Chúa Nhật - II - MV – C
HÃY SÁM HỐI
Tuần lễ vừa qua, người dân Hoa Kỳ mừng lễ “Thanksgiving”. Theo dõi tin tức trên mạng, có thể nói vắn tắt, rằng: nhộp nhịp và nhộn nhịp. Và, như lời một cây bút mạng mô tả, thì, “…Khi mùi gà tây của ‘Thanksgiving’ vẫn còn thơm nức mũi, khi trước các cửa tiệm hàng hóa đang còn tiếp tục xếp hàng rồng rắn những ‘sát thủ’ của ‘Black Friday’... thì đã vọng lên thánh thót từ trong các tư gia tới hầu hết trung tâm thương mại những bản thánh ca Giáng Sinh”.
Cây bút này viết tiếp: “Dĩ nhiên sớm sủa hơn cả vẫn có lẽ là những thiệp chúc ‘Merry Christmas’ và những tấm biểu ngữ quảng cáo về đủ loại quà Giáng Sinh hấp dẫn, kể cả những thứ chẳng ‘ăn nhằm’ gì đến đại lễ này cũng được ‘ăn có’ nhờ được dán hay đính kèm các nhãn hiệu và hình ảnh liên quan đến Giáng Sinh, như thiên thần, ông già No-en, cảnh tuyết rơi hoặc cây thông. Cuộc sống lạnh lẽo và buồn tẻ của mùa Đông nhờ thế mà ‘thừa thắng xông lên’... vui, phấn khởi!” (nguồn; internet).
Việt Nam, tuy không rõ ràng lắm về “Lễ Tạ Ơn”, nhưng về Giáng Sinh, cũng không kém cạnh gì. Cũng nhộn nhịp, rộn ràng, cũng mua sắm, chuẩn bị quà tặng, điện thư cho gia đình, bạn bè, thân hữu.
Một số nhà thờ, cũng như một vài nơi xóm đạo, người ta bắt đầu tất bật giăng hoa kết đèn, làm hang đá, dựng cây thông, trừ những nhân vật chính, (thánh Giu-se, Đức Maria và Hài Nhi Giê-su) đến ngày 24/12 mới trưng bày.
Đó là một truyền thống đẹp, nhưng có hơi quá vội vàng không, khi mà chúng ta vẫn còn đang trong tuần lễ thứ II của Mùa Vọng, tuần lễ mà người tín hữu được mời gọi hãy để cho tâm hồn mình đi vào chiều sâu của việc “Sám Hối”!
**
Ngay từ Mùa Vọng đầu tiên, (nếu được phép gọi như thế), của hơn hai ngàn năm trước đó, “Sự Sám Hối” cũng đã được ông Gioan Tiền Hô xếp vào thông điệp “tối khẩn”, một sự tối khẩn cần thiết để được ơn tha tội.
Ông Gio-an là ai? Thưa, theo Kinh Thánh chép lại: ông chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (x.Mt 3, 3).
Ông đã “hô” những gì? Thưa, trong hoang địa miền Giu-đê, ông hô rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (x.Mt 3, 1-2)
Tiếng hô của ông, cứ tưởng rằng, chỉ là những tiếng phèn la chập choãng, lạc lõng giữa hoang địa. Nhưng không, nó đã đánh động tâm hồn nhiều người. Để rồi “người ta từ Giêrusalem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp miền ven sông Gio-đan, kéo đến với ông”.
Dòng sông Gio-đan, hôm đó, dậy sóng. Không phải sóng nước, nhưng là “sóng người”, từng làn sóng người đến thú tội. Và ông Gioan đã “làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan” (Mt 3, 6).
***
Xưa kia, nhìn ông Gio-an Tiền Hô, một số người nghĩ ông là Ê-lia hay một ngôn sứ nào khác.
Với chúng ta hôm nay thì sao? Thưa, đừng nhìn ông như là một “người mẫu” cho một kiểu thời trang mùa đông với chiếc “áo lông lạc đà”.
Nhìn ông, hãy nhìn như là tấm gương mẫu mực cho một lối sống “từ bỏ”, một lối sống sau này chính Đức Giê-su cũng đã truyền dạy: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. (x.Mt 16, 24).
Thì đây, chúng ta hãy nhìn xem, ông Gio-an đã “từ bỏ” những gì?
Thứ nhất, ông ta từ bỏ “chức vụ”, một chức vụ có nằm mơ cũng không thấy. Là con ông Dacaria, một vị tư tế thuộc nhóm Avigia, và bà Elisabeth cũng thuộc dòng tộc tư tế Aharon, lẽ nào ông không được thừa kề chức “tư tế” như cha của ông? Thế nhưng, ông từ bỏ. Kinh Thánh ghi về ông rằng: “Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en” (x.Lc 1, 80).
Thứ hai, ông từ bỏ gấm vóc lụa là, “nhất y nhất quỡn” với chiếc áo lông lạc đà.
Thứ ba, ông từ bỏ cao lương mỹ vị, sống một đời sống như các vị ngôn sứ xưa, “lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn”, một hình thức chay tịnh, dọn dẹp lại tâm hồn mình.
Cuối cùng, sự từ bỏ khó khăn nhất mà ông đã thực hiện, đó là, từ bỏ sự nịnh hót, sự dối trá, nói cách khác, ông đã dám sống cho sự thật và chết cho sự thật.
Thật vậy, để bảo vệ sự thật, Gioan Tiền Hô đã không ngần ngại vạch mặt chỉ tên nhóm thần quyền giả hình Phariseu và Xa-đốc chỉ là một “Nòi rắn độc”. Và ông đã dám chết cho sự thật để ngăn cản bạo chúa Hê-rô-đê đã làm một việc đáng xấu hổ, “lấy vợ của anh” mình.
Có thể kết luận rằng, nhìn ông Gioan Tiền Hô chính là để mỗi người Kitô hữu chúng ta, nhìn về một tấm gương mẫu mực, về một con người, không phải là qua cách ăn mặc: “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”, mà là qua cách sống, cách sống từ bỏ, từ bỏ mọi sự, một minh chứng rõ nét cho việc “sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối”.
****
Thế nên, giờ đây, chúng ta hãy tự hỏi mình, rằng: Đã có bao nhiêu Mùa Vọng đi qua đời ta, được bao nhiêu lần chúng ta thật sự “sám hối”?
Đừng bao giờ nghĩ rằng, Ồ! Tôi sống ăn-ngay-ở-lành không làm gì nên tội, không trộm cắp, không bất công với ai, thì có gì phải “sám hối”…
Vâng, theo tiêu chuẩn con người, chúng ta có thể là người vô tội. Nhưng trước mặt Thiên Chúa thánh khiết, mọi người đều là tội nhân. Thánh Thần Chúa qua miệng lưỡi tông đồ Phaolô, nói rằng: “Vì mọi người đều đã phạm tội, mất hết sự vinh hiển của Thiên Chúa”. (Rm 3, 23).
Vua David đã nhận rõ điều này nên đã cất tiếng thở than: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi. Đã mang tội khi mẹ mới hoài thai”. (x.Tv 51, 7).
Hãy tự nghĩ, ta không bất công với ai, thế nhưng, khi có một chút danh vọng, quyền lực, ta có tự cao, tự đại? Ta không trộm cắp, thế nhưng, nơi công sở, ta có ăn cắp “giờ công” bằng những việc đại loại như: tán gẫu, lướt di dộng, chat zalo v.v…?
Nhiều… nhiều lắm… ta có thể ganh ghét ai đó, khi thấy họ hơn ta! Ta có thể tranh chấp khi phần chia gia tài của mình ít hơn phần của “cái thằng em trời đánh kia”, chẳng hạn… Ta có thể “giết người không gươm”, bằng những lời vu khống v.v…
Vậy thì, tại sao ta không sám hối “thú nhận cùng Thiên Chúa là Cha toàn năng, cùng tất cả anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”?
Chúng ta hãy trở lại dòng sông Gio-đan, và hãy nghe lại lời cảnh báo của ông Gio-an Tiền Hô: “Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham. Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở thành con cháu ông Áp-ra-ham”.
Nhắc lại lời cảnh báo này để làm gì? Thưa, là để nói về chúng ta hôm nay, rằng: “Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: chúng ta đã là một Ki-tô hữu”. Vì, một Ki-tô hữu mà không “sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối”, thì, chỉ là “thóc lép”, mà thôi. Đừng quên, Thiên Chúa có thể làm hòn đá này trở thành “thóc mẩy”.
Thật sự là vậy, cho nên, hãy nên nghe lại lời kêu gọi của ông Gio-an Tiền Hô: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”.
Đã đến gần… Chúa Giê-su sắp đến thật gần… thật gần rồi.
Thế nên, hãy khẩn cấp “dọn sẵn con đường cho Đức Chúa”, đó chính là “con đường nội tâm”, một con-đường-nội-tâm cho thẳng, không quanh co dối trá, bạt những chỗ gồ ghề “tự cao, tự đại”, san lấp những hố sâu “chia rẽ, ganh tỵ, đố kỵ, nóng giận, tranh chấp, bè phái”, của mình.
Bởi vì, nếu ngay giờ này, Đức Giê-su đến! Nếu Chúa đến, tôi sẽ là thóc mẩy hay thóc lép? Câu trả lời thuộc về mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên Kinh Thánh có chép rằng: “Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu.” (x.Tv 51, 19).
Vậy, cớ gì chúng ta không giục lòng sám hối!
Vâng, hãy nghe một lần nữa lời mời gọi của ông Gio-an: “Anh em hãy sám hối”.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn