình bày và giảng dạy như một “vị thần” quá nghiêm khắc qua hệ thống luân lý quá chi li, vụ luật, nghiêng về sự cấm đoán. Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Người, thế mà thực tế có đó chuyện loài người lại phác họa chân dung Thiên Chúa theo hình ảnh của mình. Bên cạnh đó chân dung Đấng Toàn Năng đầy lòng xót thương nơi nhiều đấng bậc được gọi là “thay mặt Chúa” xem ra còn khá mờ nhạt.
Khi đi rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu đã từng nghiêm khắc phê phán nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ. Người đã từng thẳng thừng nói các vị tiến sĩ luật rằng chính họ đã không vào Nước Trời mà những người muốn vào họ lại ngăn cản (x.Lc 11,52). Chuyện mù dẫn mù cả hai lăn cù xuống hố là chuyện của kiếp nhân sinh xưa lẫn nay (x.Lc 6,39).
Đó đây có nhận xét rằng Giáo hội Công giáo Việt Nam ở tầm các giáo phận thì “Rôma hơn cả Rôma”. Còn ở tầm các giáo xứ thì chuyện “phép vua thua lệ làng” là không hiếm. Các Giám mục thì đặt nặng sự vâng phục đối với các linh mục hơn là sự cộng tác. Từ đó các linh mục lại đòi hỏi tín hữu giáo dân tuân lệnh hơn là đồng hành hay hiệp hành. Một cách nào đó hình thành nên lối sống đạo nghiêng về sự kính sợ hơn là kính mến. Biên giới giữa sự kính sợ và kinh hãi nhiều khi chỉ là sợi chỉ mong manh. Cụ thể là đa số tín hữu giữ đạo chỉ mong “khỏi sa hỏa ngục” là đã thành công.
Năm Phụng vụ đã dần kết thúc. Các bài đọc Thánh Kinh Giáo hội cho chúng ta nghe trích đọc hướng cái nhìn về thời cánh chung. Chắc chắn rồi mọi người sẽ diện kiến Đấng Toàn Năng. Chúng ta mong gặp Người Cha từ nhân hay là Vị quan tòa hà khắc? Điều này còn tùy thuộc việc chúng ta đã và đang phụng sự ai, tôn thờ ai.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn