TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chuỗi Mân Côi

Thứ tư - 12/05/2021 21:40 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1118
Chuỗi Mân Côi

Chúa Nhật XXVII - TN – A

Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi

***
Chuỗi Mân Côi: chuỗi những “lời kinh sốt mến”

Giống như bốn mùa “Xuân-Hạ-Thu-Đông”được chia theo tiết trời trong năm, lịch Công Giáo cũng được chia theo từng chu kỳ thời gian, xác định bằng các “Mùa Phụng Vụ”.

Mùa Phụng Vụ được bắt đầu bằng “Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh”. Khi mùa Giáng Sinh kết thúc, mùa phụng vụ được tiếp nối bằng mùa thường niên. Xen giữa mùa thường niên là “Mùa Chay và Mùa Phục Sinh”. Khi mùa Phục Sinh kết thúc, mùa thường niên tiếp tục trở về.

Trong mùa-thường-niên, Giáo Hội ấn định một số ngày để kính mười hai vị thánh tông đồ. Các Thánh Tử Đạo hoặc các Thánh nam nữ, sau thời các tông đồ, cũng có những ngày nhất định được kính nhớ. Riêng với Đức Maria, thì đặc biệt hơn, Giáo Hội đã dành riêng một số ngày, thậm chí cả tháng, (tháng năm và tháng mười), để kính nhớ một cách kính trọng về Ngài.

Tại sao? Thưa, sở dĩ Giáo Hội dành nhiều ngày lễ kính Đức Maria là bởi Đức Maria là người đã được Thiên Chúa tuyển chọn để thực hiện chương trình cứu độ của Người.

**
Cuộc tuyển chọn của Thiên Chúa đối với Đức Maria đã được kể lại rằng: Tại “một thành miền Galilê, gọi là Na-da-rét… Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua David. Trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1, 26-27) .

Không ồn ào, không ầm ĩ bởi những tiếng sấm chớp như thường xảy ra thời Cựu Ước, sứ thần của Thiên Chúa vào nhà trinh nữ trong sự tĩnh lặng với những lời đối thoại đầy chân tình.

Hôm ấy, lời phán của Thiên Chúa qua môi miệng sứ thần không gầm thét như là một mệnh lệnh, nhưng là một lời chào hỏi dịu êm “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Và kìa! Có lời chào hỏi nào ngọt ngào hơn khi sứ thần Gáp-ri-en nói tiếp “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”!

Thiên Chúa, qua lời sứ thần, đã gởi đến Maria lời tuyên cáo, rằng “Này đây bà sẽ thụ thai sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao…”

“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Lời chào đã đi vào lịch sử nhân loại. Một lời chào đã được toàn thể cộng đoàn tín hữu Công Giáo lập đi lập lại mỗi ngày, mỗi giờ qua lời kinh nguyện “Kính mừng Maria đầy ơn phước. Thiên Chúa ở cùng bà. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giê-su con lòng bà, gồm phúc lạ”.

Thế nhưng, với cô nàng thiếu nữ Maria xưa, thì lời chào đó là một tiếng sét… tiếng sét của âu lo, của bối rối… Âu lo, bởi, nàng chỉ là một phàm nhân. Bối rối, bởi, nàng “không biết đến việc vợ chồng”.

Chỉ là một cô thiếu nữ thôn dã. Lại là cư dân của Galilê, gọi là Na-da-rét, một địa danh được biết đến như là một nơi “chẳng có cái gì hay cả…”, thế mà lại được Thiên Chúa tuyển chọn làm mẹ “Con Đấng Tối Cao”… Hỏi sao không âu lo và bối rối cho được!

Thế nhưng, đó vẫn là cách Thiên Chúa tuyển chọn. Xưa kia, Người đã tuyển chọn một Môsê, dù ông ta “không phải là kẻ có tài ăn nói” (Xh 4, 10) hoặc như ngôn sứ Giêrêmia, khi ông ta “còn quá trẻ (và cũng) không biết ăn nói” (Gr 1, 6).

Hôm ấy, dù “Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được” cũng chẳng sao, bởi vì, lời sứ thần Chúa đã nói “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” đã hun đúc niềm tin cho Maria.

Và lời trấn an kèm theo lời hứa ban “Xin đừng sợ… Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”, nó đã tạo một luồng gió ân sủng, giúp cô Maria mạnh dạn thốt lên rằng, “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).

Maria, nàng thôn nữ miền Na-da-rét, từ giờ phút cất tiếng “Xin vâng”, người đã gắn chặt cuộc đời mình với Đức Giêsu, cho tới lúc chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện một cách hoàn hảo.

***
Thánh lễ Chúa Nhật hôm nay, lễ kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi. (05.10.2014). Nói tới Đức Mẹ Mân Côi mà không nói tới chuỗi Mân Côi là một thiếu sót lớn.

“Chuỗi Mân Côi” là gì? Thưa, chuỗi Mân Côi, theo truyền thống là một trăm năm mươi kinh, được chia thành những mầu nhiệm: năm sự Vui, năm sự Thương, năm sự Mừng. (Và mới đây là năm sự Sáng).

Suy niệm từng mầu nhiệm, chúng ta sẽ chiêm ngưỡng trọn vẹn chương trình cứu độ của Thiên Chúa, qua những nhân vật Người đã tuyển chọn.

Trước tiên là mầu nhiệm “năm sự vui”. Mầu nhiệm này loan báo cho chúng ta tin vui rằng: Một “Người trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi con trẻ là Emmanuel nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Người trinh nữ đó không ai khác chính là cô nàng Maria, một Maria “khiêm nhường, yêu người, khó nghèo, vâng lời và giữ nghĩa”.

Và đến mầu nhiệm “năm sự thương”. “Thương Yêu!”. Suy niệm mầu nhiệm năm sự thương, chúng ta sẽ thấy Giêsu Con Trời đã tỏ lộ tình yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại như thế nào.

Vâng, qua việc hy sinh chính mạng sống của mình, Giêsu Con Trời đã chịu chết trên thập giá để chuộc tội cho nhân loại. Đúng như những gì Ngài đã rao giảng, “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu. Người liều mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15, 13).

Rồi đến mầu nhiệm “năm sự mừng”. Vâng, quả đúng là mầu nhiệm của vui mừng và hy vọng. Mầu nhiệm năm sự mừng như một tiếng chuông ngân, ngân vang những lời tán dương Thiên Chúa. Người chính là Thiên Chúa toàn năng. Người đã chiến thắng sự chết. Người đã cho chúng ta niềm vui mừng và hy vọng về một ngày sau cũng sẽ được sống lại từ cõi chết.

Cuối cùng (mới đây) là mầu nhiệm “năm sự sáng”. Mầu nhiệm năm sự sáng như một luồng ánh sáng chiếu tỏa dung nhan “Giêsu Con Trời”. Một Giêsu đến thế gian “không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ (Ngài) mà được cứu độ” (Ga 3, 17). Một Giê-su với lời mời gọi “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (x.Ga 6, 54).

Có thể nói cách khác, Chuỗi Mân Côi là một thiên tình sử giữa Thiên Chúa với con người. Một “Thiên Chúa là tình yêu” như lời thánh Gioan tông đồ đã nói “Chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4, …10).

Thiên tình sử Mân Côi. Vâng, quả là một tuyệt phẩm cho niềm tin và lòng phó thác vào Chúa Giêsu. Vì thế không ngạc nhiên khi Chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Lần chuỗi Mân Côi là giao phó những gánh nặng cho Thánh Tâm Thương Xót của Chúa Kitô và Đức Mẹ Maria”.

Chuỗi Mân Côi còn có thể được xem như chuỗi dây liên kết giữa người-với-người. Thật vậy, khi chúng ta “xin cho được ăn ở khiêm nhường”, khi chúng ta biết “vâng lời chịu lụy” và cuối cùng, khi chúng ta có “lòng yêu người”… thì, có vợ chồng nào lại không tâm đầu ý hợp! Có gia đình nào, anh em lại không hòa thuận! Có người láng giềng nào lại không thân thiết với chúng ta!

****
Thưa bạn… bạn có thường xuyên đọc kinh Mân Côi? Và bạn có biết chuỗi Mân Côi, còn được biết đến như là một “cuốn Phúc Âm rút gọn”?

Vâng, điều này đã được Đức Phaolo VI công bố trong Tông Huấn Marialist Cultus.

Cho nên, không gì tốt hơn là chúng ta hãy dùng ngay chính “cuốn phúc âm rút gọn” này để tân-phúc-âm-hóa gia đình chúng ta.

Tất nhiên là, khi đọc, PHẢI LÀ “miệng đọc lòng suy”, suy gẫm những mầu nhiệm trong tâm tình phó thác… xin vâng… như Đức Maria xưa đã một lòng phó thác xin vâng.

Nếu chúng ta lần chuỗi Mân Côi trong tâm tình như thế. Hãy tin, lời cầu xin “cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử” chắc chắn Thiên Chúa sẽ chẳng thể làm ngơ. Người sẽ, như lời thánh Phaolô nói, “… sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Apba, Cha ơi!”.

Apba, Cha ơi. Vâng, đó chính là một ơn phước để chúng ta có thể thưa với Người rằng: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, và đó chính là một khởi đầu tốt để chúng ta cùng cất lên lời kinh Mân Côi, với “từng lời kinh sốt mến xin dâng về Nữ Vương hiển vinh”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây