TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

MỘT GÓC NHÌN CHỦ QUAN

Thứ năm - 13/05/2021 06:41 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   548
MỘT GÓC NHÌN CHỦ QUAN

MỘT GÓC NHÌN CHỦ QUAN

“Bốn vị Hồng Y đã công bố lời thỉnh cầu với Đức Thánh Cha Phanxicô trong đó các ngài lập luận rằng cần phải làm rõ Tông Huấn Amoris Laetitia, vì có những căng thẳng giữa tài liệu này của Đức Thánh Cha và giáo lý truyền thống của Công Giáo về hôn nhân.

Bốn vị Hồng Y đã gởi đến Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 19 tháng 9 năm 2016 lời thỉnh cầu của các ngài xin được làm rõ vấn đề. Các ngài đã không nhận được phúc đáp. Các vị Hồng Y xem sự im lặng của Đức Thánh Cha như “một lời mời gọi để tiếp tục suy tư, và thảo luận, một cách bình tĩnh và trong niềm tôn trọng.”

Cùng với quý Hồng Y trên khi xem sự im lặng của Đức Thánh Cha là “một lời mời gọi để tiếp tục suy tư, và thảo luận, một cách bình tĩnh và trong niềm tôn trọng”, xin mạo muội có một vài cái nhìn cho dù rất có thể là thiển ý.
Giáo Luật điều 1055.2: “Giữa hai người đã được Rửa Tội không thể có khế ước hôn nhân thành sự, nếu không đồng thời là bí tích”. Như thế Giáo Hội Công Giáo cũng đương nhiên nhìn nhận hôn nhân giữa anh em Chính Thống giáo Đông Phương là bí tích. Và tương tự như thế nếu có bí tích Rửa Tội thành sự thì hôn nhân giữa anh em Tin Lành cũng là bí tích.

Anh em Tin Lành vốn không nhận bí tích Hôn Nhân nên việc ly hôn và tái hôn xem ra khá dễ dàng. Anh em Chính Thống giáo thì có nhận bí tích hôn nhân và tuy không dễ dãi nhưng lại vẫn chấp nhận việc ly hôn và tái hôn một hoặc hai lần nữa khi có lý do chính đáng, dẫu cho lần kết hôn sau không được cử hành cách trọng thể như lần đầu. Một số lý do được xem là chính đáng như ngoại tình, mắc bệnh AIDS, bị nghiện rượu hay nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế, người vợ nạo phá thai mà không được sự đồng ý của chồng….

Bốn Hồng Y, gồm có các Đức Hồng Y Walter Brandmüller, Raymond Burke, Carlo Caffara, và Joachim Meissner, đã trình lên Đức Thánh Cha bốn “dubia”, nghĩa là bốn bản câu hỏi cần được làm sáng tỏ.
Trước hết, các ngài xin Đức Thánh Cha minh định rằng dưới ánh sáng của Tông Huấn Amoris Laetitia, một người Công Giáo đã kết hôn, sau đó ly hôn, và rồi sống chung với một đối tác khác có thể được nhận bí tích xá giải và được rước lễ hay không?

Sau đó, các ngài cũng xin Đức Thánh Cha làm rõ rằng liệu Giáo Hội có còn duy trì những giáo huấn của Thánh Gioan Phaolô II trong Thông Điệp Veritatis Splendor (Chân lý Rạng ngời), theo đó có một số hành vi luôn luôn và tự bản chất của nó là tội lỗi, và không thể có một hoàn cảnh giảm khinh nào có thể biện minh cho một hành vi tự bản chất của nó là xấu xa, và chỉ dựa vào lương tâm mà thôi thì không thể là đủ để biện minh cho một hành động tự bản chất nó là một điều ác” (Vietcatholic news ngày 14-11-2016).

Chưa bàn đến việc ly dị và tái hôn của anh em ngoài Kitô giáo, phải chăng việc ly dị và tái hôn của nhiều Kitô hữu Công giáo, Chính Thống giáo và Tin Lành đều là những hành vi luôn luôn và tự bản chất của nó là tội lỗi, và không thể giảm khinh hay biện minh?

Theo tôi thì chắc chắn có những hành vi là tội lỗi thực sự vì tự bản chất nó là một điều ác. Tuy nhiên với hành vi này, hành vi kia của người này, người kia thì chúng  ta cần phải xem xét nhiều chiều kích cũng như hoàn cảnh. Xét như là thiên luật thì luật tôn trọng sự sống chắc không thua gì luật vững bền của hôn nhân nhất phu nhất phụ mà có khi còn có tính triệt để hơn. Thế mà luật cấm giết người thì vẫn có đó luật trừ chẳng hạn như trường hợp tự vệ chính đáng, trường hợp chiến tranh chính nghĩa hoặc trong một số trường hợp áp dụng luật song hiệu.

Được xem là bản dịch tương đối sát với nguyên bản đó là bản dịch của linh mục Nguyễn Thế Thuấn, xin trích bản văn Tin Mừng tường thuật lời Chúa Kitô nói về sự ly dị Mt 19,3-9: “Khi ấy Biệt phái đến gặp Chúa Giêsu, để thử Ngài, họ nói: “Có được phép rẫy vợ mình vì bất kỳ cớ nào không? Đáp lại, Ngài nói: “Các ông lại đã không đọc sao: Từ khởi nguyên, là nam là nữ, Tạo hóa đã dựng nên chúng, và Người đã phán: Bởi thế mà đàn ông sẽ bỏ cả cha mẹ mình và khắng khít với vợ và cả hai chúng sẽ nên một thân xác ? Cho nên họ không còn là hai, mà là một thân xác. Vậy điều Thiên Chúa đã phối hợp, thì người ta chớ có phân ly”. Họ vặn lại: “Vậy thì tại sao Môsê lại truyền phải trao ly thư mà rẫy vợ ?” Ngài bảo họ: “Vì lòng dạ lì lợm của các ngươi mà Môsê đã cho phép các ngươi rẫy vợ; chứ thuở ban đầu không có thế. Ta bảo các ngươi: Ai mà rẫy vợ mình – trừ phi là nố dâm bôn – và cưới vợ khác, tức là phạm tội ngoại tình.”

Khi hỏi thử Chúa Giêsu thì số Biệt phái lúc bấy giờ đã nói là ly dị với “bất cứ lý do gì”. Và khi trả lời thì Chúa Giêsu cũng đã thêm “trừ phi là nố dâm bôn”. Đã từ lâu truyền thống Công giáo chú thích “nố dâm bôn” ở đây là tình trạng hôn nhân bất hợp pháp. Nếu là tình trạng chưa phải là hôn nhân thành sự thì bình thường theo mạch văn ít có ai nói là “trừ phi”. Phải chăng hai từ :” trừ phi” ở đây là một luật trừ?

Đã từng có câu ngạn ngữ : “Sẽ không là luật nếu không có luật trừ”. Bản thân không cố tình dựa vào câu ngạn ngữ này để giảm thiểu tính triệt để và bền vững của thiên luật. Tuy nhiên dựa vào lời của Chúa Kitô: “Ngày Sabat có ra là vì con người chứ không phải con người có ra là vì ngày Sabat” (Mc 2,27), xin được khẳng định rằng lề luật, cho dù đó là thiên luật thì cũng là phương tiện chứ không phải là cứu cánh.

Một vài trường hợp giả định để thêm cái nhìn nhiều chiều:
Thử hỏi giả như vị Tân Tổng Thống Hoa Kỳ vừa đắc cử là ngài Donald Trump vốn là người đã ly hôn và tái hôn lần thứ ba mà là Kitô Hữu Công giáo thì phản ứng của nhiều Đấng bậc sẽ ra sao đây? Nếu một Kitô hữu Công giáo mà không phải vì lỗi của mình nhưng bị phía phối ngẫu bỏ rơi cách bất công, sau đó lại đi bước nữa và chu toàn bổn phận thì sẽ ra sao nếu họ thấy ngột ngạt trong Giáo Hội Công Giáo mà xin qua Chính Thống giáo ?

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây