Chúa Nhật – Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô
Mình Thánh Chúa – nguồn sống của chúng ta
Bữa tiệc hay tiệc hoặc tiệc tùng là nhu cầu cần thiết trong đời sống của con người. Gọi là cần thiết vì đó là cơ hội để quy tụ mọi người đến với nhau, đến với nhau để biểu lộ tình cảm, sự gắn kết giữa người với người.
Có nhiều loại tiệc. Tiệc đầy tháng, tiệc thôi nôi, tiệc cưới, tiệc mừng thọ và đặt biệt ngày nay có một loại tiệc rất được nhiều người quan tâm, đó là tiệc buffet.
Tiệc buffet là gì? Thưa, “tiệc buffet hay còn gọi là tiệc đứng, là một hình thức tổ chức các bữa tiệc ăn uống theo kiểu tự chọn, thực khách có thể tùy ý đi lại, đứng ngồi tùy thích, thức ăn được đặt trong một khu vực chung nơi các thực khách thường tự phục vụ, lựa chọn các món đã soạn sẵn tại bàn tiệc. Ăn buffet tính theo suất, trả tiền trọn gói nên nhà hàng sẽ đếm đầu người để tính tiền mà không phân biệt bạn ăn nhiều, ăn ít, hay không ăn. So với tiệc ngồi theo kiểu truyền thống, tiệc buffet tạo cảm giác tự do, thoải mái cho khách tham dự.” (nguồn: internet).
Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài không chỉ tham dự những bữa tiệc được mời, bữa tiệc cưới tại Cana chẳng hạn, mà đã có lần Ngài thực hiện một “bữa tiệc buffet” tại Bết-xai-đa với số lượng thực khách lên tới hơn năm ngàn người. Hôm ấy, những người tham dự đã được ăn một bữa no nê ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Bữa tiệc buffet này đã được thánh Luca “thi vị hóa” qua câu chuyện “Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều”.
**
Vâng, trước khi đi vào câu chuyện “hóa bánh ra nhiều”, tưởng chúng ta cũng nên nhớ lại lời Đức Giê-su đã phán truyền: “Tôi đến là để chiên được sống và sống dồi dào”.
Mà, thật vậy, trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, đã có lần khi nhìn thấy đoàn dân đông đúc kéo đến, Đức Giê-su không khỏi “chạnh lòng thương xót” và Ngài đã thốt lên với các môn đệ rằng: “họ như bầy chiên không người chăn dắt”.
Đối với Đức Giê-su, lời nói luôn phải đi đôi với việc làm. Và Ngài đã làm thật. Vâng, chuyện kể rằng: Hôm đó, Đức Giê-su và các môn đệ “về thành kia gọi là Bết-xai-đa” Không rõ do ai nói “đám đông dân chúng biết thế”, thế là người này rỉ tai người kia, và kết quả là họ “liền đi theo Người”.
Họ đi theo Người - “Người tiếp đón họ”. Đức Giê-su tiếp đón họ với tâm tình của một người mục tử đầy lòng thương xót. Sự thương xót của Đức Giê-su đã được thể hiện qua việc “chữa lành những ai cần được chữa” (x.Lc 9, …11).
Đức Giê-su đã chữa lành được bao nhiêu người? Thưa, thánh sử Luca không cho biết có bao nhiều người được chữa lành. Thế nhưng, ngài Luca lại cho biết số lượng người đi theo Đức Giê-su “có tới chừng năm ngàn người đàn ông”.
Năm-ngàn-người thì đã sao! Thưa, có đấy! Chính số lượng đông như thế đã khiến các môn đệ âu lo. Vâng, các ông âu lo là bởi “ngày đã bắt đầu tàn”, thế mà chẳng thấy có dấu hiệu nào nhóm người này giải tán. Không giải tán thì ai sẽ là người lo vấn đề “ẩm thực” cho họ!
Trong một nỗ lực để làm giảm bớt sự âu lo (không đáng có), các môn đệ đã “đến bên Đức Giê-su thưa Người rằng: Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở là nơi hoang vắng”. Đức Giê-su trả lời thế nào, nhỉ! Thưa, Ngài nói với các môn đệ: “Chính anh em hãy cho họ ăn.”
Chính-anh-em… Các môn đệ đã nghe rõ như thế. Và, có một điều các ông còn “rõ” hơn. Điều rõ hơn đã được các ông nói với Đức Giê-su, rằng: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả dám dân này” (x.Lc 9, 13).
Vâng, hôm đó, trong khi các môn đệ đang lúng túng vì số lương thực quá ít ỏi, Đức Giê-su rất bình thản nói với các ông rằng: “Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một”.
Nghe theo lệnh truyền của Thầy mình, “các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống”. Đang khi mọi người ngồi thành từng nhóm năm mươi, Đức Giê-su, rất trang trọng, Ngài: “cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông” (Lc 9, 16).
Bữa “tiệc buffet”… đúng… một bữa tiệc buffet, bắt đầu. Mọi người đều ăn. Ăn nhiều, ăn ít tùy thích. Tin Mừng thánh Luca ghi lại: “Ai nấy được no nê”. Chưa hết, chuyện kể tiếp rằng: “Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng”. (Lc 9,17).
***
Đức Giê-su với năm chiếc bánh và hai con cá đã thực hiện một bữa tiệc buffet cho hơn năm ngàn người ăn no nê. Thế nhưng, nếu chỉ có thế thì có gì để nhớ đến Ngài. Bởi vì bữa tiệc đó cũng chẳng khác gì bữa tiệc manna xưa Thiên Chúa đãi dân Do Thái. Tổ tiên họ “đã ăn… nhưng đã chết” (x.Ga 6, 49).
Đức Giê-su, qua việc “hóa bánh ra nhiều”, Ngài muốn chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ, để sau này ngay tại bàn tiệc trong lễ Vượt Qua, các ông hiểu được ý nghĩa của việc “Hóa Bánh” - một tấm bánh “để ai ăn thì khỏi phải chết (và) sẽ được sống đời đời”.
Thật vậy, tại bữa tiệc Vượt Qua. Cũng vẫn là những cử chỉ quen thuộc. Đức Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói; Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy… “ (Mt 26, 26). Giờ đây, bánh không còn là bánh nữa. Nhưng là “Mình Thầy, hiến tế vì anh em”. Cũng vậy, rượu không còn là rượu. Nhưng là “Máu Thầy, máu Giao Ước đổ ra cho muôn người được tha tội”.
Một Giao Ước mới được lập ra. “Cho đến khi Triều Đại Thiên Chúa đến” (x.Lc 22,18). Và đó là lý do, hôm nay, toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô. Giáo lý Công Giáo gọi là Bí Tích Thánh Thể.
Chớ bao giờ cho rằng Bí Tích Thánh Thể là do Giáo Hội tự nghĩ ra. Lm. Giuse Đinh Lập Liễm, trong một bài giảng, đã khẳng định rằng: “Bí tích Thánh Thể không do Giáo Hội, không do bất cứ ai bịa ra. Chính Chúa Kitô thiết lập. Thánh lễ ngày nay tái diễn và làm sống lại Thánh lễ Chúa Kitô đã dâng khi xưa trên thánh giá để tiếp tục chuyển ơn cứu rỗi cho mọi người, mọi thời và mọi nơi.
Chính Đức Giêsu đã nói đi nói lại nhiều lần: “Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống đời đời” (Ga 6,54-55). Ngay cả khi Đức Giêsu biết rõ ràng, rằng: Khi Ngài nói ra những điều ấy, người ta sẽ không tin, sẽ nhạo cười và sẽ bỏ đi. Ngài vẫn cứ nói. Điều đó cho thấy vấn đề Đức Giêsu nói ra quan trọng và cần thiết như thế nào.” (nguồn: internet).
Thánh Phao-lô, trong thư gửi cộng đoàn Cô-rin-tô, cũng đã nói: “Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy. Cũng thế sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy, mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (x.1Cor 11, 23-25).
****
Trong bữa “tiệc buffet” tại Bết-xai-đa, Đức Giê-su nói: “Hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm.” Trong bữa tiệc lễ Vượt Qua Đức Giê-su nói: “Anh em cầm lấy mà ăn.” Và, cuối cùng, Ngài nói: “Hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”.
Đức Giê-su nói với ai vậy? Thưa, ngày xưa, Ngài nói với các môn đệ. Ngày nay, Ngài nói với mỗi chúng ta. Vâng, Đức Giê-su vẫn tiếp tục nói với chúng ta, rằng: “Chính anh em…”
Vâng, chính chúng ta… “hãy bảo nhau ngồi thành từng nhóm”. Có rất nhiều điều chính chúng ta phải “bảo nhau”. Chúng ta phải bảo nhau, hãy là “khí cụ bình an của Chúa”.
Trong một xã hội tình yêu thương chỉ là khẩu hiệu. Sự tha thứ chỉ nói chót lưỡi đầu môi. “Lương tâm bán rẻ hơn lương thực. Chân lý chân giò một giá thôi”. Thế nên, chính chúng ta phải bảo nhau “đem yêu thương vào nơi oán thù”. Bảo nhau “đem thứ tha vào nơi lăng nhục.” Bảo nhau “đem an hòa vào nơi tranh chấp”. Bảo nhau “đem chân lý vào chốn lỗi lầm”.
Đừng chần chờ gì nữa! Chúng ta hãy bảo nhau “tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm уêu mến người hơn được người mến уêu.”
Cuối cùng, và là điều rất quan trọng, đó là, chúng ta đừng quên “bảo (nhau) ngồi thành từng nhóm” trong nhà thờ mỗi ngày Chúa Nhật. Ngồi trong nhà thờ mỗi ngày Chúa Nhật để làm gì? Thưa, để chúng ta cùng nhau thưởng thức, không phải thưởng thức một bữa tiệc đại loại như bữa tiệc buffet ngoài đời thường: “ăn rỗi cũng chết”, nhưng là “Bữa Tiệc Thánh Thể”, một bữa tiệc mà chúng ta sẽ được thưởng thức một thứ lương thực, đó là “Lương thực thường tồn đem lại hạnh phúc trường sinh.” (x.Ga 6, …27).
Vâng, chính chúng ta phải “bảo nhau”. Chúng ta hãy bảo nhau “…nào mau tới thờ lạy Chúa.” Chúng ta hãy bảo nhau, rằng: “Mình Máu Thánh nên nguồn sống” cho chúng ta. Hãy bảo cho nhau biết rằng: Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô chính là nguồn sống của chúng ta.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn