TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nếu Chết là hết

Thứ năm - 18/11/2021 04:02 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   1077
Cuộc đời con người chấm dứt với cái chết thể lý ư?
Nếu Chết là hết

Nếu Chết là hết
(Thứ Bảy sau Chúa Nhật XXXIII TN – Lc 20,27-40)

Khi đặt ra cho Chúa Giêsu một tình huống dù là hợp luật nhưng dường như là không thể có trong hiện thực đó là bảy anh em trai cùng lần lượt cưới lấy một cô làm vợ sau khi người anh cả qua đời, nhóm người phái Sađốc muốn biện mình cho chủ trương của họ là không có sự sống lại và dĩ nhiên không có sự sống đời sau, sự sống trường sinh. Cuộc đời con người chấm dứt với cái chết thể lý ư? Hầu như ít có ai khẳng định điều này, dù rằng vẫn có đó nhiều người vẫn dùng nó như là một lối biện bạch cho cung cách sống của mình, một lối sống quá bám víu vào những thiện hảo đời này.

Hiện tượng này đã được tác giả sách Khôn ngoan trình bày cách cụ thể trong suốt cả chương 2. Theo tác giả thì những kẻ gian ác cho rằng cuộc đời này chỉ là thoáng qua. Do bởi ngẫu nhiên mà chúng ta có mặt ở đời này và rồi có ngày sẽ trở về cát bụi như chưa từng hiện hữu. Chết là hết, vậy hãy tìm đủ cách để tận hưởng mọi lạc thú trần đời, bất chấp đạo lý công bình hay tình yêu, chỉ có mạnh được, yếu thua: “Ta hãy bức hiếp tên công chính nghèo hèn; kẻ góa bụa, ta đừng buông tha; bọn tóc bạc già nua cũng chẳng nể. Sức mạnh ta phải là quy luật của công lý, vì yếu đuối chẳng làm nên chuyện gì” (Kn 2,10-11).

Trước lối sống vô luân ác độc kiểu này thì tác giả sách Khôn ngoan đã trả lời cách thẳng thừng: “Chúng suy tính như vậy thật sai lầm, vì ác độc mà chúng ra mù quáng… Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người” (Kn 2,21-23). Nhóm Sađốc thời Chúa Giêsu dù không thể xét đoán là ác độc, nhưng họ quá dính bén với các thiện hảo đời này là quyền chức, của cải, danh vọng nên họ dễ sai lầm vì mù quáng. Sử sách ghi rằng họ là nhóm người tư tế vai cao, vị trọng lại liên kết với giới cầm quyền Rôma đang đô hộ nước nhà Do Thái của họ, dĩ nhiên là để hưởng nhiều lợi lộc.

Nỗ lực minh chứng rằng có sự sống đời sau, có sự sống đời đời thì quả thật không mấy dễ. Cố công tìm kiếm những dữ liệu cách minh nhiên thì dường như là không thể vì cần phải có hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn người từ cõi chết sống lại làm chứng thì mới khả tín. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thấy được nhiều bằng chứng cách mặc nhiên để rồi thêm xác tín rằng có sự sống trường sinh, có sự sống đời sau.

Đã là người thì dù có khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ hay sắc tộc thì xưa lẫn nay đều có khát mong được hạnh phúc và khao khát được “trường sinh bất tử”. Và nhân loại mọi thời, mọi nơi đều chân nhận rằng nỗi khát mong này không thể nào đạt thỏa trong cuộc sống dương trần này. Chính vì thế hình thành niềm tin vào sự sống phía sau cánh cửa sự chết. Niềm tin này bàng bạc qua việc cung kính thi hài người quá cố trong nghi tức tẩn liệm, chôn cất. Đây là một trong những tiêu chí mà các nhà khảo cổ học dựa vào để xác định đâu là những bộ xương hóa thạch được xem là xứng với phẩm giá loài người (homo sapiens – người tinh khôn).

Niềm tin vào sự sống lại, sự sống trường sinh đã dần hình thành trong Do Thái giáo khoảng vài ba thế kỷ trước Công Nguyên. Ngôn sứ Êdêkien trong một thị kiến đã thấy các bộ xương khô được đắp da thịt lại và sống lại (Ed 27). Thị kiến này không chỉ nói lên niềm tin vào sự phục hưng của Israel mà là một mạc khải hé mở về sự sống lại. Lời ngôn sứ Đaniel: “trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy, người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục mà bị ghê tởm muôn đời. Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao” (Đn, 12, 2-3). Đến thời Macabêô thì niềm tin vào sự sống lại, vào sự sống đời sau càng rõ nét hơn qua câu chuyện người mẹ và bảy người con chịu tử đạo và chuyện ông Giuđa quyên góp tiền gửi về Giêrusalem xin lễ cầu nguyện cho người đã qua đời. (x.2Mcb 7; 2Mcb 12,38-45). Sách thánh ghi: “Thật thế, nếu ông (Giuđa) không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì việc cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn” (2Mcb 12,44). Một bằng chứng khá hiển nhiên đó là hầu hết tín hữu các tôn giáo và ngay cả người tự xưng là “vô thần” cũng thường cầu nguyện cho người đã qua đời.

“Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống” (Lc 20,38). Kitô hữu chúng ta tuyên xưng niềm tin vào sự sống lại, sự sống đời đời, vì Chúa Giêsu minh nhiên khẳng định chân lý đức tin này. Thử hỏi nếu loài người cho rằng chết là hết thì thế gian này sẽ ra sao? Biết bao sự hỗn độn sẽ xảy ra và hậu quả thật khó lường. Xin đừng quá lo lắng vì vẫn có đó một số người sống mà quên nghĩ đến đời sau. Điều đáng băn khoăn hơn đó là những người đang tuyên xưng rằng có sự sống đời đời mà lại sống như chỉ có đời này. Quá lo lắng cho sức khỏe của riêng mình, quá thủ thân, an phận trong hoàn cảnh dịch bệnh… có thể là một kiểu sống phản chứng với lời tuyên tín: Tôi tin có sự sống đời đời.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây