TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Linh mục, người là ai? -kỳ 7

Thứ ba - 22/02/2022 04:24 | Tác giả bài viết: Lm Lã Mộng Thường |   783
Linh mục, người là ai? của tác giả Lm Lã Mộng Thường là tác phẩm kể lại cuộc đời một vị linh mục trẻ người Việt Nam, mục vụ tại Hoa Kỳ.
Linh mục, người là ai? -kỳ 7

LINH MỤC, NGƯỜI LÀ AI? I
(Kỳ 7)

Ngày...tháng...năm...

Kính cha,
Cha có biết, cứ mỗi lần con cầm bút để viết thư cho cha là đang buồn, chán nản đến tột cùng, cha có hiểu vì sao không? Con cũng chẳng muốn kể lể bởi những lời nói, những ý nghĩ trong lúc buồn thì không thật, không vui, hoặc quá thật mà con chẳng nói ra được trong lúc vui cha ạ!
Cha có biết, đây là lần đầu nếu con nhớ không sai, con kể ra cho cha nghe, con không có ý định sống hết cuộc đời của con với ông chồng này, con đã có ý định bỏ đi từ lâu, nhưng vì con nghĩ tới lũ nhóc, con không đành tâm để chúng không có ba, con chấp nhận những sự nhục nhã, con đã quyết nhịn và hy sinh bản thân cho 5 đứa con hay ít ra có 6 người được vui, nhưng cha Lành à! Con đã nghĩ rất kỹ nếu con tiếp tục sống chung với anh ấy chưa chắc đã giúp ích gì cho lũ nhóc, bởi chúng cũng bất mãn ba chúng nhiều điều ngay cả con Hà cũng vậy. Theo con hiểu thì nó cũng có ý định bỏ đi, bởi nó nói với con, “Tại sao những việc ba làm ba thấy đúng, mà mẹ làm thì ba cho là sai” (cùng một sự việc) con cũng chẳng biết nói sao; Anh Huỳnh mỗi lần đánh con thường đánh trước mặt mấy đứa nhỏ chẳng nể nang, hoặc chửi con những lời quá đáng. Có ai chửi vợ mình bằng những lời nói như: “Ông đập vào mặt bây giờ... không ưa ngọt chỉ ưa nặng” hoặc “Không lo làm việc chỉ lo đú đỡn với nhân viên” hoặc “Cái thứ lì lợm, ương ngạnh, hỗn láo như ông già cô vậy” hoặc “Đi với đĩ còn sướng hơn... v.v...”
Cha có biết, ngày rời khỏi nơi đó con đã nghĩ con phải cố gắng bằng hết sức con để làm lại từ đầu; con đã bỏ lại sau lưng quá khứ, con đã chỉ ôm theo những kỷ niệm đẹp đẽ nhất, con mong mỏi những kỷ niệm đẹp sẽ làm hành trang và niềm an ủi khi chung sống những lúc không được vui, những khi buồn phiền. Nhưng cha hiểu không? Sự nhịn nhục cũng chỉ có giới hạn, những lời nói của anh ấy con chỉ để ngoài tai được vài lần, con không thể nào vui vẻ khi mỗi ngày phải nghe anh ấy chửi, anh ấy xỉ nhục và điều tệ hại nhất con không thể nào không ghê tởm mỗi khi phải ngủ chung với anh ấy... Cha Lành, cha có hiểu không?
Cha kính, có lẽ giữa hai con đường mà con phải chọn, con nghĩ con nên chọn con đường nào ít tủi nhục, ít nước mắt, có nghĩa là con phải bỏ đi, con nghĩ với cuộc sống không có anh ấy, con cũng chẳng muốn người nào khác nữa, bởi theo con, con lấy anh ấy từ lúc còn là con gái, không vướng bận với một tấm lòng thành thật cộng với sự thương yêu kính trọng, cái thuở ban đầu đẹp đẽ ấy đã chẳng giúp cho con có hạnh phúc với chồng, thì bây giờ có người đàn ông nào dám cưu mang 5 đứa nhóc, và rộng lượng bỏ qua cho con với cái án “bỏ chồng hay bị chồng bỏ,” điều này con dám hứa với cha dù không có anh ấy trong cuộc sống, cũng chẳng có người đàn ông nào xen vào cuộc sống của con sau này, và con cũng đã nghĩ tới cuộc sống của con sau này rất chật vật vì phải vật lộn với công việc để mà nuôi con cái, nuôi thân.
Hiện giờ con cũng có nhiều dự tính nhưng chẳng biết có thành công hay không. Cha hãy cầu nguyện cho con nhiều nha! Dầu sao thì cha cũng là người mà con coi trọng nhất, cha cũng đừng khuyên con bỏ ý định ra đi, bởi con đã nghĩ kỹ và đã làm hết sức mình những điều gì mà con làm được. Ở đây con buồn lắm vì chẳng có bạn, chẳng có người để tâm sự nên nỗi buồn mỗi ngày một chồng chất. Trước đây, mỗi khi giận anh ấy con thường nói chuyện với cha hoặc anh Hạnh, hoặc nói chuyện vui với Khả, Tùng, Nhàn, Hân cũng giúp con khuây khỏa mà vui sống.
Tới đây con ngừng bút, hãy cầu nguyện cho con mỗi ngày, con cũng cầu chúc cha sống vui và khỏe mạnh.
Tạm biệt cha,
Nguyễn thị Lan.

Thật ngỡ ngàng! Cha Lành lững thững vô nhà bếp pha ly cà phê với tâm tư chùng xuống. Một nỗi buồn thấm thía phủ lấp ngài. Đôi vợ chồng tốt lành, dễ thương thế mà không ngờ... Bao lâu nay đâu ai có thể nghĩ chuyện có thể xảy đến như thế; xét theo bề ngoài thì cho rằng vợ chồng họ hạnh phúc lắm vậy mà những âm ỉ nội tâm bởi thái độ vô tình không để ý đã tạo nên những đau khổ không thể chịu đựng nổi đưa tới quyết định sống riêng, cắt đứt tình nghĩa... Như thế, đâu phải chỉ một gia đình này, mà còn bao nhiêu gia đình khác không ai hay biết...

Cha Lành bưng ly cà phê trở lại bàn viết, đốt điếu thuốc và ngả lưng vô dựa ghế để tâm tư bông lung hoang dã... Sao dân Chúa gặp lắm cảnh đau khổ thế! Đau khổ vì đức tin hay đau khổ vì cuộc đời. Những cảnh đau khổ này bởi đâu mà có? Bởi rơi vào hoàn cảnh không thể tránh thoát hay bởi sự thiếu hiểu biết về cuộc đời? Làm sao có thể khuyến khích họ biết thêm về chính họ để giúp cuộc sống hôn nhân hạnh phúc hơn, phá tan những hiểu lầm bởi sự vô ý thức, son đẻ của sự thiếu hiểu biết đáng tiếc...

o o o

- Hello...
- Làm ơn cho tôi gặp chị Lan.
- Dạ con đây! Cha khỏe không?
- Cũng thường thôi, vừa đọc xong thơ chị, buồn quá! Phỏng có cách nào giải quyết khá hơn không?...
- Không còn cách nào hơn cha ạ; con đã suy nghĩ kỹ rồi...
- Chị định trở lại đây hả?
- Không đâu, về lại đó con của con hư mất. Con sẽ đi nơi khác... Cha xem, nơi ấy tụi con nít chỉ tranh đua nhau theo chúng theo bạn mà không chịu học hành. Rồi nào băng đảng nọ kia, ăn cướp, cần sa ma túy làm sao con có thể dạy con cái được...
- Chị có muốn tôi nói chuyện với anh ấy không?
- Không, cha nói chỉ thêm rắc rối, con càng bị phiền hơn! Thứ người vô tâm mà!
- Tôi nghĩ đó không phải là vô tâm mà là không hiểu. Chị cũng thế, anh ấy cũng vậy, và bao nhiêu người khác nữa bởi có dành thì giờ để học hỏi về ảnh hưởng của những chuyện nhỏ nhặt đó nơi đời sống vợ chồng đâu mà để ý. Lúc chuẩn bị thành hôn có nói đến học hỏi là cứ rối lên lâu với mất giờ, còn lo chưa kịp yêu thì già sớm mà; đến giờ mới vãi tội ra! Tôi đề nghị, chị nên dành riêng giờ nào đó tới một nơi thanh vắng cầu nguyện, suy nghĩ và đặt vấn đề lại nơi chính chị, những gì mình có thể chấp nhận, những gì không thể và tự đặt vấn đề mình là người có cá tính như thế nào v.v... Hy vọng chị có thể tìm ra lối giải quyết đơn giản và thực tế hơn. Thế chị tính chừng nào sẽ đi?
- Chưa đâu cha, có sớm cũng phải ít tháng nữa xem sao.
- Nếu anh ấy biết để thay đổi...
- Thay đổi sao được, bao nhiêu năm rồi, xưa nay vẫn thế!
- Chị đã nói chuyện với anh ấy chưa?
- Nói làm gì, nào có thay đổi chi được mà nói.
- Chị chưa nói sao đã biết là thay với không!
- Khốn chưa nói anh ấy đã quát lên con nhịn sao được.
- Không bạ lúc nào nói lúc ấy được; chị nên đề nghị vào thời gian xác định rõ ràng sao cho thuận tiện, và nói rõ không có mục la lối; đây là chuyện quan trọng; đồng thời khi người này nói người kia phải im lặng... La lối chỉ chứa đựng một sự che dấu, lấp liếm nào đó thôi.
- Được rồi, để con thử xem... Cha có biết nhà con đang ở vùng đấy không?
- Không, có chuyện gì vậy?
- Con để “message” lại trong máy cha không nghe à? Nhà con cũng chưa gọi cho cha sao?
- Chưa, anh ấy đang ở nhà ai?
- Nhà anh Hạnh.
- Để tôi gọi anh ấy. Thôi chào chị, cứ từ từ, không nên nóng nảy chỉ sinh thêm phiền. “Bye then.”
- Vâng, bye cha.

Sáng sớm vừa trở lại văn phòng sau khi dâng lễ điện thoại đã reo vang...
- Nhà xứ Mân Côi...
- Chào cha, cha đang làm gì thế? Cha dâng lễ chưa?
- Ai đó, sao gọi sớm vậy?
- Cha quên rồi à! Con là Huỳnh, mới tới tối qua; mời cha đi uống cà phê.
- Ở đâu vậy? Tôi muốn gặp riêng anh cỡ 15 phút.
- Con đang pha cà phê ở nhà anh Hạnh. Cha tới ngay được không? Sau khi uống cà phê, cha chở con tới nhà anh Nhàn và cha con mình nói chuyện với nhau trên xe vì hôm nay con có nhiều chuyện phải lo cho xong để chiều lên phi cơ...
- Được, tôi tới ngay.

Đoạn đường thường đi sao hôm nay trở nên ngắn thế!... Cha Lành chưa biết phải mở đầu câu chuyện thế nào với Huỳnh! Vấn đề được đặt ra phải thật tế nhị nếu không sẽ chạm tự ái của Huỳnh, và như thế đã chẳng giúp ích gì lại sinh lắm rắc rối cho vợ chồng anh ta. Mãi bận suy tư xuýt chút nữa ngài vượt đèn đỏ gây tai nạn nếu tài xế chiếc xe đâm ngang với quyền ưu tiên không nhấn còi...

Mới xa cách ít lâu mà Huỳnh trông khác hẳn, có lẽ công việc kỳ này bận rộn hơn mặc dầu khấm khá hơn; anh chàng có vẻ mệt mỏi, kém hoạt bát hơn ngày nào. Trên đường về nhà Nhàn, Huỳnh trầm ngâm...
- Dạo này anh chị làm ăn khá không?
- Được lắm cha nhưng hơi mệt và cô đơn. Con cảm thấy như thiếu cái gì ấy. Ở đấy con không có người nói chuyện; cha biết, con khó kiếm người nói chuyện nên lẻ loi kinh khủng. Kỳ ở đây may mắn còn có cha, giờ dọn về đó con thấy thiếu hẳn...
- Gia đình anh bây giờ thế nào...?
- Cũng thường thôi, đôi khi cũng có những rắc rối nho nhỏ xảy ra như cha đã thường biết...
- Sao bảo qua đèo từ khuya rồi mà...
- Cứ qua được cái đèo này thì lại gặp cái đèo khác; cuộc đời mà cha; kinh nghiệm dẫu chỉ qua một lần nhưng lại quá nhiều kinh nghiệm.
- Hình như kỳ này anh gặp chuyện gì khó xử hoặc có những chuyện gì cần sự cố gắng quá mức chịu đựng của anh làm anh có những thái độ khác thường...
- Có sao đâu cha, chỉ hơi mệt...
- Ngày xưa anh hoạt bát, lanh lợi; dạo này anh ít nói, có vẻ trầm ngâm... Hình như có chuyện gì ưu tư hay lo lắng đang ảnh hưởng rất nhiều tới anh...
- Cũng có thể con nhận không ra...
- Nếu tôi không lầm thì có lẽ có chuyện rắc rối nơi gia đình mà anh không để ý hoặc đang cố tránh nghĩ tới...
- Dĩ nhiên là có nhưng cha hiểu con là người thế nào; hơn nữa, con vẫn thường nói với nhà con là công việc buôn bán của tụi con đang lên nên phải cố giữ cho nó hơn hoặc bằng...
- Vậy còn vấn đề gia đình thì sao? Anh chắc còn nhớ tôi vẫn thường quan niệm công việc buôn bán làm ăn nên hay không tùy thuộc vào gia đình. Nếu gia đình thuận hòa, buôn bán mới phát triển được...
- Cha biết tính nết và quan niệm con từ lâu rồi, bao giờ gia đình mình chả phải là hơn hết...

Biết Huỳnh không muốn nhắc đến chuyện đang xào xáo trong gia đình có thể vì ngại nói, nhưng cha Lành cũng cố gắng khơi nguồn; biết đâu Huỳnh có cơ hội thố lộ tâm tư...
- Tôi biết chứ, thứ người như anh, có cho lên ghế điện thì cũng không bao giờ có thể có ý nghĩ lìa bỏ gia đình, nhưng anh khác; người khác đâu thể giống anh. Chị ấy cũng thế, đâu giống anh...
- Đúng, nhà con ương, lại thích cãi gàn, thích làm theo ý mình...
- Có thể rằng khi mình nói người khác ương, chỉ làm theo ý riêng thì mình đã ương, đã không chấp nhận nghe hoặc để ý đến ý kiến của người khác trước; nói như thế có nghĩa mình ương trước...
- Cha nói cũng có lý.
- Anh thấy rõ điều này, anh có thể xếp đặt chương trình làm chuyện lớn nhưng nếu không có chị ấy thực hiện, chương trình của anh không sao tiến hành nổi. Tuy nhiên, tính toán trên lý thuyết là một chuyện mà áp dụng vào thực tế lại là điều cần nhiều mánh khóe nhỏ nhặt. Người xếp đặt chuyện lớn không thể làm những chuyện nhỏ nhoi, lặt vặt không tên vì nếu làm thế sẽ phá vỡ chuyện lớn. Anh không có chị ấy, mọi chuyện sẽ hỏng to và tôi dám nói thật với anh, anh không phải là thứ người lo những chuyện lặt vặt...

- Những chuyện nhỏ nhoi có ăn thua gì đâu cha...
- Không những ăn thua mà còn ăn thua đậm...
- Nếu để ý những chuyện nhỏ sao tính được chuyện lớn...
- Thí dụ, khi anh gặp những chuyện bực bội làm tâm tư phiền não, thái độ anh sẽ một phần nào đó khác thường; anh sẽ không để ý được lời nói lúc đó; tuy nhiên nó gây rất nhiều ảnh hưởng tai hại đến chuyện lớn... Anh cũng nhận thấy đôi khi người khác nói những câu vô tình làm phiền lòng mình thì khi đó mình cũng như thế, vô tình mình làm phiền lòng người khác. Anh là con người sống chết với một quan niệm và khó có thể bị lung lạc nên nghĩ người khác cũng thế. Anh không nghĩ tới chuyện thái độ hoặc lời nói nhỏ nhặt ảnh hưởng gia đình nhưng có thể chính vì thế đã sinh ra chuyện gì rắc rối nơi gia đình làm anh mất vui như xưa...
- Cha nói có lý...

Thấy Huỳnh vẫn cố tình muốn dấu chuyện xáo trộn trong gia đình bằng câu trả lời yếu ớt vả lại chị Lan không muốn ngài nói cho Huỳnh biết rằng mình đã hiểu chuyện nên ngài đành phải nhờ đến 4 cuốn video để khuyến khích Huỳnh có cơ hội tìm hiểu thêm những cách giải quyết đa số rắc rối trong gia đình.
- Tôi đề nghị anh, nếu có thể, đặt lại vấn đề thái độ của mình kỳ này thế nào... Dành ra ít phút nhìn lại chính mình có lẽ sẽ giúp gia đình anh hạnh phúc hơn. Có 4 cuốn video về vấn đề hôn nhân của tòa giám mục tôi mượn về chiếu cho những cặp hôn nhân đã sống với nhau nhiều năm xem; ai cũng thấy rất lợi ích. Đại khái bốn cuốn này nói về những vấn đề nhỏ nhặt thường ngày cần để ý có thể là nguyên nhân của những rắc rối xảy ra giữa vợ chồng do sự không nhận ra giá trị cá nhân mình do đó người ta trở nên khắt khe hoặc mặc cảm, hoặc thái độ mình ảnh hưởng tới con cái hay làm suy sụp tình yêu đôi lứa; cũng như làm thế nào để bảo vệ và phát triển tình yêu vợ chồng. Tôi sẽ sang băng cho anh một bộ nhưng không nên cho ai mượn bởi như thế không hợp pháp. Anh nhớ không nên cho ai mượn, tôi sẽ gửi cho anh...
- Được, cha yên trí, con chỉ một lời; cha copy cho con; con không cho ai mượn đâu.

Ba tuần sau khi Huỳnh về, cha Lành nhận lá thư khác từ Lan.

***

Ngày... tháng... năm

Kính cha,
Sau khi nói chuyện với cha qua điện thoại con đã mất hết mấy ngày để suy nghĩ. Cha bảo “Hãy cho anh ấy cơ hội”. Theo con, có lẽ không phải cơ hội được dành cho anh ấy mà là cho con; con mới cần có cơ hội để xét lại chính mình, phải chăng cuộc sống là một bi trường kịch cho mỗi người, và con người là những kịch sĩ đa dạng, nên vở tuồng dù là hay hoặc là dở thì diễn viên vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ của mình! Đôi lúc con thấy mình quá nhỏ nhoi, quá ích kỷ. Con luôn nghĩ cho bản thân mình, con quên con còn cha mẹ, còn anh chị em, còn họ hàng, và bạn bè chung quanh. Con có cần phải nghĩ đến họ không? Mỗi khi cơn giận tràn qua che mờ cả lý trí con chẳng còn nghĩ đến ai, bây giờ trong lúc bình tâm, cơn giận đã qua, con mới biết mình đã nghĩ sai.
Cha Lành, cha có biết con đang tự trách con? Phải chi con được sanh ra cách đây 50 năm về trước; phải chi con được lớn lên và được giáo dục cùng sống trong khuôn mẫu “tam tòng, tứ đức” có lẽ con sẽ an phận mà sống. Tiếc thay con hoặc anh Huỳnh đã được sinh ra ở thế hệ này, nhất là văn hóa Mỹ đang đồng hóa mình nên những tư tưởng bảo thủ trong con đang dần thoái hóa. Cha có biết cách đây 5 năm thôi, tư tưởng của con về đời sống ngoài xã hội và trong gia đình rất khác với bây giờ, bất cứ việc gì xảy ra, ngay cả những lời nói, những cử chỉ, hành động của ông chồng đều được con làm ngơ, con đã dùng nhiều thì giờ vào việc dạy dỗ lũ nhóc như đọc kinh mỗi tối, học tiếng Việt và đã sưu tầm nhiều mẫu truyện để kể cho chúng nghe nhằm mục đích hướng dẫn chúng, dậy chúng những bài học về cách làm người, cách sống ở đời... Cho đến bây giờ hầu như con đã xao lãng và bỏ bê mọi sự, con chỉ mong làm tiền và tiền, động một chút buồn phiền bực tức là nghĩ tới sống tự do, cuộc sống không có sự áp bức ràng ruộc nào cả, và ý tưởng của sự bỏ đi những năm trước là một điều cấm kỵ, là một lỗi nặng thì bây giờ con cảm thấy bình thường như là thay đổi chỗ ở hay đổi một chiếc xe. Con thật đáng trách cha nhỉ!
Cha Lành, cha có biết bây giờ đang ngồi đây viết thư, con cảm nhận mình thật sự là người của 10 năm về trước. Con mong sao cho có được sự can đảm, sự nhịn nhục để vượt qua những thử thách mà cuộc sống đã dành sẵn cho con.
Tới đây con ngừng bút, bởi chẳng biết phải viết gì thêm. Kính chúc cha vui khỏe.
Kính chào cha,
Nguyễn thị Lan.


Đọc xong lá thơ, cha Lành cảm thấy vui vui vì nghĩ khi chị Lan đặt vấn đề lại, may ra nàng đổi ý định tách riêng chăng. Nhưng sau những lời giải thích và so sánh thực tại với tâm tình con người trong cảnh giao thời văn xóa, quan niệm của nàng, ngài lại cảm thấy chị Lan không đơn giản như những gì được viết nơi thư. Phải chăng niềm mơ ước có được tâm tình của 50 năm về trước là những gì đã mất nơi chị Lan bởi người ta chỉ mơ ước điều mình không có hay không còn nữa. Giải thích về văn hóa, tâm tình người Việt khi nói chuyện với người Mỹ, cha Lành hay dùng câu mà những người Mỹ trên 60 tuổi thi thoảng hay nói: “We lost our good old days” để chứng minh cho họ dễ hiểu.

Trong nhận xét về lối sống, tâm tình người Việt, cha Lành thấy dân Việt tỵ nạn mang tâm tình giống như người Mỹ khoảng thập niên 1930 trở về trước. Trải qua 60 năm, thế hệ bây giờ của người Mỹ đã mất hẳn tâm tình này trong khi người Việt lại đang sống chung đụng với họ phỏng chỉ còn được mấy năm người mình sẽ đã hoàn toàn bị đồng hóa.

Cuộc sống ảnh hưởng tâm tình và cách cư xử của con người. Văn minh vật chất cung cấp thêm tiện nghi, thời giờ suy tư, đồng thời lại cắt bớt thời giờ nói chuyện hay sống chung của những người trong gia đình bởi công việc khác nhau đòi hỏi giờ giấc khác nhau. Thêm nữa, khi có giờ rảnh một mình người ta thường coi ti vi cho đỡ chán mà ti vi lại chỉ đưa lên những vấn đề ít khi xảy ra, lâu dần ảnh hưởng thành quan niệm chung... Ai cũng chỉ nghĩ đến cá nhân mình nhiều hơn do đó cá nhân trở nên khó chấp nhận người khác hơn nếu không được học hỏi, hiểu biết.

Hơn nữa, sự chấp nhận, cảm thông nơi một người không thể giải quyết được chi hết mà ngược lại có thể chỉ là đầu mối cho sự cách biệt. Một người chịu chấp nhận nhưng không thấy gì thay đổi trong cuộc sống chung giữa vợ chồng để rồi những khó chịu, bất mãn do thái độ vô tình, thói quen đến độ trở thành cố tật chồng chất lâu ngày nơi người bạn đời tạo nên sự không thể chịu đựng nơi mình giống như trái bóng càng ngày càng được bơm căng quá độ, chỉ cần một mũi kim xích mích nhỏ bé cũng khiến nó tan tành.

Mối ưu tư về tương lai gia đình người Việt tỵ nạn sẽ đi về đâu trong cuộc sống chung đụng văn hóa nơi mảnh đất xô bồ này càng đè nặng tâm hồn người linh mục trẻ... “Thời Chúa xuống thế làm người được mấy ai chấp nhận; nếu mọi người chấp nhận đâu Ngài bị đóng đinh trên thập tự. Chúa bị đóng đinh, chết đi, sống lại rồi lên trời; dân mình không những đang bị đóng đinh, bị chết mà còn bị đồng hóa dần. Trời đâu để mà về nơi sự ảnh hưởng văn xóa quá khác biệt này đang tàn phá tâm tư nếu không có được sự học hỏi và không muốn học hỏi thêm...” Cha Lành lặng lẽ suy tư... Cây Thập Tự hình như lay động nơi bóng mờ do ánh nến chập chờn... cây thập tự trong cuộc sống hôn nhân.

***

- Con khổ quá cha ơi...
Người đàn bà nấc lên, hai tay ôm mặt nước mắt dàn dụa. Cha Lành đẩy hộp “tissue” tới gần chỗ chị ta... Nén tiếng thở dài, người đàn bà cố nín tiếng khóc có lẽ vì sợ vọng tới phòng thơ ký bên cạnh. Nhìn tấm thân mảnh mai đến độ tưởng như chỉ một cơn gió nhẹ thổi chị sẽ có thể biến thành chiếc diều bay phất phới, một ý nghĩ đến với cha Lành; không hiểu sao với thân xác như thế này, chị ta có thể chịu đựng được những đau khổ chồng chất... Thế rồi, ngài cảm thấy miệng ngọng lại, khó thở; một tâm trạng bối rối xót xa do chưa biết chuyện gì đã xảy tới. Tiếng nấc của người đàn bà như những nhát vồ đập mạnh vô ngực mình... Đôi vai chị ta rung theo tiếng nấc rồi gục xuống bàn... Âm thanh đứt quãng như bị ép nghẹt bởi nỗi khổ đau cuộc đời dồn nén đè nặng khiến thân hình uốn cong...
Cha Lành sợ nhất là tiếng khóc của người đàn bà. Ngồi dựa vô thành ghế, cảm giác tê tái phát xuất nơi lồng ngực lan dần toàn bộ châu thân... Ngài ngồi lặng đó, bất động, đôi mắt xót xa nhìn cánh vai tiếp tục rung... nơi trí óc ngài tiếng gào thét nào đó đang vang lên: Đừng khóc nữa, đừng khóc nữa... Chị khóc làm tôi cuống lên rồi... Tim tôi sắp nổ tung... Chúa ơi! Nói chị ta đừng khóc nữa, nói đi, con sợ quá... sợ người ta khóc... Sao mà cuộc đời độc ác thế... Sao... làm chị ta khổ như thế này... Tôi van chị, tiếng thét âm thầm vút cao chói lói... Tôi van chị!

Thế mà ngài vẫn phải ngồi đó; nói đúng ra, người cứng ngắc không dám cử động; nếu cử động có thể ngài sẽ khóc theo hoặc không để cơ hội cho chị ta khóc. Chỉ còn mỗi đôi mắt; đôi mắt chết lặng của tâm hồn đau xót hằn lên... Đôi mắt biết nói, nó bảo cho người đối diện rằng ngài cũng đang đau khổ cực cùng; ngài cũng đang là kẻ chiến bại dưới sức mạnh vũ bão độc ác, khắt khe của cuộc đời... Ngài cảm thấy bất lực, chẳng còn hơi sức nào mà vươn lên nữa trong áp lực của những khốn khổ cuộc đời được phát ra bằng những tiếng nấc tắc nghẹn này.

Một lúc sau, người đàn bà ngẩng lên, rút liên tiếp mấy miếng tissue lau mặt; nhìn thấy cha Lành đang trong trạng thái bất động, cặp mắt đầy vẻ khổ ải nhìn mình, chị bật thành tiếng:
- Cha...
Chợt bừng tỉnh, cha Lành buông nhẹ hơi thở:
- Tôi xin lỗi; tôi biết chị đau khổ lắm nhưng chẳng biết nói sao...
Người đàn bà chừng như cảm thông nỗi khó xử của ngài:
- Con làm phiền cha quá... nhưng...
Chị hơi cúi xuống che dấu nét bối rối.
- Ít nhất chị đã cảm thấy dễ chịu hơn...
- Con không muốn khóc... nhưng chịu không nổi...
- Không sao, khóc được làm cho mình nhẹ nỗi đau thương; đó là điều nên... Thế chuyện gì đã xảy ra?
Vài giây yên lặng trôi qua, người đàn bà đặt cả hai cánh tay lên bàn, ngón trỏ phải di di trên mặt kiếng... Đoạn thở dài não nuột, mắt theo dõi ngón tay di động vô định hướng:
- Chúng con vừa cãi nhau một trận khủng khiếp... Bao nhiêu đồ quý trong nhà anh ấy đập vỡ sạch. Nguyên do cũng chỉ vì sự đòi hỏi của xác thịt bẩn thỉu. Đôi khi con muốn được chết đi cho khỏi bị dằn vặt...
- Chuyện gì dằn vặt chị?
- Con nghe lời cha mẹ lấy chồng đã 8 năm và có hai đứa con nhưng cho đến nay con vẫn không thể thương anh ấy được... Nhiều lần con ao ước anh ấy đi ngoại tình để con kiếm cớ ly dị... Con không thể chấp nhận cuộc sống vợ chồng như thế!
- Như thế nghĩa là thế nào?
- Cha nói như thế cái gì?
- Thì cuộc sống vợ chồng của chị!
- Con không thương được anh ấy.
- Đã hai đứa con rồi mà không thương nghĩa là thế nào?
- Nói con ngại...
- Một điều tôi muốn nói rõ cho chị biết, những gì chị nói ra nơi đây sẽ được giữ lại nơi phòng này ngoại trừ chị nói với những người khác.
- Con nói chuyện vợ chồng khó nói...
- Thì dùng chữ “ăn ở” nếu chị không muốn dùng chữ khác.
- Vâng. Mặc dầu tụi con ăn ở với nhau nhưng con cứ cảm thấy là chuyện ép buộc, con phải chấp nhận điều con không muốn, điều con ghê tởm... Con... con chỉ là thứ dụng cụ bị chấp nhận để cho anh ấy thỏa mãn...
Rồi chị ta cúi xuống, tiếng nấc tức tưởi bị dồn ép bởi hai bàn tay bịt chặt lấy miệng vẫn bung ra, hai cánh tay dường như cố gắng kẹp chặt lấy ngực không cho lấy hơi vô e sợ tạo thành tiếng khóc...

Cha Lành nín thở, có gì đặc nghẹt nơi cổ họng trong khi tay chân cứng đơ thừa thãi không biết giấu bỏ đi đâu. Chúa ơi! Khi trên Thánh Giá Chúa có phải cố gắng nín hơi không dám khóc không? Con chiên Chúa đó, đau khổ cùng cực mà cũng không dám khóc; muốn khóc nhưng vẫn phải cắn răng chặn lại; mà càng chặn lại càng cảm thấy khốn khổ... Người đàn bà nín lặng, xụt xịt lấy tissue lần nữa lau nước mắt... Chờ chị ta lau xong, cha Lành chậm rãi:
- Chị có cho rằng chuyện ăn ở giữa vợ chồng là điều tội lỗi không?
- Không, nhưng con bị bắt buộc và cảm thấy ghê tởm làm chuyện ấy. Con... con luôn luôn cảm thấy mình bị ức hiếp như một con vật bị hành hạ cho chết dần chết mòn dầu mình không muốn.
- Chị ghê tởm anh ấy?
- Con ghê tởm hành động khi phải ăn ở với anh ấy thì đúng hơn.
- Nhưng chị đã lấy anh ấy mà!
- Vì con sợ bố mẹ con buồn; con không muốn mang tiếng bất hiếu không nghe lời cha mẹ!... Nên giờ khốn khổ... Con phải làm sao bây giờ? Cha nói đi, con muốn khùng lên rồi...

Dường như bao nhiêu sự chịu đựng bấy lâu nay được bầy tỏ nơi ánh mắt van lơn của người đàn bà muốn tìm một giải đáp. Cha Lành thấy lòng quặn lại! Biết nói sao đây Chúa ơi! Cuộc đời sao lại có những cảnh huống thống khổ như thế này. Những giọt nước mắt lại tiếp tục lăn trên gò má chị ta. Cha Lành cố lấy giọng nhẹ nhàng:
- Chị có bao giờ nghe đến “Marriage Encounter” chưa? Tôi nghe những người đi dự về nói rằng rất lợi ích cho đời sống hôn nhân của họ.
- Có nói về gì thì nói, chẳng hy vọng đâu cha bởi người ta thương nhau; còn con, con có thương được anh ấy đâu!
- Nhưng ít ra nó cũng giúp chị biết thêm những gì cần nơi sự liên hệ giữa vợ chồng trong đời sống hôn nhân của chị.
- Thưa cha, còn gì nữa đâu mà liên với hệ!
- Thế chị có nghĩ rằng tình nghĩa vợ chồng trong bấy nhiêu năm chung sống làm chị khó có quyết định rõ ràng không?
- Con chỉ thương anh ấy, không, thương hại thì đúng hơn chứ con không yêu được anh ấy. Cha hiểu con muốn nói gì không?
- Tôi hiểu; vậy chị có thể nghĩ rằng hãy còn cách nào đó có thể giúp chị sống hòa hợp và chấp nhận anh ấy một cách thân thiết hơn không?
- Chẳng còn gì để hy vọng. Con đã suy nghĩ kỹ rồi. Con cố ép buộc mình chịu đựng để chu toàn bổn phận của một người vợ, nhưng con không thể gò ép tình cảm của con.
- Chị nói tình cảm nghĩa là thế nào?
- Con không thể yêu được anh ấy thế nên con không cảm thấy chút gì hạnh phúc về chuyện vợ chồng ăn ở với nhau mà trái lại...
- Chị nghĩ thế nào về tình yêu?
- Con chỉ có thể cho tất cả với người yêu thôi...
- Chị đã bao giờ đặt vấn đề về mẫu người mà chị yêu phải thế nào không?
- Con không đặt vấn đề nhưng...
- Chị có người yêu!
Đôi mắt người đàn bà chớp lẹ hơn và bừng sáng lên nhưng lại ngồi im bất động như có một mãnh lực nào đó bao trùm khiến toàn bộ thể xác lẫn tâm hồn bị định hướng về một khung trời nào đó...
- Con yêu anh ta, con sẵn sàng chấp nhận tất cả.
- Hai người có bao giờ gặp nhau không hay chị chỉ yêu một chiều?
- Chúng con gặp nhau nhiều lần trước khi con nghe cha mẹ lập gia đình. Tụi con...
- Anh ấy thế nào?
- Anh ấy có vợ và hai đứa con...
Cha Lành im lặng chờ...
- Tụi con... yêu nhau, con không thể dùng bất cứ gì để so sánh được.
- Chị nói yêu nhau nghĩa là sao?
- Tụi con làm chuyện ăn ở... Khi chấp nhận lấy chồng, con nghĩ rồi nó cũng qua và con nghĩ mình có thể chấp nhận được...
Người đàn bà buông câu đứt quãng và ngồi im như cố đè nén sự phũ phàng đang dấy động.
- Chị có thể so sánh chuyện ăn ở ấy với chuyện giữa vợ chồng không?
- Có thể nói một đàng là hạnh phúc tuyệt vời, đàng khác là cảnh đày ải khốn nạn, ép buộc...
- Thế nếu cuộc sống hôn nhân tiếp tục kéo dài vì hai đứa con, chị có cách nào để giải quyết tình cảm của mình đối với chồng chị không?
- Con chẳng biết sao nữa... Con suy nghĩ quá nhiều rồi mà không biết phải làm gì.
- Vậy chị có thể bỏ ra một số thời gian nói chuyện với người chuyên môn có thể giúp chị không?
- Cha nói người chuyên môn như thế nào?
- Chị đang mang một tình cảm bị gò ép trái ngược; nghĩa là một phần nào đó chuyện ăn ở với anh ấy ảnh hưởng nặng nề nơi tâm trí và có thể nói đã gây nên một tâm bệnh. Tôi nghĩ chị cần được giải tỏa nỗi đau khổ tâm tư này.
- Đâu ai có thể hiểu được!
- Ít nhất tôi cũng hiểu được phần nào, nhưng tôi không phải là nhà chuyên môn về tâm bệnh...
- Cha muốn nói bác sĩ tâm bệnh học?
Thái độ chị ta đầy vẻ thất vọng và giận dữ vì thấy mình bị cho là mang tâm bệnh...

Biết sao đây! Được nuôi dưỡng, lớn lên nơi một môi trường nghèo khổ phải tranh sống với tất cả khả năng của mình. Kinh nghiệm thực tế này làm mình tưởng không ai có thể giúp mình giải quyết chuyện tâm tư... Hơn nữa, bởi chịu đựng lâu dần thành quen nên tự mình cũng không dám làm gì để đi đến một quyết định rõ ràng mà cứ gò ép bản thân chấp nhận để rồi khi nào quá sức chịu đựng mới kiếm người than thở... thế nhưng, đâu vẫn hoàn đấy...

Nỗi thống khổ dồn lên nghẹn cổ cha Lành; áp lực nào đó khiến ngài cảm thấy khó thở, cố đẩy hơi... buông tiếng thở dài... đâu phải một mình chị! Bao nhiêu người rồi mà tôi nào có dám nói ra. Tôi là linh mục, tôi không dám nói sự thật khốn khổ này! Tôi học Giáo Luật, tôi biết rằng bất cứ cuộc hôn nhân nào mà bị ép buộc hoặc lấy nhau ngoài ý muốn của mình mà vì cha mẹ, vì tiền bạc, hoặc vì đã lỡ chuyện nọ chuyện kia đều không thành ngoại trừ sau này hai người thực sự thương nhau, chấp nhận sống cho nhau và vì nhau, dâng hiến cho nhau. Còn ngoài ra... Nhưng khổ nỗi, người Việt mình không dám sống cho chính mình mà còn bị ảnh hưởng bởi danh dự gia đình, giòng họ, còn tiếng đời đàm tiếu... Cho nên chấp nhận thì không thể chấp nhận được, thương yêu cũng không, mà trái lại ghê tởm; ghê tởm nhưng cứ phải cắn răng chịu những điều mình không muốn vì tiếng tăm, danh dự gia đình, thứ giết người cả xác lẫn hồn để rồi... Đêm nào cũng chấp nhận... bị chồng hiếp... khốn nạn quá... Thật cái văn hóa cứng ngắc giết người lần mòn từ thể xác đến tâm hồn mà đâu nhận ra rằng người Việt mình bị ảnh hưởng giáo điều của Khổng học một cách máy móc; cứ cho rằng nhất Tàu nhì ta mà; để rồi vâng lời không cần biết phải hay trái, nên hay không nên và tưởng rằng đó là hiếu thảo; không làm theo ngay cả những điều sai lầm của cha mẹ thì lại bị nói rằng bất hiếu... Chúa ơi, dân Việt tỵ nạn chúng con mang thánh giá bùn, vác không được, bỏ không xong. Chúng con là nạn nhân của hai nền văn hóa không có điểm nối tiếp mà tương phản. Chúng con hoan hỉ theo Chúa với tâm hồn mở rộng bình đẳng giữa con người với con người trước mặt Chúa trong khi mang cả một nền giáo dục in sâu vào tâm não những luật lệ giáo điều cổ xưa không bình đẳng cũng chẳng bình quyền. Chúng con đang mang một thân xác với nền văn hóa cũ, ý thức cũ trong khi sống nơi một xã hội mới, ngập đầy ý thức mới. Chúng con như những chiếc bình cũ đang được đổ vào bằng những thứ rượu mới của đất văn hóa tạp chủng này... Thà rằng cứ ở Việt Nam, cứ tin tưởng một cách mê muội rằng nhất Tàu nhì ta để nghĩ chỉ có một đường duy nhất là cắn răng chấp nhận sự đày đọa và đổ lỗi là Chúa phạt để lê lết những ngày khốn khổ cho qua kiếp người thì dễ chịu đựng hơn... Sự hiểu biết thêm có phải cũng là tội lỗi trước mặt Chúa hay sự mê muội không biết để sống trong cảnh đày đọa làm vui lòng Chúa hơn?... Con biết nói sao đây với chị ta! Chúa có biết rằng con đang muốn hét lên: “Bí tích hôn nhân của chị không thành” bởi chị lấy anh ấy vì cha mẹ chứ không phải vì chính anh ấy và chị. Chị nói đúng, chị không thương yêu anh ấy nên chị ghê tởm chuyện ăn ở với anh ấy. Tôi hiểu, tôi biết tâm lý đàn bà mà. Chị đã thương ai thì ăn ở với người đó là một hồng ân, một hạnh phúc tuyệt vời, mà chị không thương ai thì chuyện ăn ở là điều ghê tởm. Người đàn bà đã thương ai thì họ hiến dâng tất cả tâm hồn lẫn thể xác, họ hy sinh tất cả cho người ấy, có băm nát họ ra, họ cũng lấy làm vui sướng; mà đã không thương ai thì đừng hòng xớ rớ dù chỉ chút lông chân họ. Vậy mà... chị phải chấp nhận để chuyện chị ghê tởm xảy ra hằng đêm chỉ vì cha mẹ, vì cái gọi là hiếu, vì cái gọi là danh dự... Tôi hỏi chị, hiếu hay là giết lần mòn con mình theo ý mình thích; hiếu hay là mặc cảm bị chồng hiếp luôn luôn đè nặng tâm trí. Còn danh dự, danh dự gia đình hay nấm mồ khắc nghiệt chôn sống con người không cho lên tiếng nói lại bắt phải vui cười trong khi tâm hồn ngập đầy hãi sợ khổ não. Danh dự gia đình hay tội lỗi bởi sự thiếu hiểu biết mà ra? Dùng cái gọi là danh dự gia đình, cái văn hóa loài người đặt ra để giết chết một tâm hồn, chẳng có tội lỗi nào đáng ghê tởm hơn, nhờm gớm hơn!... Cha Lành, cha nói sao đây? Nói ra sự thực, cha sẽ bị kết án rằng xui người ta phá phép bí tích hôn nhân mặc dầu cha biết phép bí tích không thành. Người ta sẽ nói cha cấp tiến, rối đạo bởi không để cho họ chôn sống từ từ chị này. Không nói ra, cha đánh lừa dân Chúa; cha ậm ừ cho qua, cha đã vào phe với những kẻ giết người lần mòn bằng sự nhân danh danh dự, nhân danh văn hóa, nhân danh luân lý dân tộc, và còn nhân danh chính Chúa bởi sự hiểu biết một cách mù mờ về Phúc Âm, bởi ngây ngô nhai lại “Những gì Thiên Chúa đã trói buộc, loài người không được phân ly” không thèm suy nghĩ, quên rằng Chúa ban cho con người tự do mà chính Ngài cũng tôn trọng... Chị ta đâu có tự do hoàn toàn để chấp nhận lập gia đình, mà vì sợ cha mẹ buồn... Cha Lành... cha đang phải đối đầu với sự thực phũ phàng! Cha đứng giữa Giáo Luật và văn hóa, Giáo Luật và danh dự, Giáo Luật và sự thiếu hiểu biết... Đừng trốn chạy... Cha không được phép trốn chạy! Chúa Giêsu nói lên sự thực, quân Pharisiêu giết Ngài. Cha nói lên sự thực theo Chúa, dân tộc cha sẽ giết cha, mọi người, bạn bè, cha mẹ, anh em họ hàng, toàn bộ những người quen biết sẽ kết án cha; cha sẽ bị khổ hơn là bị bằm nát... Chọn Chúa hay chọn sự kính trọng mê muội của người khác? Cha theo Chúa hay cha vào hùa với sự tàn ác bởi thiếu hiểu biết? Đàng nào cha cũng khốn khổ. Nói ra cha giết chính cha; không nói ra, cha vào hùa với mọi người giết lần mòn chị này như đã bao nhiêu năm... Lương tâm cha đâu? Cha có dám chấp nhận mình bị kết án vì dám nói sự thật không? Cha không nói lên sự thật, Chúa lên án cha; cha nói lên sự thật, mọi người kết tội cha... Cha theo đàng nào?

Thấy cha Lành ngồi chết lặng hồi lâu... Người đàn bà cúi thấp đầu như thể chấp nhận mình đã phạm phải lỗi lầm quá nặng để cha không muốn nói lời tha thứ... Nhưng không, ngài đã chẳng trách móc gì, lại dịu dàng hỏi:
- Hai cháu bao nhiêu tuổi rồi?
- Một đứa 6, một đứa 4 tuổi.
- Thế giờ chị tính sao?
- Con cũng chẳng biết tính sao nữa. Nếu mà không vướng hai đứa con, con đã bỏ anh ấy từ lâu vì mấy năm nay con không chấp nhận chuyện ấy nữa... Đàng khác con không muốn cho hai đứa con của con không có bố; con không muốn sự ra đi của con ảnh hưởng hai đứa nhỏ.
- Thế tính tình anh ấy...
- Anh ấy thương con và hai đứa nhỏ, ít khi la mắng hay phiền trách con, nhưng con không thể thương yêu được anh ấy... nên...
- Tôi không biết phải nói thế nào vì tôi biết rõ dù nói cách nào cũng bị lên án... Tôi nghĩ, điều tốt nhất, tôi đưa chị mượn cuốn sách Giáo Luật, đem về đọc những luật tôi đã ghi số vào một tờ giấy rồi hãy quyết định chị phải hay nên làm gì. Thực ra, tôi tin rằng chị mới nói cho tôi biết may ra chưa được 1/5 nguyên do hay những chuyện xảy ra. Hơn nữa, tôi chỉ có thể nghe chị nói, rồi tóm tắt những chuyện xảy ra theo lời nói của chị để chị có cái nhìn rõ hơn và quyết định cho chính mình. Tôi không đề nghị được gì đâu vì tôi không hiểu rõ vấn đề và sự liên hệ hay tâm tình của chị bằng chính chị trong những hoàn cảnh đã xảy ra... Đây là cuốn Giáo Luật, chị nhớ về đọc kỹ; nếu có gì khúc mắc, gọi điện thoại cho tôi. Bây giờ chị nên ghé vô nhà ai quen rủ người bạn gái về nhà với chị chắc anh ấy phải ngưng đập phá. Nhớ lẹ lên kẻo anh ấy phá hết đồ đạc lại tốn tiền mua sắm.
- Cảm ơn cha, con về; con sẽ đem trả lại cha sau. Chào cha...
- Chào chị.

Cha Lành tiễn người đàn bà ra cửa... Quay trở lại bàn viết, ngài thở ra một hơi dài... Xin Chúa giúp chị ta biết tìm thánh ý Chúa qua Giáo Luật và sự tử tế của chồng, sự yêu thương vào hai đứa nhỏ... Còn con, nào biết nói chi! Ngài lẩm bẩm.

(còn tiếp)

Lm Lã Mộng Thường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây