TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Canh thức Vượt Qua

“Giêsu Nazarét chịu đóng đinh, đã sống lại”. (Mc 16,1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hoà để bình

Thứ sáu - 18/11/2022 03:51 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   451
Trong nền văn minh lúa nước xưa kia, chữ hòa được hiểu từ một điều rất thực tế trong đời sống, “hòa” trong Hán tự bao gồm chữ lúa và chữ khẩu, nghĩa là thuật nấu ăn hay một cách diễn dịch khác, lúa cho mọi người.
Hoà để bình

Hoà để bình


 
 
Trong nền văn minh lúa nước xưa kia, chữ hòa được hiểu từ một điều rất thực tế trong đời sống, “hòa” trong Hán tự bao gồm chữ lúa và chữ khẩu, nghĩa là thuật nấu ăn hay một cách diễn dịch khác, lúa cho mọi người.
Ý nghĩa cụ thể, nấu ăn là một nghệ thuật để hòa giữa ngọt, mặn, chua, cay, xào, nấu, nướng hay chiên để có một thức ăn ngon lành. Chữ hòa trong đời sống cũng mang một ý nghĩa đặc trưng, sống làm sao cốt yếu để lòng mến thương không bị mất mà còn thắm thiết.
Ngoài ra diễn dịch theo nghĩa lúa cho mọi người, chữ hòa ở đây nhấn mạnh đến tính công bằng cho mọi sự sống trên trái đất. Hòa được xây dựng trên công lý và tình thương.
Bình là giữ cho yên ổn, không xáo trộn, trật tự. Trong đời sống, bình là trạng thái tốt nhất, vì không rơi vào độc đoán cũng chẳng quá dễ dãi.
Hòa bình đi chung với nhau là một nghệ thuật sống sao cho yên ổn, không bị xáo trộn. Ước mong, khát mong hòa bình là tình trạng yên ổn được tái lập mỗi khi có xáo trộn và chiến tranh. Hòa bình như một nghệ thuật nấu ăn, tất cả sao cho vừa phải, sao cho ngon miệng và công bằng cho mọi sự sống.
Hòa bình là nơi gặp gỡ: “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên”. (Tv 85, 11)
Hòa bình là bao gồm nhiều yếu tố, như ca dao tả về an bình những làng quê:
 “Làng ta phong cảnh hữu tình
Dân cư giăng khúc như hình con long
Nhờ Trời hạ kế sang đông
Làm nghề cày cấy vui trồng tốt tươi”
Hoặc như mỗi người cũng cần ý tứ để giữ đời sống thanh cao:
“Trời sinh ra đã làm người
Hay ăn, hay nói, hay cười, hay chơi
Khi ăn thì phải lựa nồi
Khi nói, thì phải lựa lời chớ sai
Cả vui chớ có vội cười  
Nơi không lễ phép chớ chơi làm gì”  
Hòa bình xuất phát từ gia đình.
Khát mong hòa bình không xuất phát từ đâu xa mà xuất phát ngay trong chính gia đình. Người Việt hiểu chữ “gia” là một đơn vị cơ bản để rồi ra “đình” và từ “đình” mới lập thành “quốc”. Thế nên, thuận hòa trong gia đình luôn là đầu mối cho khát vọng hòa bình, “thuận vợ, thuận chồng; tát bể Đông cũng cạn” hoặc tình nghĩa như: “Con cá làm ra con mắm, Vợ chồng già thương lắm mình ơi”. Thuận hòa là thế cho nên đời sống luôn “lấy chín bỏ làm mười” hoặc với cách “một câu nhịn, chín câu lành”. “Có ba điều tôi hết lòng ao ước, cả ba đều đẹp lòng Đức Chúa và người ta: anh em hoà thuận, láng giềng thân thiết, vợ chồng ý hợp tâm đầu”. (Hc 25, 1)
Cha mẹ luôn là mẫu gương cho con cái, là cái “gia” cho “đình” làng. Chuyện vợ chồng “cơm chẳng ngon, canh chẳng ngọt” cũng đừng bao giờ “cởi áo cho người xem lưng” mà nên “đóng cửa trong nhà bảo nhau”. Cũng chính vì chữ hòa rất cần cho gia đình nên anh chị em trong gia đình luôn được giáo huấn sống gắn bó với nhau: “chị ngã em nâng” hoặc lúc nào cũng một điều phải hai điều hay khuyên nhủ nhau: “anh em như thể tay chân, rách lành đùm bọc khó khăn đỡ đần”. Cũng chính trong gia đình mà những bài học cần thiết được học trước khi ra với đời “học ăn, học nói, học gói, học mở”.
Những khi tranh chấp trong gia đình xảy ra, thì luôn luôn được nhắc nhớ: “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, hoặc có khi chuyện đã trở nên nặng nề thì vẫn cố khuyên giải bằng tình thương: “Nước còn quyện cát làm doi. Chị em sao chẳng tài bồi cho nhau” “Thua là thua mẹ thua cha, Chị em một lứa ai mà thua ai”. Cái tình luôn luôn làm chủ cái lẽ để rồi xử hòa với nhau: “chín lẽ thua một tình”, hoặc có gì chăng nữa thì “em khôn, cũng là em chị, chị dại, cũng là chị em”.
Hòa bình từ gia đình lan ra xã hội.
Gia đình là nền tảng của xã hội, cho nên từ trong nhà những bài học yêu thương, nhân ái, hòa thuận... đều là những chuẩn bị cho một xã hội lành mạnh. “Anh em bốn bể là nhà, Người dưng khác họ vẫn là anh em”. Tình thương mến anh chị em trong gia đình nó lớn lên mãi, rồi trở thành tình đồng bào, tình quê hương ruột thịt muốn hoài gắn bó với nhau: “Ai làm Nam Bắc phân kỳ, cho hai giòng lệ đầm đìa nhớ thương”.
Tình thương yêu đồng bào xây dựng trong tình nghĩa anh chị em, thế nên giấc mộng hòa bình vốn chẳng ở đâu xa, sống gần nhau chia sẻ ngọt bùi cay đắng cùng nhau: “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” hoặc “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước thì thương nhau cùng”.  
Gọi hai tiếng “đồng bào” thường nghe tiếng thiêng liêng lắm. Trong nước hay ở nơi hải ngoại những người Việt nghe đến đồng bào thì cũng cảm thấy nao nao. Tình đồng bào vượt ra khỏi mọi biên giới vì ai đã gọi nhau là đồng bào thì đã nhận mình cùng một dòng dõi: “con rồng cháu tiên” cùng một trứng. Nếu vì tình thương là đồng bào với nhau thì đâu bao giờ đành gây đau khổ cho nhau, “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn”.
Các giá trị lung lay.
Bất an, xáo trộn ở trong xã hội muôn sự cũng báo trước giá trị gia đình đang lung lay. Tranh chấp, kiện tụng, không còn cảnh: “ai nhứt thì tôi đứng nhì, ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba”. Bởi người ta bây giờ “một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp”, giá trị của con người được định giá bằng cái “có” chứ không còn ở cái “là”. Hơn thua, tranh giành, ghen ghét, hưởng thụ, ích kỷ, lấy nghĩa đồng bào làm giàu cho bản thân, bán anh em để mua lấy cái nhà, xem thường tình làng nghĩa xóm vì dăm ba tấc đất. Hay còn nhiều thứ khác “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”, đi đâu cũng thấy cảnh gia đình ly tán, không còn “ruộng xôi, bờ mật” vì miếng đất nào đã lên đô thị thì chẳng còn làng xóm. Gia đình không còn cảnh: “chồng cày vợ cấy” cũng chẳng còn nhiều cảnh “chồng chan vợ húp”. Cái lối ăn, lối mặc đã khác, ra ngoài là xe nọ, xe kia, thời trang...Bao nhiêu thứ “Ngoài thì thơn thớt nói cười, Mà trong nham hiểm giết người không dao”, hoặc “Miệng nam mô bụng bồ dao găm”. Cái tốt đẹp bên ngoài chỉ nhằm để đậy che những ý đồ đen tối bên trong, đó là hạng người: “khẩu Phật tâm xà” …
Khi lòng tham của con người án ngữ, nhiều giá trị bị đổi thay, lòng không còn an, nên sống với nhau đầy xáo động. Phú nhưng không quý. Lối về an bình không còn nhiều nữa, khát mong hòa bình chỉ còn là an phận, khép kín, vì tiếng nói của lương tri bị dập tắt, đúng như Thánh Vịnh 11, 3: “Khi nền móng cương thường đổ nát, người công chính còn làm được chuyện gì? ".
Lòng an để sống hòa.
Người xưa dạy: “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Khát mong an bình chỉ có thể thực hiện được khi lòng con người hoán cải. Lòng còn tham nên đời vẫn còn tranh chấp; tâm còn sân vẫn còn ghen ghét, giận hờn; trí còn si nên vẫn còn dục vọng đam mê. Giũ khỏi bụi trần để sống đời thanh cao: “Trong đầm gì đẹp bằng sen. Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng. Nhụy vàng bông trắng lá xanh. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Sống một đời “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, rèn luyện mỗi ngày để ra khỏi: “Phong lưu là cạm ở đời. Hồng nhan là bẫy những người tài hoa”. Lòng trí hướng về cao thượng: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, dẫu cuộc đời còn lắm nhiêu khê vẫn quyết một lòng an nhiên để sống với người: “Đứt tay một chút còn đau. Huống chi nhân nghĩa, lià sao cho đành”. Liêm chính, ngay thẳng là lối đi của lòng an và kết quả hoa trái đầy cành: “Cây xanh thời lá cũng xanh. Cha mẹ hiền lành để đức cho con. Mừng cây rồi lại mừng cành. Cây đức lắm chồi, người đức lắm con. Ba vuông sánh với bảy tròn. Đời cha vinh hiển đời con sang giàu”. Sống cho nhân nghĩa để rồi thấy: “Sóng trước dổ đâu, sóng sau đổ đấy”, “gieo gì gặt nấy”. Lấy tình thương để sống với mọi người “dĩ hòa vi quý”, “máu chảy ruột mềm. Môi hở răng lạnh”, cuộc sống lúc nào cũng cần “tối lửa, tắt đèn có nhau”, chan hòa niềm vui. Sau cùng, lấy đức khiêm nhừng để sống: “Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn, thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng.” (Hc 13, 7) 
Đường đi của hòa bình là con đường của nghệ thuật và đã là nghệ thuật lúc nào cũng cần rèn luyện tu đức, sống ngay thẳng, công bằng, hòa hợp với mọi người. Lòng an thì mọi sự mới an. Người xưa không chỉ sống cầu an mà còn sống để lập an. Qua con đường giáo huấn “tu thân, tích đức” cho đến “Tu đâu cho bằng tu nhà. Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”, mới gặt hái kết quả là hòa bình đến cho nhân loại.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây