TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chính anh em hãy cho

Thứ năm - 27/05/2021 04:10 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   669



CHÚA NHẬT XVIII – TN – A


Chính anh em hãy cho

Thiên Chúa là Đấng toàn năng. Trong Kinh Tin Kính, điều đầu tiên chúng ta tuyên xưng, đó là: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình.”

Không ở đâu con người có thể thấy được sự toàn năng của Thiên Chúa rõ nét nhất trong chương trình sáng tạo của Người. Và, không ở đâu con người có thể thấy sự toàn năng của Thiên Chúa rõ nét nhất trong chương trình cứu độ của Người.

Thật vậy, trong chương trình sáng tạo, Sách Sáng Thế Ký có ghi rằng, Thiên Chúa phán, “Phải có …” thì có như vậy (x.St 1, 3,6,9,…) Con người cần công cụ và vật liệu để sáng tạo, Thiên Chúa đơn giản chỉ một lời phán, và bởi quyền năng của lời Người, muôn vật đã được tạo nên từ hư vô. Chúng ta hãy nghe lời Kinh Thánh có chép: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú.” (x.Tv 33, 6).

Còn trong chương trình cứu độ, thì sao nhỉ? Thưa, rất tuyệt diệu, qua Đức Giê-su, quyền năng của Thiên Chúa đã được tỏ hiện trên thiên nhiên, đó là dẹp yên biển động. Quyền năng của Thiên Chúa đã được tỏ hiện trên con người, đó là chữa người bị quỷ ám, là chữa lành mọi kẻ ốm đau bệnh tật, là dấu lạ hóa nước thánh rượu, là hóa năm chiếc bánh và hai con cá cho năm ngàn người ăn no nê.

Năm chiếc bánh và hai con cá, đó chính là tiền đề cho một câu chuyện nói về quyền năng của Thiên Chúa, qua Đức Giê-su và đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu.

**
Vâng, sự kiện này xảy ra trong bối cảnh ông Gio-an Tẩy Giả bị chém đầu. Hôm ấy, sau sự kiện đau buồn đó, môn đệ ông Gio-an Tẩy Giả đi báo cho Đức Giê-su biết. “Nghe tin ấy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt”. (x.Mt 14, 13).
 
Ngài đến một chỗ hoang vắng riêng biệt để cầu nguyện chăng? Có thể là vậy, vì đó là thông lệ Đức Giê-su vẫn làm.

Tuy nhiên, hôm ấy, nếu Đức Giê-su có cầu nguyện, thì buổi cầu nguyện của Ngài cũng bị gián đoạn, gián đoạn vì có rất nhiều dân chúng “từ các thành đi bộ mà theo Người”. Và, quả thật, khi Đức Giê-su ra khỏi thuyền, Ngài thấy ngay “một đoàn người đông đảo…”. Ngài chạnh lòng thương. Thương, vì trong số họ có cả những người bị bệnh cũng lẽo đẽo đi theo.
 
Một lần nọ, Đức Giê-su có lời tuyên phán, rằng: “Tôi đến là để chiên được sống và sống dồi dào”. Thế nên, hôm ấy, Ngài đã thực hiện lời tuyên phán của mình bằng cách “chữa lành các bệnh nhân của họ”. (x.Mt 14, 14).
 
Cứ sự thường, tới đây, mọi người sẽ giải tán ra về. Còn hôm ấy… hôm ấy, có vẻ như đám đông dân chúng không bận tâm về chuyện “Chiều (đã) đến”.
Phần các môn đệ, khi chiều đến, các ông bắt đầu lo lắng. Chuyện kể tiếp rằng: “Các môn đệ lại gần thưa với Đức Giê-su: Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào làng mạc mua thức ăn’’.

Philomena Agudo, tác giả cuốn sách “Ta đã chọn con” có nói rằng: “Lòng trắc ẩn tương ứng với khả năng yêu thương”. Bản chất của Thiên Chúa là lòng trắc ẩn. Là “Agape”. Là tình yêu thương vô điều kiện.

Thế nên, hôm ấy, khi các môn đệ vừa dứt lời, là một người có lòng trắc ẩn, Đức Giêsu đưa ra một phán quyết trái ngược, rằng: “Họ không cần đi đâu cả. Chính anh em hãy cho họ ăn” (x.Mt 14, 16).

Ôi! tệ thật… Hôm ấy, theo lời tường trình của các môn đệ, thì “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá”, mà thôi. Thế mà Thầy lại bảo “chính anh em” làm công việc “cứu đói”, thì có phải là đội đá vá trời!

Hôm đó, trong khi các môn đệ đang lúng túng vì số lương thực quá ít ỏi, thì, Đức Giê-su rất bình thản, Ngài bảo: “Đem lại đây cho Thầy!”

Đem lại đây cho Thầy, nghĩa là gì! Phải chăng là đồng nghĩa với việc “Họ không cần đi đâu cả. Chính anh em hãy cho họ ăn”!

Thưa, đúng vậy. Hôm ấy, Đức Giê-su “truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng.”

Hôm ấy, dân chúng “Ai nấy đều ăn và no nê.” Chưa hết, mọi người còn được nhìn tận mắt “Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai gói đầy. Số người ăn có tới năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con”. (x.Mt 14, 21).

***
Chúng ta vừa nghe lại câu chuyện “Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều”. Vâng, có lẽ không ít người trong chúng ta, sau khi nghe xong câu chuyện này, cũng sẽ lại như những người dân chúng xưa kia, tiếp tục xuýt xoa về những dấu lạ Đức Giêsu đã làm, về quyền năng mà Ngài đã thực hiện, để rồi tìm cách “bắt Ngài đem đi mà tôn làm vua”, như xưa kia người ta cũng đã dự định như thế.

Chớ… chớ nên có những suy nghĩ như thế. Bởi vì, đó không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là tư tưởng của phàm nhân.

Đức Giê-su, qua phép lạ hóa bánh ra nhiều, Ngài không chỉ chứng tỏ quyền năng của mình trên đời sống của nhân loại, nhưng còn muốn gửi đến mọi người một thông điệp, thông điệp về lòng trắc ẩn, tình liên đới, lòng quảng đại và tình bác ái.

Thật vậy, không tán thành ý kiến của các môn đệ về việc để dân chúng “vào các làng mạc mua lấy thức ăn”, phải chăng, đó chính là bài học về lòng trắc ẩn!

Vâng, với lòng trắc ẩn, sao nỡ bảo người ta về khi trời đã chiều tà, một chiều tà phải đi trên một lộ trình phát xuất từ một nơi hoang vắng, ai dám khẳng định là không có nhiều bất trắc và nguy hiểm!

Bảo các môn đệ: “Đem lại đây cho Thầy!”, dẫu rằng chỉ là đem năm chiếc bánh và hai con cá, phải chăng đó chính là một lời nhắc nhở, nhắc nhở đến tình
liên đới, ‘huynh đệ chi binh’, nhắc nhở đến lòng quảng đại, một điếu thuốc bẻ làm đôi, một ổ bánh mì bẻ làm hai, nhắc nhở đến lòng bác ái, ‘một miếng khi đói, bằng gói khi no’!

****
Thông điệp quá rõ ràng. Và, chúng ta phải là những người thực hiện thông điệp đó. Bởi vì đó là lệnh truyền của Đức Giê-su.

Vâng, Ngài đã đưa ra lệnh truyền, rằng “Họ không cần đi đâu cả”. “Họ” của ngày hôm nay, đó là những người “ngồi quanh đây trán in vết nhăn”. Không phải năm ngàn người. Không phải bốn ngàn người, mà là rất nhiều triệu… nhiều tỷ người không chỉ ở Việt Nam, mà là ở khắp nơi trên thế giới.

Họ đói khát sự công bằng và bác ái. Họ đói khát chân lý và sự thật. Họ đói khát sự sống đời đời. Họ “đói khát được nghe lời ĐỨC CHÚA”…

Ai sẽ cho họ ăn? Thưa, có phần chắc, nếu Đức Giê-su hiện đến, Ngài cũng sẽ nói với chúng ta ‘y chang’ lời Ngài đã nói với các môn đệ năm xưa, rằng: “Chính anh em hãy cho họ ăn”.

Thật vậy, chính chúng ta phải là những nhà sản xuất, những nhà cung cấp, sản xuất và cung cấp ra những chiếc bánh mang tên “bác ái, nhân hậu, từ tâm, hiền hòa, trung tín, tiết độ”, là những loại lương thực có thể thỏa mãn những cơn đói, nêu trên.

Hãy tin, Đức Giê-su, qua việc ban ơn Chúa Thánh Thần, Ngài vẫn luôn đồng hành với chúng ta trong chương trình “thỏa lấp những cơn đói” của thời đại.

“Họ” còn là ai? Thưa, gần nhất, đó là những người con, người cháu của chúng ta. Vâng, có thể nói rằng, chưa bao giờ chúng ta phải chứng kiến một thế hệ trẻ tăng trưởng chiều cao thể xác một cách bất thường, nhưng lại “lùn tâm linh – thiểu năng tâm hồn”, một cách tệ hại.

Vì sao? Phải chăng, vì thế hệ trẻ đó quá dư thừa một thứ “man-na ăn vào rồi cũng chết”, nhưng lại thiếu một thứ “lương thực thường tồn” đem lại sự sống đời đời”? Thưa, đúng vậy. Chúng ta quá quan tâm đến thể xác con em mình.

Chúng ta không tiếc rẻ tiền bạc, thời gian lo cho con em mình phát triển tài năng, học thức. Đó là điều tốt. Thế nhưng, một con người thiểu năng tâm hồn cũng như lùn tâm linh, có phần chắc, xã hội cũng như Giáo Hội, chỉ rặt những con người, sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi. (Việt Nam, thời xã nghĩa hôm nay, như một minh chứng điển hình).

Trách nhiệm thuộc về ai, nếu không phải là chính chúng ta! Thế nên, việc của chúng ta hôm nay, đó là hãy đưa con em mình đến nơi chúng có thể nhận lãnh lương thực thường tồn.

Nơi đó là nơi nào? Thưa, nhà thờ. Nơi mà, mỗi ngày có một Thánh lễ được cử hành. Hãy nhớ rằng: Thánh Lễ là một phần không thể thiếu trong đời sống đức tin Công Giáo. Như, con người cần lương thực nuôi phần thuộc thể. Người Ki-tô hữu cũng cần lương thực nuôi phần thuộc linh. Mà, lương thực nuôi phần thuộc linh kiếm ở đâu, nếu không là ở trong Thánh lễ!

Trong Thánh lễ, có hai “món ăn” người tín hữu sẽ được nhận lãnh để nuôi dưỡng phần thuộc linh. Đó là món ăn “Lời Chúa” qua phần phụng vụ Lời Chúa, và món ăn “Mình Máu Thánh Chúa” nơi bàn Tiệc Thánh Thể.

*****
Vâng, hôm nay mọi sự đã quá rõ ràng, rõ ràng như hai với hai là bốn. Ở nơi đâu con người “đói khát Lời Thiên Chúa”, ở đó có bạo lực, có bạo loạn, có gian dối, có bất công, có chết chóc. Ở nơi đâu con người vất bỏ “Mười Điều Răn Đức Chúa Trời”, ở đó cuộc sống của con người như một nồi cám heo.

Nói lên sự thật này để làm gì? Thưa, để mỗi chúng ta tự hỏi mình rằng, tôi có “đói khát Lời Thiên Chúa”?
 
Nếu có, hãy lắng nghe lời ngôn sứ Isaia truyền dạy, dạy rằng: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây. Dẫu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng… không phải trả đồng nào. Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng… Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi được sống”. (x.Is 55, 1-3).

Vâng, hãy đến-cả-đi… hãy-lắng-tai-và-đến-với-Chúa, bởi chỉ có như thế, chúng ta mới có thể “được sống”, sống không phải để hưởng thụ, để nhận lãnh, nhưng là để “cho đi”, đúng như lời truyền dạy của Đức Giê-su, lời truyền dạy rằng: “Chính anh em hãy cho…”.

 

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây