TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Kiệm

Thứ bảy - 18/06/2022 08:31 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   843
Các bậc thánh nhân ngày xưa đề cao chữ “Kiệm” và Thánh Kinh cũng dạy “Kiệm” để biết khôn ngoan dùng của mình có đời này mua lấy “Nước Trời” mai sau.
Kiệm

Kiệm


 
 
Ngày nay, chủ nghĩa tiêu dùng đề cao sản xuất, hưởng thụ đề cao kiếm tiền. Ai cũng lo âu kiếm thêm và có thêm, quên mất sự nguy hại của nó. Các bậc thánh nhân ngày xưa đề cao chữ “Kiệm” và Thánh Kinh cũng dạy “Kiệm” để biết khôn ngoan dùng của mình có đời này mua lấy “Nước Trời” mai sau.
Lão Tử trong Đạo Đức kinh viết: “Ta có ba báu vật, ta hết sức nắm giữ chắt chiu. Một là khoan từ. Hai là tiết kiệm. Ba là không dám đứng trước thiên hạ (coi mình hơn người). Khoan từ nên mới hùng dũng. Tiết kiệm nên mới rộng rãi. Không dám đứng trước người, nên mới được hiển dương.” (Chương 67).
“Kiệm mới nên rộng rãi”: Lý thuyết này xem ra khó chấp nhận với ngày nay, nhưng suy ra mới thấy đúng. Khi chúng ta đề cao tiêu dùng, nghĩa là cần khai thác sản xuất tối đa. Nguyên liệu sản xuất nay đang là vấn đề nan giải, khoáng sản không phải là vô hạn. Tài nguyên môi trường không là vô tận. Văn minh vật chất có thể làm vui con mắt, hãnh diện vì cái sang giàu, nể phục vì những cái xưa nay hiếm, nhưng đức hạnh lại đi xuống, xã hội nhiều bất an. Vật ở ngoài ta có thể làm tâm trí ta rối loạn, vui con mắt làm cho ta mất cái hồn bên trong. Kiệm như vậy là mở rộng tâm can.
“Kho tàng thu tích nhờ môi miệng điêu ngoa là hơi thở thoáng qua, là bẫy làm thiệt mạng.” (Cn 21, 6). Kiệm như nhà quản lý khôn ngoan, Chúa khen: "Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?” (Lc 12, 42). Không phải “kiệm” để chỉ cho mình, kiệm để cho người khác khi họ rơi vào gian nan, giúp cho họ công việc làm.  “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó." (Lc 12, 21).
“Kiệm” bởi vì do chính tay mình làm ra bằng sức lao động chân chính. Không phải là quý đồng tiền, nhưng đồng tiền là hiệu quả của việc làm chân chính. Nhất là sử dụng của công, tiền do người dân đóng góp, của những anh chị em làm việc công khó. Thánh Phaolo cám ơn anh em thành Philipphê, vì lòng hảo tâm cứu trợ để Hội Thánh phát triển: “Bởi vì ngay khi tôi còn ở Thê-xa-lô-ni-ca, đôi lần anh em đã gửi cho tôi những gì tôi cần dùng. Điều tôi tìm kiếm không phải là quà tặng, mà là những gì sinh hoa kết quả dồi dào cho anh em.” (Pl 4, 16 – 17).
“Kiệm” để sinh lợi với đồng tiền nhàn rỗi:  "Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!” (Mt 25, 26 – 27). Tiền có mua được nhiều thứ nhưng lại không không mua được những thứ quan trọng. Ví dụ như tiền mua được chiếc giường vàng, nhưng có thể không mua được giấc ngủ ngon, tiền có thể mua được bạn “a dua” nhưng không mua được tình thân, mua được người làm không mua được lòng trung tín. Chỉ có tiền khi biết dùng “Anh em chớ quên làm việc thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì Thiên Chúa ưa thích những hy lễ như thế.” (Dt 13, 16)
“Kiệm” để tránh đi vay nợ khi có công chuyện cần thiết, nhất là tránh rơi vào “bẫy nợ”. Khoản lãi nặng sẽ làm tiêu tan mọi sự tích góp. “Người giàu thì thống trị kẻ nghèo, người đi vay làm tôi cho chủ nợ.” (Cn 22, 7). Chúa dạy: “Cho vay không đòi lại” (Lc 6, 35) Đó là trường hợp người vay không có gì để trả, nhưng dễ gì thời nay thực hiện. Ngoài ra Thánh Phaolô khuyên: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13, 8).
“Kiệm”. Đầu tư cho tương lai. Người Do Thái có luật đóng góp vào Đền Thờ 10% thu nhập. Không phải chỉ là thuế mà còn là khoản đầu tư cho tương lai “Nước Trời”. Chia đồng tiền làm ra, có những khoản khác nhau là cách khôn ngoan. Tiền đóng vào Đền Thờ là chia sẻ cho người nghèo khó, lo những công việc tái thiết, sửa chữa Đền Thờ, giúp cho những nơi chưa phát triển, thiếu thốn an sinh. “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.” (Lc 12, 33 – 34)
“Kiệm” có thể dẫn tới những cám dỗ, thu tích của cải cho mình.  "Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: "Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu! Rồi ông ta tự bảo: "Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó." (Lc 12, 16 – 21)
“Kiệm” lo cho mình, cho người, cho xã hội, cho Hội Thánh, những thiện ích chung. Sống “kiệm” sẽ gặt phúc đời sau như Chúa hứa ban: "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5, 3)
Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây