TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật -Lễ Thánh Gia Thất -Năm C

Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan (Lc 2, 41-52).
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nơi viết nên chuyện tình nhân loại

Thứ tư - 17/11/2021 17:48 | Tác giả bài viết: Têrêsa Nguyễn Vui |   1160
Dịch bệnh là cơ hội để con người biết trân trọng, biết yêu thương và hạnh phúc khi nhìn thấy nhau.
Nơi viết nên chuyện tình nhân loại

 BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN: NƠI VIẾT NÊN CHUYỆN TÌNH NHÂN LOẠI

WGPSG (17.11.2021) -  "Nếu gia đình là nơi viết nên câu chuyện cuộc đời mỗi người thì “gia đình bệnh viện dã chiến” là nơi viết nên chuyện tình nhân loại, là nơi ta cho đi chính mình, là tất cả những gì mình sống vì nhau." 

Đại dịch Covid-19 tạm lắng nhưng còn đọng lại những tấm lòng, những bàn tay nhân ái, những thiện nguyện viên hết mình vì bệnh nhân… Tất cả đã làm nên một gia đình nhân loại đầy yêu thương.

Thời gian qua, những câu chuyện đẹp từ trái tim đến trái tim vẫn luôn lan tỏa ánh sáng. Quả thật, nhờ ơn Chúa mà ‘Vò bột không vơi, hũ dầu không cạn’ (1V 17, 14), càng cho đi lại càng có thêm.

Một Phật tử niệm Phật, hành thiền… mang trong lòng mục tiêu giáo lý nhà Phật. Một Kitô hữu cầu nguyện ấp ủ trong lòng tình yêu… trong sự thật về Thiên Chúa và sự thật của một người, được Thiên Chúa yêu thương tác thành bao bọc chở che. Chính đại dịch đã tạo ra môi trường thấm đẫm yêu thương.

“Chưa bao giờ chúng con thấy Phật Giáo và Công Giáo gần nhau đến như thế.” Đó là lời chia sẻ của Đại đức Thích Nguyên An trong buổi lễ “Đón và tri ân các tình nguyện viên Tôn giáo”, tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương. Chính tình thương trong thời covid đã tạo nên môi trường sống thân thiện, chan hòa yêu thương và đầy tình người.

Bệnh viện dã chiến - cái tên mới nghe đã thoáng thấy một chút sợ hãi, lo lắng-  lại là nơi ghi dấu bao câu chuyện cảm động về tình người. Chính các thiện nguyện viên là những người viết nên câu chuyện rất thật ấy.

Với 3 tháng phục vụ, các thiện nguyện viên đã cảm, đã thấu, đã xem bệnh viện như gia đình thứ hai của mình, đã chứng kiến bao kỉ niệm vui buồn nơi đây. Chính tình yêu làm cho bệnh viện dã chiến này hóa thành “gia đình”.

 “Gia đình dã chiến” này đã xảy ra biết bao biến cố: vui có, buồn có, hạnh phúc có, khổ đau cũng có. Niềm vui vỡ òa khi được chứng kiến bệnh nhân xuất viện ngày càng đông, số ca tử vong ngày càng giảm. Đồng thời mọi người cũng quặn lòng chấp nhận khi có một bệnh nhân không qua khỏi.

Quả thật, một gia đình không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Một gia đình không phải lúc nào cũng mỉm cười và không có nước mắt, chỉ có hạnh phúc mà không có khổ đau. Điều quan trọng là khi gặp đau khổ thì bạn chọn cách đối diện với nó như thế nào, vượt qua nó ra sao?

Những bệnh nhân nơi đây cũng cảm nghiệm được rằng hạnh phúc không phải lúc nào cũng là tất cả. Những người đã vượt qua bệnh tật là những người tìm được ý nghĩa trong cuộc đời khi họ sống với nhau. Có lẽ nhờ cảm nghiệm được điều đó nên mọi người nơi đây sống để thương nhau. Giữa bộn bề cuộc sống, ai cũng có nỗi niềm riêng, vậy mà tình cảm giữa người với người chẳng bao giờ mất.

Nếu gia đình là nơi viết nên câu chuyện cuộc đời mỗi người thì “gia đình bệnh viện dã chiến” là nơi viết nên chuyện tình nhân loại, là nơi ta cho đi chính mình, là tất cả những gì mình sống vì nhau. Các thiện nguyện viên đã làm mọi cách để bệnh nhân được an ủi, là cầu nối giữa người nhà với bệnh nhân, lo cho bệnh nhân ra đi trong thanh thản, bình an khi không có người thân bên cạnh, đã làm cho những người nhà ấm lòng khi biết người thân mình ra đi trong bệnh viện.


Một cụ già tâm sự: “Khỏi bệnh thì tôi vui, nhưng tôi sợ về nhà lắm. Về nhà con nó hắt hủi vì không có tiền cho nó…Chưa bao giờ tôi cảm nhận mình được yêu thương như khi ở bệnh viện. Người ta bảo bị Covid là xui nhưng sao tôi thấy mình hên quá! Ở đây tôi được các bác sĩ và các sơ, các thầy thương. Tôi thấy đây mới là gia đình thực sự”. Thế đấy, gia đình đối với một số người chỉ đơn giản là được những người bên cạnh yêu thương.

Nhớ lại quãng thời gian tháng Bảy, tháng Tám, thời điểm quá khó khăn và lo lắng mọi mặt bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, thế mà những chuyến xe cứu trợ vẫn lăn bánh, nhân viên y tế và an ninh vẫn cật lực thâu đêm, ATM thực phẩm vẫn tuôn chảy hàng ngày…, bước chân của tình nguyện viên trong đó có các linh mục, tu sĩ nam nữ vẫn kiên trì tiến lên… Đó là biểu hiện cao cả và sống động của lòng trắc ẩn.

Dịch bệnh là cơ hội để con người biết trân trọng, biết yêu thương và hạnh phúc khi nhìn thấy nhau. Từ đó con người biết nghĩ, biết sống cho nhau. Lặng một chút để cảm thông. Lặng để sẻ chia. Lặng để nhìn lại mình còn may mắn hơn biết bao người. Chưa bao giờ tình người trên đất Việt lại thấm đậm như trong mùa dịch này. Các thiện nguyện viên đã từng bước học được nơi Thầy Giêsu lòng trắc ẩn. Đó là một bài học lớn mà có lẽ chưa ai giải thích và học được trọn vẹn ý nghĩa của nó.

Dịch bệnh càng nặng thì tình người càng lớn. Mọi người cùng chung nhịp đập con tim, không phân biệt tín ngưỡng để cùng giúp nhau vượt qua. Những nhân viên y tế, những tình nguyện viên phục vụ nơi tuyến đầu.

Nơi hậu phương, những con người âm thầm cầu nguyện cho đất nước mau sớm vượt qua dịch bệnh và được bình an. Có Sơ chia sẻ: “Tôi không được ra tuyến đầu chống dịch, chỉ biết hằng ngày hằng giờ, trong lúc làm việc cũng như khi nghỉ ngơi, thầm dâng lên Thiên Chúa lời khẩn xin tha thiết. Chính lúc này, con người mới thấy mình bất lực, chỉ biết trông cậy và phó thác cho tình thương của Chúa”.

Đó đây, các giáo xứ đang thực hiện nghĩa cử cao đẹp của tình bác ái như Lời Chúa dạy: “Cho thì có phúc hơn là nhận”.

Trong dịch bệnh sẽ có thất vọng, sẽ có đau đớn nhưng hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Bởi ánh sáng vẫn lóe lên trong bóng tối. Phía sau đám mây vẫn luôn có bầu trời. Mong một ngày mai nắng lên, mây sẽ xanh, bầu trời sẽ trong và chim sẽ lại hát ca.

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta được thêm ngày nữa để yêu thương.

 

Têrêsa Nguyễn Vui, Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục

Nguồntgpsaigon.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây