Chúa Nhật XVII – TN – A
Thánh Thiện và Ân Sủng chính là ngọc quý
Cuộc sống của con người là một cuộc hành trình tìm kiếm. Theo lẽ thường tình, con người thường hay theo đuổi tìm kiếm những gì được cho là quý báu và giá trị. Có người quan niệm rằng, của cải tiền bạc chính là những thứ có giá trị và quý nhất trên đời này. Người khác cho rằng, tiền tài không chưa đủ, còn phải có danh vọng, địa vị, tiếng tăm trong xã hội. Thi sĩ Nguyễn Công Trứ có lời thơ rằng: “Đã mang tiếng đứng trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”. Một số khác lại cho rằng, sức khỏe, học vấn, bằng cấp, v.v… là những thứ giá trị và quý báu nhất cho cuộc sống của mình.
Thật ra, trong cuộc sống trần thế, một trần thế nay còn mai mất, ngoài những giá trị vật chất, con người còn có một thứ giá trị khác, đó chính là giá trị thiêng liêng, một thứ giá trị thật, giá trị vĩnh cửu, đem đến cho con người hạnh phúc và bình an, không chỉ ở đời này, mà còn ở đời sau.
Với người có đức tin, đức tin Ki-tô giáo, thì giá trị đó chính là sự sống đời đời trong Nước Trời, điều mà Đức Giê-su đã phán truyền.
Thật vậy, ngay những ngày đầu của sứ vụ, Đức Giêsu đã lớn tiếng công bố: “Nước Trời đã đến gần”. Và Ngài không quên kêu gọi mọi người rằng “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người”. Và, thông qua một dụ ngôn rất đời thường, Đức Giê-su đã cho mọi người thấy, để có được Nước Trời, phải nỗ lực tìm kiếm. Dụ ngôn đó được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu, với tựa đề “kho báu và ngọc quý”.
**
Vâng, trước hết chúng ta cùng nghe dụ ngôn “kho báu”. Dụ ngôn kho báu được kể rằng: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn dấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn dấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy”.
Và, dụ ngôn “ngọc quý” được kể như sau: “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (x.Mt 13, 45-46).
Với nội dung dụ ngôn thứ nhất, quả thật “người kia” đúng là một con người tràn đầy “nỗ lực”. Người kia đã vận dụng tất cả nỗ lực mình có như: tiền bạc, thời gian để mua cho bằng được thửa ruộng, nói theo ngôn ngữ hôm nay, một thửa ruộng “đầy tiềm năng”.
Còn với người thương gia trong dụ ngôn thứ hai, thì sao nhỉ! Thưa, cũng vậy, người thương gia cũng không thiếu nỗ lực của mình. Nỗ lực đó được biểu hiện qua động thái “bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc đó”.
Mahatma Gandhi có nói: “A small body of determined spirits fired by an unquenchable faith in their mission can alter the course of history - Một lượng nhỏ những tinh thần quyết tâm được nung nấu bởi niềm tin son sắt vào sứ mệnh của mình có thể làm thay đổi dòng lịch sử”.
Qua lời của ngài Gandhi, chúng ta phải nhìn nhận, quả đúng là hai vị trong dụ ngôn đã có một “tinh thần quyết tâm và niềm tin sắt son” của mình. Nhờ thế, hai vị đã thỏa lòng khát khao, lòng khát khao có được cái gì là “giá trị nhất” cho ước mơ của mình.
***
Hôm ấy, Đức Giê-su còn kể một dụ ngôn thứ ba, được mang tên “dụ ngôn chiếc lưới”. Mở đầu dụ ngôn, Ngài đã ví von rằng: “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu vứt ra ngoài”.
Vâng, đọc xong cứ tưởng rằng nó chẳng “ăn nhập” gì với hai dụ ngôn trên. Thực tế là có đấy. Đó là những lời cảnh báo rất quan trọng.
Ngài cảnh báo gì? Thưa, tìm được ngọc quý rồi, tìm được kho báu rồi, tìm được Nước Trời rồi, thế nhưng, để ‘được vào’, còn phải qua một cuộc thanh lọc nữa.
Đây, chúng ta hãy nghe tiếp: “Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.
Vâng, đâu phải cứ là một Ki-tô hữu là được vào Nước Trời! Trên thế gian này đâu thiếu gì những người được gọi là Ki-tô hữu, nhưng lại chống phá Ki-tô giáo!
Là một Ki-tô hữu, phải là người Ki-tô hữu công chính, mới được vào Nước Trời.
Cho nên, ngoài việc tìm-kiếm-Nước-Thiên-Chúa, chúng ta còn phải có, đức-công-chính-của-Người. (x.Mt 6, 33).
****
Trở lại với chuyện kho báu và ngọc quý. Nếu… nếu hôm nay ở đâu đó có kho báu, chắc hẳn cũng sẽ có không ít người đổ xô đi tìm kiếm, phải không, thưa quý vị!
Ở Philippin, tại hòn đảo Panay, người dân ở đây đồn rằng có một kho báu có giá trị cả trăm triệu USD.
“Kho báu được đồn đoán là thuộc sở hữu của tướng Yamashita, một kho báu với vàng thỏi và nhiều vật giá trị lớn được chôn từ Thế chiến thứ II. Yamashita là tướng chỉ huy Nhật Bản tại Philippines thời điểm đó.
Theo những gì được dân gian truyền miệng, vị tướng Nhật này đã chôn một kho báu khổng lồ tại ngôi làng trên, nơi chứa tất cả những gì ông có được trong thời gian chiếm đóng Đông Nam Á.
Yamashita và quân đội của mình đã chống lại quân đội Mỹ nhưng thất bại, vị tướng này bị bắt và xử tử năm 1946 vì tội ác chiến tranh. Kho báu của Yamashita đã lôi kéo những người săn tìm suốt hơn năm mươi năm và thậm chí còn là chủ đề một cuốn sách. Theo ước tính, nó có giá tới hàng trăm triệu đô la”. (source internet).
Săn tìm hơn năm mươi năm vẫn chưa tìm ra. Và, nếu có tìm ra, coi chừng… coi chừng có án mạng… có án mạng vì chia chác không đều, đúng không! Xem những bộ phim nói về những chàng Cowboy đi tìm vàng ở Texas – Hoa Kỳ, chúng ta sẽ hiểu. Toàn là cảnh chết chóc hãi hùng.
Vâng, Pascal, trong tác phẩm nổi tiếng “la Pensées”, ông đã chia làm ba thứ bậc về những gì được xem là quý báu và giá trị.
Bậc thứ nhất liên quan đến vật chất và con người: đó là sự giàu có, đó là sức khoẻ, là sắc đẹp. Bậc thứ hai đó là tài năng siêu việt mà chỉ có các triết gia, khoa học gia, nghệ sĩ và các nhà thơ có được. Giàu có hay nghèo hèn, đẹp hay xấu, không quan trọng đối với những thiên tài. Họ chỉ cần sự ngưỡng mộ.
Còn có một thứ bậc cao hơn, đó là thứ bậc của tình yêu, của lòng tốt mà Pascal gọi đó là thứ bậc của thánh thiện và ân sủng.
Charles Gounod, một nhà soạn nhạc người Pháp, thuộc trường phái lãng mạn, ông được công chúng biết qua tác phẩm Ave Maria chuyển soạn trên tác phẩm của Bach, cũng đồng quan điểm như thế, ông cho rằng: “Một giọt thánh thiện đáng giá hơn một đại dương tài năng.”
*****
Qua những gì Pascal và Charles Gounod chia sẻ, điều chúng ta cần tìm kiếm hôm nay, là gì? Phải chăng đó là sự “thánh thiện và ân sủng”?
Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, Kinh Thánh có lời dạy rằng: “Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.” (x.Lv 19, 2).
Nói với Israel, cũng là nói với chúng ta, nha!
Thế nên, dù muốn hay không, là một Ki-tô hữu chúng ta phải là “một giọt thánh thiện”.
Và, để thực hiện được điều này, không gì tốt hơn là chúng ta hãy dựa vào Kinh Thánh. Lời Chúa trong Kinh Thánh chính là tiêu chuẩn để chúng ta sống thánh thiện. Vì, Kinh Thánh có lời chép rằng, “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”.
Chớ… chớ có nghe “lời-thế-gian”. Lời thế gian chỉ là những lời gian dối, gian xảo, gian manh.
Đấy, hãy nhìn những gì đã và đang xảy ra trước lời-của-thế-gian kêu gọi mọi người xuống đường biều tình đòi công lý cho George Perry Floyd, một người Mỹ gốc Phi, được cho là đã bị ngộ sát do việc hành xử quá tay của một viên cảnh sát tại Powderhorn ở thành phố Minneapolis, tiểu bang Minnesota - Hoa Kỳ.
Công lý đâu không thấy, chỉ thấy lúc nhúc một đám đông cướp phá, đánh đập, thậm chí giết người vô tội. Công lý đâu không thấy, chỉ thấy đốt nhà thờ, chặt đầu tượng Chúa Giê-su, giật đổ tượng Mẹ Maria… trước tiếng reo hò của cái nhóm gọi là Black Live Matter.
Xưa, Chúa Giê-su có nói: Satan là ‘cha sự gian dối’. Ấy thế mà, hôm nay lại có một số con-cái-Chúa (những người này ở Mỹ) ủng hộ người ‘cha’ này, THẾ CÓ BUỒN KHÔNG NHỈ!
Họ, tâm hồn họ, có thể cũng có một chút hướng thiện đấy, nhưng có phần chắc, không có Ân Sủng của Thiên Chúa.
Thế nên, ngoài sự thánh thiện, chúng ta cần có ân sủng của Thiên Chúa. Với lòng khao khát, Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta. Đó là điều thánh Phaolô đã khẳng định: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người.” (x.Êphêsô 1, 4).
Trong Đức Ki-tô, chính là trong Bí Tích Thánh Thể, và trong Bí Tích Thánh Thể, Ngài ban cho chúng ta “ân sủng”, ân sủng được “ở trong Chúa và Chúa ở trong ta”. (x.Ga 6, 56).
Có Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa… cộng với một-giọt-thánh-thiện. Vâng, hãy tin, gia đình chúng ta, sẽ là một gia đình “anh em hòa thuận, vợ chồng ý hợp tâm đầu, láng giềng thân thiết”.
Có Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa… cộng với một-giọt-thánh-thiện. Vâng, hãy tin, người vợ hay người chồng, sẽ chẳng bao giờ phải cất tiếng ca, ca rằng “Từ ngày có em (anh) về, nhà mình toàn tiếng chửi thề”.
Một xã hội, một khu phố, một xóm nhỏ “anh em hòa thuận, vợ chồng ý hợp tâm đầu, láng giềng thân thiết”, nơi đó có phải là Thiên Đàng chăng!
Thế nên, cuộc sống của chúng ta rất cần ‘có Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa’, bởi nhờ đó, chúng ta mới có thể thiết lập được một ‘Vương Quốc Tình Yêu’.
Mà, ở đâu có tình yêu, thì sao nhỉ!? Vâng, ở đó sẽ có Thiên Chúa, như có lời ca “Đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời”. Ở đâu có Đức Chúa Trời, ở đó chính là NƯỚC TRỜI.
Muốn được như thế, chỉ cần… chỉ cần chúng ta sở hữu một kho báu, kho báu mang tên “Thánh Thiện”. Và kèm theo là một viên ngọc quý, viên ngọc mang tên “Ân Sủng”.
Vì thế, hãy ghi khắc trong con tim mình, rằng: “Thánh Thiện và Ân Sủng”, chính là viên ngọc, chính là kho báu chúng ta cần tìm kiếm.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn