Chúa Nhật XXIX – TN – A
Trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa
Vu khống là gì? Thưa, theo Wiktionary có nghĩa là: “Bịa đặt chuyện xấu, vu cho người nào đó để làm mất danh dự, mất uy tín”. Vu khống xuất hiện từ khi nào? Thưa, có thể nói rằng, nó đã có ngay từ thời tạo thiên lập địa. Nói cách khác, ngay khi có sự sống của con người, sự vu khống cùng lúc xuất hiện.
Kinh Thánh kể rằng, thuở đó, con người, một thụ tạo do Thiên Chúa tác tạo, họ được sống trong vườn Eden và được làm bá chủ mọi loài “cá biển chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật mặt đất”, chỉ trừ “trái của cây cho biết điều thiện điều ác”. Thế nhưng, thảm hại thay, chỉ vì con người xiêu lòng trước lời vu khống vô căn cứ của con rắn, rằng: “Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần…”, kể từ đó, lịch sử của con người trở thành lịch sử của biết bao nỗi khổ đau.
Vâng, nói tới vu khống, có thể nói rằng, không một ai trên thế gian này mà không hơn một lần là nạn nhân của nó. Lên google gõ hai chữ “vu khống”, thật kinh hãi, hơn năm triệu kết quả hiện ra, và đó là hơn năm triệu câu chuyện người này vu khống người kia, người kia vu khống người nọ.
Có một điều mà ai cũng phải công nhận, đó là, với những ai là người nổi tiếng, là người lãnh đạo, (đời cũng như đạo), thì sự vu khống luôn là mối đe dọa, luôn là thủ đoạn của những người đối nghịch, của phe đối lập, của những người chống đối.
Thì đây, có ai mà không biết câu chuyện Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, cách đây vài năm, đã phải xấc bấc xang bang bởi những lời “vu khống” của những người chống đối ngài.
Đức Giê-su, khi còn tại thế, Ngài cũng là nạn nhân của sụ vu khống. Các kinh sư và nhóm Pha-ri-sêu luôn rình rập tìm sự sơ hở trong tiếp xúc, trong lời ăn tiếng nói của Ngài để mà vu khống.
Một lần nọ, khi Đức Giê-su tiếp xúc với một người thu thuế tên là Lê-vi và sau đó có dùng bữa tại nhà ông ta cùng nhiều người thu thuế và tội lỗi khác, lập tức, những ông luật sĩ và biệt phái vu khống Ngài thân thiện với kẻ tội lỗi. Thế nhưng, Đức Giê-su đáp phá tan sự vu khống đó bằng một lời nói khiến mọi cử tọa hôm đó phải nín lặng, Ngài nói rằng: “Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi”.
Không thành công lần này, họ tìm cách vu không Đức Giê-su lần khác. Họ liên kết thành một liên minh kinh sư-Phariseu, dùng chiến thuật “xa luân chiến” hết nhóm này đến nhóm khác tìm sự sơ hở về lời giảng dạy hoặc lời nói của Ngài để hạ độc thủ.
Khi thì họ chất vấn Ngài về luật giữ ngày Sabat. Lần khác họ đòi xin Ngài “một dấu lạ” từ trời. Nặng ký hơn, họ đòi Đức Giêsu chứng minh rằng “Ai đã cho Ngài quyền” rao giảng Tin Mừng! (Mt 21, 23).
Đức Giêsu luôn là người chiến thắng trước những cuộc tranh luận hay chất vấn của họ. Thế nhưng, như những con đỉa đói, họ vẫn bám chặt đôi chân của nhà truyền giáo Giêsu để tìm cách hãm hại Ngài.
Một hôm, quá tức giận vì Đức Giêsu đã ví họ như “những tá điền sát nhân”. Nhóm Phariseu rất muốn bắt Đức Giêsu nhưng vì sợ dân chúng phản đối. Thay đổi kế hoạch, họ “bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy” (Mt 22, 5).
Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hêrôđê lập thành một liên minh. Một liên minh giữa “đạo và đời”.
Liên minh “Phariseu-Hêrôđê” đến gặp Đức Giêsu. Rút kinh nghiệm của những lần trước. Lần này, họ không tấn công Đức Giêsu trực diện bằng những câu hỏi “tại sao Thầy làm thế này! tại sao môn đệ Thầy làm thế kia! v.v…”.
Rất quỷ quyệt, chẳng khác con rắn xưa trong vườn Eden, họ tâng bốc Ngài bằng những lời tâng bốc thật ngọt ngào. Nào là “Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà giảng dạy đường lối của Thiên Chúa”. Nào là “Thầy cũng chẳng vị nể ai… Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta” v.v…
Nói nào ngay, những lời tâng bốc đó không sai. Đức Giêsu đã chẳng từng nhận mình: “Là đường, là sự thật” đó sao! Ngài cũng đã chẳng “vị nể ai” khi đã dám “đuổi hết những người đang mua bán trong Đền Thờ”.
Thật ra những lời tâng bốc đó chẳng khác nào một cú đấm thăm dò mà những tay đấm boxing thường sử dụng. Thật vậy, vừa tâng bốc xong, họ quay ngoắt 180o bằng một câu hỏi đầy mắc mứu: “Xin Thầy cho biết ý kiến : có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?”
Trả lời không ư! Nhóm “những người phe Hêrôđê” sẽ tố cáo Đức Giêsu không trung thành với Hoàng đế. Và điều gì sẽ xảy ra? Đương nhiên sẽ sập bẫy họ. Sẽ trúng kế “tá đạo sát nhân – mượn dao giết người” của họ chứ còn gì nữa! Một lũ quần-chúng-tự-phát sẽ xuất hiện, sẽ ra rả vu khống Ngài là “phản động”…
Còn nếu trả lời có! Vâng, mấy ông “thần quyền” Phariseu dễ gì ngồi yên. Họ sẽ huy động “các môn đệ của họ” đi khắp Palestina ra rả vu khống Đức Giêsu là một tên “phản dân tộc”…
Binh pháp Tôn Tử có chép “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Vâng, Đức Giêsu “biết họ có ác ý…”. Chính vì thế Ngài đã dùng kế “điệu hổ ly sơn” để lôi cổ những con hổ giả hình Phariseu và phe nhóm Hêrôđê ra ánh sáng của chân lý và sự thật.
Dùng phương pháp thính thị, Đức Giêsu yêu cầu họ “cho tôi xem đồng tiền nộp thuế”. Khi đồng tiền được đưa ra, Ngài hỏi họ rằng “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Không quá một giây đồng hồ, họ đồng thanh đáp “Của Xê-da”.
Của-Xêda-ư! Hôm đó, Đức Giê-su bảo họ rằng “Của Xêda trả về Xêda”.
**
Câu chuyện được kể tiếp rằng: “Nghe vậy. Họ ngạc nhiên…”. Chỉ có “ngạc nhiên” thôi sao! Đúng ra, phải còn “mắc cỡ” nữa chứ!
Thật vậy, không mắc cỡ sao được, lúc “ra quân” họ đầy khí thế, dư quyết tâm “tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời”… Thảm hại thay, kết cuộc “họ không tài nào bắt quả tang Người lỡ lời” (Lc 20,26).
Hôm đó, Đức Giêsu nói tiếp rằng: “Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Đây mới chính là điều làm cho họ “để Người ở lại đó mà đi”.
Họ biết, có phần chắc như thế, rằng, họ đã đánh mất quyền được làm dân riêng “Của Thiên Chúa”. Có phần chắc, họ đã hiểu những dụ ngôn trước kia Đức Giêsu đã kể, chính là nói về họ. Cho nên, không bỏ đi mà ở lại để làm gì, vì họ, còn cái gì để mà “trả cho Thiên Chúa”!
***
Với nhóm kinh sư và Pha-ri-sêu xưa là vậy. Còn đối với chúng ta hôm nay thì sao? Chúng ta hiểu như thế nào là “Của Thiên Chúa”!
Phải chăng là những “talent”, những “nén bạc” mà Thiên Chúa đã cho chúng ta?
Nếu đúng là vậy, mà sự thật là vậy, thì, thách đố mà hôm nay chúng ta phải thực hiện, đó là, chúng ta sẽ trả cho Thiên Chúa những “tài năng” những “nén bạc” như thế nào.
Vâng, chúng ta đã sử dụng những tài năng, những nén bạc như thế nào! Có sử dụng đúng mục đích hay không? Có sử dụng để làm lợi ích cho gia đình, cho cộng đồng, cho Giáo Hội?
Tại The-xa-lô-ni-ca, cộng đoàn ở đấy đã được thánh Phao-lô “Không ngừng nhớ đến”, nhớ đến những việc họ đã làm, những nỗi khó nhọc họ đã gánh vác”… Vâng, họ “làm vì lòng tin… gánh vác vì lòng mến” (x.1Tx 1, 1-5b)
Nhắc đến điều này để làm gì? Thưa, là để chúng ta xem đó như là câu trả lời cho những thách thức mà chúng ta sẽ phải vượt qua, trong việc sử dụng tốt những “tài năng” những “nén bạc” mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.
Hãy tưởng tượng, nếu những tài năng của chúng ta được “làm vì lòng tin”, những nén bạc của chúng ta được sử dụng “vì lòng mến” thì, điều gì sẽ xảy ra? Phải chăng là chúng ta sẽ có một cuộc sống “láng giềng thân thiết, anh em hòa thuận, vợ chồng ý hợp tâm đầu”!
Xưa, Đức Giê-su đã có câu trả lời “tuyệt hảo” trước những người Pha-ri-sêu. Còn chúng ta hôm nay, nếu chúng ta thực hiện đúng những điều nêu trên, đó chính là câu trả lời… Nói cách khác, đó chính là cách chúng ta “trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa”.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn