TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sáng Danh Thiên Chúa Ba Ngôi

Thứ năm - 27/05/2021 03:21 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   701



Chúa Nhật – LỄ CHÚA BA NGÔI


Phải làm ‘Sáng Danh Thiên Chúa Ba Ngôi’

Làm dấu: “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Vâng, là một người ‘có đạo – đạo dòng’, nói mà không sợ sai, ‘làm dấu’ chính là điều đầu tiên chúng ta được cha mẹ dạy bảo. Chúng ta được cha mẹ dạy bảo, thế nhưng có phần chắc, lúc đó chúng ta không hiểu việc ‘làm dấu’ nói lên điều gì.

Làm dấu nói lên điều gì? Thưa, đó là một cử chỉ giản dị nhất để tuyên xưng đức tin Kitô giáo. Làm dấu thánh giá là hình thức tuyên xưng niềm tin vào công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu, Người đã chịu chết trên thập giá tại Golgotha để cứu chuộc con người. Và khi xướng danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, thì đó cũng chính là lúc tuyên xưng Mầu Nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.

Giáo lý Công Giáo dạy rằng: Chỉ có một Thiên Chúa nhưng có Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Một Chúa Ba Ngôi chính là trung tâm điểm của đức tin Ki-tô giáo. Niềm tin này không tự Giáo Hội suy diễn, nhưng dựa vào những sự kiện đã xảy ra bắt đầu từ thuở tạo thiên lập địa cho đến lúc Đức Giê-su xuống thế làm người.

**
Thật vậy, bắt đầu từ thuở tạo thiên lập địa, Kinh Thánh đã mô tả rằng; “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (x.St 1, 1-2).

Trình thuật này đã nói lên một chân lý rằng, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, hai ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa cùng hiện diện trong công trình sáng tạo.

Và rồi, khi Đức Giê-su xuống thế làm người, tại sông Gio-dan, nơi Ngài chịu phép rửa, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần tỏ hiện một cách rõ ràng hơn.

Câu chuyện đã được thánh sử Mát-thêu ghi lại rằng: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3, 16-17).

Nếu dấu chỉ này, chỉ một mình Gioan Tẩy Giả thấy, như lời ông đã làm chứng rằng “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực”, thì vẫn còn đó những lời giảng dạy của Đức Giêsu về một Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Thật vậy, trước giờ ra đi chịu chết, những lời từ biệt của Đức Giêsu lại như là những lời mạc khải về Chúa Cha. Hôm ấy, Ngài đã nói với các môn đệ rằng: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi lại ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy, và Thầy đến cùng Chúa Cha” (Ga 16, …17).

Cuối cùng là, sau khi Phục Sinh, trên một ngọn núi ở Galilê, nơi Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ đến. Một lần nữa, lời tuyên phán của Ngài đến với các môn đệ, có khác gì như một lời mạc khải về Ba Ngôi Thiên Chúa.

Vâng, Ngài đã tuyên phán rằng “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. (Mt 28, 18-19).

Qua những sự kiện nêu trên, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đã được mạc khải. Thế còn Chúa Con? Thưa, đó chính là Đức Giê-su, chính Ngài đã khẳng định, rằng “Ta với Cha là một… Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha”.

***
Nói về Một Chúa Ba Ngôi, người ta thường ví von qua hình ảnh như: so sánh Ba Ngôi Thiên Chúa giống như H2O, tuy ở ba dạng thể: thể lỏng (nước lỏng), thể rắn (nước đá), và thể khí (hơi nước) nhưng tất cả đều được gọi là H2O.

Có người đã so sánh với một quả trứng. Nó có vỏ bọc, có lòng đỏ và có lòng trắng, nhưng cũng chỉ là quả trứng. Và họ cũng không quên hình ảnh về mặt trời nơi phát ra ánh sáng và sức nóng nhưng cũng chỉ được gọi là mặt trời.

Tuy nhiên, tất cả những so sánh đó cũng chỉ là những diễn tả một cách khập khiễng về “Ba Ngôi Thiên Chúa”.

Giảng dạy về Ba Ngôi Thiên Chúa, Đức Giêsu đã không dùng những ngôn ngữ “giới hạn” mà con người đã dùng. Vâng, Ngài đã dùng một thứ ngôn ngữ tuyệt diệu để diễn tả về Thiên Chúa Ba Ngôi, đó chính là ngôn-ngữ-tình-yêu, một thứ ngôn ngữ không giới hạn.

Thật vậy, với Chúa Cha, Đức Giê-su nói về Người rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.

Và rằng: với Chúa Con, “(Ngài) đến thế gian, không phải để lên án thế gian…”, nhưng đến thế gian là để cứu thế gian bằng chính cái chết của Ngài, như lời Đức Giê-su đã nói: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”.

Với Chúa Thánh Thần, hãy nghe tiếp những lời nói sau đây, và chúng ta sẽ nghe rõ thứ ngôn ngữ tình yêu mà Đức Giê-su đã sử dụng để nói về Ba Ngôi Thiên Chúa.

Hôm đó, Đức Giêsu đã nói: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy.” (x.Ga 16, 13-14).

Với những lời loan báo như thế, có gì để ngăn cản chúng ta, hôm nay, cất tiếng tuyên xưng: “Chúa là Thiên Chúa chân thật và hằng hữu, chúng con tôn thờ Ba Ngôi tuy riêng biệt, nhưng cùng một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau”!

****
Khi nói về một Chúa Ba Ngôi, chúng ta sẽ không thể ‘thấu triệt’ mầu nhiệm này. Thế nhưng, những lời tuyên xưng của chúng ta luôn là những lời tuyên xưng bất biến: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng… Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô… Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần…”

Thế nên, chúng ta không nhất thiết phải “bổn cũ soạn lại”, mượn những vật thể như: quả trứng, nước hoặc mặt trời v.v… để diễn tả về một Ba Ngôi Thiên Chúa; và rồi kết thúc bằng câu chuyện thánh Augustino đi lang thang trên bờ biển than thở rằng, Thiên Chúa là Đấng vô hình… rằng thì-là-mà Thiên Chúa cao xa làm sao nói hết về Người.

Bởi vì, Thiên Chúa là Đấng vô hạn sao ta lại dùng những vật thể hữu hạn để mà so sánh về Người! Và, Thiên Chúa nào có cao xa, Người đã mặc lấy xác phàm và đang cư ngụ giữa chúng ta kia mà!

Không… không gì tốt hơn là tiếp tục sử dụng “ngôn ngữ tình yêu”, thứ ngôn ngữ đã được Đức Giê-su sử dụng, khi xưa.

Tại sao lại cần dùng đến thứ ngôn ngữ tuyệt diệu này?

Thưa, là bởi, đó chính là thứ ngôn ngữ đã chinh phục và ‘hiệp nhất’ gần hai tỷ con tim, qua hơn hai mươi thế kỷ, và những con tim đó, hôm nay vẫn đang cất cao giọng hát “Trời xanh ơi hỡi trời xanh. Hãy thuật lại vinh quang của Chúa. Tầng không vút cao muôn trùng hãy loan truyền những việc Ngài làm. Ngày và đêm hãy truyền nhau những kỳ công siêu việt bao la. Chúa đã thương ban cho đời làm bằng chứng tình yêu quang lâm.

Vinh quang Chúa chói ngời. Vinh quang Chúa cao vời, con tin kính tôn thờ mình Ngài. Tôn vinh Chúa muôn loài tri ân Chúa muôn đời. Có ai uy quyền bằng Thiên Chúa Ba Ngôi.”

Chưa hết, khi chúng ta đem ngôn ngữ tình yêu làm hành trang cho cuộc sống đức tin của mình, đó chính là lúc chúng ta ‘để cho Thần Khí hướng dẫn’.
Và khi đã có Thần Khí hướng dẫn, có lẽ nào chúng ta không thể kìm hãm những cơn nóng giận, có lẽ nào chúng ta không thể dẹp bỏ những tranh chấp bè phái, những hận thù, những bất hòa, những ghen tuông!

Không… không nổi giận, không hận thù, không tranh chấp, không bè phái v.v… đó chính là lúc chúng ta đã trình làng trước bàn dân thiên hạ chân dung một “Chúa Cha” – Đấng ‘chậm giận và hay tha thứ’!

Trong một cộng đoàn, khi chúng ta luôn sử dụng ngôn ngữ tình yêu, một thứ ngôn ngữ “phục vụ là trên hết”, chính khi đó hình ảnh về một “Chúa Con” – Đấng đã tuyên bố rằng ‘Con người đến là để phục vụ’, đã được chúng ta trình làng trước bàn dân thiên hạ.

Cuối cùng, trong cuộc sống gia đình, cũng như ngoài xã hội, hay trong Giáo Hội, nơi có nhiều thành viên, nhiều con người, tính khí khác thường, khi chúng ta sử dụng ngôn ngữ tình yêu, một thứ ngôn ngữ “nhẫn nại, từ tâm, hiền hòa”, chính khi đó, hình ảnh về một “Chúa Thánh Thần” không chỉ hiện diện trong ta, mà còn được tỏa chiếu trên khắp thế gian này.

Diễn tả… diễn tả bằng chính cuộc sống của mình, bằng ngôn ngữ tình yêu, để nói về một CHÚA BA NGÔI như thế, khó quá chăng!

Vâng, câu trả lời là của mỗi chúng ta.

Thế nhưng, trước hết, hãy nhớ rằng: nếu xưa kia, tại dòng sông Gio-dan, khi Đức Giê-su chịu phép rửa, từ trời cao, có tiếng phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta”.

Thì hôm nay, khi nhận lãnh Bí Tích Thanh Tẩy, Thánh Thần Chúa cũng đã làm cho chúng ta nên nghĩa tử của Người, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Áp-ba! Cha ơi!” (x.Rm 8, …15)

Được gọi Thiên Chúa là “Cha ơi!”, một Thiên Chúa – Đấng là tình yêu. Vậy, cớ gì chúng ta lại không đem ngôn ngữ tình yêu, một thứ NGÔN NGỮ chính Đức Giê-su đã truyền dạy ‘Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm này, là anh em có lòng yêu thương nhau’, làm hành trang cho cuộc sống đức tin của mình!

Đem ngôn ngữ tình yêu làm hành trang cho cuộc sống đức tin của mình, trước hết, không chỉ là chúng ta tiếp tay vào công trình “sáng tạo, cứu chuộc, thánh hóa” của Ba Ngôi Thiên Chúa, đối với thế gian này, nhưng còn là để làm: “Sáng Danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”.

Tuyên xưng MỘT CHÚA BA NGÔI, chúng ta phải làm “Sáng Danh Thiên Chúa Ba Ngôi”.

 

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây