TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nhật Ký 21 Ngày Đêm Cách Ly Trong Bệnh Viện

Thứ năm - 27/05/2021 04:22 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   669
Những ngày đầu tháng 8 thành phố Buôn Ma Thuột có 3 ca dương tính Covid 19 nên phải cách ly toàn thành phố.

Nhật Ký 21 Ngày Đêm Cách Ly Trong Bệnh Viện (1)


 

 

Ngày thứ nhất
Thứ Ba, ngày 4 tháng 8 năm 2020

Những ngày đầu tháng 8 thành phố Buôn Ma Thuột có 3 ca dương tính Covid 19 nên phải cách ly toàn thành phố.

Tôi tận dụng thời gian có được đi những con phố trong nội thành xem thế nào. Tất cả đều đóng cửa theo chỉ thị của thành phố, chỉ một ít cửa hàng thiết yếu được mở với những điều kiện giãn cách, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.

Thành phố Buôn Ma Thuột, một thành phố năng động của Tây Nguyên, giờ đây thật trầm lắng. Nhất là những cung đường bị phong tỏa.

 

Nhìn dãy nhà hai bên đường đóng cửa im lìm mà lòng buồn vời vợi, thật như tên gọi của nó “Buồn Muôn Thuở”.

Nhưng trong hoàn cảnh này, mọi người đều phải cố lên để chiến thắng đại dịch. Đaklak cố lên! Chúng ta sẽ chiến thắng!

Thứ ba, ngày 4 tháng 8 năm 2020, lúc 11 giờ, đứa con bị tai nạn té thang.

Nhìn thấy mắt cá chân phải lồi ra và ngồi một cục mà thương Nó vô vàn.

 

 

 

Tôi đã khóc. Mẹ Nó cũng khóc. Nhưng không có một giọt nước mắt nào. Tôi nhớ lại, cha tôi đã khóc mà không có một giọt nước mắt nào khi mẹ tôi mất. Đó là tiếng khóc của con tim. Tiếng khóc của đau khổ. Tiếng khóc của mất mát.

Tôi phải tự động viên mình. Phải mạnh mẽ lên vì không ai có thể giúp Nó được trong lúc này ngoài chính mình.

Trong phòng cấp cứu, mẹ Nó luôn hỏi bác sĩ: Có phải cưa chân cháu không, cưa khúc nào? Vì chân phải Nó bị lòi mắt cá, bị gãy xương chân, gãy xương đùi, gãy một phần nhỏ xương chậu. Một viễn cảnh xấu là phải trở thành người tật nguyền.

Tạ ơn Chúa, rất may, nội tạng và cột sống không bị ảnh hưởng gì.

15g bắt đầu vào phòng phẫu thuật.

Mùa Covid này, nhớ hạn chế người chăm sóc, chỉ cho một người thôi. Tôi lên phòng chờ tầng 2, tầng hậu phẫu để chờ xem kết quả.

Thời gian này, gia đình cũng xin nhiều người cầu nguyện. Tôi chẳng biết phải cầu nguyện như thế nào! Chỉ biết phó thác cho Thiên Chúa và Mẹ Maria. Tôi chỉ biết lần hạt Mân Côi và không biết bao nhiêu chuỗi, cho tới 18g thì trên màn hình điện tử thông báo: Nguyễn Hoàng Dũng, 1993, đã phẫu thuật xong.

Tạ ơn Chúa, giai đoạn sơ cứu đã qua.

Trong phòng đợi cũng có khá nhiều người chờ người thân đã phẫu thuật xong để được nhìn thấy mặt. Có người chờ từ 3 giờ, có người chờ từ 6 giờ hay hơn nữa mà chưa được thấy mặt.

24g đêm, cô điều dưỡng bảo đem sữa cho Nó uống. Tôi mới biết giờ Nó đã tỉnh.

Còn tiếp ...

Viết tại bệnh viện Thiện Hạnh
 Nguyễn Thái Hùng

Nhật Ký 21 Ngày Đêm Cách Ly Trong Bệnh Viện (2)
 

 

Ngày thứ 2
Thứ 4, ngày 5 tháng 8


Lúc 5 giờ sáng, phòng hồi sức kêu thân nhân vào để vệ sinh răng hàm mặt hầu chuẩn bị cho bác sĩ khám.

Chiều mồng 5 tháng 8, bác sĩ cho chuyển lên tầng 3, Khoa ngoại – Chấn thương chỉnh hình để theo dõi. Nằm trong phòng này,  người thân mới được gần gũi, trực tiếp chăm sóc bệnh nhân.

Ngày thứ 3 & 4
Ngày 6 và 7 tháng 8 

Sau khi tai nạn xảy ra, tôi tự hỏi: Chúa ơi! Tại sao lại thế này? Chúa muốn nói gì đây???

Tôi có xem bộ phim thời gian trở lui hay thời gian trôi nhanh. Tôi mong ước sao thời gian trở lui để biến cố này không xảy ra. Nhưng nó đã xảy ra!

Nhìn thấy Nó vui vẻ, dẫu phải chịu nhiều đau đớn của thân xác, cũng như mong muốn sớm được phẫu thuật lại để ổn định những vết thương. Tôi lại mong muốn thời gian trôi thật nhanh. Nhưng thời gian không là quá khứ. Thời gian không là tương lai. Thời gian là vĩnh cửu. Thời gian là hiện tại. Thời gian là của Chúa.

Chúa muốn nói với con điều gì đây!!!

Mẹ Nó luôn tạ ơn Chúa, vì mạng sống được giữ lại dẫu phải chịu nhiều thương tích.

Bao nhiêu việc lành, bao nhiêu hy sinh... cũng không bù lại diễm phúc này.

Còn tôi, tôi luôn tự hỏi: Tại sao? Tại sao?

Ngày thứ 5
Thứ bảy, ngày 8 tháng 8

 


Khi mọi thứ tương đối ổn định, Nó được chuyển qua một phòng khác. Phòng 4 giường, giờ cả Nó chỉ có 3 người bệnh. Chúa nhật xuất viện 1 người và thứ 2, người còn lại sẽ xuất viện. Mùa Covid nên ít người.

Một mình bên giường bệnh, nhìn thấy Nó đau đớn mà thương vô vàn.

Tại sao lại là Nó?

Bao nhiêu hoạn nạn của gia đình, gia đình Nó lãnh hết. Con Nó. Vợ Nó. Và chính Nó.

Tại sao vậy??? Chúa ôi !!! ...

 

Còn tiếp ...

Viết tại bệnh viện Thiện Hạnh
 Nguyễn Thái Hùng

Nhật Ký 21 Ngày Đêm Cách Ly Trong Bệnh Viện (3)

 


Ngày thứ 6

Chúa Nhật, ngày 9 tháng 8

Tin Mừng ngày Chúa Nhật 19 thường niên hôm nay, nói về việc Chúa Giêsu bảo các môn đệ qua bờ bên kia. Còn Ngài lên núi một mình. Giữa đêm tối, bão tố nỗi lên. Các môn đệ lèo lái chèo chống vất vả. Canh tư, Chúa đến. Nhưng họ tưởng là ma. Khi Chúa lên tiếng, Phêrô nhanh nhẩu xin được đi trên nước mà đến với Thầy. Chúa đồng ý. Ông đi trên nước như Chúa mà đến với Ngài. Nhưng khi thấy gió to sóng lớn, ông mất tin tưởng và xin ngài: Lạy Thầy, xin cứu con. Chúa Giêsu đưa tay ra nắm lấy tay ông. Cả hai vào thuyền. Sóng dữ liền lặng như tờ (Mt 14,22-33).

Khi đọc những lời tường thuật về thánh Phêrô, ông là người nhiệt tình, luôn tin tưởng vào Thầy, và cũng muốn được quyền năng như Thầy để đi trên sóng dữ. Nhưng khi không còn tin tưởng vào Thầy nữa, ông bị chìm. Ông mau lẹ kêu xin: Lạy ngài, xin cứu con!

Chúa ơi, những ngày ở trong bệnh viện, bao nhiêu lần con đã kêu xin: Lạy Thầy, xin cứu con! Lạy Thầy, xin thương xót con!

Lời kêu xin không biết có đến được với Ngài không?! Hay lại rơi vào thinh không vô biên!
Nhiều lúc, giữa những đau khổ thử thách, con đã không còn phó thác vào Chúa nữa. Con đang chìm dần vào sự quên lãng. Xin Ngài cứu con, lạy Chúa!

Cách ly xã hội đã buồn, lại gặp những cơn mưa như trút nước làm cho cảnh vật thêm buồn hơn. Nhất là Chúa Nhật vắng tiếng chuông nhà thờ, vắng tiếng cầu kinh, vắng cả giáo dân một thời tấp nập đi lễ. Cảnh buồn lại buồn hơn. Tôi đi một vòng thánh đường, tượng Thánh Tâm, Chúa vẫn giang tay đứng đó. Mẹ Maria vẫn chắp tay cầu nguyện. Thánh cả Giuse vẫn giữ hoài Chúa Giêsu. Ai đến. Ai đi. Không một bóng người. Phòng tĩnh nguyện vẫn mở. Hoa vẫn thơm như hương thơm Nước Trời. Chúa ở đó, Mẹ ở đó chờ đợi tôi/ai?

Ngày thứ 7

Thứ hai, ngày 10 tháng 8

 


Cách ly xã hội  bước sang tuần thứ 2.

Những ngày cách ly, trời mưa làm cho thành phố thêm vắng. Thành phố mang một vẻ trầm lắng. Như mảnh đất được cày xới chờ con mưa trời mang đến hoa trái mầu mỡ. Chờ một cuộc cựa mình vươn dậy trên cao nguyên.

Bước sang tuần thứ 2 cách ly, thành phố không có thêm ca nhiễm, và 3 ca dương tính Covid dần âm tính. Một tin tốt lành. Đaklak ơi cố lên! Chúng ta sẽ chiến thắng!

Khoảng đầu canh tư, tôi nghe tiếng Nó thoảng thốt kêu lên: “Bố ơi, cứu con”. Tôi vội vàng chạy sang, nắm lấy cánh tay Nó đưa ra. Nhìn thấy khuôn mặt đau đớn của Nó, tôi hoảng hốt tưởng rằng có điều gì xảy ra cho đại tràng, vì 1 tuần nay Nó chưa đi vệ sinh được. Nhưng ơn Trời, Nó đau đớn bởi vì vặn mình ngược chiều với vết thương.

Mệt mỏi và đau đớn luôn xảy ra trong những ngày này.

Nhìn con đau đớn mà lòng bao thương mến, xót xa.

 

Còn tiếp ...
Viết tại bệnh viện Thiện Hạnh
 Nguyễn Thái Hùng

Nhật Ký 21 Ngày Đêm Cách Ly Trong Bệnh Viện (4)

 
Ngày thứ 8
Ngày 11 tháng 8

Đúng tròn 7 ngày 7 đêm nằm viện, dẫu tinh thần lạc quan và thân thể ê ẩm vì nằm nhiều, Nó có một mơ ước là được phẫu thuật sớm. Song thời gian có giá trị của Nó. Thời gian quay đều. Không nhanh mà cũng không chậm. Thời gian là vĩnh cửu. Thời gian là của Chúa.

Con xin phó thác cho Ngài, ôi lạy Chúa.

Phẫu thuật đa chấn thương là một điều cực khó. Biết bao điều có thể xảy ra. Nhưng sau khi phẫu thuật, một hy vọng tương lai tươi sáng. Chính điều này làm Nó luôn lạc quan trong một thân thể đớn đau. Con xin phó thác trong tay Ngài mọi sự, Chúa ơi!

Một tuần trong bệnh viện, một tuần nhìn con nhiều đau đớn, lòng tôi như chùng lại. Đời người như gió thoảng. Kiếp người quá mong manh.

Chúa ơi, xin cho chúng con thêm sức mạnh để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Nhìn người mẹ bước đi với đôi vai nặng trĩu tình thương, lòng tôi bao bồi hồi: Yêu thương người bạn đời cùng trải qua bao gian khổ và bao niềm vui. Nghịch cảnh hôm nay, nàng luôn tạ ơn Chúa, vì sự sống còn là còn tất cả. Không gì ngoài tình thương của Chúa.

Xin Chúa ban cho gia đình con sức khỏe, sự can đảm của tâm hồn và lòng phó thác mọi sự cho Thiên Chúa Tình Yêu. Xin Mẹ Maria luôn nâng đỡ gia đình chúng con.

Chiều nay như mọi hôm: Trời mưa. Buồn.

Thiếu tiếng chuông. Thiếu lời kinh. Thiếu vắng thánh lễ dâng kính Mẹ Maria như hằng tháng vào mỗi tối ngày 11, lúc 19 g 30 p. Cuộc đời như vô vị.

Tôi kiếm thời gian để cầu nguyện với Mẹ. Tôi không biết phải cầu nguyện thế nào, ngoài việc lần hạt dâng kính Mẹ thôi. Mẹ ơi, xin thương đến con cùng.

Tôi đang có một ước mơ, hành hương 3 địa điểm dâng kính Mẹ trong nội thành Buôn Ma thuột với những bước chân trần.
Khởi điểm với núi Đức Mẹ Lộ Đức, tại nhà thờ Chính Tòa.

Địa điểm thứ 2 là Đền Đức Mẹ Lộ Đức, tại giáo xứ Thánh Linh, chọn ngày 13 hằng tháng, ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, và được cử hành thánh lễ vào lúc 12 giờ trưa.

Địa điểm thứ 3 là bức phù điêu linh ảnh Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp, tại nhà thờ giáo họ Duy Linh, giáo xứ Chính Tòa, được cử hành thánh lễ vào lúc 12 giờ ngày 27 hằng tháng.

Ba địa điểm dâng kính Mẹ Maria này tạo thành một hình tam giác. Có đáng chúng ta làm một cuộc hành hương không bạn nhỉ?

Tôi chắc chắn vào tháng 10 này, tháng dâng kính Mẹ Mân Côi, tôi sẽ đi hành hương để đến xem khoảng cách được ghi bằng bao nhiêu chuỗi Mân Côi.
Khi Covid 19 đang hoành hành, tin Covid 19 sẽ là tin hot.

Hôm nay, thành phố Buôn Ma Thuột có một niềm vui là hơn 200 người sau cách ly 14 ngày, được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành nhiệm vụ và được tái nhập lại với gia đình và cộng đồng. Một chiến thắng khởi đầu cho một tương lai tươi sáng của thủ phủ Tây nguyên.

Tạ ơn chúa.

Đêm đang qua.

Ngày sắp tới.

Con xin phó thác mọi sự cho Thiên Chúa tình yêu.
 
Ngày thứ 9
Thứ Tư, ngày 12 tháng 8

Một ngày mới đã bắt đầu với bao lo âu và hy vọng.

8g, bác sĩ chuẩn bị cho làm mọi xét nghiệm để thứ Sáu phẫu thuật.

Lại thêm một ngày nữa chờ đợi.

Những ngày ở trong bệnh viện, tôi cảm nghiệm được tình thân và sự vui vẻ của mọi người. Từ bác sĩ, điều dưỡng, y công và ngay cả các bệnh nhân nữa. Cầu xin ơn trên ban cho tất cả mọi người cùng gia quyến lòng nhiệt thành, sức khỏe và bình an để phục vụ mọi người ngày càng tốt đẹp hơn, nhất là trong sự cách ly bởi Covid 19.

Trong hoàn cảnh hiện tại, nhân vật Gióp trong Thánh Kinh luôn ám ảnh tâm trí tôi.

Gióp là một người ‘hoàn hảo’ trước mặt Chúa. Xatan xin phép được thử thách ông. Gióp không biết được điều đó. Ông chỉ biết tự nhiên tai họa ập xuống trên gia đình ông. Mọi người nói ông phạm tội. Ông không đồng ý. Ông cũng không biết ý Chúa thế nào. Chỉ biết hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa mà thôi.

 


Tôi luôn nhớ câu nói của ông: “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (G 2,10).

Chuyện đời ông Gióp là một câu chuyện. Tác giả biết hết mọi sự.

Còn chúng ta, biến cố xảy ra trong đời thực. Chúng ta không biết tương lai thế nào. Thời gian là hiện tại. Dấu chỉ là sự kiện xảy ra. Chúng ta phải đọc thánh ý Chúa thế nào đây?

Chúa ơi, thân con mỏng giòn và yếu đuối. Xin Chúa chớ thử thách con.

 

Còn tiếp ...
Viết tại bệnh viện Thiện Hạnh
 Nguyễn Thái Hùng

 

Nhật Ký 21 Ngày Đêm Cách Ly Trong Bệnh Viện (5)

 
Ngày thứ 10

Thứ Năm, ngày 13 tháng 8

8g bác sĩ thông báo ngày mai sẽ phẫu thuật. Mọi xét nghiệm đều thuận lợi.

Con xin phó thác cho Chúa và Mẹ.

Xin thương cứu giúp chúng con.

12g tại Đền Đức Mẹ Thánh Linh, thông thường sẽ có thánh lễ dâng kính Mẹ. Hôm nay, ngày thứ 11 cách ly tại thành phố, không có thánh lễ nhưng cũng có khá đông tín hữu đến với Mẹ với mọi tâm tư khẩn nguyện. Xin Mẹ thương xót chúng con.

Trời Ban Mê hôm nay không mưa. Thành phố có vẻ nhộn nhịp không còn mang dáng vẻ ủ dột của những trận mưa dai dẳng.

Đêm nay, nghĩ lại những gì đã xảy ra, con người chẳng làm được gì. Mọi sự không ngoài tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Chúng con xin tạ ơn Chúa.

Trước khi phẫu thuật, tôi cũng xin quý cha và các bạn hữu cầu nguyện cho Nó được bình an và mọi may lành. Xin chân thành cám ơn quý cha và anh em đã hiệp thông cầu nguyện.

Dẫu biết rằng, khi Nó được phẫu thuật, bao lo âu cũng xuất hiện. Nhưng tự tận tâm hồn, gia đình có sự bình an, nhất là mẹ Nó, luôn cám ơn Chúa vì Nó còn khỏe mạnh như hôm nay.

Trời càng về khuya, không gian càng tĩnh lặng. Tâm hồn như chùng lại. Nhớ những câu nói mà những đêm vắng Nó thốt ra: ‘Con cám ơn bố’, ‘Con xin lỗi bố’, ‘Con làm phiền bố’ mà lòng bao xốn xang, nước mắt chợt rưng rưng.

Cha mẹ yêu con biển trời lai láng, mà con. Chỉ mong con luôn được bình an và hạnh phúc trong Chúa.

Lạy Mẹ Fatima, con luôn yêu mến Mẹ. Xin Mẹ thương nâng đỡ chúng con. Chúng con xin tạ ơn Mẹ.
 
Ngày thứ 11
Thứ Sáu, ngày 14 tháng 8

Hôm nay, ngày áp lễ Mẹ Lên Trời, đoàn con hân hoan dâng lời khẩn nguyện thiết tha lên Mẹ.

Khởi đầu một ngày mới thật ấm áp.

Những tia nắng bình minh xua tan đi cái ảm đạm của những cơn mưa và cũng làm cho con người sáng tươi bao hy vọng.

Niềm vui dần tới vì chỉ còn 2 ngày nữa là thành phố Buôn Ma Thuột được dỡ bỏ cách ly.

Sau khi mọi sự được chuẩn bị đầy đủ, 8g, Nó được đưa vào phòng phẫu thuật với một tinh thần lạc quan. Hy vọng mọi sự sẽ tốt đẹp.

Tôi ở ngoài không biết cầu nguyện thế nào, chỉ biết đọc kinh Mân Côi, xin Thiên Chúa và Mẹ Maria thương ban mọi ơn lành cho gia đình con, cũng như cho Nó có sức khỏe để chịu đựng và y bác sĩ có sự khôn ngoan để phẫu thuật thành công tốt đẹp.

Chúng con xin tạ ơn Chúa và Mẹ đã ban muôn ơn lành cho gia đình chúng con.

Con chỉ biết dâng lên Mẹ những lời kinh yêu mến.

Kính mừng Maria đầy ơn phước…

Kính mừng Maria đầy ơn phước…

Kính mừng Maria...

Kính mừng Maria...

Kính mừng...

Kính mừng...

Amen. Amen.

Amen. Amen.

Amen.

Amen.

Khi chờ đợi càng lâu, âu lo càng lớn. Mẹ Nó chỉ sợ Nó không còn tỉnh lại nữa.

 


Con cũng xin chân thành cám ơn cha Giuse Bùi Công Chính cùng quý cha, anh em LBT và các anh chị em thân hữu cùng bạn bè đã cầu nguyện cho cháu vượt qua được cuộc phẫu thuật đầy khó khăn này. (https://lebaotinhbmt.com/chuyen-nha/nhat-ky-thoi-covid-19-2-758.htmlhttps://lebaotinhbmt.com/chuyen-nha/nhat-ky-thoi-covid-19-7-777.html)

12g45 bảng điện tử hiện lên Nguyễn Hoàng Dũng, 1993, đã phẫu thuật xong. Bao lo âu chợt tan biến. Chúng con xin tạ ơn Chúa.

10 ngày đêm chiến đấu và chờ đợi.

Một giai đoạn mới bắt đầu với nhiều gian nan và hy vọng.

20g được gọi vào chăm sóc, thấy Nó tươi tỉnh mà mừng. Bao nhiêu lo toan bỗng chốc tan biến. Chỉ còn lại một niềm thương yêu.

Một hạnh ngộ không ngờ tới.

Mẹ Nó, trong một thời gian dài, đệm đàn cho các ca đoàn giáo họ Duy Linh, giáo xứ Thánh tâm. Hôm cấp cứu, trước khi vào phòng phẫu thuật, một ca viên là bác sĩ đã nhận ra mẹ Nó. Rồi sau đó, bác sĩ đã nhiệt tình trong hỗ trợ phẫu thuật. 10 hôm sau, phẫu thuật chính thức, Nó lại gặp bác sĩ đó lần nữa. Và đã được giúp đỡ tận tình. Xin chân thành cảm ơn. Một cơ duyên.

Người ta thường nói: Mình cứ giúp đi, Trời sẽ giúp lại.

Xin tạ ơn Trời.

Xin cám ơn đời.

Và cũng xin cám ơn người.

 

Còn tiếp ...
Viết tại bệnh viện Thiện Hạnh
Nguyễn Thái Hùng

 

Nhật Ký 21 Ngày Đêm Cách Ly Trong Bệnh Viện (6)

 

 

 

 
 
Ngày thứ 12
Thứ Bảy, ngày 15 tháng 8

Một ngày mới đã bắt đầu với bao hy vọng.

Những tia nắng đầu tiên của ngày mới đã làm cho lòng người bao rạo rực. Những tia nắng tinh khôi làm tôi nhớ câu hát về Mẹ: “Mẹ Maria đẹp tươi như bình minh chiếu rạng ngời...” (Lm Kim Long, Mẹ Đẹp Tươi). 

 


Hôm nay, cũng là ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời. Như mọi năm, những người con yêu mến Mẹ hân hoan tiến về đồi Đức Mẹ Giang Sơn để mừng lễ.  Từng đoàn người, từng cộng đoàn nối tiếp nhau tiến lên với Mẹ. Năm nay, vì đại dịch Covid 19 và cách ly thành phố, chẳng có mấy ai đến với Mẹ, nhưng những người con yêu mến Mẹ vẫn luôn hướng về Mẹ với bao tâm tư và hy vọng.

Không còn đại lễ. Không còn tụ họp đông người. Điều này làm tôi nhớ lại câu chuyện Chúa Giêsu gặp người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp. Người ta sẽ không còn thờ phượng Thiên Chúa trên núi này hay tại Giêrusalem, mà “Những người thờ phượng Thiên Chúa đích thực sẽ thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và Sự  thật” (Ga 4,23)

Điều này với chúng ta có ý nghĩa gì?

Như Đức giám mục giáo phận Ban Mê Thuột đã nói trong thánh lễ online sáng: Mọi người cùng nhau lần hạt Mân Côi và cầu nguyện chung.

Chính sự cầu nguyện chung này củng cố tình yêu, sự hiệp nhất và đức tin của mỗi người. Đời sống đức tin sẽ sâu đậm hơn, sẽ trầm lắng hơn và cũng sẽ mãnh liệt hơn khi không còn dựa vào những nghi lễ hoành tráng, những rước sách đông đảo, những tụ họp đông người.

Ôi Mẹ yêu dấu.

Con xin dâng muôn vạn lời cảm tạ.

“Kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phước lạ hơn mọi người nữ và Giêsu, Con lòng Bà gồm phước lạ. Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.”
 
Ngày thứ 13
Chúa Nhật, ngày 16 tháng 8

Một ngày mới đầy nắng đã bắt đầu với bao sức sống đang vươn lên.

Xin cảm tạ Chúa.

Đây là Chúa Nhật thứ 2 ở bệnh viện với Nó.

Sau khi phẫu thuật sắp xếp lại những khúc xương gãy, trông Nó khá hơn, và hy vọng kết quả sẽ tốt đẹp. Chúng con xin tạ ơn Chúa.

 


Đọc bài Tin mừng Chúa Nhật thứ 20 thường niên A hôm nay, niềm tin của người mẹ bị thử thách. Dù là dân ngoại, bà mẹ biết quyền năng của Chúa Giêsu, quyền năng có thể cứu chữa con gái bà. Trước sự thinh lặng của Chúa Giêsu, bà càng khẩn thiết kêu cầu. Dẫu bị khinh miệt, bà vẫn khiêm tốn nài xin, vì biết rằng, chỉ có Ngài mới cứu chữa được cho con mình. Chính niềm tin mạnh mẽ và khiêm tốn đó, con gái bà đã được cứu thoát.

Trong cuộc đời của chúng ta, nhiều khi chúng ta gặp một sự thinh lặng từ Thiên Chúa. Sự thinh lặng dai dẳng, làm đức tin của chúng ta chao đảo, và nhiều lúc đẩy chúng ta ngày càng xa rời Chúa.

Đức tin không phải là một sự đòi hỏi.

Đức tin là sự chờ đợi đón nhận hồng ân Thiên Chúa ban nhưng không trong khiêm hạ. Chính sự chờ đợi này làm cho đức tin lớn mạnh hơn.

Tôi luôn nhớ câu nói của thánh Phaolô: Ơn Ta đủ cho ngươi. (x. 2Cr 12,9)

Xin Chúa chớ thử thách chúng con quá sức chịu đựng của chúng con.
 

Còn tiếp ...
Viết tại bệnh viện Thiện Hạnh
 Nguyễn Thái Hùng

Nhật Ký 21 Ngày Đêm Cách Ly Trong Bệnh Viện (7)


Ngày thứ 14
Thứ Hai, ngày 17 tháng 8

0g ngày 17 tháng 8 thành phố Bao Mến Thương được gỡ bỏ cách ly. Giãn cách xã hội vẫn phải tuân giữ. Đây là một niềm vui ngập tràn cho mọi người con thủ phủ Tây Nguyên này.

Tạ ơn Trời đã gìn giữ mọi người được bình an trong cơn đại dịch Covid 19 này.

Ngày mới đã bắt đầu, niềm vui mới vươn lên.

Nhìn thấy Nó tươi tỉnh và vui vẻ lòng tôi cũng bớt lắng lo, dẫu đêm đêm hầu như thức trắng với Nó.

Tôi cũng có những đêm thức trắng như vậy.

Những đêm chờ Nó ở phòng hồi sức với với bao phó thác cho Chúa. Lo âu và hy vọng. Nhìn lên bầu trời trong những ngày mưa gió, chẳng thấy một ngôi sao. Niềm hy vọng duy nhất là tình yêu của Thiên Chúa, dẫu gặp một sự thinh lặng đến từ Ngài. Một sự thinh lặng giữa sự đau khổ của con người. Một Thiên Chúa thinh lặng. Một mầu nhiệm của thời gian mà tôi phải học đọc mọi biến cố xảy ra trong đời sống của mình.

Tôi còn nhớ đêm trắng ở Cầu Đá, nhìn lên bầu trời đầy sao, tìm cho mình một ngôi sao hy vọng.

Tôi còn nhớ những đêm trắng, trên những dòng sông Cao Miên, nhìn lên bầu trời không một ánh sao, cố tìm cho được hướng đi trong đêm tối.

Tôi còn nhớ đêm trắng trên Vịnh Xiêm La, xứ Chùa Vàng, giữa đêm đen tối tăm, bầu trời không một ánh sao chỉ lối. Con thuyền không bánh. Phó thác mọi sự cho Thiên Chúa. Thụ tạo vận hành theo thánh ý Ngài để được về đến bến bình an.

Tôi còn nhớ, trong thập niên cuối những năm 70 và đầu những năm 80, khi đang ở chủng viện, tổ khối huy động những thanh niên nam nữ, đêm đêm đi tuần tra trên những con phố để giữ giấc ngủ bình yên cho mọi người.

Và những đêm trắng của cuộc đời...

7g30

Khi ra khỏi bệnh viện, tôi đi dọc theo những con phố quen thuộc để xem sức sống mới sau gỡ bỏ cách ly. Và ngang qua cung đường bị phong tỏa được gỡ bỏ xem tâm trạng thế nào.

Thật vui, khi thành phố đang cựa mình vươn dậy, dẫu phải giãn cách. Khi ngang cung đường bị phong tỏa được gỡ bỏ cách ly, hầu hết vẫn đóng cửa im lìm chưa sẵn sàng chờ đón ánh bình minh? 14 ngày cách ly cho họ cảm giác được an toàn và vì vậy, họ càng đóng chặt cửa để được an toàn hơn chăng?

Covid 19 đã làm thay đổi mọi sự. Làm con người không con muốn tiếp xúc với nhau nữa. Phá nát mối tương quan cộng hữu giữa người với người. Covid ơi Covid!
9g

Tôi lại đi một vòng những con phố quen thuộc dưới ánh nắng ngày mới. Thật là vui mừng, sự sống đã bắt đầu trở lại với hầu hết các cửa hàng đều mở với những điều kiện giãn cách. Nhộn nhịp và vui tươi. Ngày mới tràn đầy bao hy vọng.

“Qua một buổi chiều và một buổi sáng, Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.” (x. St 1,1-31)
 
Ngày thứ 15
Thứ Ba, ngày 18 tháng 8

Một ngày mới đã bắt đầu.

Nhìn thấy Nó tươi tỉnh mà lòng khấp khởi mừng.

Hai hôm trước, khi ra khỏi phòng hồi sức, mệt mỏi và đau đớn, Nó không ngủ được. Cứ chợp mắt một chút là thức dậy. Nên tôi cũng có những đêm trắng với Nó.

Nó bị nạn cũng là lúc thành phố Buôn Ma Thuột bị cách ly. Khó khăn tiếp nối khó khăn. Gian khổ tiếp nối gian khổ. Vì Covid 19, chỉ một người chăm sóc một bệnh nhân. Và thêm một người để thay đổi. Tuần đầu, tôi ở với Nó 18 giờ. Trước khi phẫu thuật lần 2, xin thêm được một thẻ chăm sóc nữa, nên tôi chỉ còn 14 giờ bên Nó. 10 giờ còn lại mẹ và vợ Nó chăm sóc.

Tất cả đều được khảo sát lịch sử đi lại trong vòng 14 ngày qua để sàng lọc Covid. Covid ơi Covid!

 


Trong phòng bệnh, giường này cách giường kia bởi một tấm nhựa trong với dòng chữ: Vui lòng hạn chế tiếp xúc với người xung quanh.

Không ai là một hòn đảo. Con người sinh ra là để sống cùng nhau và sống với nhau. Covid 19 đã phá tan tất cả. Mọi người sợ lây nhiễm nên hạn chế tiếp xúc. Thế giới chỉ còn lại góc vườn nhà mình.

Khi đọc hàng chữ: Hạn chế tiếp xúc với người xung quanh. Tôi có cảm giác bất ổn.

Người xung quanh là ai? Sao lại là người ‘xung’ quanh?

Xung là xung đột, là quyền lợi của hai bên đang tranh chấp.

Trong cuộc sống hôm nay, nhiều người nhìn tha nhân như là một đối tượng xung đột với mình, tranh chấp với mình trong mọi phương diện, kinh tế, xã hội, văn hóa, tình cảm và ngay cả trong tôn giáo nữa.

Sau Đệ Nhị thế chiến, trước thảm cảnh của chiến tranh, Jean-Paul Sartre đã nói về người thân cận như sau: “Tha nhân là hỏa ngục”.

Ôi! Con người đã đánh mất căn tính của chính mình. Yêu thương, cùng nhau vượt qua gian khó, xây dựng ngôi nhà chung ngày càng tốt đẹp hơn. Đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi sinh linh hiện hữu trên trái đất này.

Khẩu hiệu là vậy.

Mọi người vẫn tiếp xúc với nhau, chuyện trò và giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau vượt qua cơn hoạn nạn.

Hôm nay Nó tỉnh táo nhiều.

Đêm Nó ngủ say. Hy vọng mình cũng có ít thời gian để nghỉ ngơi.

Tạ ơn Chúa một ngày tốt lành.
 

Còn tiếp ...
Viết tại bệnh viện Thiện Hạnh
 Nguyễn Thái Hùng

 

Nhật Ký 21 Ngày Đêm Cách Ly Trong Bệnh Viện (8)

 
Ngày thứ 16
Thứ Tư, ngày 19 tháng 8

Những tia nắng bình minh chiếu rạng ngời.

Một ngày mới đã khởi đầu.

Khởi đầu ngày mới với tâm tình tạ ơn và yêu thương sẽ có một ngày bình an và hạnh phúc. Đừng để những ý nghĩ tiêu cực len lỏi vào tâm hồn làm mất đi niềm vui của ngày mới.

Ngày thứ 16 cùng Nó vào bệnh viện.

Những ngày đầu đau đớn vì 2 lần phẫu thuật cách nhau 10 ngày. Giờ đây trông Nó tươi tỉnh, chịu khó ăn uống để lấy lại sức và tập luyện theo những chỉ dẫn để có thể sớm về nhà. Trở về nhà chính là động lực thúc đẩy Nó. Xin Chúa ban thêm sức mạnh để con vượt qua thử thách này.

Bệnh viện không ai muốn đến, nhưng đôi khi bắt buộc phải vào để điều trị một điều gì đó với cơ thể.

Tôi còn nhớ, vào đầu năm 1983, sau những ngày nghỉ tết trở lại chủng viện, tôi bị một trận ốm thập tử nhất sinh, kéo dài cả tháng. Rất may là không phải đi nằm bệnh viện.

Một lần khác, khi đang ‘lang thang’ ở Sài gòn để tìm một bến đỗ, cơn sốt rét ác tính hành hạ, tôi phải nhập bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Chợ Lớn, để điều trị. Các bác sĩ ngạc nhiên, giữa thành phố, có người bị sốt rét rừng. Té ra, bệnh nhân đã một thời ở rừng núi Tây Nguyên. Thuở đó, làm mọi người một phen vất vả. Xin cám ơn mọi người đã đỡ nâng.

Những năm sau, tôi có dịp chăm sóc vợ, khi nàng phẫu thuật cắt bướu cổ tại bệnh viện Tăng Cường Quân đội, đường Hùng Vương, thành phố Buôn Ma Thuột.

Năm 2002, khi mẹ phải nằm bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Sài Gòn, tôi chỉ đến thăm mẹ. Lúc đó, có những người chị đã chăm sóc mẹ.

Năm 2005, bà ngoại nằm bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn, tôi rất buồn, vì không một lần được đi thăm ngoại.

Năm 2012, cha tôi phải nằm viện, tôi trở về chăm sóc cha. Từ bệnh viện Phước Long, Bình Phước đến bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn. Những ngày đó thật là vất vả cho cả người bệnh và người chăm sóc. Ôi kiếp người mong manh.

Năm 2019, dịch sốt xuất huyết diễn ra trên vùng đất đỏ bazan Bụi Mù Trời, Nó nằm bệnh viện hết mươi ngày.

Con xin phó thác mọi sự cho Chúa. Như lời Thánh Vịnh 37,5:
“Hãy ký thác đường đời cho Chúa,
tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay.”

Ngày đã tàn. Đêm đang qua. Nhìn Nó ngủ say mà lòng con vui mừng vì biết rằng mọi sự sẽ tốt đẹp. Tạ ơn Chúa.

Ngày thứ 17
Thứ Năm, ngày 20 tháng 8

0g

Rồi lại một đêm thức trắng.

Một đêm như mọi đêm.

Nằm nghe tiếng quạt quay đều, quay đều.

Quay đều như sáng chiều.

Quay đều như năm tháng.

Quay đều như xuân hạ thu đông.

Quay đều như thời gian không trở lại.

Quay đều, quay đều, quay đều...

Và tôi

Thiếp đi trong vòng quay của cuộc đời...

Nhưng kìa, có người chờ gặp tôi: Đức Kitô.

Lạy Chúa, con phó thác mọi sự cho tình yêu của Chúa.

5g

Như thường lệ, các cô điều dưỡng đi một vòng để kiểm tra thân nhiệt và huyết áp của bệnh nhân.

Trong giấc ngủ chập chờn tôi nghe tiếng quay đều của quạt trần.

Tôi nghe tiếng xe đẩy của bàn thuốc.

Tôi nghe tiếng bước chân của các cô điều dưỡng.

Và tôi cũng nghe thấy đời mình đang chìm vào vòng tay của... Vô Biên/Vô Thường.

Một giấc ngủ chập chờn đầy mộng mị.

Hôm nay là đúng 1 tuần sau ngày phẫu thuật lần thứ 2. Thức dậy, Nó hăng hái tập luyện. Đau đớn, mệt mỏi và mất sức, song Nó vẫn tươi cười. Ngày trở về nhà đã gần đến. Ước mơ cháy bỏng trong tim trong lúc này.

Những ngày trong bệnh viện, tầng 3, Ngoại-Chấn thương chỉnh hình, tôi thấy rất nhiều người đến và đi. Người lớn tuổi, thanh niên và cả các em bé. Họ bị đủ mọi loại tai nạn.

Có 2 em bé, 1 đứa 4 tuổi, một đứa 2 tuổi, hiếu động. Bố mẹ giữ thế nào để đứa bé té bị... nứt sọ.

Hai vợ chồng già, trên 80, sống ở vùng quê. Để sửa mái nhà, bà giữ thang cho ông leo lên. Khi trở xuống, ông bị ngã đè lên người bà làm bà gãy chân, nhập viện. Còn ông, nặng hơn, được chuyển đi Sài Gòn. Ôi tuổi già đầy mỏng giòn, yếu đuối và cô đơn.

Những ngày chờ đợi Nó phẫu thuật, tôi thấy có nhiều người được phẫu thuật nhất là gì? Là những bà mẹ sinh con. Sau thời gian vất vả mang thai, giờ chuyển mình đau đớn, nhưng một sinh linh đã chào đời, một niềm vui khôn tả (x. Ga 16,21).

Người đến người đi. Đau thương vui mừng luôn là hình ảnh của kiếp người.

Khi khám cho Nó, bác sĩ hay hỏi có đau không?

- Thưa, đau lắm.

Bác sĩ trả lời:

- Đau mới là sống. Không đau mới là chết.

Sự sống được sinh ra trong đau đớn. Chính sự đau đớn cưu mang sự sống. Một huyền nhiệm của cuộc đời.

Trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa tạo dựng con người bằng cách lấy bùn đất nặn nên hình người và ban cho nó sinh khí để có sự sống. Con người là bùn đất nên gắn chặt với bụi tro. Hơn nữa, khi con người chối từ lời Thiên Chúa, làm con người càng xa cách Ngài. Gắn chặt vào thụ tạo bất toàn và tiêu vong. Để được sống trong tình yêu của Thiên Chúa con người phải chuyển dạ, phải chịu đau đớn... mới có thể sống hạnh phúc với ngài (x. St 3,1...).

Ôi đau thương hạnh phúc. Làm sao con hiểu thấu? Chúa ơi!!
 

Còn tiếp ...
Viết tại bệnh viện Thiện Hạnh
Nguyễn Thái Hùng

Nhật Ký 21 Ngày Đêm Cách Ly Trong Bệnh Viện (9)

 
Ngày thứ 18
Thứ Sáu, ngày 21 tháng 8

Nằm suốt ngày, không được hít thở khí trời mát mẻ, đầu đau và thân mình ê ẩm nhất là trong thời khắc chuyển ngày. Từ 21g đêm đến 3 giờ sáng. Nhìn thấy khuôn mặt đau đớn của Nó mà lòng bao thương cảm.

Nó thức, nên tôi cũng có những đêm thức trắng.

Không như người Do-thái, ngày mới được tính khi ánh hoàng hôn lặn tắt.

Đêm chuyển mình trong bóng tối,

Chờ đợi ánh bình minh.

Ánh sáng xua tan bóng tối,

Mang lại sức sống phục sinh.

Tôi nhớ lại hơn 10 năm trước, khi vợ con của thằng bạn thân bị tai nạn và chết. Trong đau thương ngập tràn, tôi đã đến thăm. Tôi không dám nói một lời. Mọi lời nói lúc này chỉ là sáo rỗng. Vợ và con gái yêu, nguồn hy vọng của tuổi thanh xuân nằm đó. Câu hỏi: Tại sao? Tại sao? Và tại sao? Vang lên trong lòng bạn.

Bạn đang tìm kiếm câu trả lời trong đau thương và nước mắt. Tôi chỉ hiện diện và ôm bạn vào lòng như một cử chỉ của sự hiệp thông. Trong thời Chúa Giêsu cũng có tai nạn, tháp Silôác sụp đổ đè chết nhiều (x. Lc 13,4). Tai nạn không từ một ai.

Nhớ lại, trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu, dưới chân thập giá, có Mẹ Maria, có Maria Mađalêna, có vài phụ nữ và cả tông đồ Gioan (x Ga 19,25-27). Không một lời thốt ra. Trong đau thương ngập tràn, chỉ có sự hiệp thông trong đau khổ với Con Thiên Chúa làm người chết trên thập giá mới mang lại hoa trái của ơn cứu độ.

Thời gian không quay trở lại. Thời gian là vĩnh cửu. Thời gian là của Chúa. Thời gian là hiện tại.

Sự cố đã xảy ra, tôi phải đọc nó như thế nào? Thời gian huyền nhiệm của cuộc đời.

Sáng thức dậy, không còn đau nhức. Nó hăng hái tập luyện.

Tập luyện để về nhà.

Tập luyện để về nhà là ước mơ của nó lúc này.

Trưa nay, Nó ngồi được trên xe lăn. Được đẩy đi một vòng quanh bệnh viện, được hít thở khí trời mát mẻ... làm Nó vui mừng. Mơ ước trở về nhà sớm càng lớn lên trong Nó.

Thấy Nó khỏe khoắn và tiến triển tốt, mẹ Nó luôn nói: “Chúa ôm Nó vào lòng. Chúa ôm Nó vào lòng mới có ngày hôm nay”. Chúng con xin tạ ơn Chúa.

 

 

Còn tiếp ...
Viết tại bệnh viện Thiện Hạnh
Nguyễn Thái Hùng 

Nhật Ký 21 Ngày Đêm Cách Ly Trong Bệnh Viện (10)

 
 
Ngày thứ 19
Thứ Bảy, ngày 22 tháng 8

Những tia nắng sáng rực bầu trời thành phố Buôn Ma Thuột làm tâm hồn bao người rạo rực. Ngày mới tốt đẹp đã bắt đầu trên thủ phủ Tây nguyên, xứng danh với thành phố Bông Mặt Trời.

Hai hôm trước, vì ảnh hưởng của bão nên bầu trời Buồn Muôn Thuở chẳng có một tia nắng.

Ngày mới, tâm hồn Nó cũng háo hức mơ một ngày về. Sức trẻ, ý chí, ước mơ và chăm chỉ luyện tập sẽ được sớm trở về nhà.

Hôm nay cũng là ngày lễ Đức Mẹ Trinh Nữ Vương.

Xin Mẹ phù hộ cho gia đình chúng con vượt qua thử thách này.

Con đường quen thuộc của tôi trong những ngày này là gì?

Từ nhà đến bệnh viện Thiện Hạnh: 4,5km.

Từ nhà đến Đền Đức Mẹ Lộ Đức, Gx Thánh Linh: 3 km; nếu đi đường tắt khoảng 2 km.

Từ nhà đến Đài Đức Mẹ Lộ Đức, Gx Thánh Tâm: 70 m.

Năm 1856, lần đầu tiên vào ngày 11 tháng 2, Đức Mẹ hiện ra với em Bernadette Soubirous tại hang Massabiella, Lộ Đức. Những lần hiện ra sau, Mẹ bảo em hãy uống nước ngay bên cạnh em. Em bới và một giòng nước nhỏ vọt lên. Từ đó, giòng nước nhỏ này đã cứu thoát bao nhiêu người một cách lạ lùng. Khoa học không chứng minh được. Hằng nghìn phép lạ như vậy đã được Hội Thánh chấp nhận.

Khi thành lập ngày Quốc Tế Bệnh Nhân, Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã chọn ngày 11 tháng 2, ngày Đức Mẹ hiện ra với chị Bernadette lần thứ nhất, ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức, với ý chỉ: Cầu nguyện cho các bệnh nhân, cầu nguyện cho những người chăm sóc và cũng cầu nguyện cho các nhân viên y tế nữa.

Khi chúng con chạy đến với Mẹ, chúng con xin Mẹ cứu chữa phần xác và cả phần hồn của chúng con. Xin Mẹ thương nâng đỡ chúng con.

Kinh Cầu Cho Các Bệnh Nhân

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ hãy ở bên các bệnh nhân trên khắp thế giới, bên những người bất tỉnh vào lúc này và sẽ chết, bên những người đang bước vào cơn hấp hối, bên những người đã mất hết hy vọng được khỏi bệnh, bên những người đang rên siết quằn quại trong đau đớn thể xác và tâm hồn, bên những người không có khả năng để chạy chữa, vì thiếu hụt tiền của.

Xin Mẹ hãy ở bên những người rất muốn bước đi mà phải nằm bất động, những người đáng được nằm nghỉ mà phải làm việc vì đói khát cơ cực và túng bấn.

Xin thương đến những người đang lăn lộn trên giường vì không tìm được một tư thế nằm dễ chịu, những người phải thao thức trắng đêm trường, những người bị dằn vặt bởi bao lo âu của gia đình túng quẫn, những người mà bệnh tật đã buộc phải từ biệt những ước vọng, những dự tính hằng tha thiết được thực hiện.

Xin Mẹ hãy gần bên những người không tin vào cuộc sống vĩnh cửu, những người chỉ biết than thân trách phận, những người đã hoặc đang có ý muốn tự tử, những người bực tức và chửi rủa Thiên Chúa, những người không được diễm phúc nhận biết Đức Giêsu Kitô, Đấng đã bị bỏ rơi trên Thánh giá và đã lãnh nhận vô vàn đau khổ, và cái chết như họ và cho họ. Amen.
(http://mekhiettam.org/k_cauchobenhnhan.html)
 
Chiều muộn

Cơn mưa chợt đến.

Cơn mưa chợt đi.

Thu. Đã buồn.

Mưa thu càng buồn hơn.

Buồn hơn khi ở trong bệnh viện nhìn những hạt mưa lành lạnh rơi vào hồn. Cái lạnh làm cho tâm hồn co cụm lại. Cô đơn.

Đêm về càng buồn hơn, khi trăng thượng tuần không đủ sức xua tan bóng tối dọi soi bước đường người đi.

Nhìn thấy Nó đi được xe lăn. Mẹ Nó rất mừng.

Những ngày đầu bị tai nạn, không đêm nào mẹ Nó ngủ được yên giấc. Hình ảnh Nó luôn ám ảnh mẹ. Mỗi khi nhìn thấy con đau, nàng cảm thấy như từng khúc ruột đứt ra. Nàng liên tưởng tới Mẹ Maria, khi mẹ chứng kiến việc Con mình bị đối xử cách bất công, bị đánh đập, bị đóng đình và chết trên thập giá. Lòng Mẹ đau thương biết bao nhiêu! Ôi tấm lòng bao la của người mẹ dành cho con.

Xin Mẹ thương nâng đỡ chúng con.

Đêm đang qua và ngày mới sắp đến. Chúng con xin tạ ơn Chúa.

 

 

Còn tiếp ...
Viết tại bệnh viện Thiện Hạnh
 Nguyễn Thái Hùng

 

Nhật Ký 21 Ngày Đêm Cách Ly Trong Bệnh Viện (11)

 
 
Ngày thứ 20
Chúa Nhật, ngày 23 tháng 8

Nó ngủ một giấc say.

Thức dậy, thấy những tia nắng mặt trời lòng Nó lâng lâng vui.

Giờ đây, Nó và vợ đang dạo chơi trong ánh nắng bình minh của một ngày mới.

Chúa Nhật này cũng là Chúa Nhật thứ 3 tôi ở trong bệnh viện với Nó.

Trong những giờ phút có được trong bệnh viện, tôi đọc xong 4 Tin Mừng. Các thánh sử kể lại nhiều phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm cho con người. Với tấm lòng thương yêu, Chúa Giêsu làm cho người mù được thấy (Lc 18,1...), người câm nói được (Mt 9,32-33), người phong hủi được sạch (Lc 17,11-19), người phụ nữ bị rong huyết được khỏi bệnh (Lc 8,43-48), người bại liệt (Mc 2,1-12), người què được đi (Mt 21,14)... Không những Ngài chữa bệnh thân xác mà còn chữa cả tâm hồn nữa. Như người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp (Ga 7,42), như người phụ nữ phạm tội ngoại tình (Ga 8,2-11), như ông Dakêu (Lc 19,1-10), như một Lêvi đã bỏ mọi sự theo Chúa (Mc 2,13-14)... Tất cả mọi người đều có một niềm tin mãnh liệt vào Chúa. Niềm tin Chúa có thể thay đổi thực trạng của mình. Như Chúa nói: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: “Rời khỏi đây, qua bên kia!” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.” (Mt 17,20)

Bài Tin Mừng Chúa nhật 21 thường niên hôm nay, Chúa Giêsu cũng hỏi tôi/chúng ta, như Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ ngày xưa: Các con bảo Thầy là ai? Chúa không nhấn mạnh: Người ta bảo Thầy là ai? Mà là: Các con bảo Thầy là ai? Thầy là gì với các con? Thầy có vị trí nào trong đời sống của các con?

Lạy Chúa, con vẫn tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16) Nhưng giữa sóng gió cuộc đời, xin Ngài nâng đỡ đức tin yếu kém của chúng con.

Chiều nay mưa lớn, không thể đi xe máy đưa cơm được, lại nhờ đến cậu. Mùa Covid, không dám đi xe ngoài, chỉ đi xe nhà. Cậu quá vất vả một phen. Bao lo lắng và nâng đỡ cậu đã giúp. Cám ơn cậu rất nhiều.

Cơn mưa lớn làm những bệnh nhân buồn hơn, nhưng cũng xua đi cái nóng nực. Đêm về gió mát làm mọi người có giấc ngủ bình yên.

Một đêm an lành.

Chúng con xin tạ ơn Chúa.

 

 

Còn tiếp ...
Viết tại bệnh viện Thiện Hạnh
 Nguyễn Thái Hùng

 

Nhật Ký 21 Ngày Đêm Cách Ly Trong Bệnh Viện (Hết)

 

Ngày thứ 21
Thứ Hai, ngày 24 tháng 8

Một tuần mới bắt đầu với bao hy vọng mới.

Trông Nó hớn hở và vui sướng vì ngày về đang tới gần. Lòng tôi cũng hân hoan.

Cùng với Chúa Giêsu, một ngày mới chúng ta sẽ làm gì?

Đọc Tin Mừng, trước những sự kiện quan trọng, Chúa dành thời gian để cầu nguyện, như trước khi ra mắt con cái Ítraen, Chúa vào hoang địa ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày (Mt 4,1-11), trước khi chọn các tông đồ (Mc 3,13-19), trước cuộc khổ nạn thương đau (Lc 22,41-46)...

Khi tai nạn xảy đến, hoặc trước cuộc phẫu thuật, gia đình cũng chạy đến cầu khẩn cùng Chúa, cũng như xin lời cầu nguyện của nhiều người.

Nhưng cầu nguyện là gì?

Cầu nguyện là hiện diện trong tình yêu của Thiên Chúa.

Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa.

Cầu nguyện là hiệp thông với Chúa...

Với những tâm tư nào?

Với tâm tình thờ lạy.

Với tâm tình chúc tụng.

Với tâm tình tạ ơn.

Với tâm tình sám hối.

Với tâm tình cầu xin.

Nhưng thế nào?

Đọc những lời kinh quen thuộc. Hát thánh ca. Suy niệm. Chiêm niệm.

Đó là học lý.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta được bao bọc bởi ân sủng của Thiên Chúa, mọi sự diễn ra dưới ánh mắt thương yêu của ngài. Lời cầu nguyện rất dễ dàng.
Còn trong đau thương, chúng ta cầu nguyện thế nào?

Bao học lý chẳng còn hiện hữu. Đau thương xảy đến chỉ còn biết bám víu vào Chúa từ nhân và Mẹ hay thương xót. Những tâm tình chẳng còn gì ngoài tâm tình phó thác. Chỉ còn lại những lời kinh quen thuộc. Tôi chỉ nhớ có lời kinh Mân Côi dâng lên Mẹ, xin Mẹ gìn giữ, che chở và nâng đỡ chúng con.

Không có thánh lễ cộng đồng. Chỉ có thánh lễ online. Không Thánh Thể. Chỉ có hiệp lễ thiêng liêng. Đây là điều mất mát lớn cho những người đang đau khổ. Đang cần sự đỡ nâng.

Như ông Gióp, bám chặt vào Thiên Chúa dẫu không biết gì hơn.

Trong bệnh viện, không tìm đâu được biểu tượng của đức tin. Chỉ có đức ái biểu hiện nơi mọi người, nói lên sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Khi có thời gian rảnh rỗi, tôi tìm một chỗ có không khí để thở. Trong mùa Covid này, ngoài giờ qui định: Sáng từ 6 đến 7 giờ, trưa từ 10g30 đến 12 giờ, chiều từ 17g đến 19giờ cửa được mở để mọi người chăm sóc đi lại. Ngoài giờ này cửa khóa từ bên trong.

Tôi thường ra phía sau tầng 3 tòa nhà, nhìn về phía siêu thị Metro, có những ô cửa sổ bị phá tấm lưới chắn để các “con nghiện” thuốc lá nhả khói khi thèm thuốc.

Nhìn về phía nam, cột quảng cáo của Metro trở thành một cây thánh giá. Biểu tượng đức tin của những người tin theo Chúa.

Tìm ra biểu tượng “thánh giá” này cũng là niềm an ủi trong đau thương.

Khi thấy Nó đau đớn, mẹ Nó như đứt từng khúc ruột. Và nàng nhớ đến Mẹ Maria. Còn tôi, lại nhớ đến hình ảnh tổ phụ Ápraham trong trình thuật hiến tế con mình (St 22,1-18) đầu tiên.

Khi Thiên Chúa đòi tổ phụ Ápraham biểu lộ tình yêu với Ngài bằng cách hiến tế con mình. Ông một mực vâng theo. Không chất vấn tương lai lời hứa thế nào. Ixaác, đứa con duy nhất, đứa con thừa tự, đứa con của tuổi già mà ông bao thương mến. Lòng ông đau như cắt khi thấy Ixaác vác củi lên núi để đốt của lễ. Mỗi bước chân lên núi là vạn mũi kim đâm thấu lòng cha. Ông vẫn hiên ngang bước đi với niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa. Mọi sự đều tốt đẹp dưới ánh mắt yêu thương của Ngài.

Ixaác là hình ảnh tiên trưng của Chúa Giêsu.

Đức Giêsu, Con Một yêu dấu của Thiên Chúa, được Thiên Chúa ban cho trần gian. Nhưng con người không muốn đón nhận. Họ bắt Chúa Giêsu. Họ đánh đập Ngài. Họ kết án Chúa. Họ bắt Ngài vác thập giá lên Đồi Sọ. Và cuối cùng họ đóng đinh Ngài vào thập giá.

Thử hỏi Chúa Cha có đau không?

Ngài có thấy thảm cảnh Con Duy Nhất yêu dấu của mình bị con người hành hạ cách bất công không?

Ngài có cảm thấy từng khúc ruột đứt ra khi Con mình chịu đau đớn không?

Tôi nghĩ, chí ít, Chúa Cha cũng đau khổ như Mẹ Maria và như chúng ta. Ngài cũng đau đớn vật vã như Mẹ Maria ôm xác Con. Ngài cũng khóc khi thấy Con bị đối xử cách tàn bạo. Nhưng vì yêu con người, Ngài chấp nhận tất cả.

Đó là cái giá của việc con người không nghe lời Chúa, con người xúc phạm đến Ngài. Cái giá Con Thiên Chúa phải chịu khổ hình thập giá để trả lại địa vị làm con của Thiên Chúa mà nguyên tổ đã đánh mất.

Ôi Thiên Chúa tình yêu, xin thương xót chúng con.

Được thông báo ngày mai sẽ trở về, lòng Nó tràn ngập niềm vui.

Chỉ còn đêm nay nữa thôi. Một đêm trắng với bao mộng đẹp.

Với Chúa Giêsu, chúng con xin tạ ơn Ngài.

 

 
Ngày thứ 22
Thứ Ba, ngày 25 tháng 8

Ngày mới với những tia nắng bình minh làm cho tâm hồn ấm áp và đầy niềm vui.

Hôm nay, được về nhà, Nó vui mừng hớn hở.

Thế là 21 ngày đêm đã qua.

Một ngày mới cùng với Chúa Giêsu.

Khi đau thương con đã kêu cầu Chúa như lời Thánh vịnh:

“Lạy Chúa, xin nghe lời con cầu khẩn,
tiếng con kêu, mong được thấu tới Ngài.
Buổi con gặp gian truân, xin Ngài đừng ẩn mặt,
trong ngày con cầu cứu, xin Ngài lắng tai nghe
và mau mau đáp lời.”
(Tv 102,2-3)

Và xin Ngài thương cứu chữa:

“Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.” (Tv 103
,2-3)

Bởi vì:
“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 103,8)
 
Và hôm nay chúng con:

“Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 118,1)
 
Trong 21 ngày đêm, tôi luôn tự hỏi: Thời gian là gì?

Thời gian không là quá khứ. Thời gian chẳng là tương lai. Thời gian là vĩnh cửu. Thời gian là của Chúa. Vậy, thời gian là gì?

Thời gian là hiện tại.

Dấu chỉ hiện tại với tôi/bạn là gì?

Mỗi biến cố xảy ra có ý nghĩa gì với tôi/bạn trong lúc này?

Mẹ Nó luôn nói: “Chúa ôm Nó vào lòng, Chúa ôm Nó vào lòng”.

Chúng con xin tạ ơn Chúa vì “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118,1).

11g Nó bước vào nhà.

Chúng con xin tạ ơn Chúa.


 

Viết tại bệnh viện Thiện Hạnh
 Nguyễn Thái Hùng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây