TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hiệp hành như là phương cách sống

Thứ bảy - 20/08/2022 20:09 | Tác giả bài viết: Lm. Antôn Hà Văn Minh |   776
Tính hiệp hành là một phần không thể thiếu trong chính bản chất của mình. Đặc tính hiệp hành của Giáo hội được thể hiện qua các Công đồng đại kết, các Thượng Hội đồng Giám mục, các Công nghị giáo phận, các hội đồng giáo phận và giáo xứ.
Hiệp hành như là phương cách sống

HIỆP HÀNH NHƯ LÀ PHƯƠNG CÁCH SỐNG
VÀ HÀNH ĐỘNG ĐẶC TRƯNG CỦA GIÁO HỘI


WHĐ (20.8.2022) - Lạc Vũ Thái Bình có viết một bài “Song ứng tuyệt tác ‘Cuộc tranh luận về Bí Tích Thánh Thể - Học tràng Athens' của danh họa Raphael”, phân tích về bức bích họa nổi tiếng Cuộc tranh luận về Bí tích Thánh Thể (Disputation of the Holy Sacrament) của danh họa Raffaello Sanzio (1483 -1520). Trong bài phân tích của Lạc Vũ Thái Bình chúng ta tìm đọc thấy lời minh định hiệp hành là bản chất của Giáo hội trong bức bích họa. Tác giả viết:

“Ở bức họa ‘Cuộc tranh luận về Bí tích Thánh Thể', không giống như các nhà triết học của ‘Học tràng Athens', những người ở gần nhau mà rời rạc mỗi người mỗi phách dưới mái vòm ngôi đền đa thần giáo Pantheon, các nhân vật trong ‘Cuộc tranh luận về Bí tích Thánh Thể' đã hội họp bên Bàn Thờ và Thánh Thể như năm xưa dân Israel đã tụ tập dưới chân núi Sinai để nghe ông Moses tuyên đọc về Thập điều (x. Xh 20) hay như các môn đệ và dân chúng đã quy tụ dưới chân Chúa Giêsu để nghe Người rao giảng về Nước Trời trong Bài giảng trên núi (x. Mt 5). Đó chính là Giáo hội - thực thể vừa mang tính thần thiêng vừa mang tính thế tục, hợp nhất những người tin vào Chúa Giêsu Kitô thành một thân thể trong Thánh Thể, nguồn mạch và đỉnh cao của Giáo hội, qua đó hợp nhất vũ hoàn vào trong bản thể đỉnh cao vô lượng của Thiên Chúa Ba Ngôi”[1]

Tác giả còn chỉ cho thấy tính hiệp hành đó chính là phương cách sống của Giáo hội khi phân tích bức bích họa: “Chung quanh bàn thờ, chúng ta có thể nhận thấy hình ảnh đại diện của Giáo hội là các Giáo hoàng, các tiến sĩ Hội Thánh, các nhà thần học và các giáo dân... Trong một khung cảnh mà giáo hoàng đứng lẫn lộn với các giám mục, linh mục, và các nhân vật của Giáo hội thời kỳ đầu và thời trung cổ mà không có bất kỳ một sự phân cách địa vị nào, quả thực đã cho thấy một điều: đứng trước mầu nhiệm quá đỗi cao vời và trổi vượt mà Thiên Chúa ban cho con người, những phân biệt địa vị giữa con người với nhau, quả chỉ là phù vân.”[2]. Đó chính là hình ảnh một Giáo hội Hiệp hành, hình ảnh đã được tái hiện rõ nét trong bức họa logo của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI với chủ đề: Hướng tới một Hội thánh Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ.

Giáo hội cũng đã công nhận rằng: “Tính hiệp hành là một phần không thể thiếu trong chính bản chất của mình. Đặc tính hiệp hành của Giáo hội được thể hiện qua các Công đồng đại kết, các Thượng Hội đồng Giám mục, các Công nghị giáo phận, các hội đồng giáo phận và giáo xứ. Chúng ta có thể trải nghiệm các hình thức ‘hiệp hành' đã có trong Giáo hội bằng nhiều cách, tuy nhiên đặc tính hiệp hành của Giáo hội không bị giới hạn trong các thiết chế hiện hành”[3].

1. Giáo hội Chúa Kitô là một Giáo hội hiệp hành trong việc thực thi căn tính của mình

Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Lumen Gentium đã trình bày Giáo hội mang tính hiệp hành khi minh định: “Thiên Chúa muốn thánh hoá và cứu độ con người không như những cá nhân riêng rẽ không chút liên đới với nhau, nhưng Ngài muốn làm cho họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện” (LG số 9). Dân tộc này được Chúa Kitô dẫn lối bước đi trong sự “hiệp thông sự sống, bác ái và chân lý, dân tộc này cũng được Người sử dụng như khí cụ để cứu chuộc mọi người, và được sai đi vào thế giới như ánh sáng trần gian và muối đất” (LG số 9). Và Công đồng cũng không quên nhắn nhủ Dân được Chúa quy tụ vẫn là một cộng đoàn Dân thánh đang tiến bước trong thời gian qua các thời đại hướng về nhà Cha vĩnh cửu, nên phải nhớ đến đặc tính lữ hành của mình. Điều đó có nghĩa là “Giáo hội là một cộng đoàn hiệp thông trong tình huynh đệ anh chị em cùng với những khác “được Chúa thương” nắm tay nhau nhịp bước tiến về Nước Chúa hứa. “Con đường hiệp thông của sự hy vọng” nằm trong và cùng với đại gia đình nhân loại. Chính trong con đường này những kẻ tin làm cho nhân loại tìm thấy niềm vui mừng nơi Giáo hội mãnh liệt hơn cái đau khổ họ đang chịu.[4] Hay nói cách khác, Giáo hội Chúa Kitô chính là Giáo hội hiệp hành trên bước đường lữ hành tiến về Nhà Cha.

Trên con đường lữ hành này, Giáo hội đón nhận sứ mệnh là quy tụ mọi dân nước không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ cùng bước chung vào con đường dẫn tới sự sống. Con đường đó không gì khác hơn chính là tin vào Tin Mừng, tin vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đã đến trần gian để mang lại sự sống cho con người. Quả thật, chính Đức Kitô là đường để mọi người bước vào hầu đạt được ơn cứu độ, Người đã khẳng định: Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6), Người là đường từ Thiên Chúa đến gặp gỡ con người và dẫn con người đến với Thiên Chúa. Vì thế, để chu toàn sứ mạng mà Chúa đã trao phó, Giáo hội đòi hỏi toàn Dân Chúa đồng hành với nhau, với mỗi thành viên đang đóng vai trò cốt yếu của mình, và cùng hiệp nhất với nhau. “Giáo hội hiệp hành tiến bước trong sự hiệp thông để theo đuổi một sứ mạng chung với sự tham gia của mọi thành viên và mỗi thành viên”[5].

Giáo hội sẽ không thể chu tất sứ mạng của mình nếu đây không phải là Giáo hội hiệp hành, vì xét cho cùng căn tính đích thật của Giáo hội chính là sự hiệp thông qua việc đồng hành với nhau trên con đường Giêsu. Đồng hành không có nghĩa loại bỏ những khác biệt, nhưng là đồng hành trong cùng một đức tin, để cùng nhau tham dự vào đời sống của Giáo hội theo tình trạng chức năng riêng biệt của từng người. Quả thật, Tất cả người Kitô hữu, nhờ Bí tích Thánh tẩy đều được sai đi để cùng thi hành một sứ mạng chung. Đó là ý muốn của Thiên Chúa, là lệnh truyền của Đức Giêsu khi sai chúng ta ra đi để làm nhân chứng sống động, làm ánh sáng muôn dân, làm muối men cho đời (x. Mt 5,13.14; 13, 33), nên không ai có thể tự cho phép mình độc quyền làm chứng Thiên Chúa, độc quyền rao giảng Tin Mừng.[6] Trái lại, Bí tích Thánh tẩy tháp nhập những người đáp lời mời gọi đi theo Đức Giêsu vào Thân Thể Ngài là Hội Thánh; Bí tích Thánh tẩy mở ra cho tất cả những ai tin vào Đức Giêsu con đường loan báo Tin Mừng. Đây chính là căn tính đích thật của Giáo hội Chúa Kitô, Đức Bênêđictô XVI trong Tông huấn “Lời Chúa”, đã xác định rằng: “Vì toàn Dân Thiên Chúa là một dân tộc ‘được sai đi', Thượng Hội đồng đã tái khẳng định rằng ‘sứ mạng loan báo Lời Thiên Chúa là bổn phận của mọi môn đệ Đức Giêsu Kitô, như hệ quả của phép Rửa của họ'. Không một tín hữu nào trong Chúa Kitô lại có thể thấy mình xa lạ với trách nhiệm này, một trách nhiệm phát xuất từ chỗ ta thuộc về Thân Thể Chúa Kitô theo cách bí tích. Ý thức này phải được thức tỉnh trong mỗi gia đình, giáo xứ, cộng đoàn, hiệp hội và phong trào Giáo hội. Vậy, Giáo hội như là Mầu nhiệm hiệp thông hoàn toàn có tính truyền giáo, và mỗi người, tùy theo bậc sống, đều được kêu gọi góp phần rõ ràng vào việc loan báo Chúa Kitô  Giáo dân được kêu gọi thực thi nhiệm vụ ngôn sứ, nhiệm vụ trực tiếp phát xuất từ phép Rửa của họ, và làm chứng cho Tin Mừng trong đời sống hằng ngày, tại bất cứ nơi nào họ sinh sống.”[7]

Thật vậy, Giáo hội là cộng đoàn được Chúa quy tụ để loan báo Tin Mừng, việc loan báo này không là công việc riêng lẻ theo sáng kiến của từng cá nhân, nhưng là được thực hiện trong tổng thể của cộng đoàn Dân Chúa mang đặc tính hiệp hành. Điều đó có nghĩa là việc loan báo Tin Mừng phát xuất từ sự hiệp nhất trong sự hiệp thông từ một cộng đoàn được xây dựng trên nền tảng Chúa Kitô là Đá góc, và trên các Tông Đồ.[8]

2. Giáo hội biểu tỏ đặc tính hiệp hành trong phương cách sống và hành động của mình

Giáo hội xuất hiện và tồn tại như một cộng đoàn tương quan với nhau qua cùng một Đức tin vào Thiên Chúa, là những người được đắm mình trong “không gian” Chúa Thánh Thần, để có thể nhận biết Thiên Chúa. Thật vậy, Đức Giêsu Kitô được mặc khải cho biết Người chính là Con Thiên Chúa mà Thiên Chúa đã gởi đến trần gian, Người đã hiến dâng mạng sống của mình, đã được sống lại và được đưa lên cao. Trong khi đó chính Thánh Thần tạo ra năng lực để kiến tạo nên Đức tin riêng và chung, nhờ đó Giáo hội xuất hiện. Đối với Đức tin của từng người, Giáo hội nối kết họ vào một “không gian đời sống” khả dĩ cụ thể của Đức tin Giáo hội, trong “không gian đời sống” này, từng người đón nhận Đức tin nhờ việc loan báo Tin Mừng và Phép Rửa, và phát triển đời sống Đức tin qua việc tham dự vào các hoạt động nền tảng của Giáo hội.[9]

a) Giáo hội hiệp hành trong đặc tính duy nhất của Giáo hội

Giáo hội Chúa Kitô được hình thành trên nền tảng Ba Ngôi Thiên Chúa, nên tự bản chất Giáo hội cũng được gọi là Giáo hội hiệp thông, bởi đó thánh Augustinô đã nói đến sự liên đới giữa sự hiệp thông trong nội tại Ba Ngôi với sự hiệp thông Giáo hội: “Những gì có chung giữa Cha và Con, Cha và Con cũng muốn nhờ đó thiết lập một sự đồng nhất nơi chúng ta với Thiên Chúa; qua ân sủng, mối dây hợp nhất Cha và Con, Thiên Chúa cũng muốn dẫn đưa chúng ta nên một; có nghĩa là qua Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa và là ân sủng của Thiên Chúa; qua Người chúng ta sẽ được giao hòa với Thiên Chúa, và được mừng rỡ hân hoan”.[10] Bản Đề cương: Giáo hội Tại Việt Nam năm 2008 đã trình bày bốn yếu tố làm nên nên Giáo hội Hiệp thông: (1) mầu nhiệm Giáo hội hiệp thông đặt nền trên sự hiệp thông Ba Ngôi; (2) Giáo hội, dân giao ước mới, là dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại; (3) Giáo hội cốt yếu là sự hiệp thông của tất cả các tín hữu với Chúa Kitô và với nhau; (4) Giáo hội là nơi chốn (locus) và biểu tượng của sự hiệp thông giữa các dân tộc.[11]

Sự hiệp thông Giáo hội bao gồm hai chiều kích: Hợp nhất và đa dạng, đồng nhất và riêng biệt. Sự duy nhất của Giáo hội được xây dựng trên hai chiều kích này qua mối tương giao được đặt trên nền tảng một đức tin duy nhất, và vì thế chỉ có một Dân Thiên Chúa được Người tuyển chọn và nói như Thánh Phaolô: ‘chỉ có một Thiên Chúa, một Đức tin, một Phép rửa' (Ep 4, 5). Các chi thể cùng chung một phẩm giá vì đã được tái sinh trong Chúa Kitô, cùng một ân huệ được làm con cái, một ơn gọi trở nên trọn lành, một ơn cứu độ và một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia. Do đó, trong Chúa Kitô và trong Giáo hội, không còn có sự hơn kém về nguồn gốc hay dân tộc, vì địa vị xã hội hoặc vì nam nữ, bởi lẽ ‘không còn người Do thái hoặc Hy lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, vì anh em hết thảy đều là một trong Chúa Giêsu Kitô' (Gal 3, 28; x. Col 3, 11).

Sự duy nhất này được nhìn thấy rõ nét qua khái niệm Giáo hội là Thân Thể Chúa Kitô. “Giáo hội là Thân thể Đức Kitô bởi vì trong sự hợp nhất sâu đậm không phân chia với Người, Giáo hội diễn tả không gian đời sống ‘điển hình nhất' trong những thực tại trần thế, phổ quát và đa dạng khác nhau của Đấng được đưa lên cao, Đấng đó đang ở giữa chúng ta”.[12] Chính trong Thân Thể này, Giáo hội “lớn lên từ bên trong và hướng ra bên ngoài, chứ không ngược lại. Trên hết, Giáo hội là dấu chỉ sự hiệp thông thân mật nhất với Chúa Kitô. Giáo hội được đào tạo trong đời sống cầu nguyện, trong các bí tích và trong các thái độ nền tảng của tin, cậy và mến. Bởi thế, có ai hỏi: tôi phải làm gì để trở thành Giáo hội và lớn mạnh như Giáo hội, thì câu trả lời hẳn phải là: bạn phải trở thành người sống đức tin, đức cậy và đức mến. Điều xây dựng nên Giáo hội là cầu nguyện và sự hiệp thông các bí tích; trong chúng, lời cầu nguyện của Giáo hội tới gặp gỡ ta.[13] Thật vậy, qua bí tích Rửa tội, mọi Kitô hữu được tháp nhập vào Thân Thể mầu nhiệm Chúa Kitô, trong chính Thân Thể này, chúng ta tìm thấy sự duy nhất trong sự đa dạng khác nhau của một chi thể.

Tính hiệp hành trong sự duy nhất của Giáo hội trở thành dấu chỉ của Vương quốc Thiên Chúa ngay tại trần thế này. Giáo hội là một cộng đoàn được quy tụ không chỉ đơn giản là gom lại bên nhau, nhưng được nối kết với nhau nên một qua việc gặp gỡ nơi các bí tích trong Giáo hội, nhất là bí tích Thánh Thể, nói như Đức Bênêđictô: “Thánh Thể liên kết mọi người lại với nhau, không phải chỉ với nhau mà thôi, mà còn với Chúa Kitô nữa; có thể nói Bí tích Thánh Thể đã biến cộng đoàn hiệp thông Thánh Thể thành ‘Giáo hội'. Đồng thời, Bí tích này cũng trình bày sự hình thành Giáo hội: Giáo hội hiện hữu trong các cộng đoàn Thánh Thể. Và Thánh Lễ Giáo hội cử hành làm nên Giáo hội, vì trong yếu tính, Giáo hội chính là Thánh Lễ (missa = được sai đi), sai đi để phục vụ Thiên Chúa, và cũng từ đó để phục vụ con người và phục vụ hầu biến đổi thế giới.”[14] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II còn nhấn mạnh: “Khi hiệp nhất với Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, Dân của Giao Ước Mới, không khép kín lại nhưng trở thành ‘bí tích' cho nhân loại, thành dấu hiệu và dụng cụ của ơn cứu độ được Chúa Kitô ban cho, thành ánh sáng thế gian để cứu rỗi mọi người. Sứ vụ của Giáo hội tiếp nối sứ vụ của Chúa Kitô: ‘Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng vậy, Thầy sai anh em' (Ga 20,21). Vì thế, Giáo hội nhận lấy sức mạnh thiêng liêng cần thiết để hoàn tất sứ vụ của mình qua việc duy trì liên tục Hy Tế của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể và qua việc thông hiệp với Mình và Máu của Ngài. Như thế Bí Tích Thánh Thể vừa là nguồn suối, vừa là đỉnh cao của mọi công cuộc phúc âm hóa, vì mục tiêu của nó là sự hiệp thông mọi người với Chúa Kitô và trong Ngài với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.”[15]

Khái niệm Giáo hội như là Thân Thể Mầu nhiệm Chúa Kitô như thánh Phaolô đã trình bày (x. 1Cr 12, 27) đã nói lên tính hiệp hành nơi Giáo hội cách đặc biệt trong yếu tố duy nhất, giống như trong một cơ thể có nhiều cơ năng khác nhau, nhưng tất cả đều cần thiết và bổ túc cho nhau để cơ thể được sống động và lớn lên, đây cũng là hình ảnh Giáo hội bao gồm nhiều thành viên đa dạng khác nhau về ngôn ngữ, màu da, chủng tộc nhưng qua bí tích Rửa tội các thành viên trong Giáo hội đều có một phẩm giá như nhau, nói như công đồng Vaticanô II: mọi người đều bình đẳng với nhau về phẩm giá là Con Thiên Chúa (x. LG số 32), mọi người đều có nhiệm vụ cộng tác với nhau trong việc thực hành sứ vụ của Giáo hội, tùy theo mức độ chúa Kitô ban cho (Ep 4, 7). Có thể nói “bản chất Dân Thiên Chúa hợp nhất với nhau trong sự khác biệt về chức vụ, đặc sủng và nhiệm vụ” [16], vì thế mỗi người trong Giáo hội đều có trách nhiệm đối với đời sống của Giáo hội trong tinh thần đồng trách nhiệm. Các thành viên đều có mối tương quan hỗ tương với nhau liên quan đến các thừa tác vụ và đặc sủng riêng biệt phù hợp với ơn gọi và bậc sống của mình, nhưng tất cả đều kín múc một năng lực duy nhất nơi Đức Giêsu Kitô.

Đức Phanxicô khai sáng thêm tính hiệp hành của Giáo hội trong yếu tố duy nhất: “Các tín hữu trong Giáo hội cũng giống các thành viên trong gia đình mỗi người chúng ta nhận được tất cả những gì giúp chúng ta lớn lên, trưởng thành và sống. Ta không thể tự tăng trưởng một mình, không thể tự mình bước đi, tự cô lập, nhưng tiến bước và tăng trưởng trong một cộng đoàn, trong một gia đình. Trong Giáo hội chúng ta có thể nghe Lời Chúa, tin chắc rằng sứ điệp mà Chúa ban cho chúng ta, trong Giáo hội chúng ta có thể gặp Chúa trong các bí tích là những cánh cửa mở rộng qua đó ánh sáng Chúa Kitô chiếu rọi cho chúng ta, những dòng suối từ đó chúng ta kín múc chính sự sống của Thiên Chúa; trong Giáo hội chúng ta học cách sống tình hiệp thông, tình thương đến từ Thiên Chúa”.[17]

b) Giáo hội hiệp hành trong đặc tính công giáo

Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã trả lời cho ký giả Peter Seewald khi được hỏi “công giáo” mang ý nghĩa gì như sau: Công giáo được dịch nghĩa là: “bao gồm toàn thể”, là cho hết mọi người. Nghĩa là Giáo hội của toàn thế giới, của mọi nền văn hóa và mọi thời. Điểm này rất quan trọng, là vì Giáo hội không bao giờ được hạn hẹp lại trong một Giáo hội quốc gia ... Giáo hội luôn vượt ra ngoài mọi biên cương... Giáo hội có mặt để qua muôn thứ ngôn ngữ, dâng lên Thiên Chúa toàn bộ kho tàng tốt đẹp của nhân loại, và như vậy Giáo hội cũng là lực giao hoà ở ngay giữa chính nhân loại”.[18] Công đồng Vaticanô II đã trình bày: “Giáo hội, tức Dân Thiên Chúa, không loại bỏ di sản trần thế của bất cứ dân tộc nào; trái lại, Giáo hội cổ võ và thu dụng tất cả những gì tốt lành nơi tài sản, nguồn lực và phong phú hóa của các dân tộc, và khi thu dụng chúng, Giáo hội tinh luyện, kiện toàn và thăng hoa chúng” (LG 13).

Rõ ràng tính hiệp hành của Giáo hội được tỏ bày minh nhiên trong yếu tố công giáo, bởi để có thể quy tụ mọi dân nước vào trong cung lòng của Giáo hội, buộc Giáo hội phải thiết lập mối tương quan, và trước tiên là kết nối mối tương quan của các hình thức cơ cấu Giáo hội địa phương để hướng tới “phổ quát hóa” trên bình diện rộng lớn của thế giới đang được mời gọi dự phần vào ơn cứu độ.[19] Kiến tạo mối tương quan mang đặc tính hiệp hành qua việc “chúng ta thực hiện bằng cách cùng nhau lắng nghe Lời Chúa trong Kinh thánh và Truyền thống sống động của Hội thánh, và rồi bằng cách lắng nghe nhau, đặc biệt là lắng nghe những người bên lề, cũng như phân định các dấu chỉ thời đại. Trên thực tế, toàn bộ Tiến trình hiệp hành có mục đích thúc đẩy những trải nghiệm sống động về sự phân định, tham gia và đồng trách nhiệm, là nơi quy tụ mọi loại ân sủng khác nhau để phục vụ cho sứ mạng của Hội thánh trên toàn thế giới”.[20]

Trong yếu tố công giáo của Giáo hội, Công đồng Vaticanô II đã trình bày rất rõ về “Giáo hội tương quan”. Giáo hội như là “Dân Thiên Chúa” trong chiều kích của mối tương quan khác nhau khởi đầu từ “trong” rối đến “ngoài”, qua mối tương quan này Giáo hội được cấu thành như một chủ thể mang xã hội tính của Đức tin. Sắc lệnh Unitatis Redintegratio đã hướng dẫn hiệp hành trong việc kiến tạo mối tương giao trong, tức là tiến tới đại kết với các anh em cùng niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Trước tiên là gặp gỡ và đối thoại, nhằm “cố gắng loại bỏ những lời nói, xét đoán và hành vi thiếu công bình và không đúng sự thật về các anh em ly khai, những điều chỉ làm cho mối liên hệ với họ trở nên thêm khó khăn hơn” (UR, số 4). Để mối tương giao trong được phát triển hầu có thể tiến tới sự hợp nhất trong Giáo hội “chắc chắn những tín hữu công giáo phải tỏ ra ân cần đối với các anh em ly khai, bằng cách cầu nguyện cho họ, trao đổi với họ về các công việc của Giáo hội, đi bước trước đến với họ. Điều cần hơn cả là phải thành tâm và chú ý nghiệm xét những gì phải canh tân và thực hiện trong chính Gia đình Công giáo, để đời sống của Giáo hội làm chứng cách trung thành và rõ ràng hơn về giáo lý và những điều Đức Kitô truyền lại qua các Tông đồ” (UR số 4).

Chính trong bản chất hiệp hành được in đậm trong đặc tính công giáo, đòi hỏi “Giáo hội phải quan tâm đến mối liên hệ của mình với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Với nhận thức về nhiệm vụ phải phát huy sự hiệp nhất và tình yêu thương giữa con người và nhất là giữa các dân tộc, trước tiên ở đây Giáo hội nghiệm xét những gì đã được ban chung cho con người và đang dẫn đưa con người đến với nhau”,[21] và với tính chất hiệp hành Giáo hội lắng nghe, đối thoại để với thái độ thận trọng và bác ái, các Kitô hữu được khuyến khích “nhìn nhận, gìn giữ và làm tăng triển những giá trị tâm linh, luân lý cũng như các giá trị xã hội-văn hóa nơi những tín đồ thuộc các tôn giáo khác”.[22]

Theo tài liệu “Đối thoại và rao giảng” của Hội đồng giáo hoàng về Đối thoại liên tôn và của Bộ Phúc âm hóa các dân tộc được công bố ngày 19.5.1991, thì công việc đối thoại được thực hiện trên bốn bình diện:

a) Đối thoại qua đời sống: nơi môi trường sống, người Kitô hữu thể hiện một tấm lòng rộng mở và liên đới với mọi người chung quanh, qua đó họ chia sẻ niềm vui cũng như nỗi buồn, những vấn đề và khó khăn của con người.

b) Đối thoại qua hành động: Người Kitô hữu và các tín đồ của các tôn giáo khác cùng hành động chung với nhau cho việc phát triển chung của xã hội và giải phóng con người khỏi những bất công, bóc lột.

c) Đối thoại qua việc trao đổi kiến thức thần học: Những nhà chuyên môn cùng chia sẻ với nhau kiến thức về tôn giáo của mình một cách sâu rộng và chân nhận các giá trị hàm chứa trong các tôn giáo.

d) Đối thoại qua kinh nghiệm tôn giáo: cùng chia sẻ với nhau những cảm nghiệm sâu xa về tôn giáo của mình trong lãnh vực tu đức, như cầu nguyện, suy tưởng, tin và tìm kiếm Thiên Chúa hay Đấng tuyệt đối.

Đấy là cách thế hiệp hành của Giáo hội trên con đường thực hiện công giáo tính của mình. Vì ý định của Thiên Chúa từ đầu đến cuối luôn là ban ơn cứu độ cho toàn thể thụ tạo, người muốn thụ tạo bước vào Vương quốc hoà bình, công lý và sự sống của Người; do đó Dân Thiên Chúa phải là dân hiện diện trong mọi dân tộc và mọi nền văn hóa.

Trong tiến trình hiệp hành của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XVI, có yêu cầu thực hiện cuộc đối thoại, lắng nghe từ những buổi thảo luận trong các giáo xứ, các phong trào giáo dân, các trường học và đại học, các dòng tu, các cộng đồng Kitô giáo lân cận, các phong trào xã hội, các phong trào đại kết và liên tôn, cùng các nhóm hoạt động khác[23], để thấy được rằng, Giáo hội không thể là Giáo hội công giáo nếu Giáo hội không thực hiện phương thế hiệp hành trong đời sống của mình.

Kết:

Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới đã minh định: “Hiệp hành là phương cách sống và hành động (modus vivendi et operandi) đặc trưng của Giáo hội, Dân Thiên Chúa, vốn biểu lộ và thực hiện cách cụ thể bản chất hiệp thông của mình khi mọi thành viên của Giáo hội đồng hành cùng nhau, tập họp lại trong đại hội và cùng tham gia tích cực vào sứ vụ phúc âm hóa của Giáo hội. [24] Điều đó cho thấy Giáo hội đang nỗ lực làm cho căn tính của mình được biểu tỏ cách rõ nét: “Bí tích cứu độ phổ quát” x. (LG 48). Có nghĩa là Giáo hội chỉ tìm thấy căn tinh đích thật của mình trong mối tương quan với Vương quốc Thiên Chúa. Giáo hội không còn tự đóng khung mình trong một tháp ngà với cái nhìn mình là một xã hội toàn hảo (societas perfecta), để rồi làm cho sứ vụ giới thiệu ơn cứu độ đến cho mọi người bị hạn chế, và sơ cứng, “là bí tích cứu độ phổ quát” Giáo hội mở toang cánh cửa để “đi ra”, để Giáo hội “không bao giờ đóng kín mình, không bao giờ lui về nơi an toàn của mình, không bao giờ chọn thái độ cố chấp hay tự vệ. Giáo hội hiểu rằng Giáo hội phải gia tăng sự hiểu biết của mình về Tin Mừng và nhận ra các đường lối của Thần Khí, vì vậy Giáo hội luôn luôn làm bất cứ điều tốt lành nào có thể, dù trên đường đi, chân Giáo hội có thể bị lấm bùn”[25].

Khi mở toang cánh cửa để đi ra, Giáo hội kiến tạo một Con đường hiệp thông của sự hy vọng” nằm trong và cùng với đại gia đình nhân loại. Chính trong con đường này những kẻ tin làm cho nhân loại tìm thấy niềm vui mừng nơi Giáo hội mãnh liệt hơn cái đau khổ họ đang chịu.[26] Trên con đường này, Giáo hội mở rộng mối tương quan đến chiều kích toàn cầu, nhằm biến đổi thế giới và đưa thế giới đạt tới tình yêu giải phóng và cứu chuộc của Thiên Chúa. Nhờ đó mà căn tính của Giáo hội được tỏ hiện một cách rõ ràng. Sự hiệp hành của Giáo hội là cách thế hữu hiệu biểu tỏ căn tính này, tất cả những người đã chịu phép Thánh tẩy, những người tham gia vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Đức Kitô, ‘khi thi hành các đặc sủng đa dạng và phong phú Chúa ban cho theo ơn gọi và tác vụ của họ', đều là những chủ thể tích cực loan báo Tin Mừng, trong tư cách cá nhân cũng như với tư cách toàn thể Dân Chúa”[27]. Như thế, việc thực hành tính hiệp hành được coi là phương thức hiển nhiên nhất để trở thành “bí tích phổ quát của ơn cứu độ” (LG, 48), “dấu chỉ và phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất với toàn thể nhân loại” (LG, 1).

Lm. Antôn Hà Văn Minh
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 129 (Tháng 5 & 6 năm 2022)


[1] Lạc Vũ Thái Bình, Song ứng tuyệt tác ‘Cuộc tranh luận về Bí Tích Thánh Thể - Học tràng Athens' của danh họa Raphael, nguồn: https://nghiencuulichsu.com/2021/04/26/song-ung-tuyet-tac-cuoc-tranh-luan-ve-bi-tich-thanh-the-hoc-trang-athens-cua-danh-hoa-raphael/

[2] Nt.

[3] Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính Hiệp hành, số 1.3, nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc- ve-tinh-hiep-hanh-42941

[4] x. Giám mục W. Kempf, Fuer euch und fuer alle. Fastenhirtenbrief 1981, Limburg 1981; Giám mục K. Lehman, „Geistes-Gegenwart und Weggemeinschaft“, Gepraech in: HK 43 (1989), 67 - 74; Giám mục J. Homeyer, „Es bedarf einer zweiten Bekehrung“, Gepraech in: HK 44 (1990), 417 - 423.

[5] Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính Hiệp hành, số 1.3, nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc- ve-tinh-hiep-hanh-42941

[6] x. Nt.

[7] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini, ban hành ngày 20-9-2020 tại Rôma, số 94.

[8] x. Ủy ban Thần học Quốc tế, Tính Hiệp hành trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội, công bố ngày 2 -3- 2018, số 55.

[9] x. Lm Antôn Hà Văn Minh, Giáo hội như là Dấu chỉ Bí tích, NXB Tôn Giáo 2015, tr, 115.

[10] Agustinus, Serm. 71, 18 (PL 38, 454). Zit. Theo F. Courth, Trinitt. Trong “Schrift und Patristik”, tr. 199.

[11] Bản Đề cương, Giáo hội tại Việt Nam: Mầu Nhiệm, Hiệp thông Và Sứ Vụ, Ban tổ chức Năm Thánh 10, 2008, tr. 37, số 17.

[12] Lm Antôn Hà Văn Minh, Giáo hội như là Dấu chỉ Bí tích, NXB Tôn Giáo 2015, tr, 135.

[13] Joseph Ratzinger, bài Diễn văn đọc tại Hội nghị Mục vụ tại Aversa, Italia vào ngày 15-9-2001

[14] Nt.

[15] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, ban hành ngày 17-4-2003 tại Rôma, số 22.

[16] W. Kasper, Kirche als Communio. Ueberlegungen zur ekklesiologischen Leitdidee des II. Vatikanischen Konzils, trong: Ders. Theologie und Kirche, Mainz 1987, 285.

[17] Đức Phanxicô, bài Giáo lý về “Giáo hội Công giáo”, ngày 9-10-2013 tại Quảng trường Rôma, nguồn: https://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2013/documents/papa-francesco_20131009_udienza-generale.html

[18] Đức Bênêđictô XVI, Gott und die Welt, bản Việt ngữ “Thiên Chúa và Trần Thế” do Phạm Hồng Lam chuyển ngữ, NXB Tôn Giáo 2011, trang 354.

[19] x. J. Witte, Die Kirche als sacramentum unitatis fuer die ganze Welt, trong: G. Barauna , trang 420 - 452.

[20] Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính Hiệp hành, số 1.3, nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc- ve-tinh-hiep-hanh-42941

[21] Công đồng Vaticanô II, Tuyên ngôn Nostra Aetate, số 1.

[22] Nt

[23] Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính Hiệp hành, số 3.1, nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc- ve-tinh-hiep-hanh-42941

[24] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới số 10, nguồn: https:// hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-lieu-chuan-bi-thuong-hoi-dong-giam-muc-lan- thu-xvi-42903

[25] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, ban hành ngày 24-11-2013, tại Roma, số 45

[26] X. Giám mục W. Kempf, Fuer euch und fuer alle. Fastenhirtenbrief 1981, Limburg 1981; Giám mục K. Lehman, “Geistes-Gegenwart und Weggemeinschaft”, Gepraech in: HK 43 (1989), 67 - 74; Giám mục J. Homeyer, “Es bedarf einer zweiten Bekehrung”, Gepraech in: HK 44 (1990), 417 - 423.

[27] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới số 15, nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-lieu-chuan-bi-thuong-hoi-dong-giam-muc-lan- thu-xvi-42903

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây