TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hoa nở giữa vách đá cheo leo

Thứ ba - 11/05/2021 09:45 | Tác giả bài viết: Nguyễn Vĩnh Căn |   993
fIMG 0214
fIMG 0214
Trong tâm tình cảm tạ, Ban Văn hoá - Truyền thông tổ chức cuộc thi Sáng tác Văn Thơ mừng 50 năm Hồng ân Giáo phận Ban Mê Thuột, khởi xướng ngày 26/9/2017 và kết thúc vào ngày 25/3/2018. Sáng ngày 21.6.2018, tại Hội trường Nhà Lưu trú Têrêxa (99 Trần Nhật Duật, Tp. Buôn Ma Thuột), Ban tổ chức đã trao 11 giải thưởng, bằng khen cho các tác giả, gồm: 02 truyện dài, 03 truyện ngắn, 05 tập thơ và 01 bài thơ.

BBT xin giới thiệu tác phẩm dự thi: truyện dài của 
Nguyễn Vĩnh Căn (ĐC: Giáo xứ Châu Sơn Ban Mê Thuột)

         Hoa nở giữa vách đá cheo leo
        Có một mối tình như muôn vàn mối tình trên thế gian này. Cũng trắc trở, cũng cheo leo vách đá. Chỉ vì con gái của một ông Trùm xứ đạo, yêu một người ngoại đạo, mà chàng trai ấy lại sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc một thời, lại là Phật giáo nòi, đắc đạo từ thời ông cố tổ; bảo sao bên gia đình trai cho lấy người con gái ông  Trùm xứ đạo được chứ!

         Cha tôi, một ông Trùm xứ của thế hệ phong kiến, lại bảo thủ… Làm sao một ông Trùm xứ tiếng tăm đạo đức ở một Giáo xứ lại có thể gả con gái cho một người vô đạo như chàng đây!
         Có người bảo: hai bên cha mẹ đã không đồng thuận thì hai đứa bỏ nhau đi, và tìm mối nhân duyên mới. Có lẽ, chuyện tình yêu không đơn giản như người ngoài nghĩ đâu. Khi con tim đã thổn thức để say đắm nhau, thì bảo sao có thể bỏ nhau được chứ! Chúng ta đã chẳng nghe trong Diễm Tình Ca (8,6): “Tình yêu mạnh hơn cả sự chết” đó sao. Và cái chết của chàng Romeo và nàng Juliet trong vở kịch nổi tiếng của Shakespeare đã là tiếng chuông cảnh báo nhân loại: không thế lực và lòng hận thù nào có thể làm chia lìa được lứa đôi yêu nhau.
         Thực ra, vào thời đó, Giáo hội đã cho người Công giáo lấy người ngoại đạo rồi, nhưng chỉ vì sĩ diện và tự ái của bên đàng trai cũng như đàng gái, đã làm hai bên đạo chẳng những không kết nối được với nhau, mà còn tạo ra sự ngăn trở mối tình của chúng tôi.
         Thế là tôi và chàng đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng gia đình êm ấm, chỉ vì chàng là người ngoại đạo lấy người có đạo, nhưng không chịu theo đạo!
         Tôi nhớ rất rõ, tối đó cha tôi có hơi men hơn thường bữa. Không biết có phải ông muốn mượn hơi rượu để phân xử thẳng thừng với con gái hay không?
         - Mày có bỏ thằng đó đi không, nếu không, mày cút khỏi nhà tao.
         Nước mắt chảy dài, tôi lặng lẽ cuốn vội mớ áo quần vào túi xách…
         Mẹ tôi khóc nỉ non:
         - Ông làm gì mà tàn nhẫn với con như thế! Đêm hôm thế này, bảo nó đi đâu bây giờ?
         Cha tôi kiên quyết:
         - Nó lấy thằng ngoại đạo như thế, có phải bôi tro trát trấu vào mặt ông Trùm không chứ!?
         Mẹ tôi đã từng quen cái thói gia trưởng và tính nóng nảy của cha tôi, nên đành nhẫn nhịn cho ấm êm gia đình. Bà bùi ngùi đưa tôi ra đầu ngõ, rồi dúi cho tôi một ít tiền:
         - Để mẹ nói thằng hai chở con lên bà dì.
         Tôi ở nhờ bà dì một thời gian. Cuộc sống của bà vốn đã khó khăn, nay lại thêm một miệng ăn thì cũng thêm vất vả cho dì. Cũng may, lúc đó, tôi là giáo viên trường Huyện, nên đã vào nương thân ở khu tập thể nhà trường. Mặc dầu ở huyện xa, nhưng tuần nào anh ấy cũng lên thăm tôi.
         Những lúc gặp gian nan khốn khó, tôi thường vỗ về an ủi anh ấy: “Chúa chẳng bỏ rơi ai đâu anh. Khi Ngài đóng cánh cửa lớn lại, Ngài sẽ mở cánh cửa hẹp cho chúng ta”.
         Phải gần hai năm sau, tôi và chàng mới kết hôn với nhau được. Một đám cưới hết sức giản dị và đạm bạc. Cô dâu không có áo cưới voan trắng lượt là tha thướt. Chú rể cũng không có lấy bộ vét như thường lệ. Thiệp hồng được gửi cho hai bên gia đình cha mẹ, nhưng chẳng ai đoái hoài tham dự. Chỉ có mấy thầy cô dự tiệc kẹo bánh và nước ngọt.
         Bây giờ nghĩ lại, thấy tủi phận cho hai đứa chúng tôi. Chẳng bù cho bây giờ: cô dâu xiêm áo lộng lẫy bên chàng rể comple caravate sang trọng, trông hào hoa phong nhã chi lạ! Rồi còn rềnh rang chụp hình, quay phim, trống đàn ca hát rân vang khắp xóm…
***
         Hạnh phúc nào dám trú ngụ lâu dài trong căn hộ chỉ mười mấy mét vuông, nhưng gian nan khổ cực thì chất đầy. Anh ấy vốn con nhà giàu có, sống như một công tử, nên chẳng biết lao động tay chân là gì. Nay đứng trước thử thách cuộc đời thì quả là hết sức cam go với anh ấy. Cuối cùng, chồng tôi cũng phải đem sức lao động tay chân để bán mặt cho đất bán lưng cho trời, đổi lấy miếng cơm manh áo.
         Rồi trong mái ấm chật hẹp đó, hạnh phúc lứa đôi được dung dưỡng, và dần dà những đứa con ra đời. Nỗi gian nan nhọc nhằn lại chồng chất ngập đầu. Những lần sinh con, anh ấy không thể đi làm được, vì phải ở nhà giữ con để vợ đi dạy. Với đồng lương khiếm tốn của một giáo viên, để trang trải cho cuộc sống lúc đó, thật không dễ dàng một chút nào. Nỗi khốn khổ đổ trên đầu cha mẹ đã đành, mà còn rơi vãi lên những đứa con thơ nữa. Khi đó, nhà tôi nghèo đến mức, tã lót không mua nổi, phải tận dụng những mảnh quần áo cũ của ba mẹ đã mặc sờn vai bạc màu. Mẹ ăn uống kham khổ, lấy đâu ra sữa nuôi con. Những đứa con đành phải bú mớm bằng nước cơm tẻ hoặc cháo nêm muối. Khốn khổ nhất là khi con đau ốm, không dám chở con đi khám bệnh, chỉ biết ra trạm xá nghèo nàn xin thuốc.
         Những lúc đó, vợ chồng tôi ra sức cầu nguyện đêm ngày với Chúa Mẹ: Chúng con tín thác vào Ngài. Xin Chúa Mẹ cho chúng con đủ sức để vượt qua cơn bĩ cực. Được một điều, chồng tôi tuy chưa theo đạo chính thức, nhưng kinh hạt và lễ lạy vẫn luôn tuân giữ nghiêm túc.
         Nhưng rồi họa vô đơn chí! Lần có bầu đứa thứ ba, vợ chồng tôi lo cuống lên, vì sợ bị nhà trường cho tôi nghỉ dạy. Anh ấy bàn với tôi:
         - Hay là em bỏ cái thai này đi, chứ…
         Tôi bịt miệng chồng tôi:
         - Anh đừng có nói bậy, luật Giáo hội không cho phép phá thai đâu anh. Phá thai là một trọng tội giết người, Giáo hội lên án gay gắt lắm đấy!
         - Thì anh đã bảo em rồi, dùng phương pháp ngừa thai: đặt vòng, bao cao su hay uống thuốc ngừa, em lại không chịu nghe.
         - Thế đã bao lần, em bảo anh, hãy dùng phương pháp Billings đúng với luật Giáo hội là phải kiêng khem đúng ngày, anh có chịu nghe em đâu, để phải ra nông nỗi này.
         - Khối người có đạo vẫn dùng phương pháp ngừa thai nhân tạo đấy thôi!
         - Anh không biết rõ việc người ta dùng phương pháp nào, thì đừng có suy đoán mò. Việc giữ đạo là cho mình chứ phải cho người khác đâu mà làm theo họ. Giáo hội đã có những phương pháp an toàn, nhưng con người sống buông tuồng không muốn tuân theo đó thôi. Bào thai là mầm sống quý báu mà Thiên Chúa đã ban tặng cho loài người, không ai có quyền hủy diệt và giết chết mầm sống ấy.
***
         Nhớ ngày ra trường, ai cũng chúc mừng tôi đỗ đầu khóa, và chắc hẳn có được một vé chọn trường ở thành phố là khỏi phải nói. Sau tiệc mừng tưng bừng với bạn bè và bà con lối xóm, tôi hí hửng lên Phòng giáo dục để chọn trường… thì hỡi ơi! Phòng đã chọn giùm trường cho tôi ở một huyện xa rồi. Tôi quá đỗi bất ngờ và chưng hửng khi họ bảo: lý lịch của tôi có vấn đề… Bạn bè bảo với tôi: vấn đề gì, chỉ vì mày đạo Công giáo mà họ đánh rớt mày đấy thôi!
         Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi bị va vấp vào những tảng đá ngầm của xã hội… Chẳng lẽ, vì tôn giáo mà tôi phải nhận số phận đắng cay đó sao? Tôi nghĩ, tôi không có lỗi đã đành, và tôn giáo cũng không hề có lỗi, nếu có, họ đã cấm cản giáo dân và loại bỏ tôn giáo ra ngoài xã hội rồi.
         Ngày đó, với niềm tin Kitô giáo mạnh mẽ, lại được cha mẹ động viên, nên khi nhận cở sở dạy ở Huyện, tôi ra đi với một tâm thế phấn chấn, giống như một chứng tá đi gieo vãi đức tin vậy. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có không ít giáo viên đã vì hoàn cảnh xã hội xô đẩy mà đành phải lụy đời để viết vào bản lý lịch: vô tôn giáo, một cách đắng lòng.
         Cũng may, trong xã nơi tôi dạy học, có khá đông giáo dân, lại ở gần Nhà thờ, nên tôi có thể đi lễ hàng tuần. Sau này, nhờ có chút vốn liếng âm nhạc và giáo lý, nên tôi đã giúp ca đoàn tập hát và dạy giáo lý cho các em.
         Những sinh hoạt của tôi ở Giáo xứ, đều nằm trong tầm ngắm của nhà trường. Nhà trường gọi tôi lên làm kiểm điểm. Tôi hỏi:
         - Vì sao tôi lại phải làm kiểm điểm?
         - Là một giáo viên, cô phải tập trung vào việc soạn giáo án để dạy học cho chất lượng.
         - Như thầy đã biết, tôi vẫn luôn hoàn thành giáo án và dạy học sinh xuất sắc đấy thôi! Tôi chỉ giúp Nhà thờ những khi tôi rảnh rỗi, và công việc này không hề ảnh hưởng đến chuyện dạy học.
         - Cô phải biết rằng: quan điểm chính trị, giáo viên là một cán bộ Đảng, phải quán triệt tư tưởng của Karl Max và Lê Nin.
         - Nhưng hai ông ấy có dạy tôi không được tham gia tôn giáo đâu.
         Và hệ lụy đó đã khiến tôi đã bị đẩy đi dạy vào một huyện xa, gần như không có Nhà thờ và giáo dân.
***
         Trước khi quyết định cho tôi nghỉ dạy, Ban Giám hiệu nhà trường đã cho tôi một ân huệ để được tiếp tục dạy, nếu tôi khai lại bản lý lịch: vô tôn giáo. Điều này, chính họ đã gạ gẫm tôi sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm… Nhưng chắc chắn, điều này sẽ không bao giờ xảy ra với tôi rồi. Lẽ ra, họ phải biết rằng: Tôn giáo là điểm tựa tinh thần của con người, không nên đưa ra đánh đố như thế!
         Ngày về lại thành phố…
         Con đường đất đỏ thân quen ngày nào quanh co đồi dốc, hôm nay bỗng nhiên điểm tô những đám hoa dã quỹ vàng rực rỡ như để tiễn chân tôi đi. Chính con đường này, mỗi ngày đưa tôi đến trường dạy các em thơ ở một xã vùng sâu… Những kỷ niệm chợt ùa về…
         Có vẻ như nắng ở một miền quê vùng sâu, vùng xa hanh vàng và tinh khôi hơn ở thành phố. Gió được thả rông đi hoang trên khắp đồi núi, nên gió mơn man và trìu mến con người hơn. Ở đây luôn thấm đẫm tình người. Con người sống với nhau còn nguyên bản của sự chân chất, mộc mạc và dung dị.
         Buổi đầu, khi tôi đến đây, họ đi bộ và đi xe máy ra tận Phòng ở Huyện để đón tôi… khiến tôi cảm động rướm nước mắt. Ở đây, cha mẹ và học sinh tôn trọng và quý mến thầy cô như bậc cha mẹ vậy. Chẳng bù cho ở đô thị, phụ huynh đối với thầy cô sòng phẳng như người mua bán chữ nghĩa.
         Cuộc sống gia đình tôi hồi đó rất khó khăn, nhưng nhờ cha mẹ học sinh năng lui tới thăm hỏi, bữa người này biếu cô chục trứng gà, bữa người khác quả mướp, trái bầu non… Những tình cảm đó, như một thứ rễ cây yêu thương, ngày càng bọc ấm trái tim nhỏ bé của tôi. Sống giữa miền yêu thương mọi người, khiến cho tôi cảm thấy yêu đời, yêu người và cảm thấy cuộc sống thi vị hơn, nếu không có những bù đắp tinh thần đó, có lẽ, tôi đã chết mòn nơi hoang dã tịch liêu này rồi.
         Để đáp lại những tâm tình trìu mến đó, tôi luôn quan tâm và chăm sóc đến những đứa học trò kém may mắn ở một miền quê nghèo. Vì vậy, tôi đã mở lớp học miễn phí Văn, Toán, Anh… cho những em sức học yếu kém. Và điều đó, vô hình trung đã làm cho những người bạn đồng nghiệp khó chịu, vì làm tổn hại đến miếng cơm manh áo của họ. Đó là điều nan giải làm tôi khó phân xử nhất.
         Bữa nọ, thấy có em học sinh học giỏi, bỗng nhiên nghỉ học mà không có lý do nào. Khi tôi tìm đến nhà hỏi, thì vỡ lẽ ra, nhà em khó khăn, hơn cả nửa năm rồi không đóng được tiền học và tiền xây dựng… Cuối cùng, tôi cũng phải bấm bụng đóng tiền giùm để em ấy trở lại học. Sau này cha mẹ em biết ơn tôi mãi…
         Những tình cảm thân thương giữa cô trò và phụ huynh sâu đậm như thế, bảo sao ngày tôi rời trường mà mọi người không tiễn đưa tôi được chứ! Mọi người đưa tôi ra bến xe Huyện, rồi cô trò ôm nhau khóc rưng rức để chia tay… Phụ huynh học sinh đều rướm nước mắt tiễn đưa tôi về thành phố mà tưởng như đưa đám vậy.
         Chỉ ở đó mấy năm, nhưng khi xa rời, miền đất ấy đã biến thành tâm hồn trong tôi.
***
         Làm sao mà tôi có thể quên được ngày ấy… Một ngày, khi mà con chim đời chưa đủ lông đủ cánh đã phải bay vào cõi đời dâu bể, thì biết bao chuyện bất trắc sẽ đợi chờ...
         Thuê một căn phòng lụp xụp mà phải thế chấp hai cái thẻ Chứng minh Nhân dân, thì cơ cực đến dường nào! Ngày đầu đó, người ta chỉ cho tôi cách kiếm cơm bằng gánh bún riêu đè vai là dễ dàng nhất. Thấy vợ chồng cơ khổ, một thằng bạn cho mượn chiếc xe Đam đi rẫy cà rịch cà tàng để chạy xe thồ là quý hoá lắm rồi.
         Đúng là vạn sự khởi đầu nan. Chồng tôi chạy xe thồ đôn đáo một ngày mệt nhọc, về chỉ kiếm được vừa đủ tiền xăng, nghĩ chắc là vợ ở nhà bán được gánh bún riêu cũng kiếm được một ít tiền. Ai ngờ, về nhà thấy tôi tóc tai rối bời, ngồi ôm mặt rầu rĩ.
         - Sao vậy em? Có chuyện gì hả?
         Tôi mếu máo:
         - Em bán ở góc phố, kế bên hàng bún riêu, người ta tưởng em giành khách, người chồng tức giận đá văng nồi bún riêu của em, đổ hết mất rồi anh ơi!!
         Chồng tôi nổi nóng, chạy vào nhà xách dao ra:
         - Thằng nào, thằng nào để tao cho nó biết tay.
         Tôi ôm chặt lấy chồng:
         - Em van anh, anh giết người ta rồi đi tù, em biết cậy nhờ vào ai những lúc ngặt nghèo hả anh!
         Lời nói thảm thiết của tôi như gáo nước lạnh dội vào cơn cuồng nóng, khiến chồng tôi hồi tỉnh lại.
         Vận đen vẫn chưa hết… Chồng tôi quen chủ lò mổ và cho gối đầu, chỉ cần mua một chiếc cân đồng hồ nữa là buôn bán thịt ở chợ được. Cũng bán như người ta, cũng chào mời dẻo miệng mà chỉ bán được rất ít. Người ta chỉ đến cân thử mà thôi. Thì ra, cân mình cân đúng mà cân người ta cân đểu, giá thấp hơn nên dễ bán. Chỉ được gần một tháng là mấy mụ bán thịt hè nhau đến hành hung, ném dập chiếc cân và nói: “Mày đi nơi khác mà làm ăn, ở đây phá hoại tụi tao không bán được”. Thấy vậy, chồng tôi bảo: “Thì em cứ làm cân đểu như người ta đi, cớ sao lại phải lấy cái trung thực thật thà của người Công giáo mà làm ăn cho rách việc!” Tôi nhỏ nhẹ: “Làm ăn phải lương tâm trung thực, không được gian dối, nếu không thì khác chi lọc lừa người ta. Đạo dạy điều tốt chứ có dạy điều xấu đâu anh”. Điên quá, chồng tôi hét lên: “Trời ơi! Làm người có đạo sao khổ quá vậy trời!”.
         Ngẫm lại, triết gia người Pháp, Jean Paul Satre nói có phần đúng: Trong một xã hội bất lương, nếu ai không bất lương, chính là kẻ bất lương!! Sau này, chồng tôi than vãn: “Làm người Công giáo sống giữa đời thường bon chen này, thật không dễ dàng một chút nào”.
         Nhiều khi thấy chồng tôi quá cơ cực, tôi trần tình: “Vì lấy em người có đạo mà anh phải cơ cực khốn khổ như thế này, anh có tiếc nuối không”. Nhà tôi vui vẻ, bắt chước cô nàng Jennifer trong phim Love story, để nói: “Yêu có nghĩa là không bao giờ phải nói hối tiếc”.
         Cuộc sống đang bị bế tắc, tứ bề vây hãm, không còn lối thoát. Anh ấy ngồi thẫn thờ, thở dài ngao ngán. Thấy vậy, tôi bảo: “Anh cứ tin em đi mà! Chúa chẳng bỏ rơi ai đâu anh!” Vì yêu tôi mà anh ấy đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt vậy.
         Hôm sau, không biết vì chuyện gì mà Cha xứ mời vợ chồng tôi vào? Chồng tôi lo lắm! Tự hỏi, không biết có phải vì chúng tôi ăn ở với nhau không làm phép hôn phối, nên Cha mời? Đã thế, vừa vào là Cha xứ đã lớn tiếng quở trách:
         - Tau sống có điều chi không phải, răng vợ chồng bây cho tau ăn thịt thối mỗi ngày?
         Hai vợ chồng chột dạ, lấm lét nhìn nhau sợ hãi. Nhà tôi lên tiếng:
         - Dạ, nhà con đâu dám đưa cho Cha thịt thối bao giờ đâu ạ!
         - Không phải, răng chiều mô vợ chồng bây cũng cho tau mấy lạng thịt bán ế đó!
         - Dạ, dạ… thịt bán không hết thật, nhưng chúng con đưa cho Cha vì tấm lòng yêu mến…
         Số là Cha nghe được chuyện tôi bán thịt, bị con buôn vùi dập ngoài chợ…
         - Thôi, tau cũng sòng phẳng với vợ chồng bây. Tính gần 1 tháng, vợ chồng bây đưa cho tau gần chục cân, tau trả tiền cho bây đây. Cầm lấy về mà buôn bán nghe chưa.
         - Dạ nhà con nào dám lấy của Cha!
         - Tụi bây không lấy, để mang tai tiếng Cha xứ bóc lột người nghèo ạ! Tau nghe chuyện tụi bây sống khổ cực khó nghèo như vậy, không giúp được, lại còn ăn bớt của tụi bây là răng?
         Nghĩ một lúc rồi Cha bảo:
         - Tau có quen một lò bánh mì, tụi bây cứ lấy bánh mà đi bán, lỗ tau bù, lời thì trả tiền cho họ, có chi tau bảo kê, bây đừng lo.
         Sau này thân thương với Cha, mới thấy Cha xứ ăn nói tuy thô mộc, đôi khi cộc cằn khó nghe của dân Nghệ Tĩnh chặt to kho mặn, nhưng được cái tâm là thương giáo dân và lo cho giáo dân hết tình, nên ai cũng quý mến Cha.
***
         Mỗi ngày tôi đạp xe đi bán bánh mì ở vùng quê ngoại ô thành phố. Ban đầu ế ẩm, không có khách, nên cứ phải bù lỗ. Sau quen việc, quen người, và cũng nhờ tôi xởi lởi, hoà đồng thân thiện nên ai cũng quý mến mà mua giúp cho. Đi bán bánh mì xong, lại tranh thủ đi mua đồ nhôm nhựa. Ai cũng thương cho hoàn cảnh vợ chồng tôi, nên có khi còn cho không đồ phế liệu nữa ấy chứ!
         Làm ăn có chút tiền lãi, tôi liền đến trả tiền bù lỗ, nhưng Cha không nhận. Mấy tháng sau, tôi vào xin lễ. Cha nhìn phong bì và biết ý, bèn nạt: “Xin lễ mà man trá, lòng không thành tâm sao Chúa nhận được”.
         Vợ chồng tôi rất đỗi biết ơn Cha muôn vàn. Những năm tháng đó, nếu không có Cha vỗ về an ủi và giúp đỡ, thật khó lòng để chúng tôi vượt qua được cơn bĩ cực. Chính Cha đã động viên và cho người dạy giáo lý để chồng tôi theo đạo và rửa tội cho các con tôi.
         Tôi nhớ, đó là ngày lễ Hiển Linh, Cha đến chúc mừng cho vợ chồng tôi, ngài không quên quà tặng cho chồng và con tôi, mỗi người một chiếc áo trắng nhân ngày rửa tội. Sau này có điều chi vui buồn vợ chồng tôi đều đến chia sẻ với Cha… Vợ chồng tôi xem Cha như ân nhân cứu mạng.
***
         Xem ra, cuộc sống của vợ chồng tôi ngày đó, dù còn vất vả truân chuyên, nhưng công việc làm ăn trôi chảy lắm! Chồng tôi mở một căn nhà nhỏ để thu mua phế liệu cũng đông khách đến mua bán tập nập. Còn tôi, sáng đi bán bánh mì, hết, lại chuyển qua mua nhôm nhựa…
         Rồi bỗng một hôm…
         Có người Việt kiều đến hỏi thăm:
         - Anh chị có phải là người cưu mang mẹ tôi bấy lâu không?
         Thấy xa lạ, và dường như chưa lần nào gặp mặt, nên tôi cải chính:
         - Có lẽ, bác lầm cháu với ai rồi, chứ nhà cháu chưa hề cưu mang ai như bác nói.
         Người Việt kiều phân bua:
         - Có lẽ tôi hơi đường đột, nên anh chị không hiểu chuyện. Ngày 75, tôi là một sĩ quan cấp tá bên quân đội VNCH đã di tản sang Mỹ và để lại mẹ tôi ở quê nhà Việt Nam. Mẹ con tôi bị thất lạc nhau hai mươi năm nay. Bao lần về VN, tôi đã tìm mẹ tôi mãi nhưng không gặp; bởi mẹ tôi đã bỏ xóm cũ để lưu lạc đến nơi đây… Bây giờ tôi đã gặp được mẹ…
         …Xóm Chuối ở cuối làng Bàu Sơn, một cái xóm nghèo sống nhờ vào những đồi nương đất trắng khô cằn sỏi đá. Cả năm chỉ trông chờ thu nhập vào hạt lúa và khoai mì ít ỏi. Có một bà mẹ già tóc bạc trắng, thân cô thế quạnh, chân yếu tay mềm, suốt ngày chỉ cặm cụi đào đất trồng khoai, trồng mì… kiếm ăn qua ngày. Biết được hoàn cảnh khó khăn, nên sáng nào đi qua căn nhà rách nát tồi tàn, tôi cũng đưa biếu cho bà vài ổ bánh mì. Bà có vẻ ái ngại lắm! Tôi bảo: Bánh mì này là của Chúa cho bà đấy, chứ không phải của con đâu! Bà ngơ ngác bảo: Chúa nào mà tốt vậy cô? - Chúa luôn ở với mọi người nghèo hèn chúng ta đấy bà ạ!
         Có lần bà bị tai biến, nằm mê man bất tỉnh, thân người lạnh ngắt. Cũng nhờ mỗi sáng tôi đem bánh cho bà mới phát hiện. Vợ chồng tôi kịp đưa bà đến bệnh viện cứu sống. Từ đó, bà xem vợ chồng tôi như ân nhân cứu mạng.
         Ngày ở bệnh viện về, vợ chồng tôi mời bà sang nhà ở để tiện việc chăm sóc bà, chứ để bà ở cô quạnh một mình, khi cơn trời hơi gió… biết cậy nhờ vào ai. Bà khiêm tốn từ chối và bảo: “Tui ở đây để chờ đứa con trai về đón tôi đi nữa chứ!” Sau lần đó, bà cảm kích và xin trở sang đạo. Vì tuổi già nên Cha xứ đã miễn giảm cho bà kinh nguyện… chỉ có: Kinh Tin Kính, Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh và 5 sự Vui – Thương – Mừng để bà lần hạt Mân Côi.
         Thế là tối nào bà cũng lần hạt, hết chuỗi này sang chuỗi khác… Mấy dịp sau này, tôi mừng, vì thấy bà sống vui vẻ và phấn chấn lên hẳn. Bà kể, từ khi sang đạo, bà phó thác trong tay Chúa Mẹ, nên tâm hồn bà luôn được an vui mà không còn phải buồn tủi cho thân phận cô quạnh nữa. Bà nói: “Bây chừ có Chúa Mẹ trong tui, nên tui an tâm mà không còn sầu khổ như trước nữa”.
         Có lần, bà cảm thấy tuổi già bất an, bà cho gọi vợ chồng tôi lại để giao toàn bộ sổ đỏ nhà đất và rẫy nương cho chúng tôi giữ. “Thôi, bà giữ lấy để chờ con trai bà về mà giao lại, chứ chúng con lấy của bà làm gì”. Vợ chồng chúng tôi xem bà như người mẹ của mình vậy…
***
         - Có gì đâu bác, hàng xóm giúp nhau khi tối lửa tắt đèn là chuyện bình thường mà.
         Bác ấy tỏ ra xúc động và rươm rướm nước mắt:
         - Tôi mang ơn anh chị rất lớn. Nếu không có anh chị chăm sóc nuôi dưỡng và cứu mạng, làm sao ngày trở về tôi còn được nhìn mẹ tôi như bây giờ.
         Sau đó, bác ấy ngỏ ý muốn trả ơn cho vợ chồng tôi, bằng cách đứng ra mua một cửa tiệm hàng sắt và nhôm nhựa để vợ chồng tôi kinh doanh.
         - Bác làm thế, hóa ra vợ chồng cháu kinh doanh trên mẹ của bác vậy.
         - Nhưng anh chị không nhận nơi tôi một chút lòng thành này, lòng tôi áy náy lắm! Không biết khi nào tôi trả hết nợ ân tình này cho anh chị đây!?
***
         Chồng tôi thương tôi lắm! Có lần anh ấy than thở: Ba lần sinh nở, sao mà hẩm hiu và cô quạnh đến thế! Có cha có mẹ, có gia đình nội ngoại đông đủ hẳn hoi, mà để vợ tôi phải vượt cạn một mình, thì có tủi thân cho em không hả trời! Khốn khổ cho em chưa, chỉ vì lấy một người ngoại đạo mà phải chịu trăm ngàn đắng cay như thế này!
         Rồi có những lần quá cơ cực, hai vợ chồng ôm nhau khóc không vơi cạn, như để cho dòng nước mắt trôi đi những nỗi cực nhục đớn đau… Nhiều khi tôi có cảm tưởng như vợ chồng chúng tôi đang sống giữa hai vách đá cheo leo: một bên là Lề Luật đạo và một bên là sự nghiệt ngã của cuộc sống; mà ở đó, vợ chồng chúng tôi chỉ có một khí cụ duy nhất là tình yêu và lòng chung thuỷ để nỗ lực vượt qua rào cản của cuộc sống.
         Đến lần thứ tư bị sẩy thai, tôi bị băng huyết máu chảy cạn kiệt, khiến người tôi xanh như như tàu lá, nằm mê man bất tỉnh… Khi đưa đến bệnh viện, lại không có máu O để chuyền. Chồng tôi kể lại: “Lúc đó, thấy rõ nét mặt tuyệt vọng nơi bác sĩ khoa Trưởng… anh suy sụp hẳn!”.
         Cùng đường, chồng tôi phải nhục nhằn về cầu cứu gia đình bên nội. Các chị em và cả bố mẹ chồng tôi đến, trông thấy thảm cảnh ai cũng rơi nước mắt. Mẹ chồng khóc nỉ nước nỉ non: Chỉ vì bố mẹ khắc nghiệt mà làm đời con khốn khổ như vậy. Bố mẹ có lỗi với con lắm con ơi!!
         Sau này, nghe anh ấy kể lại: Khi đó, anh như điên loạn để gào thét: “Chúa ơi! Mẹ ơi! Cứu vợ con với… Vợ con chết mất Chúa Mẹ ơi!!!”.
         Cuộc sống tuy làm ăn vất vả tất bật, đầu tắt mặt tối, nhưng giỗ chạp, tết nhất tôi vẫn về làm bổn phận đạo hiếu làm con. Làm ăn có chút của ăn của để, vợ chồng tôi thường gửi quà về nhà nội, nhà ngoại. Rồi đến một ngày...
         Ngày cha tôi – ông Trùm xứ, bị tai biến phải vào viện cấp cứu. Tôi lo lắng chạy thuốc men… Ngày đi buôn bán, tối về trực… Có hôm ba tôi tỉnh dậy, bất chợt nhìn thấy tôi, ông nổi giận, cầm chai nước, nặng giọng ném về phía tôi và xua đuổi: “Mi là đồ bất hiếu, đi cho khuất mắt tao”. Tôi nhẫn nhục nhặt những mảnh vỡ, rồi lặng lẽ ra về trong nước mắt… Ai trong bệnh viện cũng chạnh lòng…
         Đến một đêm… Khi cha tôi thức giấc, chỉ thấy có một mình tôi canh thức… Có lẽ, chính điều đó đã đánh động lòng trắc ẩn. Ông ôm chầm lấy tôi và khóc: “Chỉ vì ba ích kỷ để giữ cái danh thơm ông Trùm mà đã ruồng rẫy, bỏ con phải khốn khổ cơ cực như thế! Ba có lỗi với các con lắm!”
         Thế là từ đó, tuần nào vợ chồng chúng tôi cũng về sum họp gia đình đàng ngoại.
         Sau này nghe kể lại: Đêm đó, người nhà đàng nội chỉ còn chờ tôi tắt thở để đưa về tống táng nữa thôi… Chồng tôi quá đỗi đau đớn đến ngất đi… Chồng tôi kể lại: Bỗng đâu đến gần sáng, anh nghe tiếng ai kêu lên: “Anh ơi! Anh ơi!” Anh cơ hồ vui mừng đến phát điên lên. Cả bệnh viện không ai có thể tin nổi, tôi đã qua khỏi cái chết, nếu không có phép mầu. Và chồng tôi tin Chúa Mẹ đã làm phép lạ cho tôi sống lại, dù tên thánh của chồng tôi là Thomas, người cứng lòng tin.
         Sau này, tôi kể lại với anh ấy, trong mơ màng, em nghe tiếng anh kêu cứu Chúa Mẹ, và em tin Chúa Mẹ đã nhậm lời của anh.
         Sau lần được Chúa Mẹ cứu sống, vợ chồng tôi càng cậy trông và càng đội ơn Chúa Mẹ nhiều. Những tưởng cuộc sống sẽ êm ả và an nhàn trong tuổi già. Những đứa con tôi lớn lên trong lúc túng quẫn khó nghèo, bây giờ cũng đã đến tuổi thành thân rồi. Được một điều, gia đình luôn hạnh phúc đầm ấm và sum hòa với nhau. Nào ngờ…
         Đứa con gái tôi cũng đi theo vết xe đổ của ba mẹ…
         Một mối tình học trò như muôn vàn mối tình học trò khác… Hai đứa học chung lớp từ khi ở cấp II. Tình yêu như nụ hoa, âm thầm hé nở trong lòng cây đời mới lớn mà hai đứa không hề hay biết. Mối tình đẹp. Thơ mộng. Lãng mạn… là những phẩm chất nuôi dưỡng tình cảm của lứa đôi bên nhau lớn dậy mỗi ngày. Rồi chúng nó quấn quýt với nhau lên đến đại học. Lúc này, bảo sao hai đứa không yêu nhau mới là lạ!!
         Nhưng rồi đâu ngờ, ngày hai đứa quyết định đi đến hôn nhân mới làm khó dễ cho vợ chồng tôi. Đàng trai, cha mẹ làm cấp lớn trong Nhà nước, lại đảng viên nòi, làm sao họ để con trai mình sang đạo được đây? Chẳng lẽ, chúng tôi lại cấm cản con, làm thế, khác nào như cha mẹ chúng tôi hồi trước. Vợ chồng chúng tôi cầu nguyện rất nhiều để tìm thánh ý Chúa và tín thác vào Ngài.
         Cuối cùng, vợ chồng chúng tôi đồng thuận để cho con gái kết hôn với người bên vô thần, với điều kiện: phải để cho vợ con được tự do giữ đạo và con cái được rửa tội. Những tưởng thế là tạm ổn. Ai ngờ khi sinh con, thằng chồng đổi ý, không cho con cái rửa tội mới nan giải chứ!
         Ngày con gái tôi ôm hai đứa cháu về ngoại, vợ chồng tôi quá đỗi bất ngờ! Tôi biết hạnh phúc của hai đứa đang ở trên bờ vực thẳm. “Sao thế con, sao lại tan đàn sẻ nghé như thế này!?”. - “Nhà con bây giờ sinh ra đổ đốn và đã thay đổi khác hẳn hồi mới cưới rồi mẹ ạ! Con sẽ không về nhà chồng nữa đâu, vì anh ấy đã phản lại lời cam kết là, dù không theo đạo, nhưng vẫn để cho con cái tự do theo đạo và rửa tội. Đã thế, anh ấy lại còn tư tình với cô này cô khác trong công sở; thử hỏi, làm sao con chịu cho nổi hả mẹ!”.
         Thật là tiến thoái lưỡng nan cho một cuộc hôn nhân đổ vỡ mà khó lòng có thể cứu vãn. Tôi bảo với con gái: “Con hãy ra sức cầu nguyện để Chúa Mẹ soi lòng cho anh ấy hoán cải mà trở lại với gia đình”.
         Quả đúng như lời Phật dạy: Đời là bể khổ, tình là giây oan!! Sống đến tuổi thất thập rồi mà vợ chồng tôi vẫn chưa hết nợ trần gian để còn phải đối đầu với những thử thách cam go của chuyện đời đạo. Đã thế, nhiều người còn khuyên con gái tôi đi bước nữa; chẳng lẽ ở vậy, hoài một đời xuân xanh con gái sao!? Tôi đã nhiều lần cầu nguyện: Xin Chúa và Đức Mẹ cho con gái chúng con biết vượt qua thử thách cuộc sống, và xin đừng phá vỡ lời kết ước năm xưa của ngày hôn lễ: “Con xin nhận anh… và hứa tôn trọng anh và giữ lòng chung thủy mỗi ngày cho đến suốt đời”. Cũng nhờ con gái tôi có được một nền tảng giáo lý căn bản để có được một đức tin mạnh mẽ mà không bao giờ có ý tưởng phá vỡ bí tích Hôn phối.
         Cuộc sống những tưởng bế tắc và vô phương cứu chữa… Nhưng rồi…
         Nghe tin chồng bị tai nạn thập tử nhất sinh, con gái tôi liền vào bệnh viện để chăm nuôi. Dù vẫn còn có chút giận hờn người chồng đã phụ bạc mình, nhưng lời thề trước bàn thờ năm xưa như bỗng sống lại: “Em xin hứa giữ lòng chung thủy với anh, khi thịnh vượng cũng như khi gian nan. Khi mạnh khỏe cũng như khi ốm đau… để yêu thương và tôn trọng anh mỗi ngày suốt đời em”.
         Suốt bốn năm trời nằm bất động trên giường, với sự chăm sóc thuốc men và sự nuôi dưỡng tận tình của người vợ, dường như đã cảm hóa người chồng nhận ra rằng: chẳng có tình yêu chung thủy nào cao quý bằng tình nghĩa vợ chồng. Chính điều đó, đã làm thay đổi hẳn não trạng của người chồng sau khi hồi phục. Chồng con gái tôi, thật tâm chia sẻ với tôi, mẹ vợ: “Qua tai nạn này, con như được sống lại lần thứ hai, cũng là nhờ vợ con đã không quản ngại vất vả sớm tối để lo chạy chữa. Bây giờ con mới thấy, hôn nhân Công giáo có một mối giây linh thiêng gắn kết bền chặt giữa hai người với nhau qua ân sủng của Chúa và Mẹ Maria”.
         Một phần do sức khỏe chưa được hồi phục hẳn để con rể tôi không trở lại làm công sở, nhưng lý do chính là để từ bỏ đảng mà lo việc học giáo lý sang đạo và cùng rửa tội với hai đứa con mình.
         Ngày con rể tôi sang Đạo, cả nhà tôi mừng khôn tả! Gia đình tôi mở tiệc linh đình mời: cha xứ, họ hàng, bạn bè và bà con lối xóm, giống như làm đám cưới lại cho hai đứa. Mà cũng phải thôi, vì giống như đứa con hoang đàng đã mất, nay tìm về đoàn tụ trong nhà cha. Chúng tôi biết rằng: điều kỳ diệu này có được là do bàn tay của Chúa tác động.
         Lúc này, vợ chồng tôi đã lên chức ông bà ngoại; chồng tôi - ông ấy mừng lắm! Bữa đọc kinh tối đó, ông ấy đã chia sẻ lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, lạy Mẹ Maria. Con xin cảm tạ Chúa và Mẹ Maria, đã cho con một người vợ đạo hạnh và đầy bản lĩnh, để đưa gia đình con vượt qua thăng trầm dâu bể trong sự dìu dắt, chở che và nâng đỡ của Chúa Mẹ. Cũng chính nhờ nàng đã khai nhãn cho con về những lẽ đạo, mà qua cuộc sống chứng nhân đức tin giữa đời thường của nàng, đã minh chứng cho con thấy: Chúa và Mẹ Maria luôn là lẽ sống của đời chúng con”.
         Nhờ đó, cây đời tình yêu đã nở hoa giữa vách đá cheo leo.
Nguyễn Vĩnh Căn – GX Châu Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây