TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Thánh lễ Mồng Một Tết Ất Tỵ

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,25-34)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Mình Máu Thánh: nguồn sống của chúng ta

Thứ bảy - 10/06/2023 09:28 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   659
“Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6, 58).

Mình Máu Thánh: nguồn sống của chúng ta


Như chúng ta được biết, giáo lý Công Giáo dạy rằng: Có bảy phép Bí Tich, đó là: Rửa Tội, Thêm Sức, Mình Thánh Chúa, Giải Tội, Xức Dầu Thánh, Truyền Chức Thánh, và Hôn Phối.

Trong bảy Bí Tích, có những Bí Tích người tín hữu chỉ được lãnh nhận một lần trong đời, đó là: Rửa Tội, Thêm Sức và Truyền Chức Thánh. Lý do là bởi, ba Bí Tích này “in vào linh hồn ta một dấu thiêng liêng không bao giờ mất được.” Có những Bí Tích người tín hữu được phép lãnh nhận nhiều lần trong đời. Đặc biệt nhất đó là Bí Tích Mình Thánh Chúa.

Khi nói đến Bí Tích Mình Thánh Chúa, có thể nói rằng, đây là Bí Tích quan trọng nhất, quan trọng là bởi bí tích này “ban chính Chúa Giêsu là nguồn mạch mọi ơn Thánh cho ta.” Chính Chúa Giê-su “thực sự hiện diện dưới hình bánh rượu, làm của nuôi linh hồn ta, làm cho ta nên giống Chúa và kết hợp chúng ta trong tình yêu Chúa.”

Bí Tích Mình Thánh Chúa còn được gọi là Bí Tích Thánh Thể. Chất thể của bí tích Thánh Thể “là rượu, bánh và nước.” Mô thể của bí tích Thánh Thể là lời truyền phép: “Này là Mình Ta sẽ bị nộp vì các con… Này là chén Máu Ta, máu sẽ đổ ra vì các con…”

Trong bữa tiệc Lễ Vượt Qua, trước khi chịu chết, Chúa Giêsu lập bí tích này. Hôm ấy, Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà phán: “Hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Ta. Hãy cầm lấy mà uống, này là Máu Ta.”

Đức Giê-su đã thiết lập Bí Tích Mình Thánh Chúa. Đồng thời, Ngài đã có một bài diễn từ nói đến “ơn phước” dành cho những ai lãnh nhận Bí Tích này. Bài diễn từ đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an.

**
Theo Tin Mừng thánh Gio-an ghi lại: Hôm ấy, “Khi dân chúng thấy Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phac-na-um tìm Người.”

Rồi, “khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” Vâng, chỉ là một câu hỏi rất tự nhiên, nhưng dưới cái nhìn thấu suốt của Đức Giê-su, Ngài đã đáp lời rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”.

Đúng vậy, mấy hôm trước đó, chỉ với “năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá” Đức Giê-su đã “hóa bánh ra nhiều” cho năm ngàn người ăn no nê.

Còn hôm nay, Đức Giê-su có lời khuyến cáo với họ, rằng: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.”

Phải là lương-thực-thường-tồn. Phải là thứ-lương-thực-Con-Người-sẽ-ban. “Không…” Đức Giê-su nói tiếp: “…không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian”.

Cuối cùng Ngài tuyên bố: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói, ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ”.

Nghe thế, một sự phản đối giữa đám đông dân chúng và Đức Giê-su đã xảy ra.

Họ phản đối vì không thể nuốt trôi lời Đức Giê-su đã nói: “Tôi là bánh từ trời xuống”. Họ ngạc nhiên vì Ngài “chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao?” Họ đã lớn tiếng nói với nhau, rằng: “Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống?”

Hôm đó, dù cho họ có xầm xì phản đối, Đức Giêsu vẫn nói lên thông điệp từ trời, một thông điệp của tình yêu, rằng: “Thật tôi bảo thật với các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết.”

Cuối cùng, Đức Giê-su khẳng định, rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (x.Ga 6, 51).

Lời công bố của Đức Giê-su như một quả bom tấn, nó đã làm nổ tung thành kiến của những người đang vây quanh Ngài. Chuyện kể rằng: “Người Do Thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”

Bất chấp những lời tranh luận giữa họ với nhau. Đức Giêsu vẫn xác quyết rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” (x.Ga 6, 52-56)

Vai trò và sứ vụ của Đức Giêsu đến thế gian, là để cho thế gian “được sống muôn đời”. Đây không phải là một trò ảo thuật. Đây là ân sủng, một thứ ân sủng đến từ “Chúa Cha là Đấng hằng sống”.

Vâng, hôm ấy, trước đám đông người Do Thái, Đức Giê-su xác quyết rằng: “Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6, 58).

***
Những điều được trình bày trên đây: “đó là những điều Đức Giê-su đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Ca-phac-na-um” (x.Ga 6, 59).

Và, đó chính là lý do, hôm nay, Giáo Hội tiếp tục nói với mọi người tín hữu điều Đức Giêsu đã truyền dạy năm xưa, lời truyền dạy rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

Hôm nay, Đức Giê-su, qua vị linh mục chủ tế, cùng lời truyền thánh hiến Bánh, tiếp tục nói với chúng ta, rằng: “Tất cả các con hãy lãnh nhận mà ăn, vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con”.

Hôm nay, Đức Giê-su, qua vị linh mục chủ tế, cùng lời truyền thánh hiến Rượu, tiếp tục nói với chúng ta, rằng: “Tất cả các con hãy lãnh nhận mà uống, vì này là Chén Máu Thầy, Máu Tân Ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

Có lẽ và thật là như thế, hôm nay, chúng ta không cần tranh luận hay xầm xì về những lời Đức Giêsu đã phán truyền. Bởi vì “Đây là mầu nhiệm đức tin”.

Và, như có lời nói rằng: “Biết điều đó thì khác xa với những ai đã nếm được điều đó”. Thế nên, hãy đáp lời mời gọi của Thiên Chúa, lời mời gọi, rằng “Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế! Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống, hãy bước đi trên con đường hiểu biết” (x.Cn 9, 5-6).

Thế nên, khi đã là một Ki-tô hữu, chúng ta hãy-đến-mà-ăn, bởi như lời Giáo Hội truyền dạy: “Phúc thay ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.  

****
Hôm nay, toàn thể Giáo Hội long trọng mừng lễ Mình Máu Chúa Ki-tô. Chắc hẳn không ít người Công Giáo “thuộc các thế hệ trước, hoài niệm về những cuộc rước kiệu Thánh Thể, với những dòng người dài uốn khúc, với nền nhạc là giai điệu tạo cảm xúc nhẹ nhàng của bài Bình Ca và âm tiết La Tinh kỳ bí của các bài thánh ca cổ mà đỉnh điểm luôn là những lời ca tán tụng quen thuộc bắt đầu với ‘Nào hát lên’ (Panger Lingua) và kết thúc với ‘Đây nhiệm tích’ (Tantim Ergo)”. (trích nguồn: Sunday Preaching).

Vâng, một sự hoài niệm rất để “cảm thấy tiếc nhớ”. Thế nhưng, đừng để sự “tiếc nhớ” lấn át sự “tưởng nhớ”, điều mà Đức Giê-su nhắc nhở năm xưa, rằng: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.” (Lc 22, 19).

Không để sự tiếc nhớ lấn át sự tưởng nhớ, chưa đủ. Còn phải tự hỏi mình rằng: Tôi đã “tưởng nhớ đến Thầy” bao nhiêu lần trong đời? Sao! Mỗi năm một lần ư!

Vâng, câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, nếu chúng ta thờ ơ đến việc tưởng-nhớ-đến-Thầy, thì điều đó sẽ có nguy cơ làm cho chúng ta mất đi hồng phúc kết hiệp với Chúa Giê-su.

Thì đây, lời tông đồ Phao-lô đã nói với những người tín hữu tại Cô-rin-tô, còn đó: “Khi ta cùng bẻ Bánh Thánh đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?”.

Chưa hết, việc tưởng-nhớ-đến-Thầy, mà hôm nay, Giáo Hội gọi là lãnh nhận “Bí Tích Thánh Thể” chính là chất xúc tác, tạo “sự kết hiệp – sự hiệp nhất” chúng ta với nhau trong Đức Ki-tô.

Thật vậy, tông đồ Phao-lô đã chẳng nói: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể”, đó sao! (x.1Cor 10, 16-17).

Chính vì thế, đừng quên tưởng-nhớ-đến-Thầy, ít nhất một tuần một lần. Đừng ngần ngại, “cầm lấy mà ăn” bởi nhờ đó, chúng ta sẽ được, được sống mãi trong tình yêu của Thiên Chúa. Đó, đó là điều Đức Giê-su đã phán hứa: “Kẻ ăn tôi… sẽ nhờ tôi mà được sống” (x.Ga 6, …57).

Lm. Thành Tâm, khi còn tại thế, cũng đã cất tiếng nhắn nhủ chúng ta: “Người ơi! Nào mau tới thờ lạy Chúa! Đồng thanh hợp chung tiếng hát ca khen. Cảm mến ơn Chúa ban tràn lan cho trần gian Mình Máu Thánh nên nguồn sống tuôn ngày đêm.”

Vâng, hãy ghi khắc trong con tim mình, rằng: Mình Máu Thánh: nguồn sống của chúng ta.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây