Chúa Nhật XXXIII – TN – B
Sống chứng nhân là “tử đạo xanh”
“Ki-tô hữu qua bí tích rửa tội, khởi đầu một cuộc hành trình, bước qua cánh cửa đức tin để hiệp thông với Thiên Chúa và Hội Thánh…” Đó là điều Đức Benedicto XVI xác định trong tự sắc giới thiệu Năm Đức Tin 2012.
Theo Đức Benedicto XVI: “Một điều quan trọng trong Năm Đức Tin là duyệt lại lịch sử đức tin của chúng ta, trong đó có một mầu nhiệm khôn lường giữa sự thánh thiện và tội lỗi…”
Những dòng chữ trên đây, là “lời nói đầu” của cuốn sách “HÀNH TRÌNH ÂN PHÚC”, tác giả là Lm. PX. Đào Trung Hiệu, OP.
Theo lời tác giả chia sẻ, thì: “Hành Trình Ân Phúc là cơ hội nhìn lại lịch sử 480 năm hành trình đức tin của Hội Thánh Việt Nam, từ thời điểm thừa sai Inikhu đặt chân trên mảnh đất này năm 1533 đến năm 2013”.
Nhìn lại lịch sử Hội Thánh Việt Nam, tác giả sách cho biết, đó là nhìn lại: “Những dấu chân của các vị lãnh đạo, trăn trở tìm hướng đi, đáp ứng những dấu chỉ thời đại. Những dấu chân hăng say của các sứ giả loan báo Tin Mừng. Những dấu chân tình yêu của các tập thể (cộng đoàn), hiến thân trong công tác giáo dục, bác ái và công bình…”
Đó là nhìn lại: “…Những dấu chân bình dị của các tín hữu, chu toàn bổn phận và sống thánh giữa đời. Những dấu chân lạc điệu lầm đường khi xa rời truyền thống, a dua theo thói đời. Và, những dấu chân anh dũng của các thánh tử đạo, dám chết cho niềm tin và làm chứng cho tình thương”.
Vâng, nhìn lại lịch sử Hội Thánh Việt Nam, còn là dịp để chúng ta thể hiện truyền thống ngàn đời, rằng: “Uống nước nhớ nguồn”.
Với những-dấu-chân-lạc-điệu-lầm-đường…a-dua-theo-thói-đời. Hãy theo gương Thầy Giê-su đã dạy, chúng ta cầu nguyện cho họ, nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).
Còn với dấu chân của những người đã “anh dũng tiến lên hy sinh vì tình yêu”! Thưa, như một truyền thống đẹp, mỗi năm vào Chúa Nhật XXXIII – TN, toàn thể Hội Thánh long trọng cử hành thánh lễ, một thánh lễ mừng kính quý ngài, những quý ngài mà hôm nay, chúng ta trân trọng gọi là “Các Thánh Tử Đạo Việt Nam”.
**
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những người như thế nào? Thưa, quý ngài là những người tin Chúa Giêsu, và trung thành với niềm tin của mình. Cuộc đời của quý ngài là một chứng từ, là một cuộc sống kết hiệp với ơn Chúa, sẵn sàng chịu bắt bớ tù đày, chịu nhiều hình phạt khắc nghiệt, dẫu cho đó là cái chết, chỉ vì không từ bỏ niềm tin của mình.
Nói tới “tử đạo”, là nói tới cực hình. Những cực hình các vị tử đạo phải gánh chịu, đó là: bị gông cùm, bị xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói. Nặng hơn thì bị voi dầy, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng. Tàn bạo hơn thì bị xử trảm, xử giảo (thắt cổ) hoặc bị thiêu sống. Hung hãn nhất là bị xử lăng trì (một hình thức phân thây ra từng mảnh) hay bá đao (bị xẻo từng mảnh thịt)… cho tới chết, đúng như tác giả thư gửi tín hữu Do Thái mô tả: “Có những người phải chịu nhạo cười và roi vọt, hơn nữa còn bị xiềng xích, và bỏ tù, họ bị ném đá, bị cưa đôi, bị chết vì gươm…” (x.Dt 11, 36-37).
Hội Thánh Công Giáo Việt Nam có tổng cộng 117 vị đã được Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II tuyên thánh vào ngày 19/06/1988, và ngài An-rê Phú Yên được tôn chân phước vào ngày 5/3/2000.
Theo tác giả “Hành Trình Ân Phúc” ghi lại, chúng ta được biết: ”Giai đoạn lịch sử thời 117 thánh Tử Đạo Việt Nam kéo dài đúng 117 năm, tính từ hai vị tử đạo tiên khởi năm 1745 (Phanxico Federich Tế và Mattheu Liciniana Đậu) đến vị cuối cùng năm 1862 (Phê-rô Đa), qua các triều đại vua Lê - chúa Trịnh, Cảnh Thịnh và triều Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức)”.
Một trăm mười tám vị tử đạo, là một trăm mười tám cách chết khác nhau. Nhưng, cuộc sống các ngài lại có một mẫu số chung, đó là, phảng phất lòng bao dung và tình yêu thương.
Lòng bao dung và tình yêu thương của các thánh tử đạo đã tạo ra một môi trường sống “thân ái”, thân ái không chỉ với những người đồng đạo, mà còn với ngay cả những người có nhiệm vụ bắt bớ quý ngài.
Chuyện được ghi lại rằng: “Linh mục Vũ Bá Loan, niên trưởng 84 tuổi, được mọi người kính trọng gọi bằng cụ, (khi bị bắt) ngài không bị đòn đánh, và trong ngày xử, mười lý hình bỏ đao chạy trốn, đến người thứ mười một, (anh ta) đã lịch sự xin phép: Việc vua truyền cháu phải làm, xin cụ xá lỗi cho. Cháu sẽ cố giúp cụ chết êm ái. Khi về trời cụ nhớ đến cháu” (nguồn: Hành Trình Ân Phúc – trang 240).
Khi-về-trời-cụ-nhớ-đến-cháu, nghe sao thấy quen quen, nhỉ! Sao giống “y chang” lời người gian phi bị hành hình cùng với Đức Giê-su, trên Núi Sọ, năm xưa: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Đức Giê-su đã đáp ứng lời kêu xin của anh chàng “gian phi sám hối”.
Cụ Lm. Vũ Bá Loan chắc chắn sẽ nhớ đến “cháu”, tôi tin như thế. Cháu ơi! nếu hôm nay cháu “được thiên thần đem vào lòng ông (Lm. Loan)”, cháu nhớ ‘cầu thay, nguyện giúp’ cho hàng giáo phẩm Công Giáo Việt Nam. Nhớ nhé! cháu nhớ cầu nguyện để hàng giáo phẩm không bị lọt vào đó những vị “rời xa niềm tin truyền thống (và) a dua theo thói đời”.
Ba vị linh mục Gioan Đạt, thừa sai Gagelin Kính và linh mục Đặng Đình Viên, quý ngài là những mẫu gương điển hình của tình yêu thương.
Chuyện kể rằng: linh mục Gioan Đạt, khi ngài vừa dâng lễ xong thì quân lính vây bắt. Cha đã chạy thoát, nhưng vì để quên áo lễ, cha thấy quân lính tra tấn gia chủ nên ra nộp mạng và nói: “Vẫn biết tôi có thể thoát, nhưng như thế anh chị em sẽ bị khổ nhiều”.
“Vẫn biết tôi có thể thoát”, thế mà cha Gio-an Đạt, lại “ra nộp mạng”. Ôi! quả là một con người ngập tràn tình yêu thương, một thứ tình yêu: “người liều mạng sống vì người mình yêu”.
Và đây, với thừa sai Gagelin Kính. Vâng, ngài đã viết thư xin phép giám mục cho mình ra trình diện để tín hữu Bình Định được bình an. Còn linh mục Đặng Đình Viên thì sao? Thưa, cha đã trốn an toàn trong vườn mía dày đặc, nhưng khi thấy quân lính đánh đập tra khảo con của chủ nhà, cha cũng tự động ra thế mạng. (trích: Hành Trình Ân Phúc).
Cuối cùng, và cũng là điều chúng ta cần ghi khắc trong con tim mình, đó là “lòng tôn sùng Đức Maria của các thánh tử đạo”.
Linh mục Federich Tế, tự nhận là con điên của Đức Maria. Khi dừng bước ở Macao đợi tàu đến Việt Nam, ngài đã cầu nguyện: “Lạy Thánh Mẫu cao vời nhân ái. Tấm lòng con điên dại đáng thương. Ngày đêm nung nấu can trường. Lòng bao la Mẹ đâu phương đáp đền”. (sđd – trg 251)
Và, cảm động thay, khi hai linh mục Gia và Liêm từ trại tù ra pháp trường đã hát vang lời kinh Salve Regina (Lạy Nữ Vương): “Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống được vui được cậy… Xin cho chúng con được thấy Đức Giê-su con lòng Mẹ…” (sđd - trg 253).
Chỉ là phàm nhân yếu đuối, nhờ đâu mà các vị có sức chịu đựng, chịu đựng cho đến chết? Phải chăng, đó chính là “nhờ đức tin”, tin rằng, với “Ơn của Chúa” các ngài đã có thể vượt thắng sự bắt bớ, tù đày, chết chóc!
Đúng vậy, thánh Phao-lô đã từng trải nghiệm điều này và ngài đã chia sẻ với cộng đoàn Corinto: “Một thủ hạ của Satan được sai đến để vả mặt tôi… Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: Ơn của Thầy đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (x.2Cor 12, 9).
Sức mạnh của Chúa, đã được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của các vị tử đạo, do đó, các vị đã trở thành những “Martyr”, những Martyr của lòng bao dung và tình yêu thương.
***
Như đã nói ở trên, với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, hôm nay toàn thể Giáo Hội Việt Nam long trọng “Mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam”.
Mừng kính các ngài, trước là để chiêm ngắm lại những con người đã trở thành những “hạt giống”, những hạt-giống-đức-tin một thời đã làm tăng thêm vẻ đẹp cho “Ngôi Vườn Giáo Hội”, như lời ngài Tertuliano có nói: “Máu các vị tử đạo, là hạt giống sinh nhiều giáo hữu”.
Và điều kế tiếp, đó là chúng ta nghĩ gì, qua câu nói của ngài Tertuliano? Nói rõ hơn, hạt-giống-đức-tin của tôi, có “sinh nhiều giáo hữu”, như hạt giống đức tin của các vị tử đạo?
Câu hỏi này “căng” quá, phải không, thưa quý vị! Dạ thưa, không căng quá đâu. Ngày nay, ngoại trừ một vài nhóm nhỏ như nhóm Isis, hoặc như nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa là những kẻ, những nơi còn bắt bớ, giết hại, gây khó dễ cho việc truyền đạo, sống đạo. Còn hầu như trên thế giới hôm nay, tìm thấy một người “tử đạo đỏ” là việc ít xảy ra.
“Tử đạo đỏ” xuất phát từ đâu có danh từ này? Thưa, “Theo thời gian, Ki-tô giáo đã không ngừng phát triển và trở thành tôn giáo chính ở rất nhiều quốc gia; các cuộc bách hại (tử đạo) nhắm vào Ki-tô hữu, vì thế, cũng ngày một thưa dần.”
“Ở Ireland, nơi Ki-tô giáo được tiếp nhận cởi mở ngay từ đầu, chưa từng có bách hại, các tín hữu vì thế rất khao khát mình cũng được tử đạo, theo hình thức khác. Một bài giảng cổ được viết vào khoảng cuối thế kỷ VII ở đây, đã đưa ra một bản tóm tắt hoàn hảo về ba loại tử đạo: Bây giờ, có ba loại tử đạo được kể như thập giá dành cho một người, đó là: tử đạo trắng, tử đạo xanh và tử đạo đỏ.” (nguồn: Augustino.net).
“Tử đạo trắng cốt ở việc một người từ bỏ mọi thứ anh ta yêu thích vì Thiên Chúa, mặc dù phải ăn chay hay lao động cực nhọc.
Tử đạo xanh cốt ở việc một người giải phóng chính mình khỏi những ham muốn xấu xa, bằng cách ăn chay hay lao động cực nhọc; hoặc chịu đựng những đau đớn, vất vả trong việc đền tội và ăn năn sám hối.”
“Nếu như các vị tử đạo đỏ làm chứng cho Chúa Ki-tô bằng chính máu của mình, thì các vị tử đạo xanh và tử đạo trắng làm việc đó bằng các thực hành và quyết tâm trong đời sống tu đức. Nếu như tử đạo đỏ thường không có nhiều dịp xảy ra trong thế giới hiện đại, thì tử đạo xanh và tử đạo trắng là những ‘linh đạo’ khả thi cho mọi Ki-tô hữu muốn trở thành ‘chứng nhân’ của Đức Ki-tô, hôm nay”. (nguồn: augustino.net).
Vâng, rất phù hợp lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI: “Con người hiện đại sẵn lòng nghe chứng nhân hơn là nghe thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dạy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng.”
Thế nên, thật phải đạo khi hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi: hạt-giống-đức-tin của tôi, có sinh-nhiều-giáo-hữu! Tôi… tôi có đứng trong hàng ngũ các thánh tử đạo: “tử đạo trắng – tử đạo xanh”!
****
Chúng ta đang bước vào những tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ. Những tuần lễ này, phụng vụ Lời Chúa nhắc nhở chúng ta về ngày tận thế, và ngày quang lâm, ngày mà, như lời Đức Giê-su đã nói “mặt trời sẽ tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (x.Mc 13, 24-26).
Nhắc nhở điều này, không ngoài mục đích là để mỗi chúng ta hãy sẵn sàng cho ngày phán xét, ngày mà Đức Giê-su, như một ông chủ đi xa, nay trở về, và hỏi chúng ta về những nén bạc đã được giao phó.
Nói một cách cụ thể, Đức Giê-su sẽ hỏi chúng ta, rằng: “…Xưa ta đói, các người đã cho ta ăn? Ta khát các ngươi đã cho uống? Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước? Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc? Ta đau yếu các ngươi đã thăm viếng? Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han?”
Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ, chỉ khi chúng ta thực hiện những điều Đức Giê-su đòi hỏi (nêu trên), chúng ta mới được gọi là những “martyr” của Ngài. Quan trọng hơn, điều đó chứng tỏ chúng ta đã đứng trong hàng ngũ những người tử đạo, tử đạo trắng – tử đạo xanh.
Trong đại dịch, những nơi nào bùng phát mạnh, nơi đó gọi là “vùng đỏ”, những nơi không có dịch gọi là “vùng xanh”. Chẳng ai muốn địa phương (nơi mình ở) là vùng đỏ.
Cũng vậy, đối với chúng ta. Là một Ki-tô hữu, chúng ta cũng không muốn mình phải chịu ”tử đạo đỏ”. Vâng, muốn hay không, đó là việc của Chúa. Nhưng, có phần chắc, Ngài vẫn muốn chúng ta “tử đạo”. Tử đạo qua việc: “Phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình…” (Mt 16, 24).
Đây là cách sống của một chứng nhân, và các thánh tử đạo Việt Nam đã sống như thế. Quý ngài đã sống như thế, và quý ngài đã được cấp “thẻ xanh”. Đây không phải là thẻ xanh để trở thành thường trú nhân ở Mỹ, nhưng là thẻ xanh để trở thành “thường trú nhân trên Nước Trời”.
Là Ki-tô hữu, bạn có muốn mình được cấp loại “thẻ xanh” này! Nếu muốn, rất giản dị, hãy sống một đời sống chứng nhân, như các vị thánh tử đạo đã sống. Sống chứng nhân, cũng là một cách tử đạo, tử đạo xanh.
Sống chứng nhân là “tử đạo xanh”.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn