TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Mẹ Vô Nhiễm

Thứ hai - 06/12/2021 01:40 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   958
Có thể nói mầu nhiệm tội nguyên tổ được khai sinh với giáo huấn của thánh giáo phụ Âugustinô.
Mẹ Vô Nhiễm

MẸ VÔ NHIỄM (08/12)

Có thể nói mầu nhiệm tội nguyên tổ được khai sinh với giáo huấn của thánh giáo phụ Âugustinô. Ngày nay người ta thẳng thắn nhìn nhận rằng giáo huấn của Thánh giáo phụ có đôi điều hạn chế và bất cập. Tuy nhiên Giáo Hội vẫn khẳng định rằng có tội nguyên tổ. Ngày 8 tháng 12 năm 1854, Đức Piô IX đã long trọng tuyên bố tín điều “Mẹ vô nhiễm nguyên tội”, Bốn năm sau đó Mẹ Maria hiện ra với cô bé nhà quê Bernadette tại Lộ Đức và đã tỏ cho cô bé một danh của mình: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

Thử hỏi với nhau tội nguyên tổ là gì? Là Kitô hữu trưởng thành, hy vọng ít có người còn ngây thơ trả lời đó là tội ông Ađam và bà Evà ăn trái cấm ngày xưa. Giáo lý Công giáo cho ta hay đó là tội do nguyên tổ loài người lạm dụng tự do mà chống lại mệnh lệnh Thiên Chúa ban, làm ngược lại với điều Thiên Chúa truyền. Cụ thể tội ấy là tội gì? Vì sao cặp nguyên tổ loài người trong tình trạng cổ sơ với nhiều hạn chế về trí khôn và chắc hẳn rất khó có được sự tự do hoàn toàn, thế mà lại phạm một thứ tội gì ghê gớm đến độ di hại cho cả loài người cháu con muôn đời? Quả là những câu hỏi đầy hóc búa không dễ gì tìm được câu trả lời rõ ràng và rành mạch. Giáo Hội khẳng định niềm tin về sự hiện hữu của nguyên tội là căn cứ vào “công trình cứu độ của Chúa Kitô”. Chúa Kitô đến thế gian này để cứu độ loài người thì giả thiết loài người phải đang ở trong tình trạng tội lỗi. Thánh Kinh Cựu Ước nói về tình trạng tội lỗi của con người ngay từ trong dạ mẹ hay khi mới chào đời (x.Tv 50). Thánh Tông Đồ dân ngoại cảm nghiệm thân phận yếu đuối, tội lỗi của mình nói riêng và của loài người nói chung khi “những điều tôi muốn thì tôi không làm, còn những điều tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7,19). Và mọi người đều bị tội lỗi thống trị (x.Rm 3,9-18).

Dù biết rằng nguyên tội mãi là mầu nhiệm với con người tại thế, nhưng Kitô hữu chúng ta vẫn phải có bổn phận tìm hiểu và suy tư. Các Đức Giáo hoàng gần đây như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI khuyến khích các nhà thần học nỗ lực nghiên cứu chủ đề này. Đức Bênêđictô XVI đã hé mở một cái nhìn về nguyên tội khi nói đến hai mầu nhiệm của ánh sáng và một mầu nhiệm của bóng tối. Hy vọng rằng chủ đề này sẽ được đào sâu. Nhân ngày lễ kính Mẹ Maria với tước hiệu “Vô Nhiễm Nguyên Tội”, xin được góp một cái nhìn.

Chúng ta tin nhận rằng Mẹ được Thiên Chúa gìn giữ cho khỏi vương hậu quả của nguyên tội ngay từ phút giây đầu tiên hoài thai trong dạ bà Anna. Ở đây xin xác nhận với nhau rằng ngoài nguyên tổ ra thì không một ai trong con cái loài người mắc phải tội nguyên tổ. Đã nói rằng tội nguyên tổ tức là tội do tổ tiên loài người phạm. Hậu duệ cháu con không phạm tội ấy thì không hề mắc tội ấy. Không phạm tội thì không chịu trách nhiệm là chuyện đương nhiên. Thế nhưng con cháu có thể vương mang hậu quả do tội của cha ông. Chẳng hạn cha ông phạm lỗi rồi bị khánh kiệt, phá sản và thế là cháu con không được hưởng gia tài thừa kế. Nhiều thần học gia ngày này nghiêng về chiều kích xã hội của tội nguyên tổ. So sánh thường mang tính khập khiễng nhưng cũng giúp soi sáng vấn đề. Tình trạng ô nhiễm môi sinh cũng là một so sánh. Hoàn cảnh dịch bệnh lây lan cũng là một so sánh. Tuy nhiên để hiểu tình trạng vô nhiễm nguyên tội là thế nào, thiết tưởng cần nhìn vào Đức Kitô, Đấng Thánh của Thiên Chúa, là Con Chiên thanh sạch, vẹn tuyền, không cần một lời tuyên tín nào mà đích thực là “vô nhiễm”.

1. Vô nhiễm không phải là để miễn chiến đấu: Giáo hội căn cứ vào lời của sứ thần Gabriel: “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28) để khẳng định chân lý Mẹ vô nhiễm nguyên tội. Như thế tình trạng vô nhiễm là tình trạng đầy ân sủng Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Tình yêu bản vị giữa Ngôi Cha và Ngôi Con, là tình yêu hướng tha đầy năng động và sáng tạo. Chúa Kitô là Đấng đầy Thánh Thần cách đích thực. Thánh Phaolô đã không ngần ngại gọi Đức Kitô, “Ađam cuối cùng là thần khí ban sự sống” (1Cor 15,45). Vì đầy tràn Thánh Thần nên Chúa Kitô luôn hướng về Chúa Cha để yêu mến, tìm kiếm thánh ý chúa Cha để thực thi. Vì đầy tràn Thánh Thần nên Người luôn hướng về đoàn em nhân loại để tìm cách cứu độ và ban phúc ân.

Việc tìm kiếm thánh ý Chúa Cha để thực thi không miễn cho Chúa Kitô phải chiến đấu mà trái lại, chính Người đã phải chịu bao nỗi truân chuyên, bao đau khổ để học cho biết vâng phục. Chúng ta đừng quên để thốt lên lời thưa: “Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha”, thì Chúa Kitô đã phải đổ mồ hôi pha lẫn máu (x. Lc 22,44). Việc cứu độ và ban phúc ân cho loài người cũng đòi hỏi Chúa Kitô phải trả giá. Đó là những đố kỵ, ganh tương của nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ, đó là những hiểu lầm của cả nhiều người thân, đó là sự vô tâm, bạc tình của đám quần chúng đã từng hưởng nhận biết bao ơn lành của Người, đó là sự tham lam, hèn nhát, phản bội của những môn đệ thân tín, và cuối cùng đó là bản án thập giá bất công của quyền lực đế quốc Rôma đang đô hộ nước Do Thái bấy giờ.

Mẹ Maria cũng được ban đầy ân sủng Thánh Thần nên Mẹ đã bỏ ý riêng để đón nhận Ngôi Hai nhập thể, hoài thai trong dạ. Đầy ơn Thánh Thần nên Mẹ sống hết sức, hết tình với bà chị họ Isave, với đôi tân hôn tại Cana cũng như dòng tộc hai họ, với Người Con dấu yêu khi đứng dưới chân thập giá, với đoàn môn đệ của Con sau khi Người về trời. Mẹ Maria được đầy Thánh Thần nhưng vẫn chiến đấu. Mẹ đã can đảm đón nhận cái án có thể sẽ bị ném đá theo luật bấy giờ và có thể cả sự hoài nghi của thánh Giuse, khi mang thai Ngôi Lời nhập thể. Lời tiên tri của ông Ximêon về lưỡi gươm sẽ đâm thủng trái tim Mẹ phần nào nói lên những đau khổ Mẹ sẽ chịu khi một lòng theo ý Chúa và hết lòng yêu thương con người (x.Lc 2,35).

2. Cùng với ân ban chính là sứ mạng: Được Chúa ban tặng đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội không phải là vì chính Mẹ, nhưng là để Mẹ xứng đáng đón nhận Ngôi Hai nhập thể, làm người và để Mẹ có khả năng hiệp công cứu chuộc cùng với Con của Mẹ. Ân ban càng cao cả thì sứ mạng càng trọng đại. Và sứ mạng càng trọng đại thì sự nỗ lực, gắng công càng nhiều và to lớn. Chúa Kitô đã từng nói: “Ai được ban cho nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều” (x.Lc 12,48). Đây là quy luật của tình yêu.

Mừng kính mầu nhiệm Mẹ được tặng ban đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cám ơn Mẹ đã đón nhận ân ban cách đẹp lòng Chúa. Và nhờ thế mà nhân loại chúng ta được hưởng nhờ ân phúc cứu độ. Và xin đừng quên Kitô hữu chúng ta cũng đã lãnh nhận ân ban ấy qua dòng nước Thánh Tẩy, tức là đã lãnh nhận hồng ân Thánh Thần. Vấn đề đặt ra là chúng ta đã sống ân ban ấy như thế nào đây? Hãy xét xem lòng chúng ta có hướng về Chúa trong tình yêu mến, trong sự kiếm tìm thánh ý để thực thì chưa? Hãy xét xem lòng chúng ta có hướng đến hạnh phúc của tha nhân ra sao? Và cũng hãy xét xem chúng ta đã thực thi sứ mạng ngôn sứ, tư tế và vương giả như thế nào?

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây