TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúng ta phải từ bỏ mình

Thứ năm - 27/05/2021 03:27 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   667



Chúa Nhật XIII – TN – A


Chúng ta phải từ bỏ mình

Theo truyền thống, ngày 29/06 hằng năm, toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể hai vị tông đồ Phê-rô và Phao-lô. Khi nói tới tông đồ Phao-lô, thường thì chúng ta nghĩ ngay đến câu chuyện ngài gặp Đức Giê-su và bị ngã ngựa tại Damas. Còn nói tới tông đồ Phê-rô ư! Vâng, chúng ta luôn nghĩ tới ngài như là một kẻ ba lần chối Chúa.

Thật ra, khi nói về các ngài, với tông đồ Phê-rô, điều đầu tiên chúng ta nên nói tới, đó là: ngài chính là một người can đảm, nhiệt thành, đã dám bỏ hết mọi sự, ngay cả mạng sống của mình, cho việc đi theo Thầy Giê-su.

Còn tông đồ Phao-lô thì sao? Thưa, cũng vậy, sau biến cố tại Damas, ngài đã bỏ mọi thứ vinh hoa phú quý của một Phariseu tương lai, để trở thành tông đồ của Đức Giê-su.

Và, nếu để kết luận, chúng ta có thể nói, hai vị tông đồ này đã: “Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”.

**
Vâng, kính-mến-Chúa-trên-hết-mọi-sự cũng chính là điều Đức Giê-su truyền dạy, một lời truyền dạy mà bất cứ ai muốn đi theo Ngài, phải thể hiện.

Đối với ai muốn đi theo Ngài ư! Vâng, Đức Giê-su đã truyền dạy rằng, “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”.

Trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su còn có rất nhiều lời truyền dạy khác dành cho những ai xin đi theo Ngài.

Nhớ, một ngày nọ, có một chàng thanh niên thuộc loại con- nhà-giàu, anh ta tìm đến Đức Giê-su và xin đi theo Ngài. Hôm ấy, Đức Giê-su đã đưa ra lời truyền dạy rằng: “hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo… rồi hãy đến theo tôi”…

Thật đáng tiếc, khi nghe lời truyền dạy đó, chuyện kể rằng, “anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi… vì anh ta có nhiều của cải” (x.Mc 10, 22).

Với một người khác “xin phép về chôn cất cha con trước đã”, Đức Giê-su có lời bảo ban, rằng: “Anh hãy đi theo tôi. Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ”.

Đúng, cuộc đời thì luôn có những vui buồn, những vui buồn trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Thế nhưng, một khi muốn đi theo Đức Giê-su, đừng xem đó như là lý do cho sự trì hoãn quyết định của mình.

Riêng với nhóm các môn đệ, Đức Giê-su có lời truyền dạy mạnh mẽ hơn. Ngài truyền dạy rằng: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy”.  
 
***
Những lời truyền dạy của Đức Giê-su là thế đó. Có quá đáng và có mâu thuẫn với điều răn thứ tư, điều răn mà Đức Chúa Trời truyền dạy, chăng? Thưa không, không là vì đây chỉ là cách nói quyết liệt mà người Do Thái thường dùng.

Thế nên, khi nói lên những lời truyền dạy nêu trên, chúng ta phải hiểu rằng, Đức Giêsu không tự tạo ra mâu thuẫn giữa lời dạy với điều răn thứ tư “Hãy thảo kính cha mẹ”.

Văn chương Cựu ước của Do Thái giáo không có kiểu nói so sánh hơn hay kém.

Thực ra, Đức Giêsu, khi nói như thế, Ngài muốn đặt ra một bậc thang giá trị cho một chọn lựa. Muốn là môn đệ của Đức Giêsu ư! Phải đặt Ngài lên hàng ưu tiên số một trong bậc thang giá trị của con người.

Và, đó chính là lý do Đức Giê-su truyền dạy những người môn đệ của mình, rằng: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được”.

Liều-mất-mạng-sống-mình-vì-Thầy, thưa quý vị, với lời truyền dạy này, đừng nghĩ rằng Đức Giê-su kêu gọi chúng ta ôm bom tự sát, nhé!

Những lời truyền dạy của Đức Giê-su còn có mục đích kêu gọi mọi người hướng đến một lối sống mới, một lối sống đích thực, một lối sống “không còn là tôi sống, nhưng là Đức Ki-tô sống trong tôi”.

Mà thật vậy, là một Ki-tô hữu, nếu cuộc sống của tôi không có Đức Ki-tô sống trong tôi, thì sao nhỉ? Thưa, không có Đức Ki-tô sống trong tôi, chúng ta không thể nói như Ngài, chúng ta không thể làm như Ngài và chúng ta không thể thể hiện một lối sống như Ngài đã sống, đó là một lối sống “Đến là để cho chiên được sống và sống dồi dào”.

****
Những lời truyền dạy của Đức Giê-su đã được công bố cách nay hơn hai ngàn năm. Và, phải chăng những lời truyền dạy của Ngài vẫn còn mang tính thời sự đối với chúng ta, hôm nay?

Thưa, đúng vậy. Vì thế, điều mà chúng ta cần tự hỏi, đó là, sau bao nhiêu năm là một Ki-tô hữu, tôi đã thật sự kính-mến-Chúa-trên-hết-mọi-sự? Tôi có “yêu mến CHÚA, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực”?

Rất… rất hệ trọng cho câu trả lời của mỗi chúng ta. Hệ trọng vì… nếu câu trả lời của chúng ta là chưa-hết-lòng, vâng, đó sẽ là thảm họa, thảm họa là bởi Đức Giê-su sẽ xếp chúng ta vào loại người “hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh”.  

Nếu chúng ta hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, thì sao nhỉ? Thưa, Chúa sẽ ‘mửa chúng ta ra khỏi miệng Người’.

Thế nên, thật là rất cần thiết cho việc chúng ta phải “yêu mến CHÚA, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực”. Bởi có như thế, chúng ta mới có thể nhận được lời Đức Giê-su phán hứa, rằng “Thầy bảo thật, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”.

Hãy… hãy nhớ rằng, khi Đức Giêsu nói với chúng ta: “Từ bỏ…Vác thập giá mình… Liều mất mạng sống mình vì Thầy”, thì đó vừa là một đòi hỏi, vừa là một lời mời gọi. Chúng ta hãy tiếp nhận với lòng tín thác, tín thác rằng, điều gì không thể đối với con người thì có thể thành sự đối với Thiên Chúa.

Cuối cùng, để cho lòng tín thác của chúng ta vào Thiên Chúa luôn là một lòng tín thác tuyệt đối, đừng quên lời truyền dạy của thánh Phao-lô, lời truyền dạy rằng: ‘Anh em… hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay sống lại cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su’.

‘Sống lại cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su’, đó… đó chính là sự minh chứng rõ nét nhất, rằng: tôi đã “Từ bỏ mình để theo Đức Giê-su”.

Vâng, đã là một Ki-tô hữu, “Chúng ta phải từ bỏ mình”.

 

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây